Saturday, August 10, 2019

CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG SẼ LEO THANG TỚI ĐÂU? (Trần Quốc Hùng)




Trần Quốc Hùng (*)   
10/08/2019

(TBKTSG) - Nền kinh tế thế giới vốn đã được liên hợp ngày càng chặt chẽ qua các dây chuyền sản xuất toàn cầu đang đứng trước nguy cơ bị phân tán, ít nhất thành hai không gian kinh tế xoay quanh Mỹ và Trung Quốc.

Ngày 1-8-2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo sẽ đánh thuế nhập khẩu 10% trên 300 tỉ đô la Mỹ hàng nhập từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1-9-2019. Nếu được áp dụng, toàn bộ hàng nhập từ Trung Quốc vào Mỹ - khoảng 540 tỉ đô la Mỹ - sẽ chịu thuế nhập khẩu từ 10-25%. Trung Quốc phản ứng ngay lập tức, tuyên bố “không chấp nhận sức ép hay đe dọa nào” và “sẽ có biện pháp trả đũa cần thiết nếu thuế 10% được áp dụng”.

Lập trường thương mại xa nhau, khó thỏa hiệp

Việc leo thang trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cho thấy cuộc hội đàm ở Thượng Hải cuối tháng 7 vừa qua đã thất bại - lập trường của hai bên trở nên cứng nhắc và cách xa nhau hơn. Phía Mỹ tiếp tục đòi Trung Quốc phải thực hiện những cam kết mà Mỹ cho là hai bên đã đồng ý trong tháng 5 vừa qua (trước khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên 25% trên 250 tỉ đô la Mỹ hàng nhập từ Trung Quốc vì cho rằng Trung Quốc đã không giữ lời hứa). Cụ thể là Trung Quốc phải thay đổi luật pháp và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chấm dứt việc “trộm” và buộc doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ, mua hàng Mỹ để giảm nhập siêu của Mỹ đối với Trung Quốc, mở cửa thị trường Trung Quốc cho doanh nghiệp Mỹ và bảo đảm sân chơi bình đẳng bằng cách bỏ bao cấp và hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Đặc biệt, Mỹ sẽ tiếp tục đánh thuế trên hàng nhập khẩu cho đến khi Trung Quốc thực hiện các cam kết và muốn mình có khả năng đơn phương đánh/tăng thuế nếu thấy Trung Quốc không thực hiện đúng cam kết (mà phía Trung Quốc không được trả đũa).

Ngược lại, Trung Quốc cho rằng không có cam kết gì cho đến khi hai bên hoàn toàn đồng ý toàn bộ thỏa ước. Quan trọng hơn, Trung Quốc muốn Mỹ bỏ ngay mọi thuế nhập khẩu, thương lượng trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau để có thỏa ước cân bằng - nhất là trong cơ chế giám sát và chế tài việc hai bên thực hiện cam kết. Trung Quốc cũng hứa sẽ mua thêm hàng của Mỹ, nhưng khối lượng và thời điểm phải hợp lý và tùy theo nhu cầu của Trung Quốc.

Phân tích đòi hỏi của hai bên, có thể thấy, một số vấn đề có khả năng thỏa hiệp, trừ hai vấn đề cơ bản rất khó có sự đồng ý. Các vấn đề có thể thỏa hiệp gồm phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bỏ việc “trộm”, đòi chuyển giao công nghệ. Lý do chính là bản thân Trung Quốc cũng cần luật lệ rõ ràng để bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình. Trung Quốc cũng muốn mở cửa thị trường Trung Quốc trong một số lĩnh vực như tài chính (để giúp hiện đại hóa thị trường tài chính Trung Quốc) hay ô tô (vì các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc đã đủ sức cạnh tranh với công ty nước ngoài). Ngoài ra, Trung Quốc cũng đồng ý trên nguyên tắc mua thêm hàng của Mỹ, chỉ còn thương lượng về chi tiết.

Vấn đề cơ bản rất khó giải quyết là đòi hỏi thay đổi cơ chế bao cấp và hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp trong những ngành công nghiệp ưu tiên được Trung Quốc chọn để phát triển lên mức dẫn đầu thế giới trong kế hoạch “Làm tại Trung Quốc năm 2025” (“Made in China 2025”). Cơ chế doanh nghiệp nhà nước là nền tảng và cũng là động cơ phát triển và hiện đại hóa kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới, nên Trung Quốc không thể thay đổi được.

Về việc giám sát và chế tài việc thực hiện cam kết, phía Mỹ phải bỏ đòi hỏi cơ chế đơn phương một chiều như hiện nay. Nếu không thì phía Trung Quốc sẽ không thể nào chấp nhận được.

Trung Quốc đã đánh thuế 20-25% trên 110 tỉ đô la Mỹ hàng nhập từ Mỹ. Vì Trung Quốc chỉ nhập 120 tỉ đô la hàng mỗi năm từ Mỹ nên không còn chỗ đánh thuế, trừ khi tăng thuế suất và dùng những biện pháp phi thuế quan để giảm nhập hàng Mỹ và gây khó khăn cho các hoạt động của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, như để tên vào danh sách “các đơn vị không tin cậy” (“Unreliable entities list”). Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể hạn chế việc cung cấp đất hiếm cần thiết cho sản xuất hàng điện và điện tử (đất hiếm gồm 18 loại hợp kim chứa đất hiếm; Trung Quốc khống chế trên 90% sản lượng đất hiếm toàn cầu) và phá giá đồng nhân dân tệ để vô hiệu hóa hiệu ứng thuế nhập khẩu của Mỹ. Hai biện pháp sau cùng sẽ gây phản ứng mạnh từ phía Mỹ và có thể châm ngòi cho cuộc chiến tranh tiền tệ - với hậu quả rất xấu đối với kinh tế thế giới và có khả năng gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hạn chế xuất khẩu và đầu tư đã là... luật của Mỹ

Ngoài việc đánh thuế nhập khẩu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn gồm cả việc hạn chế xuất khẩu và đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Trong năm 2018, Quốc hội Mỹ thông qua hai đạo luật quan trọng với sự ủng hộ rất lớn từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ (và sau đó được Tổng thống Donald Trump ký thành luật). Đó là luật Xem xét lại việc hạn chế xuất khẩu (ECRA: Export control review act) và luật Hiện đại hóa việc phê duyệt các rủi ro trong đầu tư nước ngoài (FIRRMA: Foreign investment risk review modernization act).

Luật ECRA giao cho Bộ Thương mại Mỹ lập danh sách các doanh nghiệp (“entity list”) từ các nước, và trong những ngành, có khả năng đe dọa an ninh quốc gia - chủ yếu là nhắm vào Trung Quốc và các ngành công nghiệp được nêu ra trong kế hoạch “Made in China 2025”. Các doanh nghiệp hay cá nhân Mỹ muốn có quan hệ kinh doanh với những doanh nghiệp trong danh sách này cần phải xin giấy phép của Bộ Thương mại và sẽ bị từ chối trừ trường hợp đặc biệt. Sắp tới Bộ Thương mại sẽ công bố danh sách này và số doanh nghiệp Trung Quốc bị cấm giao dịch với Mỹ sẽ tăng lên rất nhiều. Việc cấm giao dịch với Công ty Hoa Vi (Huawei) và năm công ty máy siêu vi tính (super computers) chỉ là bước đầu.

Luật FIRRMA tăng cường quyền hạn của Ủy ban Xét duyệt đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS: Committee on foreign investment in the US). Vì chế độ xét duyệt trở nên khó khăn hơn, vốn FDI từ Trung Quốc vào Mỹ chỉ còn có 5,4 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018 (và 2,8 tỉ đô la Mỹ trong bốn tháng đầu năm 2019), giảm đến 88% so với đỉnh cao 46,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016.

Việc hạn chế xuất khẩu và đầu tư đối với Trung Quốc là triển khai thực hiện luật pháp nước Mỹ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, vì thế rất khó thay đổi vì chúng không còn là vấn đề kinh doanh và đề tài thương lượng giữa hai nước. Trong tương lai sắp tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bị cấm giao dịch và đầu tư vào Mỹ. Điều này sẽ làm quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng. Nói tóm lại, hai đạo luật ECRA và FIRRMA sẽ có ảnh hưởng lớn và lâu dài hơn so với việc đánh (hay bỏ) thuế nhập khẩu trong quan hệ Mỹ - Trung.

Ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới và Việt Nam

Như đã phân tích, căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung đã vượt qua phạm vi thương mại, đụng chạm đến vấn đề an ninh quốc gia - thể hiện tình trạng cạnh tranh chiến lược toàn cầu giữa hai siêu cường. Quan hệ Mỹ - Trung như thế sẽ tiếp tục căng thẳng và đầy sóng gió, cho đến khi hai nước tìm được cách “chung sống hòa bình”. Quá trình này và kết quả của nó có tác động rất lớn tới nền kinh tế thế giới.

Trước mắt, chiến tranh thương mại và tình trạng bất ổn, không chắc chắn trong môi trường kinh doanh quốc tế đã làm suy giảm tốc độ tăng trưởng thương mại quốc tế, xuống còn 2,6% trong năm nay, so với 3% trong năm 2018, theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới vì thế cũng chậm lại. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 từ 3,6% (tính vào đầu năm nay) xuống còn 3,2%. Nếu thuế 10% như Mỹ vừa công bố có hiệu lực từ ngày 1-9-2019 thì tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ còn giảm thêm. Tình trạng này gây khó khăn cho nhiều nước, đặc biệt là những nước dựa vào thương mại quốc tế như Việt Nam - nước gần như dẫn đầu thế giới với tỷ lệ xuất khẩu/GDP tới trên 100%.

Về lâu dài, nỗ lực của Mỹ nhằm cách ly doanh nghiệp Trung Quốc với doanh nghiệp và kinh tế Mỹ trong các ngành công nghiệp hiện đại, tiên tiến sẽ thúc đẩy Trung Quốc tìm cách tự túc trong việc phát triển các công nghiệp này. Nói chung, Trung Quốc sẽ tìm cách xây dựng không gian kinh tế cho mình, độc lập với Mỹ. Cụ thể, Trung Quốc sẽ cố gắng hoàn tất việc thương lượng tám hiệp định thương mại tự do (FTA), quan trọng nhất là RCEP (Regional comprehensive economic partnership) gồm 10 nước ASEAN và sáu nước đối tác ở châu Á (Trung Quốc đang có 16 FTA với hơn 100 nước). Trung Quốc cũng tiếp tục triển khai dự án Vành đai và con đường (BRI) - hiện đã có hơn 60 nước tham gia các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Quan trọng hơn, Trung Quốc sẽ yểm trợ cho doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu thiết bị và dịch vụ có công nghệ hiện đại, tiên tiến, như Công ty Hoa Vi với công nghệ 5G, Công ty Bắc Đẩu với dịch vụ vệ tinh dẫn đường để cạnh tranh với hệ thống GPS của Mỹ.

Nền kinh tế thế giới vốn đã được liên hợp ngày càng chặt chẽ qua các dây chuyền sản xuất toàn cầu đang đứng trước nguy cơ bị phân tán, ít nhất thành hai không gian kinh tế xoay quanh Mỹ và Trung Quốc. Nếu trở thành hiện thực, điều này sẽ làm tăng giá và phí trong thương mại quốc tế, giảm hiệu năng của kinh doanh và vì vậy giảm tăng trưởng kinh tế, gây khó khăn cho mọi nước trên thế giới.

(*) kinh tế gia ở Mỹ


----------------------

XEM THÊM

Người Việt Online
August 10, 2019
WASHINGTON, D.C. (NV) – Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Sáu, 9 Tháng Tám, bày tỏ sự nghi ngại về triển vọng đạt được thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh, cho thấy ông có thể hủy bỏ các cuộc thương thảo dự trù sẽ diễn ra trong Tháng Chín.

“Chúng ta sẽ xem là có nên tham dự các cuộc họp vào Tháng Chín đó hay không,” Tổng Thống Trump nói với báo chí tại Tòa Bạch Ốc trước khi lên đường đi dự các cuộc vận động gây quỹ ở New York rồi sau đó đi nghỉ tại khu nghỉ mát đánh golf của ông ở New Jersey, theo bản tin của hãng thông tấn AFP.

Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên tệ hại hơn nữa hồi tuần qua, sau khi Tổng Thống Trump loan báo đưa thêm thuế quan nhắm vào hàng nhập cảng từ Trung Quốc, dù đã có thỏa thuận tạm ngưng thương chiến với Chủ Tịch Tập Cận Bình hồi Tháng Năm. Bắc Kinh trả đũa bằng cách ngưng hoàn toàn việc mua nông phẩm Mỹ.

Bộ Tài Chính Mỹ sau đó đưa Trung Quốc vào danh sách các quốc gia khuynh đảo giá trị tiền tệ, sau khi đồng yuan bị tụt giá do có tin thêm thuế quan từ ngày 1 Tháng Chín tới đây.

“Chúng ta hiện chưa sẵn sàng để có thỏa thuận, nhưng chúng ta sẽ chờ xem sao. Chúng ta đang nắm hết các lá bài trong tay. Chúng ta ở vị thế tốt,” Tổng Thống Trump khẳng định.

Ông Trump cũng nói rằng chính phủ Mỹ sẽ không cho phép các công ty trong nước bán sản phẩm cho Huawei, dù rằng trước đó hứa sẽ cho họ nộp đơn xin được miễn các cấm đoán vì lý do an ninh quốc gia khi làm ăn với đại công ty viễn thông này của Trung Quốc.

Lời phát biểu của Tổng Thống Trump đã khiến thị trường chứng khoán New York tuột dốc, trước khi phục hồi phần nào vào cuối ngày Thứ Sáu. (V.Giang)

 ------------------------------------------

Ngô Nhân Dụng
August 9, 2019

Tổng Thống Donald Trump tin rằng quan hệ thân tình giữa cá nhân những người lãnh đạo sẽ đem lại hiệu quả tốt trong việc bang giao. Ông nói đến ông Kim Jong Un với lời lẽ kính trọng, dù trước đây khi chưa giao thiệp từng đặt tên chủ tịch Bắc Hàn là “Thằng Phi Đạn.”

Lần đầu mới gặp ông Trump đã khen ngợi ông Kim là người yêu dân yêu nước và hai người “yêu nhau” (falling in love). Ông khen ông Kim Jong Un gửi những bức thư “tuyệt đẹp” (beautiful letters). Gần đây ông nói ông Kim cho thấy có “viễn tượng tuyệt đẹp” (beautiful vision) cho đất nước của mình.

Sau khi ông Kim cho bắn mấy phi đạn vừa rồi, ông Trump vẫn bỏ qua, tuýt rằng “Chủ Tịch Kim chắc không muốn làm thất vọng bạn của ông ta, Tổng Thống Trump” (Chairman Kim … does not want to disappoint his friend, president Trump). Cùng ngày 2 Tháng Tám, ông nhắc lại lần nữa, cộng thêm lời ca ngợi, trong một tuýt khác: “Chủ Tịch Kim không muốn vi phạm tấm lòng tin tưởng khiến tôi thất vọng… triển vọng của đất nước Bắc Hàn, dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un, sẽ vô giới hạn” (North Korea… potential as a Country, under Kim Jong Un’s leadership, is unlimited).

Có lẽ ông Kim Jong Un hiểu tâm trạng “Ông Bạn” Trump của mình. Cho nên trong ba lần thử phi đạn vừa rồi, ông Kim chỉ cho bắn những tên lửa vừa tầm để đánh Nhật Bản, Nam Hàn (hay Trung Quốc) chứ không phải những thứ bắn tới Los Angeles như trước đây.

Donald Trump cũng để mắt xanh với Tập Cận Bình. Ngay cả khi mới tuyên bố sẽ đánh thuế nhập cảng trên hết số hàng hóa còn lại Trung Quốc bán vào nước Mỹ, $300 tỷ một năm, tổng thống Mỹ vẫn gọi chủ tịch Trung Cộng là “Ông Bạn Tập Cận Bình của tôi.”

Điều đáng chú ý là, đối với Tổng Thống Nga Vladimir Putin thì ông Trump luôn tỏ vẻ kính trọng và nhiều lúc cười đùa thân mật nhưng không thấy ông gọi ông Putin là “Ông Bạn” cũng như không hay dùng các thông điệp Twitter để nói về ông Putin.

Nhưng “Ông Bạn” Tập Cận Bình, khác với “Ông Bạn” Kim Jong Un, đã làm ông Trump thất vọng, tổng thống Mỹ nói thẳng ra như vậy.

Sau khi gặp “Ông Bạn” Tập Cận Bình ở Thượng Hải vào Tháng Sáu, ông Trump về nước khoe “Ông Bạn” đã hứa sẽ cho mua thêm nông sản của Mỹ. Ông Tập Cận Bình và báo, đài Trung Cộng không nhắc gì đến lời hứa hẹn đó. Không ai biết ông Tập đã nói với ông Trump những gì.

Giữa Tháng Bảy, ông Trump tuýt ra rằng sao ông chưa thấy Trung Cộng mua gì cả, ông rất thất vọng. Cuối tháng, hai ông bộ trưởng Mỹ qua Thượng Hải gặp phó thủ tướng Trung Cộng, trở về cũng nói Bắc Kinh sắp mua thêm nông phẩm. Báo chí Bắc Kinh loan tin bộ ngoại thương của họ đang chuẩn bị làm danh sách mua những thứ gì.

Nhưng tổng thống Mỹ muốn thúc đẩy “Ông Bạn” Tập Cận Bình của mình một chút. Phái đoàn Mỹ vừa về nhà, ông Trump tuýt ra một đòn mới: Sẽ đánh 10% thuế quan trên $300 tỷ hàng nhập cảng từ nước Tàu kể từ đầu Tháng Chín.

Miếng đòn này ông Trump tính từ trước. Bộ Trưởng Tài Chính Steven Mnuchin đã muốn nói cho Phó Thủ Tướng Lưu Hạc biết mối đe dọa này để tạo thêm áp lực, nhưng Tổng Thống Trump không đồng ý. Cho nên đối với Bắc Kinh, đây là một cú đánh bất ngờ.

Một điều ông Trump có lẽ không để ý, là lời đe dọa thuế quan trên $300 tỷ này ông đưa ra trong lúc hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc đang đi nghỉ Hè với nhau ở khu du lịch Bắc Đại Hải. Họ gặp nhau hằng ngày bên bờ hồ, bàn đại sự trong không khí vui chơi. Tất cả văn võ bá quan chứng kiến Tập Cận Bình bị Trump tát vào mặt; sau khi Tập mới quyết định cho mua nông phẩm để chiều Trump!

Tập phải ăn miếng trả miếng. Bộ Thương Mại Trung Cộng ra lệnh các doanh nghiệp nhà nước không mua nông sản Mỹ nữa. Bán nông phẩm cho Trung Quốc là mối quan tâm của Tổng Thống Trump, vì sang năm ông cần những lá phiếu của các nhà trồng trọt. Nông sản Mỹ bán sang Tàu năm 2017 là $19.5 tỷ. Vì chiến tranh mậu dịch qua năm 2018 Tàu chỉ còn mua $9.1 tỷ; nửa đầu năm 2019 đã giảm bớt $1.3 tỷ nữa, so với năm trước. Riêng món đậu nành năm 2017 Mỹ bán $12.23 tỷ, năm 2018 chỉ còn $3.13 tỷ. Niên khóa này Mỹ sẽ xuất cảng 10 triệu tấn đậu nành qua Tàu, năm ngoái từng bán được 27 triệu tấn rưỡi. Tập Cận Bình đã đánh vào một yếu huyệt của Donald Trump trước năm bầu cử.

Tập lại bồi thêm một miếng võ tiền tệ. Sau bản tuýt $300 tỷ của Trump, cả thế giới lo trận chiến tranh mậu dịch sẽ leo thang bất tận; thị trường chứng khoán bên Tàu đi xuống. Các nhà buôn tiền tệ nhìn thấy kinh tế nước Tàu cùng với giá trị đồng nhân dân tệ đều đi xuống, họ cùng đem tiền nước Tàu đi mua đô la, đẩy giá xuống thêm. Trung Quốc lẳng lặng để cho đồng tiền nước mình tụt giá, hơn 7 đồng nguyên mới đổi được một đô la.

Mấy năm nay Bắc Kinh vẫn bảo vệ giá trị đồng tiền, mỗi khi nó bị thị trường đẩy xuống thì Ngân Hàng Trung Ương lại đem đô la dự trữ ra mua, không để đô la lên trên mức 7 đồng nguyên. Con số 7 là một “bức tường” tâm lý. Giờ, Tập Cận Bình cho phá bức tường đó.

Ngay lập tức, tổng thống Mỹ phản pháo. Bộ Trưởng Mnuchin tuyên bố đặt Trung Quốc vào danh sách các nước “thao túng đồng tiền” (currency manipulation) để cạnh tranh bất chính. Trung Quốc đã được đặt trong bản danh sách “chờ” bị kết tội này, trong đó có cả nước Đức, Malaysia, Việt Nam và Nam Hàn; bây giờ được nêu đích danh.

Cuộc đấu ăn miếng trả miếng giữa Trump và Tập có chỗ thực, chỗ hư. Đánh thuế 10% trên $300 tỷ mặt hàng sẽ gậy ảnh hưởng thực tế. Ngưng mua nông sản Mỹ sẽ tác động trên cuộc tranh cử của ông Trump năm tới.

Nhưng hai miếng đòn hạ giá đồng nguyên và kết tội thao túng tiền tệ chỉ là đánh nhứ, không có ảnh hưởng đáng kể.

Trước cuộc đấu tay đôi mới này, Ngân Hàng Trung Ương Bắc Kinh đã ấn định mức giá đồng nguyên là 6.9225 đồng lấy một Mỹ kim. Khi họ thả lỏng cho nó rơi, tỷ giá lên tới 7.05. Giá trị chỉ giảm gần 2%. Mấy ngày sau, Bắc Kinh lại cố gắng không cho đồng tiền của mình tụt giá nữa. Bởi vì lợi bất cập hại.

Đồng nguyên tụt giá thì Tàu có lợi khi bán hàng sang Mỹ. Thí dụ một con búp bê bằng nhựa bán sang Mỹ với giá $1. Lúc mỗi đô la bằng 6 nguyên thì người bán bên Tàu thu được 6 đồng. Nếu bây giờ 7 đồng nguyên mới bằng một đô la thì, người Tàu bán vẫn thu 6 đồng nguyên nhưng người Mỹ mua chỉ phải trả 85.7 cent tiền Mỹ thôi. Phải đóng thêm thuế quan 10% thì nhà nhập cảng Mỹ cũng chỉ phải trả hơn 94 cent thôi! Họ có thể tiếp tục mua, có thể bán giá thấp hơn!

Nhưng cho đồng nguyên xuống giá cũng làm nước Tàu bị thiệt. Trước hết, hàng nhập cảng vào nước Tàu, từ bất cứ quốc gia nào, cũng tăng giá; vì trên thế giới này các nước mua bán với nhau đều thanh toán bằng Mỹ kim. Trước đây người Tàu mua món nào $1 giờ vẫn phải trả $1. Chỉ có khi tính ra nhân dân tệ là giá cao hơn. Hàng nhập lên giá, tức là phải lo lạm phát. Kinh tế đang trì trệ mà còn phải lo chống lạm phát! Quá nhiều việc!

Hơn nữa, các công ty ở nước Tàu và các chi nhánh của họ đã đi vay khắp thế giới, và vay bằng đô la, sẽ trả tiền lãi và vốn bằng đô la. Hiện số nợ này lên trên $3,000 tỷ. Đẩy đồng đô la lên tức là bắt người Tàu phải trả lãi và vốn nặng hơn! Trong 12 tháng tới các công ty xây dựng trong nước Tàu sẽ phải trả $18 tỷ tiền vay ở nước ngoài, chưa kể phải trả số nợ trong nước tương đương với $35 tỷ. Cộng Sản Trung Quốc không muốn đô la lên giá quá. Ông Tập Cận Bình đánh một chiêu nhưng sẽ không muốn phải đối phó với các khó khăn trên. Ông sẽ giữ giá trị đồng nguyên không để nó xuống thấp hơn nữa so với đô la Mỹ.

Cho nên, ngày Thứ Năm vừa qua giá Mỹ kim chỉ còn 7.04 nguyên.

Để đáp lại vụ đồng tiền Trung Cộng sụt giá, ông Trump dọa sẽ đẩy giá trị đồng Mỹ kim, ông lại thúc đẩy Ngân Hàng Trung Ương Mỹ cắt lãi suất. Nhưng nếu đô la xuống giá thì chính phủ Mỹ cũng lo. Vì khi thấy đô la trên đà đi xuống thì nhiều nước sẽ “tạm ngưng” không đi mua đô la để cho chính phủ Mỹ vay nữa. Tội gì mua đô la bây giờ, khi biết rằng mai mốt ông Trump sẽ đẩy đồng tiền xuống giá? Hiện mỗi năm ngân sách Mỹ thiếu hụt $1,000 tỷ, thế nào cũng phải vay thêm nâng số $22,000 tỷ nợ lên cao hơn!

Miếng đòn đánh trả của Mỹ “kết tội thao túng tiền tệ” cũng là một hư chiêu. Lần trước, nước Tàu đã bị đặt vào danh sách “thao túng tiền tệ” vào năm 1994, thời ông Bill Clinton, và đó là một đòn đánh thật vì Bắc Kinh mới phá giá đồng nguyên 50%. Năm nay, trong lời tuyên bố của ông Mnuchin ông nói thêm rằng quyết định này còn phải tham khảo với Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF). Chắc chắn Bắc Kinh sẽ tìm cách thuyết phục IMF rằng họ không hề thao túng.

Với những đòn đánh qua đánh lại, nửa thực nửa hư như trên, Tháng Chín tới, hai bên Mỹ, Tàu chắc sẽ còn gặp nhau nữa.

Nhưng Tổng Thống Trump chắc đã rút ra được một bài học: Không thể cứ gọi lãnh tụ một nước khác là “Bạn” thì sẽ làm cho họ trở nên hiền lành dễ thương! Ông Tập hay cậu Kim, người nào cũng lo quyền lợi riêng của họ. Sự thật là “Trade War is not good! Trade war is not easy to win!” 








No comments: