Friday, August 23, 2019

NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT : LÀM SAO ĐỂ TRÁNH THẦY BÓI XEM VOI? (Bảo Như - Tia Sáng)




20/08/2019 11:52 

Vừa qua cuộc thảo luận về nguồn gốc người Việt lại dấy lên sau khi có một nhóm nghiên cứu công bố trên truyền thông về nguồn gốc thuần chủng của người Việt cũng như bộ gene người Việt hoàn toàn khác so với bộ gene người Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể nói nguồn gốc người Việt là con voi khổng lồ (tộc người khác cũng tương tự). Do vậy, cần sự tham gia của chuyên gia từ nhiều chuyên ngành, ở nhiều giác độ khác nhau để thảo luận về vấn đề phức tạp và rất dễ gây chia rẽ này.

TS Nguyễn Việt (trái) và TS Trần Trọng Dương tại buổi tọa đàm. Ảnh: HL.

Đó là một thông điệp được đặt ra tại tọa đàm “Nguồn gốc người Việt: Từ khảo cổ học đến khảo cổ học tri thức”, với hai diễn giả TS Nguyễn Việt và TS Trần Trọng Dương, do Tia Sáng tổ chức ngày 17/8.

Không lạm dụng khái niệm người Việt

Và để tránh “tự làm khó mình” – vướng vào cái nhìn thiển cận, trước tiên cần làm rõ một số khái niệm, TS Nguyễn Việt lưu ý. Chẳng hạn khái niệm “Việt”, hiện nay được dùng rất “dễ dãi” để chỉ chung cho rất nhiều nền văn hóa khảo cổ là chưa chính xác: đào được di vật của Homo Erectus (người đứng thẳng ) hoặc văn hóa Hòa Bình (khoảng 15000 năm trước) đều khẳng định là “người Việt” trong khi họ chưa hình thành các cộng đồng tộc người mà chỉ mới hình thành nhóm cư trú.

TS Nguyễn Việt khẳng định rằng, bình tuyến Phùng Nguyên (bắt đầu khoảng 4000 năm trước) với những cư dân trồng lúa đã phát triển theo một “tuyến đường thẳng và rất đẹp” đến văn hóa Đông Sơn và đến Đại Việt sau này (từ Phùng Nguyên cho đến nay, đặc điểm xương cốt khai quật được không thay đổi) - điều này giúp khẳng định tính bản địa của cộng đồng cư dân trồng lúa ở nước ta từ sớm. Nhưng không thể gán người Việt – là chủ nhân duy nhất cho ngay cả văn hóa Đông Sơn, bởi trong nhận thức của các nhà khảo cổ học thế giới, “trong thời kỳ Đông Sơn và tiền Đông Sơn, thì Thái và Việt là một, tất cả khối Lạc Việt, Tây Âu, hay Tày Thái cổ… đều là ‘Yue’”. Các khái niệm tộc người cụ thể, gắn với một quốc gia cụ thể đều xuất hiện muộn sau này. Nên hơn cả là gọi tên chủ nhân của các nền văn hóa khảo cổ theo tên của nền văn hóa khảo cổ đó. Ví dụ trong phạm vi văn hóa Đông Sơn thì gọi người Đông Sơn, trong phạm vi Âu Lạc thì gọi là người Âu Lạc, bởi vì khái niệm đó có tính bao trùm.

Vấn đề nhà nước đầu tiên của người Việt cổ cũng thường bị hiểu nhầm, khi nhiều người băn khoăn rằng - liệu dưới thời Hùng Vương đã có một nhà nước – với đầy đủ các ban bệ của một triều đình hay chưa. “Đừng nhầm 4000 năm lịch sử với 4000 năm văn hiến, thời điểm có bộ máy, thể chế, thu thuế… phải đến Âu Lạc”, TS Nguyễn Việt lưu ý. “Thời kỳ chúng ta gọi là Hùng vương là một thời kỳ có thật, nhưng không phải là một triều đình có vua như cách ta nghĩ, mà chỉ là có ông thủ lĩnh đáng kính thu hút được cư dân trong một nhóm mà thôi”.

Lần dấu vết diễn ngôn chính trị

Nhưng càng lần phả hệ, thì càng thấy dấu mốc ra đời nhà nước đầu tiên trong lịch sử, hay cây phả hệ Việt lại… khác nhau, tùy thuộc vào sử chí các thời. Ví dụ Nguyễn Trãi coi Triệu Đà là vị hoàng đế mở đầu cho truyền thống chính trị ở nước Việt (trong Bình Ngô đại cáo), nhưng sau này Ngô Sĩ Liên lại đẩy dòng họ đầu tiên cai trị vùng đất Việt là Hồng Bàng. Và dù Triệu Đà là một nhân vật có thực, nhưng “trải qua các thời kỳ khác nhau, dưới các ý thức hệ khác nhau, hoàn cảnh cụ thể khác nhau, thì luôn được kiến tạo, nhận thức và tái nhận thức”. Ở thời hiện đại, chúng ta hỏi “Triệu Đà có phải người Việt không”, còn thời Lê, Nguyễn Trãi tìm cách đặt Triệu Đà vào vị trí chính thống đầu tiên trong lịch sử.

Tư duy chung của con người là đi tìm sự thật, nhưng lại có “quá nhiều sự thật lịch sử” khiến ta hoang mang, nhất là khi các sự thực đó lại đối chọi nhau. Không chỉ trường hợp Triệu Đà, mà phả hệ người Việt cũng vậy: Trong khi các nhà ngôn ngữ, khảo cổ cho thấy nguồn gốc Môn Khơ me, còn các sử liệu người Việt viết lại nhận nguồn gốc con rồng cháu tiên có xuất phát từ phương Bắc. Theo TS Trần Trọng Dương, “đó là những mảnh vỡ khác nhau của nhận thức trong quá trình lịch sử được kiến tạo”. Do đó, để truy nguyên vấn đề này, TS Trần Trọng Dương không trả lời “sự thực nào” đúng hay sai, khoa học hay không mà chỉ lần lại lịch sử, phân tích cách kiến giải khác nhau về vấn đề này, cố gắng lý giải vì sao người ta lại đặt ra câu hỏi ấy, những bối cảnh lịch sử - văn hóa của các câu trả lời, động lực chính trị và nền tảng khoa học của các phương pháp được sử dụng.

Nhìn về lược sử tư tưởng vấn đề này – phân tích những diễn ngôn chính trị qua các thời kỳ có thể thấy rõ sự kiến tạo “nguồn gốc Việt”. Trong khi các đời sử gia Nho giáo đều vận dụng, tái sử dụng lý thuyết về nguồn gốc, văn minh Trung Hoa để chứng minh tính chính thống của phả hệ thì đến khi va phải người Pháp và văn minh phương Tây, người Việt đã phải sử dụng cả tư tưởng Nho giáo và lý luận phương Tây để xây dựng mô hình phả hệ Việt. Hai trường hợp rất thú vị để phân tích là Lý Văn Phức và Phan Bội Châu. Trong phái đoàn sứ Việt Nam năm 1841, Lý Văn Phức đã chê bai những kẻ sĩ nhà Thanh là mất gốc, không còn bảo lưu được nội hàm căn cốt của “Hoa- Hán” nữa nhằm chuyển “trung tâm chính thống” về Việt Nam. Còn Phan Bội Châu đã bước ra khỏi khuôn mẫu Nho giáo, tiêu hóa khái niệm “nation” của phương Tây để soạn nên ấn phẩm đầu tiên đề cập đến lịch sử của mọi thành viên trong cộng đồng quốc gia dân tộc. Sau này, đến thời kỳ độc lập, khái niệm “dân tộc”, “quốc gia” lại một lần nữa được làm mới, để cố kết cộng đồng trong cả nước nhằm củng cố công cuộc thống nhất đất nước.

Con đường còn rất dài

Để có cái nhìn ngày càng sáng tỏ về nguồn gốc người Việt, không chỉ cần minh định khái niệm, phân tích các diễn ngôn lịch sử, chính trị qua các thời kỳ, mà điều quan trọng tiếp theo, là cần có sự thảo luận đa ngành, đa chiều.

Câu hỏi nguồn gốc người Việt không chỉ được tranh luận bởi các nhà KHXH, mà gần đây một số nghiên cứu gene cũng đã bước đầu phân tích nhân chủng học tiến hóa người Việt Nam. Viện Nghiên cứu hệ gene, thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã thực hiện đề tài “Giải trình tự và xây dựng hoàn chỉnh hệ gene người Việt Nam đầu tiên” làm “trình tự tham chiếu” và “bước đầu phân tích nhân chủng học tiến hóa người Việt Nam”, và giải mã 600 hệ gene ty thể hoàn chỉnh từ các cá thể của 17 dân tộc ở Việt Nam. Tuy nhiên, tại tọa đàm, PGS.TS Nông Văn Hải, Nguyên Viện trưởng Viện NC Hệ gene cho biết, “đây là một vấn đề cực kỳ phức tạp”, và ngành gene hay các ngành khác cũng “chỉ như thầy bói xem voi”.

Không chỉ người Việt có nhu cầu tìm nguồn gốc, ngay gần nước ta, Thái Lan, Trung Quốc cũng đang tìm nguồn gốc chính mình… Nhiều nước đã xây dựng bộ dữ liệu gene rất đồ sộ, thậm chí có “câu lạc bộ các nước giải trình tự 100.000 đến 1 triệu bộ gene”. Còn với số lượng mẫu ít như Việt Nam hiện có, khó có thể khẳng định được điều gì về nguồn gốc ngay tại thời điểm hiện nay. “Tất cả các lĩnh vực, lịch sử, ngôn ngữ, địa lý, các ngành khoa học nói chung… cùng nỗ lực mới dần dần làm le lói câu trả lời cho câu hỏi chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến”, theo PGS. Nông Văn Hải. Và trên hết, nếu không có [phân tích] bộ gene khảo cổ thì “không giải quyết được gì”.

Xin tạm kết bằng nhận xét của GS Peter Bellwood, Khoa Khảo cổ học và Nhân học ĐHQG Australia, người quan sát cuộc thảo luận về nguồn gốc và lịch sử di cư ở Đông Nam Á nhiều năm nay: “con đường của chúng ta còn dài lắm (long way to go), nhưng nghiên cứu hệ gene khảo cổ học sẽ cho chúng ta giải thích thú vị về tương lai con người”.

Tọa đàm do Tia Sáng/Báo Khoa học và phát triển (Bộ KH&CN) tổ chức, tại Cafe Trung Nguyên 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội, trong chuỗi hoạt động mang khoa học và nghệ thuật tới đại chúng.

Độc giả có thể xem thêm video phần trình bày của TS Nguyễn Việt và TS Trần Trọng Dương trong các đường link sau:







No comments: