Mai V. Phạm
13/04/2019
Công ước Liên Hiệp Quốc về Vấn đề Tị nạn 1951 và Nghị
định thư 1967 định nghĩa, người tị nạn (refugee) là người không thể quay trở về
đất nước mình và không có sự bảo vệ ở quê nhà do phải đối mặt với bạo lực, bắt
bớ, hoặc nỗi sợ có căn cứ, đến từ phân biệt chủng tộc, bách hại tôn giáo, bị tước
quốc tịch, bất đồng quan điểm chính trị.
Quốc hội Hoa Kỳ đã đưa định nghĩa này vào Đạo luật Tị
nạn năm 1980. Mục đích của chương trình tị nạn (asylum) là trợ giúp nơi ở cho
các công dân nước ngoài – những người đang đối mặt với nỗi bức hại tại quê nhà
và đáp ứng đầy đủ các quy định pháp lý của người tị nạn.
Với việc ký kết Nghị định thư năm 1967 và thông qua
Đạo luật Tị nạn năm 1980 (Refugee
Act of 1980), chính phủ Hoa Kỳ có nghĩa vụ pháp lý cung cấp tị nạn cho
những người đủ điều kiện. Đạo luật Tị nạn 1980 đã cung cấp cho người nước ngoài
hai con đường để xin tị nạn tại Hoa Kỳ: xin tị nạn tại các nước khác với tư
cách là người tị nạn tái định cư (resettled refugee) hoặc tại các trạm biên giới
Hoa Kỳ với tư cách là người xin tị nạn (asylum seeker).
Theo quy định của Cơ quan Nhập tịch và Di trú, để nộp
đơn xin tị nạn, đương đơn bắt buộc phải có mặt tại Hoa Kỳ
hoặc vào Hoa Kỳ xin tị nạn tại các cửa khẩu (“To apply for asylum in the U.S., you must be physically present
in the U.S. or seeking entry into the U.S. at a port of entry”). Nghĩa
là, người nào không có đủ khả năng để xin tị nạn tại quê nhà theo chương trình
tị nạn tái định cư, thì buộc phải đặt chân qua biên giới Hoa Kỳ để nộp đơn xin
tị nạn. Và trớ trêu thay, kể từ lúc đặt chân qua biên giới Hoa Kỳ xin tị nạn, họ
bị nhiều người, trong đó có Trump, gọi là “di dân bất hợp pháp”.
Trump: vô nhân đạo
đến ghê tởm
Trong bài phát biểu ở Las Vegas ngày 6/4/2019, Trump đã
chế giễu những người xin tị nạn, nói họ giống như những võ sĩ của giải đấu UFC.
Trump nói thêm: “Chương trình tị nạn là một sự lừa đảo. Chúng ta phải xóa bỏ
hoàn toàn chương trình này”. Kế đến, Trump tấn công hệ thống tư pháp bằng
thái độ độc tài và sự thiếu hiểu biết của mình: “Họ (Quốc hội) phải loại bỏ
toàn bộ hệ thống tị nạn vì nó không hiệu quả, và thẳng thắn, chúng ta nên loại
bỏ các thẩm phán. Chúng ta không thể mở tòa để xét xử mỗi khi ai đó đặt chân
qua biên giới của chúng ta”.
Tại sao mỗi năm, hàng trăm ngàn người dân ở các nước
khác tìm đến Hoa Kỳ để nộp hồ sơ xin tị nạn? Tại sao các viên chức Hoa Kỳ có
nghĩa vụ hướng dẫn cho những người xin tị nạn quá trình tị nạn tại các trạm
biên giới? Tại sao các thẩm phán có nghĩa vụ xét xử công bằng đối với những người
xin tị nạn? Thưa, bởi những điều đó được quy định bởi Đạo luật Tị nạn 1980.
Đáp lại phát biểu của Trump, tổ chức Human Rights First đưa ra tuyên bố như sau: “Tuyên
bố của Tổng thống Trump không gây ngạc nhiên, nhưng thật ghê tởm. Bằng cách
tuyên bố muốn xóa bỏ toàn bộ hệ thống tị nạn, Trump công khai xác nhận những gì
chính quyền của ông đã cố gắng thực hiện trong hai năm qua. Tổng thống Trump và
nội các của ông đang tìm cách phá vỡ chương trình tị nạn một cách có hệ thống –
vốn là cứu cánh cho những người chạy trốn bạo lực và đàn áp. Là một trong những
tổ chức trợ giúp tị nạn lớn nhất tại Hoa Kỳ, chúng tôi nhận thức rằng, chương
trình tị nạn đã cứu giúp nhiều mạng sống”.
Điều đáng sợ
nhất qua phát biểu của người đứng đầu chính phủ – Donald J. Trump – chính là sự
thiếu hiểu biết, dối trá, và độc tài đến đáng sợ.
Trước tiên, Trump bóp nghẹt quyền xin tị nạn của những
người khốn khổ bằng sự bịa đặt và vu cáo trắng trợn. Không một bằng chứng nào
khi Trump nói “hầu hết những người xin tị nạn giống võ sĩ UFC”. Theo số liệu thống kê nhập cư năm 2017 của Bộ An ninh Nội địa,
trong số những người xin tị nạn tại biên giới đến từ Guatemala, El Salvador và
Honduras, thì 56% là trẻ em không có người thân đi cùng. Tỷ lệ này bằng với năm
2016, nhưng cao hơn so với năm 2015.
Năm 2017, Bộ An ninh Nội địa đã cấp đơn xin tị nạn
cho hơn 26.500 người, gần 1/3 trong số này là trẻ em và gần một nửa là phụ nữ.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đã cấp tị nạn cho hơn 10.500 người đang ở tại Hoa Kỳ,
hiện đang chờ phán quyết tị nạn tại các tòa án. 3 quốc gia được Hoa Kỳ cấp tị nạn
nhiều nhất là Trung Quốc, El Salvador, và Guatemala.
Sau nữa, Trump thể hiện tầm nhìn hạn hẹp bị che đậy
bởi sự thiếu hiểu biết và độc tài. “Lãnh đạo” kém cỏi, không có khả năng, luôn
chọn “giải pháp” cấm hoặc xóa bỏ cho mọi vấn đề, bởi họ không thể đưa ra một giải
pháp tốt hơn.
Ví dụ, sau nhiều năm thất bại trong việc giảm kẹt
xe, các lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị “giải pháp” cấm xe máy vào
trung tâm thành phố. Thay vì đặt các câu hỏi để giải quyết tận gốc rễ tình trạng
kẹt xe đang gia tăng, họ chỉ biết “cấm”. Có phải xe máy là nguyên nhân duy nhất
gây ra kẹt xe? Hay là do hệ thống giao thông đường bộ kém và số lượng xe ô tô
tăng? Tại sao người dân không sử dụng hệ thống giao thông công cộng nhưng lại
chuộng xe máy?
Trump cũng y như vậy. Không tìm được giải pháp hạn
chế thiểu số nhập cư trái phép, ông ta đòi “xóa bỏ toàn bộ hệ thống tị nạn” và
“loại bỏ thẩm phán”. Trong thực tế, số liệu chứng minh rằng phần lớn dân nhập cư bất hợp pháp
không xảy ra tại các trạm biên giới, mà là kết quả của nhiều người ở quá hạn visa. Rõ ràng, tuyên bố của Trump không chỉ
thể hiện khả năng kém cỏi, tính cách độc tài, mà còn phản ánh con người ác độc:
xóa bỏ quyền xin tị nạn được luật pháp Mỹ và quốc tế công nhận.
Chương trình tị nạn
và người Việt Nam
Việt Nam là một trong số những dân tộc bất hạnh, có
nhiều trải nghiệm đau thương của việc xin tị nạn. Sau cuộc chiến “huynh đệ
tương tàn” cách đây gần 44 năm, tổng cộng gần một triệu người Việt chạy trốn Cộng
sản bằng những chiếc thuyền đánh cá xiêu vẹo, để tìm tự do tại Hoa Kỳ, Úc,
Canada, Pháp, Anh, Na Uy, Đức… Hành trình tị nạn của rất nhiều người Việt thấm
đầy máu và nước mắt.
Sau biến cố 30/4/1975, Hoa Kỳ đón nhận nhiều người
Việt tị nạn nhất, khoảng 125.000 người. Vào tháng 5/1975, Quốc hội Hoa Kỳ thông
qua gói ngân sách (HR 6894), dành khoảng 405 triệu Mỹ kim cho chương trình tái định cư, trợ
giúp khoảng 131.000 người Việt và Campuchia tị nạn. Gói ngân sách được dùng để
thanh toán chi phí vận chuyển người tị nạn, chỗ ở, và các dịch vụ xã hội như
đào tạo nghề, dạy ngôn ngữ, chăm sóc y tế và phúc lợi tại Hoa Kỳ.
Từ khoảng 125.000 người Việt tị nạn hồi tháng
4/1975, tổng số người Việt di dân đến Hoa Kỳ năm 2017 hơn 1.3 triệu người, là kết quả của chương trình tị nạn và
nhập cư (đoàn tụ và kết hôn). Nhờ chương trình tị nạn nhân đạo của Hoa Kỳ, mà
hơn triệu người Việt trong 44 năm qua đã có quyền sống tự do và quyền mưu cầu hạnh
phúc trên mảnh đất này.
Nếu một người sinh ra và lớn lên ở Mỹ có thái độ căm
ghét người tị nạn và di dân, thì còn dễ hiểu. Nhưng khi một người Việt có gốc tị
nạn, vì tôn sùng Trump mà hùa theo tấn công người tị nạn, thì thật ghê tởm và
đáng sợ. Phải chăng họ nghĩ làn da của họ “trắng” như Trump, nên có quyền ghét
tị nạn và di dân?
Những ai cho rằng Trump chỉ chống “nhập cư trái
phép” sẽ nghĩ gì khi Trump đòi “xóa bỏ toàn bộ hệ thống tị nạn” từng là phao cứu
mạng của rất nhiều người Việt khốn khổ? Giả sử Việt Nam nằm gần biên giới Mỹ,
thì vào thời điểm hiện tại, bao nhiêu người Việt sẽ đi bộ đến các trạm biên giới
Mỹ để nộp đơn xin tị nạn?
Thay Lời Kết
Dữ liệu chứng minh Trump là người kỳ thị chủng tộc. Và 6 lần Trump thừa nhận bản thân là “racist”. Một kẻ
“racist”, căm ghét người tị nạn, di dân như Trump mà vẫn được khối người Việt
da vàng, tự nhận ghét độc tài cộng sản, đội hắn lên đầu “phong thánh”. Đạo đức
tối thiểu ở đâu khi tôn thờ một kẻ vô đạo đức và racist như Trump? Một người để
những kẻ vô đạo đức, dối trá và mị dân như Hitler, Hồ Chí Minh, Trump… chi phối
suy nghĩ, thì đạo đức và nhân cách có ý nghĩa gì với họ?
Trong bài phát biểu hồi tháng 12/2018, Đức Giáo hoàng Phanxico đã gửi thông điệp ý nghĩa
như sau đến thành phần thù ghét di dân như Trump: “Những phát biểu
chính trị có khuynh hướng đổ mọi tội ác cho dân nhập cư và cướp đi niềm hy vọng
của người nghèo là không thể chấp nhận được. Thay vào đó, chính trị có thể và
nên là một thông điệp ý nghĩa của bác ái, khi thực hiện cùng với sự tôn trọng
dành cho cuộc sống, tự do và phẩm giá con người. Một điều chắc chắn: chính trị
tốt là phục vụ cho hòa bình. Nó tôn trọng và thúc đẩy các quyền cơ bản của con
người, đồng thời có nghĩa vụ tương trợ lẫn nhau, cho phép gắn kết niềm tin và
lòng biết ơn giữa hiện tại và các thế hệ tương lai”.
Cứu cánh của chính trị không chỉ là tự do, mà còn là
đạo đức. Như Nguyễn Du nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Một
người tuyên bố “làm chính trị” nhưng không có phẩm chất đạo đức, sẽ là nỗi bất
hạnh và mầm tai họa đối với người dân.
Xin tị nạn là quyền con người được bảo vệ bởi luật
pháp Mỹ và quốc tế. Một người đạo đức, có lòng cảm thông, sẽ đồng ý rằng, thái
độ ghê tởm của Trump đối với chương trình tị nạn và những người tị nạn là độc
ác, bất lương và phản dân chủ. Nó phải bị lên án một cách mạnh mẽ và dứt khoát.
No comments:
Post a Comment