Bác Hiền biết tôi qua một lần nghe tôi trả lời phỏng
vấn đài “Tiếng nói người Việt Quốc gia” về Quỹ 50k. Rồi bác liên lạc với tôi
qua điện thoại, chỉ điện thoại thôi, bởi bác không biết bất cứ một phương tiện
liên lạc nào khác.
Bác bảo đang sống ở bên Mỹ, bác gọi để hỏi thông tin
của những gia đình TNLT khó khăn nhất, tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của
họ. Bác muốn gửi tiền giúp đỡ họ. Bác bảo bác cũng chỉ hưởng tiền trợ cấp,
không có bao nhiêu, nên bác dùng cái tâm của mình để vận động quyên góp từng
người. Bác không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội quyên góp nào mỗi khi có cuộc gặp gỡ,
thậm chí đi xin.
Cứ vài ngày tôi lại nghe điện thoại của bác, lần nào
cũng như lần nào, giọng bác vui lắm, đại loại:
– Cô Hạnh ơi, tôi đã xin được 75 đồng, tôi góp vào
25 đồng nữa là đủ 100 đồng. Cô cho tôi xin tên và số điện thoại của một gia
đình.
Có lần 5h sáng đã thấy chuông điện thoại của bác
trong khi 4h tôi mới ngủ, cảm giác ngái ngủ thật không dễ chịu chút nào, nhưng
tôi nhanh chóng hoà vào niềm vui “đã đủ 100 đồng” của bác.
Và tôi thường khản cổ mỗi khi đọc cho bác chép xong
một địa chỉ, tên người, số đt, bởi bác lãng tai lại gọi qua điện thoại mà là điện
thoại quốc tế nên càng khó nghe hơn, cứ phải nói thật to và nói đi nói lại nhiều
lần.
Đi xin từng đồng đô, mà thấm thoắt bác đã gửi về được
hơn 7000 đô. Thương bác, tôi khuyên bác tạm nghỉ ngơi, đừng đi xin nữa. Nhưng
bác trả lời từ trong gan ruột:
– Cô ạ, tôi cũng từng là một người tù, tôi ở tù cộng
sản 13 năm sau năm 1975, địa ngục trần gian cô ạ, nên tôi thương những người tù
lắm. Tôi muốn làm cái gì đó cho họ trong khả năng của tôi. Năm nay tôi đã gần
80 tuổi, sống được ngày nào biết ngày đó thôi, nên tôi cố từng ngày, làm gấp, kẻo
nằm xuống lại tiếc chẳng làm được gì. Nhiều lúc cũng buồn khi đi xin tiền có
người bảo: “Những người ấy họ đấu tranh để được đi tị nạn, giúp làm gì”.
Lại phải giải thích rằng nghĩ như thế là sai, nhưng trong lòng cứ buồn mãi.
Thì ra bác từng là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng
hoà. Tính cách của bác toàn đối lập với những “tên ác ôn nguỵ quân nguỵ quyền”
mà tôi được tuyên truyền trước kia. Bác hiền khô, thật thà, nhường nhịn, chứa
chan tình thương, và đặc biệt yêu quê hương. Mỗi lần nghe bác than thở về vận
nước, than thở thương quê, tôi buồn phát khóc.
Những khi liên lạc với tôi, bác thường xen kẽ kể về
những năm tháng tù đày trước kia, không hề có chút cường điệu. Những gì mà những
người tù VNCH phải chịu đựng cũng hoàn toàn đối lập với những “nhân đạo, khoan
hồng” của chính quyền cộng sản đối với tù binh mà tôi từng được tuyên truyền.
Lâu dần thành quen, bác đã như một phần trong cuộc sống
của tôi. Cứ vài ngày không thấy bác gọi là tôi lại mơ hồ lo lắng hay bác nằm xuống
rồi. Bởi chỉ bác gọi cho tôi, chứ điện thoại của tôi không gọi được quốc tế. Mà
bác gọi cho tôi cũng không hiện số, nên tôi không thể gọi cho bác được.
Tôi thuyết phục mãi bác mới nhờ cháu ngoại lập
Facebook. Tôi nhẹ hẳn người vì không phải gào qua điện thoại nữa, nhắn tin là dễ
dàng và chính xác nhất, và khi nào cần là tôi có thể nhắn hoặc gọi cho bác.
Nhưng hoá ra bác lại lo cho tôi hơn là tôi lo cho
bác. Cứ vài ngày không thấy tôi đăng bài là bác lại gọi, lo tôi ốm, lo tôi bị bắt
đi tù. Thấy giọng tôi khoẻ khoắn bác lại cười hiền hậu đúng như gương mặt của
bác. Có lần bác thở dài: “Thời chúng tôi đi tù mà có người ở ngoài như cô
thì tốt biết mấy!”. “Nhưng mỗi thời một khác cô nhỉ?”, bác lại tự trả
lời.
THÁNG TƯ, truyền thông lề đảng rục rịch hoan hỉ
khoét vào cái vết chém trên thân thể Việt Nam suốt 44 năm vẫn còn rướm máu. Tôi
cũng từng có thời lên đồng cùng với cỗ máy truyền thông một chiều đó. Nhưng nay
tôi chỉ thấy đau. Và tôi muốn kể câu chuyện của hai người cùng một giống nòi
nhưng khác chiến tuyến mà tôi từng được nghe.
(Còn tiếp)
*
*
Chỉ một ngày sau 30/4, chính quyền mới đã cho loa gọi
những binh lính VNCH ra trình diện để “nhận khoan hồng, về sống với gia đình”.
Họ ra rả nói về chính sách hoà hợp hoà giải, toàn những điều tốt đẹp.
Chỉ được ở với gia đình 4 ngày thì bác Hiền bị gọi
lên tập trung, không ngờ ngày đó bắt đầu cho 13 năm địa ngục trần gian. Tháng
12/1976, bác Hiền cùng hàng ngàn người tù bị đưa ra Bắc bằng tàu thuỷ, đi từ
Tân Cảng.
Họ bị nhét vào một con tàu chở hàng. Con tàu đó có 3
khoang, trước đó một khoang chở than, một khoang chở xi măng, và một khoang chở
vôi. Thì nay mỗi khoang nhốt 500 người như chở súc vật, ngồi chồng lên nhau, nằm
chồng lên nhau. Ai ở khoang vôi thì đầu tóc người ngợm trắng phớ, khoang than
thì đen xì, khoang xi măng thì người bạc phếch.
Cứ hai người còng vào nhau bằng một chiếc còng tay,
người này đi vệ sinh thì người kia cũng phải đi theo. Có một câu chuyện đau
lòng, khi bước qua cầu để lên tàu, một người trong số họ đã trượt chân ngã xuống
biển, thế là người kia cũng rơi theo. Cai tù dửng dưng đứng nhìn họ vùng vẫy rồi
chết chìm, không đếm xỉa đến việc cứu người.
Cả khoang 500 người chỉ có 2 cái xô để đi tiểu, và để
nguyên đó cả ngày mới cẩu cái xô đi đổ một lần. Có lần không may cái xô bị rớt,
nước tiểu đã cũ đổ tung toé vào đầu vào mặt mọi người.
Tàu đến Hải Phòng là 3 ngày 4 đêm, những ngày đêm
không tắm rửa, thức ăn thì đầy cát. Từ Hải Phòng bác Hiền bị đưa đi Lào Cai, tiếp
tục những ngày lao động khổ sai.
Một lần làm việc trong rừng, bắt chuyện với một người
kiểm lâm đã từng vào Sài Gòn sau năm 75, bác Hiền hỏi ông ấy:
“Ông thấy Sài Gòn thế nào?”
“Ôi, chẳng khác nào thiên đường, rất hiện đại và thứ
gì cũng có. Trước kia tôi tưởng khác cơ”. Người ấy trầm trồ.
Năm 1978 bác Hiền bị đưa về Tân Lập, Vĩnh Phúc.
Những người tù bị vắt kiệt sức lao động, ăn uống đói
khát, nên chết nhiều lắm. Họ chết vì đói, vì kiệt sức chứ không bệnh tật gì, cứ
10 người thì khoảng 2 đến 3 người chết. Không mấy ngày không có người chết. Có
những người sáng không thấy dậy đi làm, mở màn ra gọi thì đã chết từ khi nào.
Có người đang làm việc thì chết vì say nắng.
Một chiếc ao nhỏ ở trại tù được dùng làm nơi tắm gội
chung cho cả người tù và trâu bò, phân nổi lềnh bềnh.
Trung tá Văn Lạc được vợ từ Miền Nam ra thăm và tiếp
tế. Đói khát kham khổ đã lâu, nên khi ăn những thức ăn ngon vợ gửi vào, ông Lạc
đã bị ỉa chảy, không được cấp cứu, ông Lạc chết ngay sáng hôm sau.
Trung tá phi công Phạm Bình Minh ngã bệnh vì kiệt sức.
Khi vợ ông đến thăm, quản giáo không cho gặp mà hẹn đến hôm sau. Đêm hôm đó ông
chết, không đợi được đến sáng gặp vợ. Người vợ để thể hiện tình cảm sắt son với
chồng, đã đi làm tấm bia cho chồng, đọc một bài thơ, rồi chị cắt phăng mái tóc
dài đặt lên mộ chồng.
Biết bao những câu chuyện đau thương trong những trại
tù ấy, xung quanh những thân phận ấy. Tử thần luôn rình rập họ bất kể ngày đêm.
Bác Hiền và những người sống sót được một phần là do
họ bấu víu vào niềm hi vọng rằng họ sẽ được quốc tế cứu ra. Riêng bác Hiền cứ
luôn nhẩm câu thơ của Nguyễn Công Trứ khi bị đi đày:
“Còn Trời còn đất còn non nước
Có lẽ ta đâu mãi thế này?”
Có lẽ ta đâu mãi thế này?”
Tháng 4/1982, bác Hiền cùng nhiều người tù được đưa
về Nam bằng tàu lửa, tiếp tục 5 năm tù tại Đồng Nai. Trên tàu lửa họ vẫn bị
xích tay hai người một vào nhau.
Nhưng có một chuyện lạ. Tàu chạy qua các ga miền Bắc,
biết trên đó là những người tù VNCH, những người bán hàng rong ở dưới đã tới tấp
ném đồ ăn lên tàu cho họ, nào là đậu phộng, dưa hấu, bánh kẹo…, bất cứ thứ gì
trong rổ hàng mà họ đang bán. Nhưng tất cả đều bị đám áp giải tù ném lại xuống,
những người tù đói khát không được nhận một thứ gì.
Qua chuyện này mới thấy rõ, bảy năm sau chiến tranh,
nhận thức của người dân Miền Bắc đã thay đổi nhiều, họ không còn coi những người
lính VNCH là kẻ thù, là xấu xa độc ác như họ từng bị nhồi sọ.
Chuyện của bác Hiền dài lắm, nhưng fb không phải chỗ
kể dài, tôi sẽ kể thêm ở những bài viết khác.
Bác Hiền ra tù năm 1988, sau 13 năm khổ sai đày đoạ.
Năm 1993 bác được sang Mỹ theo diện HO. Dẫu cuộc sống nay bình yên đủ đầy,
nhưng nỗi đau thương quê, thương nước đã khiến bác không thể vô tư hưởng yên
vui.
(Còn nữa)
Phần
3: CHUYỆN CỦA MỘT CAI NGỤC CỘNG SẢN
*
*
Ông ấy tên là Sở. Có thể dễ dàng tìm hiểu về ông ấy
qua một vụ lựu đạn nổ ở Ô Chợ Dừa. Ngày đó CA có chiến dịch thu hồi vũ khí thô
sơ và vật liệu nổ, gom về đồn rồi chuyển tập trung về một kho.
Khi những vật liệu đó được một người cho vào bao tải
đặt lên yên xe, không may chiếc bao tải rơi xuống, trái lựu đạn bên trong đã nổ
tung khiến ông Sở làm tự quản tại phường và một người tên là Út CA phường Ô Chợ
Dừa, nhà ở Tứ Liên, đứng gần đó bị tử vong.
Trước đó, trong một lần ngồi hàng nước cùng
anh Dũng Trương, ông Sở kể rằng trước đây đi bộ đội làm
quản giáo ở trại giam của quân đội, chuyên trông lính VNCH. Anh Dũng hỏi: “Tính
cách họ (lính VNCH) thế nào? Bên ta hành xử với họ ra sao?”.
Ông Sở kể rằng được trên quán triệt: “Chúng ta đã
giải phóng đất nước, quyền lực giờ trong tay chúng ta. Nhiệm vụ của các đồng
chí là phải canh gác bọn nguỵ quân nguỵ quyền. Nếu bọn chúng có hành vi chống đối
thì cứ thẳng tay mà thi hành, không cần xin ý kiến cấp trên. Mục tiêu là hành hạ
chúng bằng lao động khổ sai”.
Để thực hiện việc hành hạ, những người cai tù đã
nghĩ ra nhiều trò. Trong đó một lần những người tù bị đưa lên một quả đồi cao,
bắt đào giếng. Gần chục người đào cả tuần lễ, nhễ nhại.
Sâu xuống khoảng hơn 4 mét thì họ báo cáo rằng có một
xác chết. Thực ra, do đồi núi toàn sỏi đá không thể có nước, những người tù lại
đói khát mệt mỏi nên họ nại ra lý do đó để không phải tiếp tục đào.
Quản tù cho người xuống kiểm tra thì không có xác
người, chỉ có mấy con chuột chết. Quản tù liền quát lên rằng đây là hành
động chống đối. Rồi trói tất cả nhóm tù lại và dùng báng súng đánh đập.
Quá uất ức, những người tù đồng loạt hô lên: “Đả đảo
cộng sản!” Ngay lập tức, những quản tù giương súng AK bắn chết hết ngay tại chỗ
nhóm tù.
Đó là câu chuyện có thật từ một người quản tù mà anh
Trương Dũng được nghe. Những ngược đãi hành hạ đó hoàn toàn giống với những gì
bác Nguyễn Minh Hiền kể.
THÁNG TƯ, vết thương 44 năm còn nhức nhối, bởi sự
thù hận vẫn còn nguyên đó, những người của chế độ cũ vẫn bị phân biệt, bị gọi
là “giặc”, bị khó dễ. Và đến dịp này người ta vẫn hoan hỉ ăn mừng chiến thắng
trên nỗi đau khổ của anh em.
Đất nước này suốt mấy ngàn năm chinh chiến, khổ đau
quá nhiều rồi. Chúng ta cùng dòng máu dòng máu lạc hồng, hãy yêu thương, hãy
hoà giải để cùng đoàn kết chống kẻ thù truyền kiếp luôn muốn nuốt trọn nước ta,
GIẶC TÀU.
Phần 4: CHÚNG TÔI MUỐN XOÁ BỎ HẬN THÙ!
No comments:
Post a Comment