07/04/2019
Lý Tống với cuộc hành trình tìm tự do dài 31 tháng,
5 lần vượt ngục, qua 5 quốc gia, vượt 3.500 cây số đường bộ và bơi qua eo biển
Johor Strait, vào thẳng Tòa Đại Sứ Mỹ tại Singapore xin tỵ nạn cộng sản.
Lý Tống với 2 lần về Sài Gòn và 1 lần sang La
Habana, Cuba rải truyền đơn kêu gọi dân chúng đứng lên lật đổ cộng sản.
Tôi gặp Lý Tống, khi anh sang Úc tạ ơn đồng bào vận
động tự do cho anh vào năm 1999. Với dáng người cao lớn, mái tóc dài cuộn sau
gáy, đẹp trai, hiền lành, lời nói nhỏ nhẹ, thuyết phục và đầy ắp lý tưởng tự
do.
Tôi thường xuyên nhận email anh gởi tới. Email cuối
cùng chỉ cách đây vài tuần. Rồi tin anh hấp hối và hoàn tất phi vụ cuối cùng.
Ngày 05/4/1975, máy bay A-37 của Lý Tống bị hỏa tiễn
tầm nhiệt SA-7 của cộng sản bắn vỡ, anh nhảy dù và bị bắt gần Thị Xã Cam Ranh.
Ngày 05/4/2019, đúng 44 năm sau, Lý Tống hoàn tất
phi vụ cuối cùng tại bệnh viện Sharp Memorial Hospital, San Diego.
Cả hai xảy ra trong tháng Tư Đen, tháng miền Nam tự
do lọt vào tay cộng sản.
Gia
đình “Cách Mạng Chân Chính”
Theo Hồi Ký của Lý Tống, cha anh là Lê Văn Tấn, một
đại điền chủ giàu nhất nhì Quận Hương Thủy, Thừa Thiên.
Trong thời kháng Pháp ông được bầu làm Chủ Tịch Ủy
Ban Kháng Chiến Chống Pháp bị thực dân bắt và chặt đầu.
Anh của Lý Tống là ông Lê Văn Quỳ, khi ấy đang bị
Pháp cầm tù, nghe tin Cha bị Pháp chặt đầu vượt ngục vào bưng sau tập kết ra Bắc.
Năm 1992, trước tòa án, chánh án tuyên bố Lý Tống có
cha tham gia cách mạng chống Pháp hy sinh, có anh tham gia cách mạng, là cán bộ
cao cấp của nhà nước nên tòa án không xử tội rải truyền đơn mà chỉ xử tội không
tặc.
Lý Tống trả lời: “Gia đình tôi không phải là
gia đình “Cách Mạng” mà là gia đình “Cách Mạng Chân Chính.”
“Cha tôi chống Pháp và bị Pháp giết; anh tôi yêu nước
nhưng lầm đường nên chống Mỹ; đại đa số gia đình tôi chống cộng và bị cộng sản
đánh giá cực kỳ ngoan cố, cực kỳ phản động.
“Nếu đứng trước phiên tòa này tôi không giữ được
nhân cách và danh dự cuả mình thì sau này con cháu tôi cũng sẽ chống lại tôi!”
Ông Lê Văn Quỳ là nhà giáo Chủ nhiệm Khoa Văn Trường
Đại học Vạn Hạnh. Ông Quỳ nhiều lần vào trại cải tạo thăm Lý Tống nhưng chỉ 1 lần
được gặp.
Năm 1992, khi Lý Tống về Sài Gòn thả truyền đơn lần
thứ 1, ông Quỳ bị “hạ tầng công tác” và bị tước bỏ tất cả quyền lợi gắn liền 50
tuổi đảng.
Khi Lý Tống thả truyền đơn Sài Gòn lần thứ 2, ông
Qùy bị công an phường kêu lên làm việc, sau 3 giờ “thẩm vấn” vợ ông được báo
lên phường “đem xác chồng về!”.
Chiến đấu chống Pháp giành tự do là cuộc chiến đấu của
toàn dân, đảng Cộng sản cướp công, tước quyền tự do của dân tộc và từng bước
đưa đất nước vào quỹ đạo cộng sản.
Chiến đấu chống cộng là chiến đấu cho tự do vì thế
trước tòa án Lý Tống tuyên bố thuộc gia đình “Cách Mạng Chân Chính”
chống cộng.
Trước tòa án anh còn tuyên bố là công dân Việt Nam Cộng
Hòa và công dân Hoa Kỳ, chưa từng xin công dân cộng sản.
Người
tù chân đất
Theo Hồi Ký của ông Phạm Văn Lương K20, một lần, ở tổng
trại 4, Tuy Hòa, Lý Tống chui dưới bụng chiếc xe tải vượt trại. Xe chạy ngược
lên Ban Mê Thuột anh bị bắt, bị giải giao về trại. Quản chế trại bắt anh quì,
anh không quỳ, còn banh ngực ra và nói: “các anh muốn bắn, cứ bắn, tôi không
quì”.
Khi lên tổng trại 5 tại Sơn Hòa, Lý Tống không chịu
học tập, chống đối, bị cùm và biệt giam. Một hôm, khoảng 5 giờ sáng, hai trại 5
và 4, ai cũng nghe rất rõ Lý Tống liên tục kêu cứu: ”các anh em ơi, tụi
Việt cộng muốn giết tôi”.
Trời còn tối, hai cảnh vệ, tới mở cùm và nói: “anh
Tống, trại tha anh rồi, ra khỏi nhà cùm theo tụi tôi về với anh em cải tạo
viên”.
Lý Tống biết cảnh vệ dụ anh ra khỏi nhà cùm là bắn,
rồi đổ tội anh trốn trại và bắn bỏ. Lý Tống nói: “các anh thả tôi, chờ
trời sáng, trại viên ngủ dậy, mọi người đều biết, tôi sẽ theo ra, còn bây giờ,
tôi không ra khỏi nhà cùm lúc này”.
Nói xong, Lý Tống la lớn, bị cảnh vệ dùng báng súng
đánh, anh vẫn không ra lại còn la lớn hơn.
Lý Tống nổi danh với câu nói: “Con gì nhúc
nhích là ăn hết”, cóc nhái, ễnh ương, rắn rít mà gặp anh, coi như xong, anh
lột da cóc, giã thịt cho thật nát, cho chút muối, nướng ăn ngon lành. Nhờ thế
anh sống sót, nhiều phi công to con bị thiếu ăn chết trong tù cộng sản.
Lý Tống có một đặc điểm là chỉ đi chân đất, đôi dép
quàng trên cổ tòn ten. Có ai hỏi anh trả lời gọn “Da chân mòn thì còn mọc da
khác, dép mòn ai phát dép mới để đi“.
Theo ông Lê văn Nhuận anh của Lý Tống đôi dép được một
cô gái gởi tặng.
Thân phụ của cô cũng là sỹ quan bị tù tại Trại A30.
Cô thăm nuôi cha, để ý thấy Lý Tống lần nào cũng đi chân đất, bèn gửi tặng anh
một đôi dép cao su. Anh nhận nhưng buộc dây đeo trên vai, còn chân vẫn đi đất.
Hành
trình tìm tự do…
Theo Anthony Paul, Tạp Chí Reader’s Digest 06/1984,
ngày 12/07/1980, Lý Tống bắt đầu tiến hành vượt ngục.
Anh cặm cụi dùng 1 cây đinh, cạy lỏng thanh sắt ở cửa
sổ cầu tiêu của Trại tù A30, chui ra, bò ngang qua sân nhà tù, dùng một cái kéo
cắt đứt 2 hàng rào kẽm gai, rồi đi bộ suốt đêm đến thành phố Tuy Hoà.
Anh được một người bạn cho tiền để đón xe đò đi Nha
Trang. Người lơ xe, trông thấy bộ dạng của Lý Tống, hỏi:
“Anh trốn trại A30 phải không ? Rắc rồi to rồi. Trạm
kiểm soát ở trước mặt. Thôi đi xuống đi, lẫn vào đám đông đi bộ qua trạm gác, họ
ít khi soát giấy người đi bộ. Tôi sẽ đợi anh ở phía bên kia trạm gác.”
Tới Nha Trang, Lý Tống liên lạc được với một bạn gái
cho quần áo, tiền, và vé xe lửa đi Sài Gòn. Người bạn gái này đã tặng anh đôi
dép nói đến bên trên.
Về Sài Gòn, Lý Tống lẻn vào phi trường Tân Sơn Nhất
nhưng các máy bay đều không sử dụng được anh phải tìm cách vượt biên bằng đường
bộ.
Anh sang Campuchia, 2 lần bị bắt và trốn thoát được.
Anh đi đến tới tỉnh Sisophon tìm cách vượt biên sang Thái. Thời chiến tranh
biên giới đầy những bãi mìn phải đi ban đêm anh chỉ biết cầu ơn trên được vượt
thoát.
Anh đến Thái bị giam ở nhà tù Aranyaprathet 10
tháng, lại vượt ngục tìm cách vượt biên sang Mã Lai rồi bơi qua eo biển Johore
sang Singapore đến tòa Đại Sứ Mỹ xin tị nạn.
Ngày 10/02/1983, sau 31 tháng, Lý Tống vượt qua
3.500 cây số vừa đường bộ vừa đường biển, qua 5 quốc gia và 5 lần vượt ngục đã
tìm thấy tự do.
“Cuộc Hành Trình Tìm Tự Do” của Lý Tống đã được viết
thành Hồi Ký “Ó Đen” tại đâyhttps://drive.google.com/file/d/0By7sZs271DCEOElXOE9Ta1NSdE0/view?pref=2&pli=1
Phi
vụ Sài Gòn 1
Sang Mỹ, Lý Tống đi học lại, khi đang trình luận án
Tiến Sỹ về chính trị ngành Bang Giao Quốc Tế thì Khối Cộng sản Đông Âu và Liên
Xô sụp đổ, anh chọn đường về nước đấu tranh.
Năm 1992, trên chuyến bay về lại Việt Nam, anh uy hiếp
phi công A310 của hãng Vietnam Airlines bay trên Sài Gòn thả 50.000 truyền đơn
kêu gọi đồng bào nổi dậy giành lại tự do. Anh nhảy dù khỏi phi cơ xuống một đầm
lầy, bị bắt và bị kết án 20 năm tù.
Lúc này, Hà Nội còn bưng bít thông tin nhưng việc
phi công Lý Tống làm đều được các hãng truyền thông như BBC, VOA,… loan tải và
phiên tòa xử anh được báo chí trong nước đưa tin rộng rãi.
Tháng 9/1998, nhà cầm quyền Hà Nội trả tự do và trục
xuất Lý Tống về lại Hoa Kỳ.
Phi
vụ La Habana
Nhân Quốc Khánh thứ 41 của Cuba, ngày 1/1/2000, Lý Tống
mướn một máy bay nhỏ bay từ Florida sang thủ đô La Habana, thả 50.000 tờ truyền
đơn kêu gọi nhân dân Cuba nổi dậy lật đổ cộng sản.
Về lại Hoa Kỳ, anh bị Cục Di cư và Hải quan Hoa Kỳ
thẩm vấn được trắng án nhưng bị Cục hàng không Liên bang rút giấy phép bay.
Anh được cộng đồng Cuba tự do coi là anh hùng chống
cộng toàn cầu.
Phi
vụ Sài Gòn 2
Ngày 16/11/2000, một ngày trước khi Tổng Thống Bill
Clinton thăm Việt Nam, Lý Tống mướn 1 phi cơ nhỏ bay vòng vòng trên Sài Gòn thả
50.000 tờ truyền đơn rồi từ từ bay về lại Thái.
Tờ truyền đơn một mặt là lá cờ Việt Nam Cộng Hòa mặt
kia là lời kêu gọi Biểu Tình Đòi Tự Do nhân dịp Tổng Thống Hoa Kỳ ghé thăm Việt
Nam.
Về lại Thái Lan anh bị bắt và bị nhà cầm quyền Hà Nội
đòi dẫn độ về Việt Nam.
Sau hơn 6 năm bị giam cầm, ngày 03/04/2007 Toà Chung
Thẩm Thái ra phán quyết công nhận hành động của Lý Tống là một hành động chính
trị và trả tự do cho anh.
Năm 2008 Lý Tống còn lên kế hoạch từ Nam Hàn bay
sang Bắc Kinh, nhân dịp Thế Vận Hội 2008 rải truyền đơn nhưng không thành.
Gây
tranh cãi…
Ngày 19/7/2010, Lý Tống gây tranh cãi khi mặc váy
đóng giả nữ, lọt vào một buổi biểu diễn ca nhạc, giả vờ tặng hoa rồi liên tiếp
xịt hơi cay vào mặt Đàm Vĩnh Hưng. Anh bị xử 6 tháng tù và 3 năm quản chế.
Ngày 22/1/2016, được truyền hình PhoBolsaTV phỏng vấn,
Lý Tống cho biết rất “ân hận” việc này, cuộc chiến chống nghị quyết 36 khó khăn
hơn, nếu làm thì phải làm có kết quả rõ ràng không thể để đồng bào hoang mang
tranh cãi.
Hổ
trợ Phong Trào Dân Chủ Việt Nam
Hôm nay 8/4/2019, cũng là ngày kỷ niệm 13 năm thành
lập Khối 8406. Tôi trước đây có trong Ban Cố Vấn Khối nên biết rất rõ Lý Tống
là người tích cực ủng hộ Khối 8406 và các Phong trào đấu tranh Quốc Nội.
Là cựu tù nhân chính trị, Lý Tống hiểu rõ tình trạng
của tù nhân cộng sản nên anh luôn tìm cách giúp đỡ cả tài chánh lẫn tinh thần
những người đang đấu tranh.
Tạ
từ Lý Tống
30/4/1975 thua cuộc nhưng Lý Tống và chiến hữu trong
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không hề bỏ cuộc.
Lý Tống là phi công cuối cùng của Quân Sử Việt Nam Cộng
Hòa, anh dũng, kiêu hùng, bất khuất.
Anh hoàn tất phi vụ cuối cùng 5/4/2019, hoàn thành
nhiệm vụ Tổ Quốc Không Gian, giữ trọn lời thề Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm.
Cuộc đời Lý Tống nói lên khát vọng tự do của người
Việt Nam.
Lý Tống sẽ được đưa về an táng tại Little Saigon,
Nam California vào ngày 20 và 21/4/2019 sắp tới. Được biết tỷ phú Hoàng Kiều đã
ngỏ lời tặng miếng đất cho anh: “Chúng ta phải kiếm một miếng đất đẹp
và rộng cho anh Tống vì anh xứng đáng được như vậy.”
Tạ từ Anh.
Bên Anh luôn có tôi, có chiến hữu, có đồng bào ngày
đêm chiến đấu cho Việt Nam Tự Do.
Nguyễn
Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
8/4/2019
*
*
07/04/2019
No comments:
Post a Comment