Vũ Ngọc Yên
09/04/2019
Đất nước chưa phát triển
Theo thống kê nhà nước, sau giai đoạn đầu đổi mới
(1986-1990) với mức tăng trưởng sản lượng nội điạ (gross domestic
product-GDP) bình quân hàng năm đạt 4,4%. Giai đoạn (1991-1995), GDP bình quân
tăng 8,2%/năm, giai đoạn 5 năm tiếp theo (1996-2000), GDP bình quân giảm
xuống 7,6%/ năm; giai đoạn (2001-2005), GDP bình quân xuống 7,34%; giai đoạn
2006-2010, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân tiếp tục xuống dốc 6,32%/năm.
Trong các năm tiếp theo, tăng trưởng GDP trong giai đoạn (2011-2015) chỉ còn
5,9%/năm.
Năm 2014, Việt nam có GDP khoảng 186 tỷ USD,
với thu nhập bình quân đầu người 2.052 USD. So với các nước trong khu
vực, GDP đầu người của Việt Nam bằng 3/5 của Indonesia, 2/5 của Thái Lan,
1/5 của Malaysia, 1/14 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP bình quân của
Singapore. Xét trên giác độ GDP bình quân đầu người, Việt Nam đi sau Hàn
Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaysia 25 năm, sau Thái Lan 20 năm, sau Indonesia
và Philippines 5-7 năm.
Năm 2017, tăng trưởng GDP là 6,8% với GDP 223 tỷ
USD và 2018 tăng lên 7% với GDP 241 tỷ USD.
Năm 2008, năng suất lao động trung bình của người
dân Việt ở mức 35 triệu đồng/người đã tăng lên 102 triệu đồng/người vào năm
2018. Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2008 từ 17,30 triệu đồng
đến năm 2018 tăng lên 58 triệu đồng, tương đương 2.553 USD.
Dù thu nhập bình quân đầu người tăng lên, nhưng tỷ
giá USD/VND cũng đã tăng trên 30% trong 10 năm qua (2008-2018) từ mức 17.000 –
18.000 USD/VND cuối năm 2008 đầu năm 2009 lên mức 23.200 USD/VND cuối năm 2018,
tức VND đã mất giá trên 30% so với USD. Tỉ lệ lạm phát trung bình giai đoạn
2011-2017 là 6,5%.
Nhìn vào GDP bình quân đầu người, đến cuối năm 2018,
thu nhập bình quân của người Việt Nam chỉ mới dừng lại ở con số 2.600 USD, vẫn
ở mức thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực Á châu.
Theo Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, năng
suất lao động của người Việt đang thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản
11 lần, thấp hơn Hàn Quốc 10 lần, thấp hơn Malaysia 5 lần và thấp hơn Thái
Lan 2, 5 lần. Theo ông Nhân, một trong những nguyên nhân chính là công nghệ sản
xuất của các doanh nghiệp Việt đã quá lạc hậu vì không chịu đầu tư khi có tới gần
60% doanh nghiệp sử dụng công nghệ lỗi thời, 28% sử dụng công nghệ trung bình,
10% trên trung bình và chỉ có 2% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến. Do
đó, sản phẩm của các doanh nghiệp có giá trị thấp.
Nhận xét vể bức tranh kinh tế qua các con số
thống kê, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và
Công nghệ Hà Nội nhận định: “Thu nhập tăng lên thì thực ra không đúng thực tế,
đấy chỉ là con số báo cáo chứ rất ít người tin rằng chuyện đó là có thật. Nợ
công nói rằng sáu mươi mấy phần trăm thì tôi không tin, nó phải hơn số đó rất
nhiều. Thống kê còn chênh lệch nhau quá mức, thậm chí nói kinh tế của các tỉnh, thành
phố tăng lên vuợt bực nhưng kinh tế cả nước thì chậm lại. Thực tế mà nói thì
cũng chỉ được cái bề mặt, chứ thực sự nền kinh tế vẫn còn đang tụt hậu so với
thế giới, tôi cho là không phải vài ba chục năm mà còn nhiều hơn nữa”.
Dân số và thu nhập bình quân từ 2008 – 2018. Nguồn: TCTK, WB/ BizLive
Tăng trưởng thiếu bền vững
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có cải thiện nhưng
không đủ cao để có thể giảm nhanh chênh lệch với khu vực. Chất lượng tăng trưởng
kinh tế của Việt Nam còn thấp và chưa đạt được độ bền vững.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phần lớn phụ thuộc
vào tín dụng ngân hàng, vốn đầu tư và chủ yếu dựa vào khu vực FDI.
Theo số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài
chính, trong năm 2016, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI đóng góp
18,59% trong GDP của Việt Nam và giải quyết việc làm cho khoảng trên 4 triệu
lao động.
Bơm vốn nhiều vào nền kinh tế giúp GDP tăng trưởng,
nhưng cũng khiến cho quy mô tín dụng luôn cao hơn quy mô GDP. Tỷ lệ tín dụng
trên GDP ở mức 125% đạt được vào năm 2010 với quy mô GDP là 116 tỷ USD, năm
2011 là 124% với quy mô GDP là 135,5 tỷ USD.
Đặc biệt, năm 2017 và 2018 quy mô tín dụng đã lên đến
130% – 134% GDP, tương ứng với quy mô GDP ở mức 223, 9 tỷ USD và 240 tỷ USD.
Ngoài ra, tổng vốn đầu tư (công và tư nhân) trên
GDP cũng khá cao, mức trên 40% cho những năm 2008 – 2010. Từ năm 2011 đến 2018,
tỷ lệ này đã giảm về mức 33%.
Trong năm 2017 các nước ngoài đổ 14 tỷ USD vào
khu vực FDI (foreign direct investment-FDI) nâng tổng số tiền đầu tư FDI
từ trước đến nay lên 129,4 tỷ USD.
Chất lượng tăng trưởng thấp phản ánh qua Hệ số
đầu tư tăng trưởng (incremental capital output ratio- ICOR). ICOR càng cao đồng
nghĩa với hiệu quả đầu tư trong nền kinh tế càng thấp. Tỷ lệ đầu tư trên GDP của
Việt Nam luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực.
Hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) của Việt Nam năm
2011-2013 (6,99), cao hơn của Indonesia (4,64), Lào (2,59), Malaysia (5,40),
Philippines (4,10), Trung Quốc (6,40), nghĩa là đầu tư của Việt Nam kém hiệu quả
nhất so với các nước này.
Ngoài ra chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp thể hiện
ở sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tính hiệu quả của kinh tế thấp, đồng thời,
sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu.
Về xếp hạng môi trường kinh doanh 2015 của Ngân
hàng Thế giới, Việt Nam hiện ở vị trí thứ 78/189 quốc gia và vùng lãnh thổ.
So với các nước trong Hiệp hội ASEAN, Việt Nam đứng sau Singapore (vị trí số
1), Malaysia (18) và Thái Lan (26); Việt Nam xếp trên Philippines (95), Bruney
(101), Indonesia (114), Campuchia (135), Lào (148) và Myanmar (177).
Việt Nam có lực lực lượng lao động dồi dào nhưng tập
trung chủ yếu ở khu vực sản xuất nông nghiệp, chiếm 46,3%, tương đương với tỷ lệ
của Thái Lan vào năm 1995; Philippines và Indonesia đầu thập kỷ 90, gấp 2,4 lần
Malaysia và 4 lần Hàn Quốc năm 1995. Tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp năm
2012 của Malaysia là 12,6%; Philippines 32,2%; Indonesia 35,1%; và Thái Lan
36,9%.
Lao động Việt Nam chủ yếu làm các công việc gia đình
hoặc tự làm (có thu nhập thấp, bấp bênh, không ổn định), chiếm tới 62,7% tổng
việc làm. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, hiệu quả
sử dụng lao động qua đào tạo chưa cao. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm 2014 của
Việt Nam là 18,2%.
Cơ sở hạ tầng là một trong những trở ngại lớn nhất của
phát triển kinh tế tại Việt Nam. Cơ sở hạ tầng Việt Nam bị đánh giá là yếu kém,
thiếu thốn.
Thương mại còn lệ thuộc
Nhập siêu và lệ thuộc vào Trung Quốc chưa có dấu hiệu
giảm. Nhập siêu từ Trung Quốc (năm 2015) là 32,3 tỉ USD, tăng 12,5% (so với
2014). Nếu tính cả con số nhập lậu là 20 tỷ USD, thì tổng giá trị nhập siêu từ
Trung Quốc lên đến 52 tỷ USD (năm 2015).
Kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào Trung
Quốc. Các nhà thầu Trung Quốc nắm tới hơn 90% các gói thầu EPC (Engineering,
Procurement and Construction- EPC) chiếm 77/106 các dự án lớn
thuộc các ngành trọng điểm. Việt Nam phải nhập hơn 60% nguyên liệu đầu vào từ
Trung Quốc.
Cán cân thương mại cải thiện từ nhập siêu năm 2015
(3, 8 tỷ USD) đến năm 2018 xuất siêu (3 tỷ USD).
Năm
2015
2016
2017
2018
Nhập 165, 8 tỷ USD 175 tỷ
USD 211, 1 tỷ USD 236 tỷ USD
Xuất 162 tỷ
USD 176, 6 tỷ USD 214 tỷ
USD 239 tỷ USD
Trong năm 2018, tỷ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa của
hơn 10 ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong tổng trị
giá xuất nhập khẩu của Việt Nam là 65,2%, trong đó tỷ trọng xuất khẩu của khu
vực FDI là 70,5% và nhập khẩu của khu vực FDI gần 60%. Chỉ tính riêng công ty
SamSung, Việt Nam đã đạt mức xuất khẩu trên 50 tỷ USD, chiếm hơn 25%
kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Điều này phản ánh thực tế là các doanh nghiệp trong
nước vẫn chưa đủ sức thâm nhập thị trường thế giới mà chủ yếu vẫn là nơi tiêu
thụ hàng nước ngoài. Vai trò của khu vực tư nhân cũng còn yếu trong chuỗi giá
trị toàn cầu.
Việt Nam nhập khẩu lớn nhất từ Mỹ, Liên minh Âu châu
(EU), Trung Quốc, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong đó nhập siêu lớn nhất từ Hàn và Nhật, phản ánh mô hình sản xuất của Việt
nam đang là mô hình nhập khẩu đầu vào, công nghệ và linh kiện từ Hàn Quốc và
Trung Quốc để xuất khẩu qua các nước phát triển.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2018, tổng
trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước đạt 480,17 tỷ USD, theo đó nhóm 10
đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam chiếm hơn 72% tổng trị giá xuất nhập
khẩu trong năm 2018. Trong đó, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc là
lớn nhất, đạt 106,7 tỷ USD và chiếm (22,2%) tổng trị giá xuất nhập khẩu, tiếp
theo Hàn Quốc đạt 65,7 tỷ USD (13,7%), Hoa Kỳ 60,3 tỷ USD (12,6%), Nhật Bản đạt
hơn 37,8 tỷ USD (7, 9%), Thái Lan đạt 17,3 tỷ USD (3,6%), Đài Loan đạt 16,3
tỷ (3,4%) Malaysia đạt 11,5 tỷ USD (2,4%), Đức đạt 10,7 tỷ USD (2,2%), Ấn Độ đạt
10,7 tỷ USD (2,2%) và Hồng Kông đạt gần 9,5 tỷ USD (2%).
Việt Nam luôn đạt
thặng dư trong quan hệ thương mại với EU
Xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với tất cả 9
thành viên ASEAN đạt 56,3 tỷ USD, chiếm 11,7% và xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với
Liên minh châu Âu (EU28) đạt 55,8 tỷ USD, chiếm 11,6%.
Tính đến năm 2016, Việt Nam đã đàm phán ký kết
16 hiệp định Hiệp định thương mại tự do FTA (Free Trade Agreement –FTA).
Trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
(Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP)
và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Âu châu EU (EU-Vietnam Free
Trade Agreement – EVFTA).Việc tích cực tham gia một số Hiệp định FTA tạo một
số cơ hội cho Việt Nam, đặc biệt là đầu tư và xuất khẩu, nhưng cũng tạo ra nhiều
áp lực cạnh tranh.
EVFTA là Hiệp định thương mại quan trọng là giữa Việt
Nam với EU. Đây là cơ hội lớn cho xuất khẩu Việt Nam khi hàng hoá luôn xuất
siêu vào thị trường này.
Khác với CPTPP, Việt Nam chưa có bất cứ FTA nào với
các đối tác tại khu vực Âu châu. Do đó, nếu EVFTA được Nghị viện Âu châu (EP)
phê chuẩn sẽ là một tin tốt cho xuất khẩu trong nước.
CTPP hiệu lực từ tháng 1.2019 còn Hiệp định
EVFTA dự kiến phê chuẩn vào năm 2018 đã bị Liên minh EU hoãn lại vì
chế độ Hà nội vi phạm luật quốc tế qua việc mật vụ Việt Nam bắt
cóc trắng trợn một viên chức Việt Nam xin tị nạn tại Đức vào mùa hè
năm 2017, cũng như tình trạng Nhân quyền ngày càng trầm trọng ở Việt
nam. Vụ bắt cóc dẫn đến khủng hoảng bang giao Việt-Đức. Chính quyền
Berlin đã tạm ngưng đối tác chiến lược với Hà Nội.
(Còn tiếp)
*
*
Vũ Ngọc Yên
10/04/2019
Nợ công chồng chất
Nợ của Chính phủ và của doanh nghiệp nhà nước (DNNN)
chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu. Nợ chính phủ đòi hỏi
tăng thuế để trả nợ. Nợ doanh nghiệp đòi hỏi doanh nghiệp phải giảm đầu tư vì áp
lực trả nợ. Cả hai đều kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Vấn đề nợ, đặc biệt là nợ chính phủ ngày càng tăng
là do chi ngân sách ngày càng tăng, đưa đến thiếu hụt ngân sách lớn, khoảng
5-6% GDP một năm.
Nợ công của Việt Nam gia tăng chóng mặt, năm 2006 là
22,7% GDP và đến cuối năm 2016 lên trên 63,9% GDP. Số liệu tin cậy được cho thấy
nợ chính phủ năm 2015 là 115 tỷ USD, bằng 59,5% GDP và nợ năm 2016 lên trên
131 tỷ USD, bằng 63,9% GDP.
Nợ của DNNN ở đây cho thấy toàn cảnh khoảng 3.200
doanh nghiệp với số nợ theo điều tra của Tổng cục thống kê (TCTK) năm 2014
là 4,9 triệu tỷ đồng (231 tỷ USD) và đến năm 2016, nợ của DNNN là 324 tỷ
US, bằng 158% GDP.
Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ DNNN sau khi trừ
đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỷ đô la Mỹ,
bằng 210% GDP.
Nợ nước ngoài:
Năm
2014
2015
2016
72, 4 tỷ
USD
77, 8 tỷ USD 87 tỷ USD
Nợ cao, lãi suất cao, khả năng trả nợ sẽ giảm. Kinh
tế khó lòng mà phát triển mạnh.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tuy hơn 475 tỷ USD
(2017), nhưng chỉ mang về 3 tỷ USD xuất siêu ít ỏi. Số ngoại tệ này
quá nhỏ bé so với 15 tỷ USD/năm là số nợ Việt Nam phải trả các tổ
chức tài chính quốc tế và ngân hàng thế giới.
Vì nguồn thu ngoại tệ đáng kể là “kiều hối”
và “xuất khẩu nô lệ” trong thời gian qua sụt giảm, nên chính quyền đã
phải cho bán một số doanh nghiệp nhà nước để bù đắp vào sự thiếu
hụt ngoại tệ dùng trả nợ.
Theo báo cáo Dòng kiều hối quốc tế của Pew Research
Center, năm 2015 có tổng cộng 13,2 tỷ USD kiều hối đổ về Việt Nam. Đến năm
2016, con số này giảm còn 9 tỷ USD (giảm 31,8%), và số lượng kiều hối 2017 vẫn
tiếp tục gỉam. Mỹ (7,4 tỷ USD), Úc (1,1 tỷ USD), Canada (0,9 tỷ USD) là
3 nước mà Việt Nam có dòng kiều hối gởi về nhiều nhất.
Về xuất khẩu lao động, Việt Nam có hơn 500.000 lao động
tốt nghiệp cấp 3 trở lên đang làm việc tại 40 quốc gia, đem về lượng
kiều hối từ 1,7 – 2 tỷ USD hàng năm.
Khu vực Đông Bắc Á là điểm đến ưa thích nhất của lao
động Việt Nam, chiếm đến 71,82% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài, kế đến
là khu vực Đông Nam Á (15,90%), và Trung Đông (7,34%).
Xét theo quy mô quốc gia, Đài Loan là nước dẫn đầu về
thu hút lao động Việt Nam (44,7%), bởi Đài Loan vốn có rất nhiều cô dâu Việt
đang sinh sống tại đó; kế đến là Nhật Bản (14,35%), Hàn Quốc (10,48%) và
Malaysia (9,66%).
Trong 4 thị trường lớn ở trên, thì lao động Việt Nam
qua để làm các công việc phổ thông vẫn chiếm phần rất lớn (hơn 99%), mà đa số
là làm công nhân trong các nhà máy, xưởng công nghiệp.
Trong năm 2017, chính quyền cho bán tháo một
số doanh nghiệp “đáng giá“ như công ty Sabeco, Vinamilk để thu ngoại tệ
về, hầu trả thêm nợ nước ngoài. Trong tương lai, nếu không còn doanh
nghiệp nào đáng giá nữa thì có lẽ phải bán hầm mỏ, cảng biển,
biển đảo. Những Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được chế độ CS ngợi
ca là đảo ngọc, đặc khu kinh tế đầy tương lai, có thể sẽ lần lượt
được chào bán với Trung Cộng và giới tư bản nước ngoài.
Trử kim, ngoại tệ 2015 chỉ đủ nhập khẩu 1,9
tháng; năm 2016 là 2,3 tháng và 2017 là 2, 6 tháng).
Môi trường ô nhiễm
Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam là trầm trọng.
Nguồn ô nhiễm lớn nhất từ phương tiện giao thông, ô nhiễm nước và
không khí đô thị, khu công nghiệp trở thành một vấn nạn nhức nhối,
tác động lâu dài và nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh kế của xã hội.
Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường
tương đương với 5%GDP. Phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn
– Triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường” ngày 18/11.2016, TS
Đinh Đức Trường, Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế Môi trường, Đại học Kinh tế, cho
biết, trong số 100 khu công nghiệp Việt Nam có đến 80% đang vi phạm quy định về
môi trường.Trong đó, số doanh nghiệp FDI chiếm tới 60% trên tổng các doanh nghiệp
xả thải vượt tiêu chuẩn.
Tình hình xả thải ở hầu hết các doanh nghiệp còn nhiều
bất cập. Bên cạnh đó, nghiên cứu về hành vi môi trường của các doanh nghiệp do
Viện Quản lý Kinh tế Trung ương thực hiện cho thấy có 23% doanh nghiệp FDI xả
thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Nhiều doanh nghiệp FDI liệt kê vào danh sách
đen các cơ sở gây ô nhiễm môi trường như: công ty Huyndai- Vinasin, công ty
Miwon Việt Nam; công ty Tung Kuang, công ty Mei SHeng Textiles Việt Nam (Trung
Quốc). Đặc biệt là vụ Vedan năm 2011 và Formosa năm 2016.
Theo ông Trường các Hiệp định thương mại tự do FTA mở
cơ hội cho Việt Nam, nhưng cũng sinh nhiều hệ luỵ về môi trường. Tính đến hết
năm 2016, có 17.493 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động
tại Việt nam.
Thảm họa môi trường ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh tại
khu công nghiệp hủy diệt sinh thái môi trường biển để lại thiệt hại
to lớn, lâu dài, phá hủy cơ cấu kinh tế 4 tỉnh ven biển miền Trung năm
2016 đến nay chưa có giải pháp. Ảnh hưởng về môi trường và sức khỏe
xã hội sẽ còn to lớn hơn nhiều và rồi những thành phố ung thư sẽ
xuất hiện nay mai.
Di dân và tẩu tán tài sản
Do hệ quả của suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị,
ngày càng nhiều người Việt bỏ đất nước ra đi. Cách thức di cư ngày càng đa dạng
và quy mô ngày càng lớn. Doanh nhân ra đi để “phân tán rủi ro”, và quan chức,
cán bộ ra đi để “bảo vệ tài sản” (chủ yếu do tham nhũng).
Theo số liệu của cơ quan kinh tế-xả hội Liên
hiệp quốc (United Nations Department of Economic and Social Affairs – DESA),
từ 1990 đến 2015 có 2.558.678 người Việt đã di cư (trung bình mỗi năm có 100
ngàn người ra đi). Riêng đi Mỹ có 1,3 triệu người, Úc có 227,3 ngàn, Canada có
182,8 ngàn, Pháp có 125,7 ngàn, Đức có 113 ngàn, và Hàn Quốc có 114 ngàn.
Việt Nam có khoảng 100 ngàn sinh viên theo học ở 49
quốc gia, trong đó 90% là du học tự túc. Tính đến tháng 10/2015, tại Mỹ có
28.883 sinh viên VN, tại Úc có 28.524 sinh viên VN. Hầu hết sinh viên Việt đi
du học không trở về.
Trong tổng số hơn 2,5 triệu người Việt di cư, số người
định cư ở nước ngoài bằng vốn đầu tư đã tăng lên đáng kể. Ví dụ, loại visa EB-5
(dành cho các đối tượng có vốn đầu tư vào Mỹ) đã tăng chóng mặt so với các loại
visa khác (như EB-1 và EB-2). Số lượng người Việt được cấp visa EB-5 từ 6.418
suất (năm 2014) đã tăng vọt lên 17.662 suất (năm 2015).
Theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt (chuyên gia LHQ), chỉ
trong vòng 6 năm (2008-2013) đã có 33 tỷ USD chạy khỏi Việt Nam một cách bất hợp
pháp, rất khó kiểm soát (như đầu tư chui, du học tự túc, mua tài sản, buôn lậu,
rửa tiền, hoán đổi bằng đồng tiền ảo…). Hàng trăm cá nhân và tổ chức Việt Nam
có tên trong “Hồ sơ Panama” và “Offshoreleaks”. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần
nổi của tảng băng chìm trong bức tranh toàn cảnh Việt Nam.
Năm 2017 người Việt đứng thứ 6 trong top 10 nước
hàng đầu có công dân mua nhà ở Mỹ. Người Việt đã chi khoảng 3,06 tỷ USD để mua
nhà tại Mỹ. Con số này ngang ngửa với các nước như Đức hay Nhật Bản, chiếm khoảng
2% trên tổng số các quốc gia đầu tư vào bất động sản Mỹ. Đó là chưa tính đến
khoản đầu tư vào các quốc gia khác như Canada, Úc, Anh, Hàn Quốc… Khoản tiền
chi trả hàng năm cho các du học sinh người Việt cũng lên đến vài tỷ USD.
Tệ trạng tham nhũng
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố Chỉ số cảm
nhận tham nhũng (CPI) 2018, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý
kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực
công. Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu, giảm nhẹ 2 điểm so với
năm 2017. Điểm số CPI 2018 của Việt Nam được tính dựa trên cơ sở 8 nguồn dữ liệu
là những khảo sát quốc tế độc lập.
Mặc dù Luật phòng chống tham nhũng được ban
hành từ 29/11/2005, nhưng tham nhũng không hề suy giảm mà ngược lại,
đã trở thành một tệ nạn phổ biến tràn lan, trên toàn bộ hệ thống
xã hội, như phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: “người
ta ăn của dân không từ một thứ gì“. Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang: “Không phải một hai con sâu mà bầy sâu”.
Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương,
cho rằng“Giờ có cả tham nhũng trong chính sách, tham nhũng trong chính trị
chứ không chỉ có tham nhũng trong kinh tế. Tham nhũng giờ không phải là tham
nhũng vặt mà là tham nhũng lớn, không chỉ tham nhũng cá biệt mà còn thành cả hệ
thống“.
Trong phiên họp tại Quốc Hội ngày 21.11.2017
bàn về kết quả thi hành luật phòng chống tham nhũng, Dân biểu Nguyễn
Chiến cho rằng, vấn đề phòng chống tham nhũng chưa bao giờ “nóng” như giai đoạn
hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đều xác định đây là quốc nạn, là giặc nội xâm cần
phải chống một cách triệt để. “Tuy nhiên, 10 năm qua thi hành luật, giống như
xây lò nhưng củi to, củi ướt chưa cháy được. Vậy sửa luật này phải sửa, gia cố
để đảm bảo củi to, củi nhỏ, củi ướt, củi khô đều phải cháy“.
Cũng theo Tổng Thanh tra chính phủ Lê Minh Khái báo
cáo trước Quốc hội kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham
nhũng cho thấy, nguyên nhân dẫn đến việc kiểm soát chưa có hiệu quả không phải
vì diện kê khai rộng mà do chưa quản lý được dữ liệu kê khai, chưa kiểm soát được
biến động và xác minh được tài sản, thu nhập.
Ngày 14.03.2018, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng
kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2017 và triển khai phương hướng,
nhiệm vụ năm 2018. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thành phố
có nhiều hoạt động quy mô nhưng kết quả rất hạn chế. Ông dẫn chứng trong hơn
37.000 bản kê khai thu nhập nhưng không ai bị xử lý tham nhũng; thành phố chưa
phát hiện tham nhũng qua khiếu nại, tố cáo…
Ông Nhân nói: “Thành phố có gần 10 triệu dân,
khiếu nại, tố cáo mỗi năm có đến cả nghìn. Nhưng báo cáo kết luận là chưa phát
hiện tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chắc chưa đúng, thống kê chưa
hết. Đọc mà thấy giật mình”.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Đinh La
Thăng., Vũ Nhôm…. là những án tham nhũng gây chấn động nhất trong năm 2017 bởi
con số thất thoát lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Giang Kim Đạt và đồng bọn tại Công
ty Vận tải Viễn Dương (Vinashinlines) chiếm đoạt gần 16 triệu USD.
Khi tham nhũng trở thành bản chất chế độ thì dù
giới lãnh đạo CS có “dựng lò đốt củi“ cũng không thể đốt hết bọn “sâu
dân mọt nước”, nếu không thay đổi thể chế chính trị.
Văn hóa và giáo dục xuống cấp
Tỷ lệ biết chữ của Việt Nam đứng sau Philippines,
Thái Lan. Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 95%, thấp hơn Thái Lan và
Indonesia (98%). Theo đánh giá của WB về kinh tế tri thức: Chỉ số giáo dục của
Việt Nam năm 2012 là 2,99 (thấp hơn bình quân thế giới là 4,35; bình quân của
khu vực 5,26), xếp thứ 113, thấp hơn so với Hàn Quốc thứ 4; Malaysia thứ 75;
Philippines thứ 85; Thái Lan thứ 93 và Indonesia thứ 102.
Năm 2016 có 536.712 sinh viên tốt nghiệp, trong
đó 25,7% giáo dục, sư phạm; 4% Nhân văn, nghệ thuật; 3,8% xã hội, báo
chí; 29,2% quản trị xí nghiệp, luật; 0,7% khoa học, toán; 2,1% công
nghệ thông tin; 19,9% kỹ thuật; 4,5% canh nông; 6% y tế….
Theo Bộ KH-CN, cả nước có 24.300 tiến sĩ và 101.000
thạc sĩ. Theo Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt nam (Vietnam
Union of Science and Technology Associations-(VUSTA), số giáo sư, tiến sĩ của
Việt Nam nhiều nhất Đông Nam Á. Nếu tính từ cấp thứ trưởng trở lên, số người có
bằng tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản. Nhưng tại sao đất nước vẫn tụt
hậu? Chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động của VN vẫn bị đánh giá là
thấp nhất khu vực? Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, 225.500 cử nhân và thạc sĩ bị
thất nghiệp (chiếm 20%).
Lễ hội là vấn nạn “cờ đèn kèn trống”. Theo Bộ
VH-TT-DL, mỗi năm nước ta có 7.966 lễ hội, bình quân mỗi ngày có 20 lễ hội. Nhiều
lễ hội đã trở thành tệ nạn, thừa bạo lực và thiếu văn hóa. Dịp Tết 2016, có
hàng ngàn vụ đánh nhau làm hơn 5.000 người phải nhập viện.
Rượu bia là một tác nhân gây ra bạo lực và tai nạn
giao thông đường bộ. Theo Eurowatch, mỗi năm trung bình một người
Việt uống 32 lít bia, cả nước uống hơn 3 tỷ lít. Nếu quy ra tiền thì người Việt
uống bia tốn hơn 3 tỷ USD/năm. Năm 2015, người Việt uống 3,4 tỷ lít bia, 68 triệu
lít rượu, tăng 10% so với 2014. Việt Nam đã trở thành nước tiêu thụ rượu bia
nhiều nhất Đông Nam Á và đứng thứ ba châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản).
Thay lời kết
Nhìn chung sự phát triển kinh tế và xã hội
trong những thập niên qua dưới chế độ độc đảng cộng sản còn có nhều
hạn chế, yếu kếm:
Phát triển kinh tế – xã hội chưa tương xứng với tiềm
năng, lợi thế. Cân đối ngân sách nhà nước vẫn còn bội chi, nợ công tăng nhanh,
áp lực trả nợ lớn.
Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước
trong khu vực và trên thế giới, chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm; năng suất
nhiều ngành, lĩnh vực thấp, công nghệ còn lạc hậu. Năng lực cạnh tranh quốc gia
vẩn kém.
Giới lãnh đạo Đảng và chế độ cộng sản Việt
Nam gắn liền lợi ích phe nhóm với sự lệ thuộc vào Trung cộng.
Quốc nạn tham nhũng, lãng phí, bất công xã hội
vẫn tồn tại song song với sự duy trì các doanh nghiệp nhà nước.
Những thiếu sót này cũng được các chuyên gia
Ngân hàng thế giới trình bày trong “Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh
vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”, công bố vào tháng 6.2016. Ngân hàng
thế giới khuyến cáo Việt Nam cải cách thể chế, dựa trên ba trụ cột phát triển
với 6 chuyển đổi lớn để tăng năng suất, đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập
trung bình cao vào năm 2035. Nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa bắt đầu triển khai
cải cách thể chế với ba trụ cột: (1) Thịnh vượng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi
trường; (2) Công bằng và hòa nhập xã hội; (3) Nâng cao năng lực và trách nhiệm
giải trình của nhà nước.
Việt Nam mong muốn trở thành nước có thu nhập trung
bình cao thành công vào năm 2030 và là nước có thu nhập cao vào năm 2045 thì
bắt buộc không chỉ thay đổi mô hình tăng trưởng mà còn phải cải cách
chính trị một cách triệt để, hầu tạo ra một bước đột phá tháo gỡ ách tắc
hiện nay, thuận lợi cho sự nghiệp đoàn kết dân tộc và canh tân đất
nước.
No comments:
Post a Comment