Có thể trong những năm tháng gần đây, bạn đã từng ít
nhất một lần nghe thấy câu nói/ than thở này: “Sao bây giờ nhiều xyz thế”, ví dụ:
- Sao bây giờ nhiều gay thế!
- Sao bây giờ nhiều les thế!
- Sao bây giờ nhiều tai nạn thế!
- Sao bây giờ nhiều trẻ tự kỷ thế!
- Sao bây giờ nhiều người trầm cảm thế!
- Sao bây giờ nhiều người tự tử thế!
- Sao bây giờ lắm thằng khùng thế!
- v.v.
- Sao bây giờ nhiều les thế!
- Sao bây giờ nhiều tai nạn thế!
- Sao bây giờ nhiều trẻ tự kỷ thế!
- Sao bây giờ nhiều người trầm cảm thế!
- Sao bây giờ nhiều người tự tử thế!
- Sao bây giờ lắm thằng khùng thế!
- v.v.
Những câu nói hay là than thở này đều có hàm ý rằng
“xã hội bây giờ mới thế chứ ngày xưa (thời chiến tranh, thời bao cấp) thì không
thế”.
Thật ra thì, bạn biết không, sự thật đơn giản là thời
nào Việt Nam ta cũng vậy, chỉ có điều ngày xưa, chúng ta không được biết đến những
chuyện đó mà thôi.
Người đồng tính cũng như người dị tính, đều đã hiện
diện trên trái đất này từ khi có nhân loại, và ở Việt Nam, tất nhiên, cũng vậy.
Thời chiến tranh, thời bao cấp, tỷ lệ người đồng tính trên dân số so với thời
nay chắc không thấp hơn bao nhiêu; chỉ có điều ngày ấy, chúng ta hầu như không
biết gì về khái niệm “đồng tính”, “chuyển giới”… Bản thân cộng đồng giới tính
thứ ba cũng khép kín và giấu giếm thân phận mình; có khi một phần lớn trong số
họ cũng không hiểu về mình và vẫn cố lập gia đình như thường.
Khoảng năm 1991-1992, báo chí đưa tin có hai cô gái ở
miền Tây tự sát cùng nhau và để lại một lá thư tuyệt mệnh nói rằng vì họ yêu
nhau mà không được hai bên gia đình cho chung sống, nên họ muốn cùng chết. Sự
kiện này được một số tờ báo đăng tin kèm theo những lời phẫn nộ của nhà báo:
“Xét về luân thường đạo lý, đó là điều không thể chấp nhận được”.
Chuyện tương tự xảy ra với căn bệnh trầm cảm, tự kỷ
và các bệnh tâm lý khác: Thời nào ở Việt Nam cũng có người trầm cảm, trẻ tự kỷ…
nhưng nhận thức của cộng đồng về các bệnh này hầu như rất thấp và dường như mãi
đến thập niên 2000, xã hội mới biết về chúng nhiều hơn, chứ không phải là đến
bây giờ Việt Nam mới xuất hiện nhiều bệnh nhân trầm cảm, tự kỷ.
Còn tai nạn, tự tử… chết chóc dưới các hình thức “bất
đắc kỳ tử” khác nhau, thì có thể nói chung rằng ở Việt Nam, tỷ lệ tử luôn cao
hoặc rất cao (nhưng không có thống kê chính xác, đáng tin cậy). Tuy thế, ngày
nay, chúng ta có thể đọc được trên mặt báo những tin tức như vụ container cán
thương vong 20 người dừng đèn đỏ ở Bến Lức (Long An), hay 10 nữ sinh đánh hội đồng
bạn đến nhập viện… chứ thời bao cấp thì tuyệt đối không. Nền báo chí cách mạng
trước khi có Internet là một nền báo chí về căn bản sạch bóng tiêu cực. Không
có tin lá cải về đời tư “sao”, không đấu tranh chống tham nhũng, không điều
tra, không bức xúc xã hội, không tai nạn, và không có cả thiên tai, mất mùa.
Cùng lắm thì thỉnh thoảng có tin đồng chí X đi thăm hỏi đồng bào ở tỉnh Y, nơi
đang hăng hái phục hồi, tăng gia sản xuất sau đợt mưa lũ ngày trước (là đợt mưa
lũ nào, gây thiệt hại ra sao thì tuyệt nhiên không báo nào đả động). Đặc biệt
là chuyện công an đánh dân và thậm chí đánh chết dân. Báo chí thời bao cấp có
bao giờ dám đưa những thông tin ấy hay dám đặt vấn đề trong những vụ việc ấy?
Điều quan trọng hơn cả, là cho đến năm 2005, Việt
Nam chưa có mạng xã hội, càng không có facebook.
NẾU KHÔNG CÓ FACEBOOK…
Bây giờ, nhìn vào câu chuyện Nguyễn Hữu Linh (Bí thư
đảng ủy, cựu Viện phó KSND Đà Nẵng) có hành vi ấu dâm và bị “quần chúng bức
xúc” bêu riếu, chửi rủa dữ dội, thậm chí bị xịt sơn lên cổng nhà, ta thử đặt
câu hỏi: Nếu không có mạng xã hội (như từ 2005 trở về trước), thì điều gì sẽ xảy
ra sau khi đảng viên Linh phạm tội?
- Kịch bản 1: Nền báo chí cách mạng sẽ im lặng tuyệt
đối. Câu chuyện không được ai biết đến. Bé gái nạn nhân âm thầm chịu đựng tất cả
hậu quả về tâm lý, thể chất. Đảng viên Hữu Linh yên tâm, tiếp tục hành sự với
nhiều nạn nhân khác.
- Kịch bản 2: Giả sử nhờ một cách nào đó, thông tin
lọt ra bên ngoài và được đăng tải trên một số tờ báo khu vực (như Asia Times,
Asia Observer…), thậm chí báo lớn của quốc tế (New York Times, Washington Post,
The Guardian…): Báo chí trong nước vẫn im lặng tuyệt đối và đảng viên Hữu Linh
vẫn có thể yên tâm hành sự tiếp.
- Kịch bản 3: Vẫn có 1-2 tờ báo đưa tin, nhưng hoặc
chỉ là báo giấy nên không có phản hồi nào từ độc giả, hoặc là đăng trên mạng
nhưng kiểm duyệt bình luận chặt chẽ. Gia đình bé gái vất vả đối phó với việc bảo
vệ danh tính, nhân phẩm của bé. Đảng viên Hữu Linh có thể phải mất chút ít cho
việc đàm phán, thương lượng với gia đình để đừng làm lớn chuyện. Linh có thể bị
nhắc nhở, hỏi han vài câu ở chi bộ nơi Linh sinh hoạt. Sau một thời gian, Linh
lại có thể yên tâm, tiếp tục hành sự.
Những kịch bản này đều chỉ là giả thiết, bởi vì thực
tế là chúng ta có mạng xã hội, và có một cộng đồng mạng đông đảo người biết
phân biệt tốt-xấu, biết phẫn nộ trước hành vi tội ác và biết lên tiếng khi thấy
có sự bao che.
Và cũng có cơ sở để tin rằng, thời trước, ở Việt Nam
đã xảy ra vô vàn vụ ấu dâm, tấn công tình dục, hiếp dâm, giết người… mà nạn
nhân đã phải im lặng suốt đời, thậm chí mất mạng trong oan ức, mà không được một
ai biết đến. Chứ không phải là “sao bây giờ nhiều ấu dâm thế, ngày xưa thì
không”.
No comments:
Post a Comment