Monday, April 22, 2019

MẤY NÉT GHI VỘI Ở SÀI GÒN ĐẦU THÁNG NĂM 1975 (Vương Trí Nhàn)




22 thg 4, 2019

Những ghi chép dưới đây của tôi  được thực hiện ngay khi sự kiện đang xảy ra; bởi vậy  xin các  bạn tha thứ cho những  non nớt và cái nhìn phiến diện của người viết trước những biến động to lớn của thời cuộc. Nhưng cái cảm hứng chính đã đến với tôi hồi ba mươi tuổi thì đến nay tôi vẫn giữ.

3/5
 Sân bay Gia Lâm, cỏ dại, những phi công thũng thĩnh, phảng phất cảm giác hoang vắng. Nhưng Tân Sơn Nhất thì đang bẩn như một bãi chợ. Rộng quá, gấp bao nhiêu lần Gia Lâm, không tính được.
Lính phá như hồi Quảng Trị - chỗ nào cũng có dấu tích của bàn tay người lính đã sờ tới, nhưng chỗ nào cũng là sự bất cần bừa bãi ăn không được thì đạp đổ.
Cái sức sống ở đây đang thật là hạ cấp. Người ta không có khái niệm về sống chung mà chỉ có khái niệm về những thứ lặt vặt chất cho đầy dạ dày, cho đầy một cái ba lô.

Giấy trắng vứt như chuồng chồ, những thức ăn để lẫn với những thứ tạp nham khác. Một quân đội đi phá, không thể là một quân đội để xây, ngay cả khi đội quân đó chiến thắng.
 Bên chiếc máy bay mấy chục chỗ kia, mấy người lính trong đơn vị đang tập xe đạp tò mò đứng lại xem. Nhiều cậu chân đi đất, quần sắn cao. Có cậu ngồi sau, chân thõng sang hai bên, chứ không phải đã biết ngồi một bên, như Hà Nội.
      Một số thạo hơn tập hon đa. Tiếng xe máy phóng đi, như những cơn rồ dại thức dậy trong mỗi người.

Thấy một người lạ vào, lính hỏi đại loại.
- Anh quê đâu -- có anh nào quê  Hà Nội không?
- Năm 72, nó đánh B52 ghê lắm phải không?
- Đồng hồ Poljot bây giờ bao nhiêu?
- Cái khách sạn này, nó mà chống đỡ thì mình chịu. Tường rất dày, bom bỏ trúng từng trên, từng dưới cũng không việc gì.
Đó là một người lính da vàng vì sốt rét, người lính chiến thắng. Khi tôi hỏi, anh ta bảo anh đã vào đây từ 1971. Anh đã vào đây, đi đường mất ít ra là 3 đến 6 tháng trong khi tôi chỉ đi mất có 3 giờ máy bay.

Sức sống, sức sống - lại nhớ ý nghĩ của mình - cái chết biểu lộ sự sống, sự hoang tàn thối nát cũng biểu thị sự sống đặc thù của nó. Trong lúc tôi viết những dòng này bên tôi nghe ve vẩy những con ruồi. Ở một cống ngầm trước mặt, nước cống chảy đều đều như cứa vào thời gian, trong khi đó, không biết từ đâu, nhưng trong phi trường lúc nào cũng thấy bật lên những đốm pháo sáng đỏ loè do lính bắn tập.

Tối ngủ trên khách sạn sân bay, nằm trên cái bàn đẩy, dùng một tấm kính rất đẹp lót lưng. Nghe nói rất nhiều chuột,  khu trại Đa Vít chuộc cắn cả một đôi dép mới của ông Mỹ. Chắc chắn có nhiều muỗi lắm. Và phải ngủ sớm. Thôi, đêm đầu tiên ở Sài thành hoa lệ!

4/5
Không ngờ trong đời tôi, tôi lại phải chứng kiến khung cảnh như thế này, ở Mỹ, ở Tây Âu ra sao, nhưng ở đây, cái đuôi của xã hội tiêu thụ, tất cả hiện ra đầy đủ, thuận tiện, sang trọng không chê vào đâu được. Con người được tôn trọng, được thoả mãn đến tận cùng. Nhiều thứ quá, thứ gì cũng như mời chào mình, sẵn sàng phục vụ mình, nó tự hứa rằng không ai phục vụ tốt hơn nó cả.

Nhưng kinh khủng nhất là tình trạng hiện đại ấy đang bị đập vỡ. Cũng như các xóm ngoại thị Quảng Trị 6-1072, ở đây, hôm nay, tất cả ở trong tàn phá, ở trong thế xáo trộn. Trong lúc đi lang thang, tại những khu nhà tung tóe, những tiếng đập phá  lục lọi rộn lên ở bốn chung quanh, tôi luôn luôn nhớ lại lời Nguyễn Minh Châu: "Lúc này giá kể có thể trốn đi đâu yên tĩnh mà ngủ một trận là thích nhất". Tôi cũng thế, tôi sợ sự hỗn loạn không thể tưởng tượng nổi. Tôi không thích lục lọi, không thích dẫm lên mọi thứ vụn nát, không thích nghe tiếng súng nổ. Những ngày vừa qua, ở Hà Nội, tôi đã rất sợ cái cảnh bàn tán xuôi ngược, đợi chờ vơ vẩn. Nay vào đây, tôi càng cảm thấy bồn chồn hơn. Tiếng nhạc chưa bao giờ chọc vào thân kinh khó chịu như lúc này. Toàn là những chuyện khứa vào đầu óc con người. Lại nhớ những đoạn trong Bác sĩ Zhivago: chúng ta sống dưới một cái nhà không có nóc, ai muốn làm gì thì làm.

Thật là kỳ lạ, một người trong tôi, mấy hôm trước rất nôn nao chờ đón mọi sự đổi thay, hôm nay khi đổi thay tới không biết tìm đâu một chỗ để nghỉ ngơi và làm việc cho thoải mái. Tôi hiểu thế giới này là hỗn loạn, tôi có lúc muốn lao vào giữa cơn dông bão, nhưng thường lúc đã vào cuộc như lúc này, lại ngần ngại, không thấy thú vị gì hết, không hiểu sẽ xoay sở thế nào. Hình ảnh cái chiến thắng này ư? Một người luôn đánh vật với chiếc xe hon đa trong đêm, đập phá, giãy giụa, tìm mọi cách để sai khiến nó, mà không sao sai khiến nổi. Rồi anh ta sẽ phá bỏ nó đi không biết chừng, dù đã chiếm được nó trong tay, anh ta không biết điều khiển nó.

Một ngành hoạt động loại hiện đại nhất: phi trường. Và những người lính thuộc loại rừng rú nhất. Vậy mà những người lính bộ binh ấy đang làm chủ phi trường với sự hoang dã muốn làm gì thì làm. Mọi chỗ đều bị xới lật, tất cả gợi ra một  cảm giác khó chịu đến không thể tưởng tượng nổi, cái cảm giác khó chịu ấy nó hành hạ tôi, khiến tôi cảm thấy hết sức đau khổ, có thể nói là cảm thấy nhục nhã nữa.

Nhục nhã vì thực ra, tôi đang là đồng bọn của những người này, tôi có liên quan tới tất cả những chuyện này. Tôi cũng đang là một kẻ chiến thắng - cái chiến thắng mà tôi không hiểu.

Cứ thế này mà suy, vậy thì cuộc đời còn gì là ý nghĩa gì nữa. Kẻ thắng lợi là kẻ vô văn hoá. Như một sự làm nhục văn hoá nói chung cái văn hoá mà tôi thường hết sức thành kính, tôi coi cuộc đời con người ta phải là đi về hướng đó. Vậy thì không phải chỉ có hôm nay thôi đâu, mà còn là những ngày sắp tới, cuộc sống sắp tới nữa. Cứ nghĩ cái xã hội mà 50 năm nữa miền Bắc chưa chắc đã tiến kịp, từ nay lại chịu sự quản lý của chúng tôi, do những người còn dốt hơn tôi chỉ huy - thì tôi không còn biết nói năng ra làm sao. Người ta sẽ viện dẫn đủ mọi thứ lý luận. Người ta sẽ bảo tôi phải bỏ qua hiện tượng, phải chú ý bản chất... Nhưng như thế tức là có cái gì đó phản lịch sử. Đúng thế, bạo lực vẫn thống trị tất cả.

Ngày hôm nay, tôi đinh ninh thế, là một ngày báo trước tất cả những gì sẽ tới của cuộc đời những ngày tới. Không hiểu sao, cuộc đời lại xoay chuyển theo cái hướng thế này. Kỳ lạ, cuộc đời vẫn luôn luôn mở ra những cái hướng mà không ai ngờ trước.

6/5
Người ta như thản nhiên quá chăng, thản nhiên trước tai hoạ sẽ tới? Con người như không biết nhiều gì những chuyện chính trị, con người chỉ có lo sống ham sống, và lo sống hàng ngày, những con người ấy sẽ thay đổi ra sao, tôi không hình dung nổi. Cái cảm giác chính, cảm giác về thân phận, cảm giác về chính mình, đang thức dậy trong tôi, khi tôi tiếp xúc với họ. Còn chính họ nghĩ ra sao, thì có giời mà biết.

- Xưa kia tôi cũng như anh
Mai đây anh cũng như tôi

Tôi giống như một người chết từ lâu, nay được tiếp xúc với những người sống - cái ao ước sống trong tôi - ao ước một cuộc sống được bảo đảm, tự do, cá nhân được tôn trọng, một cuộc sống lao động theo một nhịp điệu sôi nổi hơn, và nghỉ ngơi sinh hoạt thoải mái hơn, những ao ước ấy được cụ thể hoá thành xương thành thịt.

Nhưng rồi chúng tôi sẽ thống trị cuộc sống vốn có ở đây, cuộc sống hôm nay sẽ tan biến theo cái dòng sống vừa hỗn loạn vừa tẻ nhạt mà chúng tôi vẫn có... Đó là ấn tượng lớn nhất, mà tôi có được hôm nay.

Sự cuồng nhiệt của Sài Gòn
Tốc độ sống của Sài Gòn
Sự thản nhiên của Sài Gòn.

8/5
 Sự gặp gỡ giữa hai xã hội khác nhau, với cái tình thế trớ trêu thắng thua như hiện nay tạo ra một cái gì giống như là cảm giác khó chịu. Tôi sống mệt mỏi, căng thẳng. Rồi tôi sẽ làm được việc gì bây giờ? Chịu không sao biết được.

 Khi người ta sinh ra trong một xã hội khắc khổ, người ta có thể luôn luôn cảm thấy khổ, tới mức như một thói quen. Đến một xã hội chiều người, nịnh người, một xã hội tiêu thụ như xã hội này, người ta như một tu sĩ bước ra ngoài đời, không sao mà nhập vào ngay được.
Nhịp điệu sống ở đây cuồng nhiệt.
Sự thay đổi ở đây bất thường.
Và con người ở đây, thì lại quá quen thuộc với nếp sống đó, đến mức thản nhiên. Chúng tôi vừa bỡ ngỡ vừa xấu hổ với những bỡ ngỡ của mình, thật khổ. Như tôi chẳng hạn, tôi cảm thấy bị  sốc quá đáng tới mức không sao trở lại tự tin cho được.
---

Nỗi đau khổ về chính mình, những người cùng đi với mình - nỗi đau khổ của quá khứ mấy chục năm nay giờ đang hành hạ tôi. Ở Hà Nội là những người rất già, rất chậm... ở  đây, họ trẻ lại hóa thành những người rất khôn ngoan, lắm điều lắm nhời. Lắm lúc tôi như bất lực, không biết cách sao để nói chuyện với những người tôi từng yêu quý. Tôi rất muốn lấy lòng họ, sống hoà hợp với họ, để họ có thể yêu thương mình như ở ngoài kia. Nhưng chịu, tôi không làm nổi.

- Trên tất cả, tôi cảm thấy phải sống trong một thời đại mà cấu trúc tâm lý của mình hoàn toàn xa lạ.

Chiều nay, Sài Gòn mưa, cơn mưa rất lớn, trắng đất trắng trời. Người đi đường chúi cả vào một mái hiên nào đó chờ đợi. Mưa càng làm cho căn phòng của chúng tôi bức bối thêm, sau khi đã bức bối vì nước cứ dềnh cả lên, khắp nơi, cầu thang nhớp nháp, đồ đạc lộn tùng bậy - chúng tôi đang ở trong một cư xá Mỹ, mấy ngày đầu bị người vào hôi của, đến mức bây giờ lộn xộn quá đáng. Tôi nghĩ tới một hiện tình: mọi thứ tanh bành và chỉ đang được sắp xếp lại. Bao giờ sắp xếp? Chưa hiểu. Một cuộc cách mạng kéo dài 30 năm  và bây giờ đang tiếp tục - dài quá, dài quá.

9/5
Ông Trần Bạch Đằng nói về tình hình văn nghệ Sài Gòn
- Ta bàng hoàng vì chiến thắng lẹ quá
- Có một số bàng hoàng vì chế độ cũ tàn nhanh quá.
- Tiếp xúc với lực lượng thứ 3: nên nói thẳng, không lầm rầm
- Những hình thức hôm qua không thích hợp
-----
- Bọn phản động nhất: lính kín, tổng nha
- Có những kẻ bảo chửi ông nội hắn, hắn cũng chửi
80% trí thức = lưu manh
Chữ văn nghệ sĩ chưa nói gì cả.
Thần tượng: Lê Xuyên, Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng
Nói chung, không sạch
Chúng ta không cần Viên Linh nói về cách mạng
Phải có một sự trừng phạt. Con cái chúng ta đã bị đầu độc. Không được lướng vướng tài năng
- Chúng ta phải có lương tâm - nhân dân hy sinh, bộ đội chiến đấu, không phải để chúng ta bị cuốn theo một chút tình cảm dễ dãi, tha thứ cho họ.
- Cách mạng chưa làm điều gì quá lố. Coi chừng hữu khuynh. Hàng ngàn thằng phản động.
Vòng tay học trò in lại, làm hại bao nhiêu người.
Không nên băn khoăn về đời sống họ.
Không có danh nghĩa gì. Gọi là cháu nội Văn Nghệ Giải Phóng không được. Cục cứt Văn Nghệ Giải Phóng cũng không được.
Đây không phải là lúc trầm tư về những hi sinh dân tộc.
- Chúng ta không chia quyền cho ai
Không việc gì phải tranh luận về tự do.
- Nhưng không phải mọi thứ đã hết
Bây giờ vẫn phải lo truy kích địch
- Khí thế 1975, so với 1945 kém xa.
Những người tốt: Nguyễn Hiến Lê - Nguyễn Văn Xuân - Giản Chi - Hoàng Trọng Miên - Bình Nguyên Lộc - Vũ Hạnh
- Lúc này, không có tác phẩm là có tội. Tác phong khẩn trương, không lề rề, bỏ  mọi nghi lễ.
Bắc hay Nam tất cả đều là lực lượng VNGP
- Sự nghiệp là sự nghiệp chung
Tôi nghĩ  trong ông Trần Bạch Đằng này
Nội dung: Tố Hữu
Bộ mặt: Lưu Quý Kỳ
Cách nói: Hoàng Minh Thi
Nát đá
Một sự gần gũi của xa lạ
Một nền văn hoá của vô học
Bàn tay sắt bọc nhung
Sự rơi tõm vào quên lãng
Hệ thống, Guồng máy từ trên xuống dưới
Con trội: mặt lạc hậu, mặt dở. Cỏ dại. Cỏ gianh: sắc nhọn, thẳng đuột
Bất cứ nơi nào, bất cứ thời điểm nào cũng chỉ mơ tranh đấu
Chiến thắng= Bóng tối
Vô vọng
Theo những con đường cũ: không có cách nào khác.
- Sự nản lòng thực sự
-  Phản tự nhiên
- Số đông và số ít
Không kỳ vọng một điều gì
Chớ bao giờ ảo tưởng
"Cầm bằng chẳng đậu những ngày còn xanh"
Đất nước chẳng phải của chúng tôi.

10/5
 Kém thích nghi biết bao là con người tôi. Tôi lao vào một hoàn cảnh mà tôi cứ đờ đẫn cả người, không sao quen thuộc nổi.
Nhưng trong tôi cũng mâu thuẫn biết bao. Tôi hết sức ham thích cuộc sống tôi mới tiếp xúc, nhưng trong lý trí, tôi cứ muốn phủ nhận nó. Mà cái lý trí này vào tôi đã thành tiềm thức, nó phản ứng một cách hết sức tự nhiên, biết làm thế nào? Tôi giãy giụa trong một môi trường nhiều thành phần đối kháng, ở đó chính mình chống lại mình. Sao mà khó bình yên như vậy.
Những trí thức bạt tử, những kẻ vừa hành lạc, vừa kiêu hãnh với sự hành lạc ở phía bên kia – cả những nhà văn nhà báo ấy bây giờ cũng bó cẳng chịu đầu hàng, và nói những điều thất bại?
Và bao nhiêu người dân vừa hồn nhiên vừa tội lỗi, vừa lao động, vừa hưởng thụ, vừa rồ lên cuồng loạn, vừa hết sức thản nhiên sống cho qua ngày. Thế là thế nào, ai biết được.

12/5
Tại buổi gặp mặt các sinh viên. Những câu hỏi của những sinh viên có suy nghĩ.
- Nếu chính phủ Dương Văn Minh thực hiện đúng như lời họ tuyên bố, các anh có chấp nhận không?
- Trong những năm tới ảnh hưởng của ngoại bang sẽ ra sao?
- Tại sao chính phủ cách mạng lâm thời ra mắt chậm như vậy?
...
- Chúng tôi hiểu xã hội này có nhiều cái dơ dáy. Người Mỹ ở đây càng dơ dáy. Nhưng chúng ta sẽ có một xã hội thế nào? Quyền tự do cá nhân có được bảo đảm không?
- Chúng tôi chấp nhận hy sinh, nhưng liệu hy sinh đó có thoả đáng.... Miền Bắc liệu có thể có một xã hội trong đó, khi một người để xe đạp ở đường, không bị ai dắt mất, và không có một em bé nào phải đi ăn mày.
Tôi thường trả lời họ:
- Cái căn bản là Mỹ đã đi, và miền Nam miền Bắc thành một Tổ quốc thống nhất. Còn như tương lai thế nào, sau này sẽ liệu. Tương lai nằm trong tay mỗi người thanh niên chúng ta.
- Trong thời gian tới, đúng là có nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Một dân tộc như dân tộc Việt Nam xứng đáng với những kết luận có tính triết học ghê gớm (một thượng toạ nói: Mỗi người Việt Nam trở thành một triết gia, sau khi Việt Nam này chiến thắng!)
Nhưng tôi cho, cái chính lại là hành động, dân tộc đau thương đang cần chúng ta hành động, để đóng góp vào những việc rất cụ thể, dù biết rằng không biết hành động thế nào (và thực ra, nếu không suy nghĩ cho đúng càng hành động, càng lầm lẫn, càng gây ra những rắc rối hơn.)
- Về mặt nào đó, chúng ta hình dung ra xã hội phía trước còn rất nhiều chuyện. Những ảnh hưởng ngoại bang ư? Sẽ là rất lớn đấy, nhưng không có gì đáng sợ. Bởi cái chính là mỗi chúng ta, là những người trong cuộc chúng ta.
Sài Gòn - Với tốc độ của hon da, cuồng loạn, hon da leo lên cả vỉa hè, hon da len vào cả những bàn ngồi uống nước bên vỉa hè.
Với sự thay đổi của màu sắc trên đường, của mốt ăn mặc.
Với một vẻ ngoài tràn ngập vật dụng, rất nhiều hàng hoá, con người luôn luôn được phỉnh nịnh, được thoả mãn...
Với tất cả những cái đó, tôi hiểu người viết trong này bị thách thức rất nhiều. Cái đặc điểm lớn nhất của văn nghệ ở đây là thương mại hoá - Cái xã hội thương mại mà nhà xã hội học xô-viết I. Kôn nói rằng rất cần thiết cho trí thức, theo tôi, lại đã đến mức quá đáng, không thể chịu được. Vậy biết giải quyết ra sao?

13/5
 Tôi ghê sợ sự trì trệ. Nhưng tôi cũng không thích thú gì sự hỗn loạn. Nhất là một tính cách như tôi, tôi không phải là người giàu sức sống cho lắm.
- Lịch sử biến động càng lớn, mỗi con người càng hết sức bơ vơ.
- Sự giải phóng miền Nam đồng thời là sự giải phóng miền Bắc.
- Cả một xã hội chờ đợi

 16/5
 Sau 2 tuần giải phóng, Sài Gòn bắt đầu nhao nhác. Hàng vặt bày cả ra vỉa hè. Nhà nọ bán cho nhà kia. Nhưng lấy đâu ra tiền mà tiêu. Nhưng có ai làm ra cái gì đâu?
Xã hội đây là một xã hội tiêu thụ, nhưng về mặt nào đó, nó là xã hội đã hình thành, nó cần đến pháp luật, chính sách, tổ chức. Nó không phải là một xã hội tự cung tự cấp.
Nhưng người quản lý nó hiện nay không biết điều đó. Tiền nong, tài chính... lắm chuyện quá.
Cách mạng chỉ mới mang lại những khẩu hiệu, những chữ nghĩa. Nhưng người ta sống bằng những cái cụ thể khác.
Vả lại, những chữ nghĩa ấy vốn được dành cho một xã hội khác kia. Còn đây là một xã hội náo nhiệt quay cuồng về mốt, một xã hội sống tạm bợ, nương dựa, và bao lâu nay, như cái cây đang nở hoa, mà rễ đã bị ăn luỗng. Giữa "phương thuốc" và "căn bệnh" chẳng có gì là liên quan đến nhau hết. Làm sao mà giải quyết cho được?
Tôi cảm thấy bản thân mình không thích ứng được với hoàn cảnh. Tôi cũng bắt đầu chán cái Sài Gòn hỗn loạn này.
... Nhưng tôi biết đi về đâu? Trở lại với cái miền Bắc trì trệ, già cỗi kia ư? Cũng nản lắm. Mấy cụ già thì thào, bất lực. Những kẻ xấu hoành hành. Và bao trùm là những điều kiện sinh hoạt cơ cực, khiến cho con người không còn  nghĩ  được gì khác, con người như mất hết nhân phẩm.
Sự bơ vơ là ở tất cả mọi nơi. Cảm giác bơ vơ đến với tôi bất cứ lúc nào. Sự bơ vơ là khôn cùng.
Tôi nên làm gì? Tôi không rõ. Văn nghệ ư? Tác dụng trong đời sống vớ vẩn lắm. Và tôi cảm thấy mọi chuyện chả còn chi ý nghĩa. Tôi khổ sở vì tự do. Tự do chẳng biết làm gì cả.

Trong những ngày này, thắc mắc quá nhiều về công việc là một điều ngu ngốc đấy. Công việc bây giờ là sống như mọi người, bị cuốn đi, đến đâu hay đến đấy.
Trong những ngày này, mỗi cá nhân bé nhỏ đến thê thảm. Một người như Nguyễn Đình Thi, cũng không biết ở đâu (ông ta vào từ trước chiến dịch, nay không có tin tức gì hết). Sau khi giải phóng Côn Đảo, nghe nói những trí thức như Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư vẫn còn sống, nhưng chỉ sống cuộc sống hắt ra, không có ý nghĩa gì hết. Khi anh thành một con người lịch sử, thì về phương diện cá nhân, anh cũng chết luôn thế.

Vậy thì nói chi đến thân phận chúng tôi, những kẻ vơ vẩn, những cuộc sống tôi đòi. Khi tôi nghĩ đến những vớ vẩn, dại dột của mình, tôi chỉ còn an ủi: Bao nhiêu người hôm nay mất nghiệp, phá tán nhà cửa. Bao nhiêu người thay đổi địa vị, thất nghiệp, thơ ra thẩn vào. Không biết làm chi. Tôi chỉ là một cá nhân bé nhỏ như tất cả những người ấy, tôi làm sao hoàn toàn an toàn, vô can cho được. Tôi xin cam chịu. Có lẽ phải nghĩ rằng dẫu sao mình cũng còn khá hơn nhiều người khác.

Những nhận xét sơ bộ
- ở đây, người ta sống theo mốt, nhưng lại không biết thực chất mốt là thế nào. Không tự ý thức. Không năng động theo nghĩa làm sao để suy ngẫm về mình.
- Một vẻ gì như thản nhiên, như vô tâm,
- Mốt, như một hình thức méo mó của mặc cảm
- Mốt, như một cái gì chỉ huy, hướng dẫn (khác với lối hướng dẫn của CNCS)
- Sự phổ biến của mốt ra đại chúng đồng nghĩa với sự thương mại hoá? Tất cả đều trở thành sử dụng cho đông đảo mọi người, đồng tiền chỉ huy mọi chuyện.
Sách vở bán xô, bán đại hạ giá.
Sự sụp đổ của một chế độ, như chế độ Sài Gòn, làm cho tôi hiểu thêm cái phía này: văn chương, nghệ thuật không là gì cả.  Cả một thể chế được xây dựng chắc chắn như thế này còn bị sụp đổ, thì một bài văn, bài báo, có thấm thía gì? Tôi hiểu rằng chỉ có Bạo Lực thống trị tất cả. Và sau bạo lực là đêm tối, mọi chuyện tan biến đi như đêm tối.
Đứng trước một thành phố như Sài Gòn mọi người đều bị lột mặt ra chăng. Có tránh được chính mình chăng?
Chỉ trước sách vở, mới cảm thấy yên tâm một chút. Còn thì lúc nào tôi cũng bồn chồn. Tiện nghi hàng hoá, những cái đó lôi cuốn, không khỏi suy nghĩ về nó, đến nao cả lòng. Nhưng một mặt khác, thấy rõ những gì gọi là tương lai mới quan trọng. Mà dần dần, bước đầu, trong xã hội này, công việc cũng đã trở thành một thứ hàng hoá. Vấn đề có lẽ không phải là việc người ta sướng hay khổ, vấn đề là làm sao để cảm thấy lương thiện. Và ở phía CS, nơi người ta hằng xuyên như là tự xấu hổ về mình, như là một mặc cảm tội lỗi về cái tối của mình, thì sự lương thiện không được đặt ra.

Về Mỹ (ý kiến nghe được ở nhà bà Cúc)
1. Mỹ rất khôn ngoan: Nó cho mình gạo mỳ, dầu hôi trước, rồi mới bán sau. Khi đã dùng quen, thì bắt buộc phải mua của nó.
2. Các PX cố tình để lính Mỹ ăn cắp hàng bán ra thị trưòng. Mỹ muốn làm hỗn loạn thị trường của mình. Mỹ muốn tạo ra một xã hội giống Mỹ, do đó, cần ở Mỹ.
3. Người Mỹ rất ít tình cảm. Hôm qua, anh làm cho nó, thì nó quý hoá, trả lương rất hậu, muốn gì cũng được. Nhưng chỉ cần anh có việc gì găng go với nó, nó không nhận anh làm với nó nữa, thì thôi đấy, nó yêu cầu anh đừng để cho nó thấy mặt anh nữa. Không còn tình cảm gì hết.
4. Chính ra người Mỹ rất ke, dóc, khó lòng mà móc một xu ở nó - Chỉ trừ có gái, gái thì móc thế nào cũng được, đổi cả nhà nó cũng đổi.
5. Nhưng người Mỹ được cái không nói dối, và nó không thích mình nói dối.
Chính người Mỹ có một cái gì đó rất phong kiến.






No comments: