Saturday, April 13, 2019

JULIAN ASSANGE : ANH HÙNG HAY TỘI ĐỒ? (The Economist)




Phan Nguyên dịch
14/04/2019

Julian Assange, người bị lôi ra khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London vào ngày 11 tháng 4 sau gần bảy năm ẩn trốn ở đó, trông yếu ớt và luộm thuộm, và ông cũng không phải là một vị khách dễ chịu. Ông bị cáo buộc đã trét phân lên tường của tòa đại sứ quán và bỏ bê chú mèo của mình, bên cạnh những hành vi không lành mạnh khác, theo lời vị Bộ trưởng Ngoại giao đầy bức xúc của Ecuador. Mặc dù vậy, những người ủng hộ ông cho rằng việc trục xuất và bắt giữ ông là một cuộc tấn công nghiêm trọng vào tự do báo chí. Những người khác thì nghĩ rằng đó là một sự trả giá quá trễ đối với một người đã tạo ra tình trạng hỗn loạn thông tin lên phương Tây, gây nên sự bất ổn của nền dân chủ Mỹ. Vậy Assange là một nhà báo anh hùng, một nhà hoạt động liều lĩnh hay thậm chí là một đặc vụ của kẻ thù?

Rõ ràng là Assange và tổ chức của ông, WikiLeaks, đã tạo ra đợt rò rỉ thông tin ấn tượng nhất trong một thập niên qua. Các thông tin bị rò rỉ bao gồm các tài liệu vạch trần hành vi sai trái của Mỹ ở Iraq và Afghanistan (bao gồm cả số lượng ước tính thương vong dân sự ở Afghanistan lớn hơn so với báo cáo trước đây và đoạn video về một cuộc tấn công bừa bãi của một máy bay trực thăng Mỹ ở Iraq) hồi năm 2010. Hơn 250.000 bức điện ngoại giao chứa nhiều thông tin nhạy cảm của Mỹ đã bị đánh cắp với sự giúp đỡ của Chelsea Manning, khi đó là một sĩ quan trẻ. Có lẽ nghiêm trọng nhất là việc năm 2016 WikiLeaks là nơi công bố các email bị Nga hack từ Đảng Dân chủ, điều có thể đã làm ảnh hưởng đến tiến trình cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm đó.

Những người ngưỡng mộ Assange tự hỏi hành động đó khác gì với việc tờ New York Times xuất bản loạt tài liệu Pentagon Papers hồi năm 1971, qua đó phơi bày các chi tiết bất lợi về chiến tranh Việt Nam? Theo một cách nào đó, Assange cũng chỉ làm theo các tổ chức tin tức lừng lẫy, từ lâu đã là diễn đàn cho những người cung cấp tin chống lại chính phủ, và họ được hưởng các biện pháp bảo vệ dựa theo Tu chính án thứ nhất khi làm như vậy.

Tuy nhiên, có một số lý do tại sao hành vi của Assange đặt ông vào một phạm trù khác. Các cáo buộc của Mỹ chống lại ông chỉ ra một sự khác biệt đáng chú ý. Họ cáo buộc Assange không chỉ công bố thông tin bị rò rỉ, điều mà các nhà báo thường làm, mà còn giúp Manning bẻ khóa mật khẩu để xâm nhập vào một mạng tin bí mật, biến Assange thành một kẻ đồng phạm trong âm mưu tin tặc bất hợp pháp. Nhiều nhà báo kích thích các nguồn tin của họ để được cung cấp thêm thông tin, điều Assange bị cáo buộc đã làm; nhưng hầu hết họ không giúp nguồn tin của mình phá khóa hay bẻ mật khẩu.

Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống Barack Obama thừa nhận họ không thể truy tố Assange tội rò rỉ thông tin nếu không hình sự hóa công việc thường nhật của các phương tiện truyền thông. Nhưng bộ cũng cảnh báo một cách hợp lý rằng các nhà báo không phải muốn tung tin thế nào cũng được: nếu họ được cho là đặc vụ của một thế lực nước ngoài, hoặc đồng chủ mưu phạm tội với người khác, họ có thể bị truy tố một cách hợp pháp.

Một số hành vi của WikiLeaks có thể đã tiến gần đến giới hạn này (mặc dù mức độ vai trò cá nhân của Assange trong hoạt động của tổ chức này vẫn chưa được biết rõ). Theo một bản cáo trạng được công bố bởi công tố viên đặc biệt Robert Mueller, năm 2016 WikiLeaks đã thúc giục các điệp viên Nga – hoạt động với một bút danh riêng, cung cấp các thư điện tử liên quan đến ứng cử viên Đảng Dân chủ lúc đó, bà Hillary Clinton. Mục đích của Wikileak là xoay chuyển cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho đối thủ cùng phe Dân chủ của bà là Bernie Sanders.

Nhưng Donald Trump mới là người hưởng lợi thực sự. “Ôi trời, tôi rất thích đọc WikiLeaks, Trump từng tuyên bố hồi năm 2016 (bây giờ, với tư cách là tổng thống, Trump lại nói ông không ưa WikiLeaks). Mike Pompeo, khi đó là một nghị sĩ đảng Cộng hòa, đã vui vẻ tweet về WikiLeaks trong chiến dịch tranh cử. Nhưng vào tháng 4 năm 2017, sau khi trở thành giám đốc CIA, ông đã gọi WikiLeaks là “một cơ quan tình báo phi nhà nước thường bị giật dây bởi các chủ thể nhà nước như Nga”.

Điều này chỉ ra sự khác biệt thứ hai giữa Assange và các phóng viên bình thường. Hầu hết các nhà báo có trách nhiệm sẽ không kêu gọi các điệp viên của một quốc gia chuyên chế gửi cho họ các bí mật nhằm mục đích phá hoại một cuộc bầu cử dân chủ; họ cũng sẽ thông báo rõ ràng cho độc giả về nguồn gốc của các thông tin mà họ có được.

Việc WikiLeaks sẵn sàng đóng vai trò như một cỗ máy nhiệt tình và thiếu phản biện cho các cơ quan tình báo Nga phản ánh lịch sử lâu dài của tổ chức này trong việc công bố các tài liệu rất ít hoặc không có giá trị tin tức, mà chủ yếu tính toán nhằm làm suy yếu các lợi ích của Mỹ. Một loạt các công cụ hack của CIA được công bố hồi năm 2017 là một ví dụ. Ngược lại, WikiLeaks gần như không bao giờ công bố các thông tin rò rỉ có thể làm suy yếu các đối thủ chuyên chế của Mỹ. Assange có thể không phải là một đặc vụ của kẻ thù, nhưng ít nhất ông ta là một thằng ngốc hữu ích.

Việc Assange cam kết phát tán thông tin (một cách bừa bãi) thay vì đưa thông tin (một cách có chọn lọc) đã khiến ông khác biệt với các nhà báo thực thụ. Hồi năm 2011, ông đã công bố các phiên bản chưa được biên tập của các bức điện ngoại giao Mỹ, không đồng ý với quyết định của một số tờ báo chỉ muốn xuất bản một số bức điện đã được cắt gọt một năm trước đó.

Năm đối tác của Assange, gồm các tờ GuardianNew York TimesEl PaísDer Spiegel và Le Monde – đã lên án hành động này, chỉ ra rằng Assange đã tiết lộ các thông tin cá nhân nhạy cảm và các chi tiết an ninh quốc gia với ít giá trị tin tức. Một số người cung cấp tin bị lộ tên, chẳng hạn như một nhà báo người Ethiopia, đã buộc phải chạy trốn khỏi đất nước của họ.

Đúng là nên nghi ngờ động cơ của chính quyền Donald Trump. Nước Anh nên cảnh giác với việc dẫn độ một nghi phạm nổi bật đến một quốc gia nơi bộ phận tư pháp đang trong tình trạng hỗn loạn chính trị, và nơi mà các chi tiết về cáo buộc xâm nhập mạng máy tính vẫn còn sơ sài, chưa cho thấy liệu cuộc xâm nhập có thành công không và thông tin gì, nếu có , đã bị đánh cắp. Nhưng điều đó không có nghĩa là tự do báo chí phải dựa vào số phận của Assange. Nếu Assange coi mình là một nhà báo, ông ta đang rất cần một khóa học bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp cơ bản. Dù ở Anh hay Mỹ, ông ta có thể sẽ có rất nhiều thời gian để thực hiện khóa học trong những tháng tới.

-----------------

Nguồn:






No comments: