Wednesday, April 3, 2019

BẢN TIN NGÀY 3-4-2019 (Báo Tiếng Dân)




03/04/2019

Tin Biển Đông

VnExpress có bài: Chuyên gia cảnh báo sự gia tăng hiện diện [của] Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Gregory Poling, Giám đốc AMTI ở trung tâm CSIS bên Hoa Kỳ, nhận định, các hoạt động gần đây của hàng trăm tàu cá Trung Quốc gần đảo Thị Tứ là dấu hiệu cho thấy dân quân Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện ở Biển Đông: “Hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu cá Trung Quốc đang được sử dụng để giám sát và hăm dọa các nước láng giềng mỗi khi họ có hoạt động gì đó mà Bắc Kinh không ưa”.

Chiến hạm Mỹ ở Biển Đông mang theo phi đội F-35B lớn chưa từng thấy, Zing đưa tin. Theo đó, tàu đổ bộ tấn công USS Wasp mang theo ít nhất 10 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, đến Biển Đông để tập trận với Philippines. Đây là một phần của cuộc tập trận thường niên mang tên Balikatan 2019 do Mỹ, Philippines và Úc tiến hành ở thành phố Quezon, đảo Luzon, Philippines.


Giá điện, rồi đến giá xăng tăng

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Giá xăng tăng gần 1.500 đồng/lít từ 17h giờ chiều 2-4. Theo đó, liên bộ Tài chính – Công thương vừa thông báo điều chỉnh tăng mạnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu từ 17 giờ ngày 2/4/2019, riêng giá xăng RON95-III tăng 1.484 đồng/lít. Đây là lần thứ hai liên tiếp giá xăng dầu được điều chỉnh từ sau Tết Nguyên Đán đến nay. Đại diện Bộ CT khẳng định, mức tăng này vẫn còn thấp so với đà tăng giá dầu thế giới.

Một trong các lý do tăng giá: Số dư quỹ bình ổn giá xăng ở các doanh nghiệp đã giảm mạnh, “Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cho biết đã bị âm quỹ bình ổn tới 300 tỉ đồng”. Tuy nhiên, mọi người biết rằng quỹ này đã bị xà xẻo, “rút ruột” từ trước.

Báo Dân Trí dẫn lời trấn an của Thứ trưởng Bộ Công Thương: Giá xăng dầu tăng sốc là việc không ai mong muốn. Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương thuyết phục người dân chịu khổ dưới nền “kinh tế thị trường định hướng XHCN”: “Chúng tôi chia sẻ khó khăn cho người tiêu dùng và người dân, nhưng chúng ta nên biết hiện nay quản lý, điều hành xăng dầu thành phẩm tương đối theo thị trường, có sự định hướng Nhà nước”.

Cũng giống như ông Phó Tổng GĐ EVN chưa đầy 2 tuần trước đã nói: “Chúng tôi cũng không muốn tăng giá điện”.  Lãnh đạo Bộ CT giờ cũng trấn an theo cách tương tự. Về phía dân, ngày càng nhiều người hiểu rằng quan chức CSVN muốn hay không thì cũng phải tiếp tục tăng giá các mặt hàng thiết yếu, trong tình hình nền kinh tế được “bơm thổi” của VN ngày càng xuống dốc, tài nguyên cạn kiệt, nợ công ngày càng gia tăng. Giá điện đã tăng, giờ đến giá xăng cũng “góp sức”, dẫn đến làn sóng tăng giá của hầu hết các mặt hàng tiêu dùng.

VnExpress có bài: Giá xăng tăng mạnh. VnExpress là trang “lề đảng” nên thường có đội ngũ tuyên truyền viên khá đông để định hướng dư luận, dập tắt những bình luận phê phán chế độ, nhưng với tin này, hầu hết các ý kiến thể hiện sự bất bình. Có độc giả bình luận: “Lại xăng tăng, liên tục điều chỉnh giá điện, giờ lại xăng, dân chắc không chịu nổi nữa rồi, lương bình quân thì thấp nhất nhì thế giới mà cái gì cũng đắt nhất nhì thế giới”.


“Củi” gia đình Trần Bắc Hà

VietNamNet có bài: Trại bò nghìn tỷ khiến cha con Trần Bắc Hà bị bắt, dân ào vào chiếm đất. Bài báo cho biết: Dự án chăn nuôi bò giống của con trai Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng được đầu tư hơn 4.500 tỉ đồng, với diện tích hơn 2.100 ha. Trước năm 2017, người dân nào muốn vào khu vực dự án này đều bị bảo vệ kiểm tra nghiêm ngặt, nhưng từ khi dự án thua lỗ nặng, “đất đai bỏ hoang, việc vào ra dễ dàng, thậm chí một bộ phận người dân vào chiếm đất trồng cây mà không bị cản trở”.

Trang Đầu Tư Tài Chính VN đưa tin: Bình Ðịnh từng muốn giao 5.000ha đất cho Công ty Bình Hà. Theo đó, hồi cuối tháng 6/2015, UBND tỉnh Bình Định từng đồng ý với chủ trương sử dụng đất của Công ty Bình Hà và giới thiệu một số địa điểm cho công ty này triển khai dự án chăn nuôi bò với diện tích khoảng 5.080ha. Đến nay, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Thời điểm đó tỉnh chỉ mới giới thiệu đất, nhưng sau đó tỉnh thấy không có năng lực nên đã quyết định thu hồi. Dự án chưa làm gì hết”.


Con trai ông Phạm Quang Nghị làm quan
Con ông Phạm Quang Nghị về làm Phó Bí thư Sóc Sơn, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Thành uỷ Hà Nội vừa công bố quyết định điều động ông Phạm Quang Thanh, Tổng GĐ Tổng Công ty du lịch Hà Nội, con trai của ông Phạm Quang Nghị, cựu Bí thư Thành ủy TP Hà Nội, làm Phó bí thư Huyện uỷ Sóc Sơn.

Thêm một bằng chứng cho thấy “con vua thì lại làm vua” trong chế độ CSVN. Các quan chức để con cháu của họ tiếp tục ngồi vào các vị trí lãnh đạo, nhằm duy trì “hạt giống đỏ” của một thể chế “hồng hơn chuyên”, trọng lý lịch chứ không trọng năng lực.


Các vụ cướp nhà, “ăn” đất
Báo Tiền Phong đặt câu hỏi vụ ngôi nhà đột ngột “biến mất” ở Bình Dương: Xã nói cán bộ phá dỡ đúng? Vụ cán bộ xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, Bình Dương đến tháo dỡ một nhà dân trong lúc chủ nhà đi vắng bị người dân cho là “lạm quyền”, Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Quan điểm của UBND xã Tân Vĩnh Hiệp là việc tháo dỡ công trình tạm của hộ bà Vân ở ấp Tân An là đúng quy định”.

Thanh Tra Chính Phủ đang tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động quản lý đất tại khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, VietNamNet đưa tin. Trước đó, Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán, cho thấy nhiều sai phạm quản lý, sử dụng tài chính và tài sản ở công trình này, gồm chuyện tự ý cho thuê mặt bằng, không đấu giá và công khai mức giá; chưa thực hiện kê khai, nộp tiền thuê đất của các hợp đồng cho thuê mặt bằng.

Báo Pháp Luật TP HCM thống kê: 9 cán bộ biến đất rừng thành đất cá nhân. Nhóm 9 cán bộ ở BQL Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, tỉnh Gia Lai, bị truy tố vì đã biến đất rừng thành đất cá nhân để trục lợi. Trước đó, họ được giao nhiệm vụ quản lý hơn 8.000 ha rừng, nhưng từ năm 2011 đến tháng 5/2017 lại để “cho nhiều cá nhân lấn chiếm gần 2500 ha đất lâm nghiệp và gây thiệt hại hơn 278 ha rừng”.

Báo Người Lao Động bàn về vụ đổi 105 ha đất lấy 1,9 km đường: Sau rà soát, giảm còn 24,18 ha! Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam nói về dự án bị cho là đem đất “vỗ béo” doanh nghiệp: “Tỉnh mới giao cho Công ty Bách Đạt An 24,18 ha đất quy hoạch phân lô bán nền trong tổng cộng 105 ha … Hợp đồng BT này trên cơ sở ngang giá có bù trừ. Hiện nay tỉnh đã điều chỉnh rồi”.



Hậu vụ án Đoàn Thị Hương

Zing có bài: Hé lộ khẩu cung dài 11 trang của Đoàn Thị Hương. Một số điểm chính trong tài liệu ghi lại lời khai của cô Hương tại cơ quan điều tra: Cô đã bị một người biệt danh Mr. Y, tự xưng là nhà quay phim Hàn Quốc, lừa rằng cô sẽ được tham gia chương trình thực tế với một “diễn viên” (chính là Kim Jong-nam, anh của Chủ tịch Kim Jong-un), lần đầu cô Hương gặp Mr. Y là tại một quán bar ở Hà Nội 7 tuần trước vụ ám sát và Hương đã bắt đầu chuẩn bị cho “chương trình thực tế” từ lúc ấy.



Công an ra tay với “thần tượng” Khá Bảnh

Sáng 2/4/2019, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết, sẽ xác minh thông tin Khá Bảnh đến “thăm trường” và giao lưu với học sinh, theo báo Người Đưa Tin. Bài báo cho biết: Trước khi bị bắt, Ngô Bá Khá được rất nhiều học sinh, sinh viên thần tượng, “thông qua các clip với nhiều nội dung phản giáo dục, phi văn hóa, có lối sống giang hồ, kích động bạo lực được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội Facebook và YouTube”.

Công an tỉnh Bắc Ninh đã bắt Khá “bảnh” để điều tra về hành vi tổ chức đánh bạc, báo Thanh Niên đưa tin. Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh xác nhận, tối 1/4/2019, Công an thị xã Từ Sơn đã tiến hành bắt tạm giam và khám nhà thanh niên tên Ngô Bá Khá (tức Khá Bảnh), “thần tượng” giang hồ của giới trẻ miền Bắc trên mạng xã hội, vì tội tổ chức đánh bạc và một số tội khác.

Nhà báo Tâm Chánh, cựu TBT báo SGTT có bài: Bắt Bảnh khóc ai mới bảnh? Ông Tâm Chánh viết: “Nhưng một Khá Bảnh tội phạm do ai phán xét mà có vẻ muốn bắt thì bắt. Ai cho phép công an có quyền tước đoạt quyền nhân thân của cậu ấy khi làm việc với công an, kể cả ảnh thuộc quyền riêng tư của cậu ấy? Trong khi đó chẳng ai tường thuật phiên làm việc với đối tượng tra khảo ép cung, nhục hình”.

Vụ Cục Phát thanh truyền hình yêu cầu YouTube hạ kênh của Khá Bảnh, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Nhà báo Đỗ Hùng không ủng hộ biện pháp can thiệp này. Ông Hùng cho rằng, mọi người có thể tẩy chay hoặc sử dụng công cụ report của YouTube của mạng xã hội để báo cáo nội dung xấu, hoặc: “Ở mức cao hơn, mình sẽ viết đơn kiện nếu mình có bằng chứng kênh đó gây phương hại đến mình. Mình không ủng hộ chuyện sử dụng quyền lực nhà nước để dập tắt một tiếng nói mà mình ghét“.


Bạo lực học đường

Chủ tịch UBND TP Bà Rịa vừa chỉ đạo tạm đình chỉ cô giáo bị tố đánh 22 học sinh bầm tím, theo báo Pháp Luật TP HCM. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, “người bị phụ huynh tố đánh 22 học sinh (HS) bầm tím trên mạng xã hội facebook gây xôn xao dư luận vài ngày qua” bị đình chỉ công tác trong một tháng.

Những vết bầm tím ở chân học sinh bị phụ huynh tố là do cô giáo dùng thước đánh. Nguồn: PLTP

Báo Lao Động có bài: Liên tiếp xảy ra tình trạng bạo lực học đường trong một thời gian ngắn. Theo đó, tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, ngày càng có nhiều vụ học sinh bạo hành nhau cả về thể xác lẫn tinh thần, mức độ bạo lực cũng nghiêm trọng hơn. Có đủ nguyên nhân, từ bệnh thành tích đến môi trường xã hội, từ gia đình đến nhà trường… cả nền giáo dục loay hoay với vấn nạn bạo lực học đường.

Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Nữ sinh bị lột đồ, đánh hội đồng ở Hưng Yên bây giờ ra sao? BS điều trị cho nữ sinh H.Y cho biết, “sau khi được khám lại, làm các bài kiểm tra về tâm lý lo âu, trầm cảm, đến thời điểm hiện tại, tình hình sức khỏe của Y. tiến triển tốt, tâm lý ổn định bình thường, có thể xuất viện”.

Chiều 2/4, Hội đồng kỷ luật Trường THCS Diễn Hùng và THCS Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An vừa đình chỉ học 1 tuần đối với nhóm nữ sinh đánh bạn, quay clip ở Nghệ An, theo báo Sài Gòn Giải Phóng. Đó là hình phạt dành cho nhóm 5 học sinh hành hung một nữ sinh và bắt nạn nhân quỳ trước máy quay vừa diễn ra ở Nghệ An, vì nhóm thủ phạm cho rằng nạn nhân đã tung tin nói xấu một người trong nhóm.

VietNamNet bàn về bạo lực học đường: Có nguyên nhân từ lòng tin sụp đổ. Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm UBVHGD Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, “khi người thầy ngoài xã hội có những hành vi khác với hình ảnh đẹp ở trường lớp cũng khiến các em bị sụp đổ”.

Không riêng người thầy, mà người lớn hàng ngày rao giảng đạo đức, lễ nghĩa nhưng cúi đầu trước bạo quyền, lẽ nào không khiến các em thất vọng và mất niềm tin vào xã hội? Một xã hội trong đó đa số mọi người với tư duy nô lệ, tâm thế khiếp nhược, cam chịu sống hèn… là những tấm gương xấu, ảnh hưởng rất lớn tới sự hình thành nhân cách của các em.


Môi trường ngày càng ô nhiễm

Sáng 2/4/2019, tại UBND xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, Bình Định, Phó Chủ tịch Bình Định đối thoại với người dân về dự án điện mặt trời, báo Tiền Phong đưa tin. Theo đó, dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ đã nhiều lần bị người dân địa phương phản đối bởi họ lo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh kế của họ.

Trong buổi đối thoại sáng 2/4, lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư tiếp tục hứa hẹn với người dân rằng dự án này sẽ đem lại lợi ích cho địa phương, không gây nguy hại đến môi trường. Tuy nhiên, người dân tiếp tục phản đối dự án điện trên đầm Trà Ổ, theo báo Người Lao Động. Trong buổi đối thoại nói trên, nhiều người dân xã Mỹ Lợi tiếp tục phản đối, có người nói: “Mỗi ngày ra đầm đánh bắt, tôi kiếm được 200.000 – 300.000 đồng để sinh sống, nuôi con cái. Bây giờ lấy đầm làm nhà máy điện mặt trời, dân chúng tôi biết lấy gì mà sống”.

Trang Thế Giới Tiếp Thị có bài: Hàng trăm hộ dân ở Hội An chịu ô nhiễm từ bãi rác. Đó là bãi rác ở xã Cẩm Hà, với diện tích 1ha, tổng lượng rác khoảng 80.000 tấn. Trước kia, mỗi ngày có khoảng 50 tấn chất thải rắn được tập kết ở bãi rác này, nhưng giờ có lúc lượng rác thải lên tới 80 tấn/ngày, dẫn đến quá tải. “Rác thải được chôn lấp không hợp vệ sinh qua nhiều lớp khiến bãi rác Cẩm Hà cao như núi”.

Nhiều năm nay, chính quyền địa phương vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm bãi rác. Nguồn: TGTT


***







No comments: