Thursday, November 8, 2018

Ý NGHĨA VỀ CUỘC BẦU CỬ GIỮA NHIỆM KỲ CỦA HOA KỲ (Lý Thái Hùng)




Lý Thái Hùng

Có lẽ đây là lần đầu tiên một cuộc bầu cử toàn quốc ở Hoa Kỳ đã không chỉ thu hút sự quan tâm theo dõi đông đảo của cử tri người Mỹ, mà còn cả cộng đồng thế giới. Đặc biệt là rất đông người Việt ở trong nước đã theo dõi từng giờ những diễn tiến của cuộc bầu cử.

Sự quan tâm này đến từ một lý do rất chính đáng, kết quả cuộc bầu cử được coi như là sự phán quyết của cử tri toàn quốc Hoa Kỳ đối với những chính sách và cách điều hành quốc gia của Tổng thống Donald Trump trong hai năm 2017-2018 vừa qua. Theo kết quả điều tra của CBS cho biết là Tổng thống Donald Trump là nhân tố khiến cho 65% cử tri đi bầu, trong đó có 36% phản đối, 29% là ủng hộ.

Về phương diện đối nội, cử tri quan tâm đến chính sách bảo hiểm sức khỏe, chính sách di dân và bầu không khí chia rẽ trầm trọng giữa lưỡng đảng.

Về phương diện đối ngoại, cử tri quan tâm đến quan hệ Mỹ – Trung và cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra gay gắt giữa hai nước có thể làm ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Mặc dù còn một vài địa phương chưa có kết quả sau cùng, nhưng về cơ bản, kết quả kiểm phiếu cho thấy là đảng Cộng Hòa tiếp tục kiểm soát Thượng Viện trong khi đó đảng Dân Chủ thay thế đảng Cộng Hòa trong vị trí đa số tại Hạ Viện.

Nói cách khác, kết quả cuộc bầu cử lần này đã mang đến hai sự thay đổi lớn trong tình hình chính trị nước Mỹ.

Thứ nhất là chấm dứt việc độc chiếm cả hành pháp lẫn toàn bộ lập pháp (Hạ viện và Thượng viện) của đảng Cộng Hòa, dẫn đến sự “cân bằng” và “kiểm soát” giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, giúp thúc đẩy những cuộc đối thoại lưỡng đảng, giảm bớt bầu không khí căng thẳng hiện nay.

Thứ hai là Tổng thống Donald phải thay đổi cách ứng xử với đảng Dân Chủ nếu muốn tránh những xung đột có thể dẫn đến sự bùng vỡ các vấn đề nhạy cảm như vụ trục xuất di dân người Mễ, ngân sách xây bức tường ở biên giới Mỹ-Mễ, và nhất là cuộc điều tra liên quan đến sự “thông đồng với Nga” của một số nhân vật từng thân cận với ông Donald Trump.

Trong khi đó, tuy kiểm soát Hạ Viện, đảng Dân Chủ không có nhiều khả năng để ngăn chận cuộc chiến mậu dịch Mỹ Trung hiện nay vì chính sách này nằm ở quyền quyết định của Tổng thống Donald Trump và các bộ liên hệ. Dựa trên quan điểm “phải cứng rắn đối với Trung Quốc” của đa số các Dân biểu và Nghị sĩ trong cả hai đảng trước cuộc bầu cử, lưỡng viện sẽ không ngăn chận chủ trương “Ưu tiên nước Mỹ” bao gồm chính sách bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, để mang đến hai sự thay đổi căn bản nói trên và cho thấy sự vững chãi của nền dân chủ pháp trị của Hoa Kỳ, ta có thể rút ra ba ý nghĩa đặc thù trong cuộc bầu cử này.

Một, từ hơn một thập niên qua số cử tri ghi danh và tích cực tham gia đi bầu như lần này đã là một hiện tượng đặc thù. Họ không chỉ vận động và rủ nhau, mà còn chia xẻ quan điểm tại sao phải đi bầu cho thật đông vì chính họ tin rằng lá phiếu của số đông sẽ tạo ra sự thay đổi. Không chỉ giới trẻ, phụ nữ, mà còn có cả những cộng đồng người di dân ở nước Mỹ đã góp phần đáng kể trong việc nâng tỷ lệ cử tri tham gia đi bầu lên tỷ lệ cao nhất trong 10 năm qua. Làn sóng xanh (Blue Wave) đã xuất hiện trong cuộc bầu cử này – không sôi nổi, ồn ào như người ta dự kiến, nhưng nó đã tạo ra một sự thay đổi nhẹ nhàng khi số phiếu dồn cho các ứng viên của đảng Dân Chủ.

Ý nghĩa này đã gửi ra một thông điệp mạnh mẽ đến người dân tại những quốc gia độc tài rằng: người dân muốn thay đổi, không chấp nhận những hiện tượng chướng tai gai mắt phải dùng lá phiếu của chính mình và của bạn bè để tạo ra sự thay đổi. Nói cách khác, không ai có thể thay đổi nguyên trạng bằng chính ý chí và quyết tâm hành xử quyền bỏ phiếu của mỗi công dân.

Hai, số phụ nữ tham gia vào cuộc tranh cử lần này chiếm một con số kỷ lục. Trong số 962 ứng viên tranh cử lần này, có 262 phụ nữ chạy đua vào các vị trí trong Thượng viện, Hạ viện và Thống đốc các Tiểu bang. Ở nhiệm kỳ vừa qua (sẽ chấm dứt cuối năm nay) có tất cả 107 phụ nữ là những dân cử trong lưỡng viện. Sau cuộc bầu cử này, hiện chưa có con số tổng kết sau cùng nhưng đã có tới 120 phụ nữ nằm trong lưỡng viện. Người phụ nữ trẻ 29 tuổi lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện là cô Alexandria Ocasio-Cortez thuộc đơn vị New York. Hai phụ nữ Hồi Giáo đầu tiên được bầu là cô Rashida Tlaib của tiểu bang Michigan và Ilhan Omar của Minnesota.

Hai người phụ nữ khác là Sharice Davids thuộc tiểu bang Kansas và Debra Haaland thuộc tiểu bang New Mexico đã trở thành những phụ nữ gốc thổ dân đầu tiên đắc cử vào Hạ viện. Bà Davids cũng là người đồng tính đầu tiên của tiểu bang Kansas. Ngoài ra, tại tiểu bang Colorado, ông Jared Polis trở thành người đồng tính nam đầu tiên của nước Mỹ trở thành Thống đốc.

Ý nghĩa này đã gửi ra một thông điệp là mọi thành phần trong xã hội đều có thể trở thành những đại diện dân cử nếu họ có một khối cử tri tích cực và hành động. Vì thế cuộc bầu cử lần này được đánh giá là đa dạng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, với số ứng viên tranh cử là phụ nữ, người da màu, gốc Latin, gốc Á hay thuộc cộng đồng đồng tính, chuyển đổi giới tính (LGBT) cao chưa từng có.

Ba, giới truyền thông cũng đã đóng góp một vai trò rất quan trọng trong việc vận động và nâng ý thức đi bầu của mọi tầng lớp cử tri, từ nông thôn đến thành thị trên khắp nước Mỹ trong lần này. Các cơ quan truyền thông từ tả sang hữu, từ ủng hộ cho đến chống đối Tổng thống và lưỡng đảng đã nhập cuộc bằng những lý luận, những thông tin đa chiều vượt lên trên sự chờ đợi của cử tri.

Sự tràn ngập thông tin đa chiều kể cả những thông tin bịa đặt (fake news) được tung lên mạng xã hội khiến cho rất nhiều người bối rối và dẫn đến một số hành động điên rồ của một số kẻ quá khích. Nhưng cái độc đáo của truyền thông Hoa Kỳ nói chung là đã bình tĩnh phân tích, và chia sẻ các quan điểm nhiều chiều, thay vì điều hướng theo kiểu “một tổng biên tập cho hàng trăm tờ báo” để tìm cách khống chế dư luận theo ý riêng của những thế lực đen.
Ý nghĩa này đã gửi ra một thông điệp là các cơ quan truyền thông phải được chính quyền tôn trọng để giữ vị trí độc lập hầu có thể giúp cho cử tri và cả những ứng viên tham dự vào cuộc đầu phiếu được thông tin công bằng và liêm chính.

Tóm lại, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua đã để lại nhiều bài học mà chỉ có những thể chế dân chủ bền vững như Hoa Kỳ mới có thể mang lại những kết quả đồng thuận cao sau những hồi hộp chờ đợi kiểm phiếu. Nó hoàn toàn khác với những cuộc bầu cử tại các xứ độc tài, nhất là ở Việt Nam, vì cử tri không có quyền chọn lựa độc lập theo những suy nghĩ của chính họ, mà phải đi bầu theo mệnh lệnh, nên vì thế mà không một ai quan tâm đến kết quả bầu cử và cả những người gọi là đại biểu nhân dân.

Một đất nước mà người dân không có khả năng dùng lá phiếu của mình để tạo thay đổi thì vĩnh viễn chỉ là một trại tù khổng lồ mà thôi!





No comments: