Thursday, November 29, 2018

TỔNG THỐNG CẮT TÀI TRỢ (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
Wednesday, 28/11/2018

Hôm thứ Hai 26/11/18, tổng thống nói với nhóm phóng viên truyền thông 'nằm vùng' tại Bạch Cung là ông vừa ra lệnh cho bà Mary Barra “Lập tức mở cửa xưởng ráp xe Lordstown, Ohio, và tiếp tục giao việc cho 4,000 người thợ ở đó có việc làm.”

Tổng thống nói ông thương Ohio, và ông thương những người thợ bị bà Barra sa thải.
Xưởng xe hơi Lordstown vẫn chưa đóng cửa, và công việc của xưởng vẫn là ráp chiếc xe Chevrolet Cruze; sản phẩm này bị người tiêu thụ chê là quá mắc, và xe không đẹp, không tốt như xe Đức, xe Nhật.

Việc sẽ đóng cửa xưởng ráp xe hơi Lordstown do chính bà Barra tuyên bố; bà cho truyền thông biết là bà dự trù đóng cửa ba xưởng ráp xe, và hai nhà máy chuyên làm hộp số cho xe GM. Kế hoạch của bà nhắm giảm bớt chi phí để không gây tốn kém cho GM; ngoài xưởng Lordstown phụ trách việc ráp chiếc xe Cruze compact, mà GM dự trù không tiếp tục sản xuất kiểu xe đó nữa, bà Barra còn dự định cho xưởng Detroit-Hamtramck chạy chậm lại, vì những hiệu xe được ráp tại đó như Chevrolet Volt, Buick LaCrosse và Cadillac CT6 cũng không được người tiêu thụ ưa chuộng.

Ông Trump bảo bà Barra: Không được đóng cửa GM

Bà Mary Barra (Getty Images)

Đó chỉ là những quyết định thuần túy thương mại, đầy những con số thiệt, hơn; bà không muốn cứ nhắm mắt bỏ tiền vào ráp những chiếc xe không mấy người muốn mua; nhưng ngưng sản xuất, sa thải hàng chục ngàn công nhân lại là việc làm, phá hoại uy thế của tổng thống.

Ông nói kinh tế Mỹ đang phát triển cực mạnh nhờ chính sách đánh thuế nhập cảnh (tariff ) thật nặng hàng hóa nhập cảng, để xe hơi Mỹ rẻ hơn xe nhập cảng; trong lúc bà CEO của công ty xe hơi lớn nhất nước, sa thải ba-phần-tư công nhân để tránh cảnh vỡ nợ như 10 năm trước.

Một viên chức hồi hưu của hãng xe Chrysler -ông Fred Hoffman- nhắc lại công cuộc vực kỹ nghệ xe hơi của Mỹ sống lại, mà Tổng Thống Barack Obama đã thực hiện như sau:

“Việc ghi chép trung thực Tổng Thống Barack Obama làm gì cho đất nước này là trách nhiệm của các sử gia, nhưng tôi vẫn muốn được nói lên lời cảm ơn ông ta, vì hãng xe Chrysler tôi làm ngày đó được ông dựng sống dậy.

“Tôi không dính vào đảng phái nào, và chỉ nói sự thật; tám năm trước hai hãng xe General Motors và Chrysler đều kiệt quệ tiền bạc; ngân hàng không cho vay vì tình trạng xe bán ra quá tệ, CEO của cả hai hãng xe cùng thất bại không xin được quốc hội giúp đỡ, kỹ nghệ xe không nhìn thấy một lối thoát nào cả. 

“Mới đắc cử, Tổng Thống Obama cũng không nắm vững vấn đề; ông hỏi ý kiến bà thống đốc Jennifer Granholm của Michigan; vừa đúng lúc đó tôi cũng được Chrysler cho nghỉ việc, và tôi tình nguyện gia nhập vào team của bà Granholm, thảo kế hoạch cứu sống kỹ nghệ xe hơi.

“Tôi thành khẩn xác nhận là công việc đó quả vô cùng khó khăn; tổng thống hạ phiên George W. Bush chỉ còn ngân khoản giữ cho hai hãng GM và Chrysler sống cầm hơi chờ vị tân tổng thống, mà Tổng Thống Obama lại không phải là một kinh tế gia.

“Ông cũng không biết gì nhiều về cơ khí, nhưng ông biết là Hoa Kỳ cần có một kỹ nghệ xe hơi thượng thặng, và ông chỉ thị cho nhóm thảo hoạch chúng tôi 'bằng mọi giá dựng cho kỹ nghệ xe hơi tái sinh, và lớn mạnh hơn.”

Chuyện năm nay không giống như vậy, nguyên nhân mọi xáo động chỉ do một người đàn bà tạo ra -bà Mary Barra; bà không chỉ đóng cửa một xưởng ráp xe Lordstown, tại Ohio, mà còn đóng cửa gần hết mọi xưởng thợ của GM, sa thải 14,000 công nhân, chỉ riêng tại Hoa Kỳ.

Hội đồng quản trị của GM thuận theo quyết định của bà đóng cửa toàn thể những xưởng sản xuất họ thành lập trên khắp thế giới chấp nhận lỗ $200 triệu tại Indonesia, $1 tỉ tại Ấn Độ, bán thị trường South Africa cho Isuzu. Họ cũng rút lui ra khỏi thị trường xe hơi tại Úc và Nam Hàn.

GM đổi hướng 180 độ, họ bỏ hẳn thị trường xe hơi mà họ vẫn đang giữ ngôi vị nhất, nhì, bất chấp trị giá thị trường của họ xuống đến mức 3.8% vào chiều thứ Ba 27/11.

Tổng thống phải lên tiếng về quyết định của bà Barra đóng cửa hàng loạt xưởng ráp xe tại Mỹ, Canada và nhiều nước khác.
Ông viết:

“Vô cùng thất vọng với General Motors và bà CEO Mary Barra về việc đóng cửa xưởng ráp xe tại Ohio, Michigan, và Maryland. Sao không đóng xưởng nào tại Mễ và Tầu. Ngày xưa Hoa Kỳ đã tái sinh GM, và hôm nay, đây là lời CẢM TẠ mà Hoa Kỳ vừa nhận được! Hoa Kỳ đành cắt bỏ mọi trợ cấp cho GM thôi.”

Tổng thống không hiểu, hoặc ông không muốn hiểu, và GM cũng phạm cái lỗi không giải thích việc làm quá phức tạp, quá lớn của họ. Họ thực hiện quan điểm của bà Barra cho là chiếc xe hơi trong thời điểm hiện tại tạo quá nhiều phí tổn cho người tiêu thụ: tiền xe, tiền xăng, tiền bảo trì, bảo hiểm, sửa chữa, ấy là chưa nói đến tai nạn.

GM muốn tạo một hệ thống tắc xi tiện lợi, nhanh chóng và tiện nghi như một chiếc xe nhà, với hệ thống xe điện tự lái; họ dự trù thiết lập nhiều trạm xe tại từng khu phố, để khách gọi xe không phải chờ lâu.

Ông chồng đi làm một chỗ, bà vợ chỗ khác, hai đứa con đi học cũng tại hai trường khác nhau, mà căn nhà vẫn không một cái garage kềnh càng.

Giá điện rẻ hơn giá xăng, điện lại không tạo ô nhiễm, xe tắc xi điện không tài xế lại nhiều, tiện lợi và rẻ, không kềnh càng, không đòi hỏi chỗ đậu trong những thành phố chật nức, để nằm yên đó, vô dụng 8 tiếng đồng hồ, trong lúc chủ xe làm việc và 20 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

GM giữ bí mật của họ, tuy nhiên việc nhấn nút (điện thoại) gọi một cái ghế đến trước cửa, leo lên ghế, ngồi khoách đốc đọc báo, 15 phút sau xuống xe, bước vào văn phòng hay xưởng thợ để bắt đầu một ngày làm việc, thì đó quả là một giấc mơ 2019.

Không bao giờ còn phải bận tâm câu bình, đổ xăng, thay bánh xe cho hai chiếc xe nữa, ông chồng, bà vợ cũng phải nhìn nhau tự hỏi sửa cái garage đang trở thành vô dụng lại làm phòng gì mới trong nhà?

Bà Barra được ca tụng là người đàn bà có tầm nhìn xa, và tính toán chính xác. Chấp nhận mất bạc tỉ để đóng cửa hàng chục xưởng máy, loại bỏ vài chục kiểu xe, và cả kỹ nghệ sản xuất xe hơi.

Chúc bà thành công.




No comments: