Monday, November 26, 2018

LÝ DO GÌ ĐẢNG CỘNG SẢN PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO GIA NHẬP ĐẢNG? (Nhiều tác giả)




25/11/18

Vào đảng để làm gì ?
Nguyễn Hồng Phúc, VNTB, 25/11/2018

Lâu nay, trả lời câu hỏi "vì sao anh (chị) xin gia nhập Đảng" hay "anh (chị) vào Đảng để làm gì ?", nói chung, tổ chức đảng đều nhận được câu trả lời gần giống nhau, đại thể : "Tôi vào Đảng để hy sinh chiến đấu cho mục đích cuối cùng của Đảng là đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên đất nước ta".
Nhân mới đây trên Việt Nam Thời Báo có bài viết đặt vấn đề "Không đảng viên thì không thể làm… chủ tịch ?", thử ghi nhận một số ý kiến liên quan về thắc mắc "vào đảng để làm gì" ? (1).
Vì lý do ‘nhạy cảm’, các ông, bà được trao đổi trong bài viết này đều đề nghị viết tắt danh tánh.
Cựu quân nhân, đảng viên NHĐ : Chỉ tính từ ngày đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới đến nay, bên cạnh những đảng viên lao động sáng tạo, dũng cảm phấn đấu, là người tiên phong trên tất cả các lĩnh vực công tác đúng như lời hứa khi gia nhập đảng, thì cần trả lời rõ số đảng viên vi phạm kỷ luật đảng và luật pháp nhà nước, mắc vào những tội tham ô, lãng phí, vô trách nhiệm, bị công luận phanh phui tỷ lệ là bao nhiêu ?
Những ai mắc tội, những ai bao che, thiên vị ? Và bao nhiêu người đã trù dập đảng viên, quần chúng vì họ dám nói lên sự thật ? Những vụ ăn hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy dự án, chạy tội… đã và đang như dòng nước ngầm bẩn thỉu làm vẩn đục đời sống xã hội, làm ô uế thanh danh của đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân thì trong đó có bao nhiêu phần trăm là người đã từng hứa khi vào đảng ?
Tôi nghĩ rằng khi trả lời tường tận được những câu hỏi ở trên sẽ hiểu vì sao người ta muốn vào đảng, vì sao miệng đời đang cười cợt rằng "Không phải tất cả đảng viên đều tham nhũng. Nhưng tất cả những kẻ tham nhũng đều là đảng viên".
Nhà báo, đảng viên LQ : "Tạo hóa cho tôi bộ não quá bé nhưng lại cho ước mơ quá lớn trên nền nhận thức bé nhỏ để rồi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng, liên lụy tới nhiều người. Bây giờ đối với cuộc đời tôi đã mất tất cả, chỉ còn trái tim trung thành với đảng". Cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa biện hộ trước tòa như vậy hôm sáng 23/11.
Tôi tin rằng tướng Hóa lúc ban đầu vào đảng có thể vì lý tưởng cao đẹp, thế rồi trên chốn quan trường chỉ rặt một gam màu đảng đã khiến ông ảo tưởng quyền lực, là bằng ý chí thì đảng có thể làm được mọi chuyện ; bao gồm cả việc cho mình cái quyền đã là đảng viên thì đương nhiên có những sức mạnh giúp vun vén cho lợi ích cá nhân thông qua phe nhóm, mà không e dè ngán ngại pháp luật (!?).
Tôi nghĩ nếu không là đảng viên thì khi người ấy tư lợi bằng lợi dụng kẻ hở pháp luật, chắc sẽ khó gây hậu quả nghiêm trọng, vì có thể đã bị cơ quan chức năng xử lý ngay từ ban đầu, mà không phải qua quá nhiều quy trình từ kiểm điểm, họp hành xét kỷ luật... Đó cũng là một trong những lý do tế nhị để người ta muốn được là đảng viên.
Nhà giáo, đảng viên N.T.H : Với tôi thì đảng viên là một tiêu chuẩn hành chánh mang tính thủ tục. Dạy giỏi, có thể được tín nhiệm đề cử làm tổ trưởng bộ môn. Hoạt động phong trào mạnh mẽ, có sự tin cậy của đồng nghiệp và cấp trên, có thể được bầu làm chủ tịch công đoàn giáo dục trường. Giai đoạn này bắt đầu có tiêu chuẩn đảng viên.
Vào đảng để làm tốt những chức trách được đồng nghiệp tin tưởng mình, thì tại sao mình lại từ chối khi được gợi ý vào đảng ? Còn lời hứa tuyên thệ lúc kết nạp đảng, thì cũng tương tự nghi thức kết nạp vào đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Đó chỉ là những ngôn từ mang tính nghi thức hơn là thực sự của mục đích cống hiến mà đảng nêu ra, vì nó hầu như vượt khả năng hy sinh của nhiều người.
"Xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên đất nước ta" lúc tuyên thệ kết nạp dưới cờ búa liềm, thực sự thì tôi không còn cảm giác tự hào như thời còn là học trò được kết nạp đoàn Thanh niên cộng sản. Khi đó, thật lòng thì tôi hiểu nếu muốn tiến thân, muốn có tiếng nói trọng lượng để đòi hỏi cho quyền lợi đồng nghiệp, để không bị ai đó nhân danh đảng để chèn ép mình thì tôi phải là đảng viên.
Đơn giản chỉ là vậy. Còn chuyện xây dựng chủ nghĩa gì đó lúc tuyên thệ thì ngoài khả năng hiểu biết của một đảng viên quèn chỉ là cô giáo miệt vườn như tôi (!?).
Nhà giáo, đảng viên N.T.D : Tôi là giáo viên môn địa lý. Có thời gian tôi được giao đứng phụ lớp môn giáo dục công dân. Tôi từng được nghe huấn thị trong những tiết gọi là bồi dưỡng chính trị, rằng cần lưu ý rằng trong di huấn của V.I. Lênin và Hồ Chí Minh, trình độ chính trị của đảng viên bao giờ cũng được nhìn nhận ở sự giác ngộ, nhận thức về nhiệm vụ cách mạng được thể hiện ra ở hành động, ở hoạt động thực tiễn chứ không phải ở con số thống kê có bao nhiêu người đã qua trường lớp nào, có bằng cấp gì ; không thể chỉ xem xét ở việc họ viết hay, nói giỏi mà phải bằng hiệu quả đạt được trong các nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên thực tế lại không đúng ở nơi tôi dạy học. Lẽ đó nên tôi phải là đảng viên để mong đấu tranh với cái ác tồn tại tiềm tàng ngay bên trong đảng. Tiếc là giờ sắp nghỉ hưu và chắc tôi cũng sẽ chuyển sinh hoạt đảng về khu phố. Vì sao ư ? Có thể tôi hèn, nhưng thực sự tôi vẫn ngại chuyện nếu rời bỏ đảng thì các thủ tục lý lịch của con cái tôi sẽ gặp khó khăn ở chốn công quyền về sau.
Một nhà báo ẩn danh : Tôi xin được trả lời bằng tin tức loại ‘giờ mới nói’ : Đúng ngay ngày kỷ niệm Nam Kỳ Khởi Nghĩa, vào sáng 23/11 báo Thanh Niên có một cuộc họp công bố 13 vị trí gồm trưởng ban, phó ban/ phó phòng đã được "thôi chức" vì không phải đảng viên đảng cộng sản Việt Nam : Ban Chính trị- Xã hội : Thanh Tùng, phó ban. Ban Văn Nghệ : Thu Nga, trưởng ban, Bích Hạnh và Đỗ Tuấn, phó ban. Ban Giáo dục : Thùy Ngân, phó ban. Ban Thể thao : Quang Huy, phó ban. Ban Công tác Bạn đọc : Trần Thanh Bình, phó ban. Ban Mạng Xã hội : Kim Trí, trưởng ban (Kim Trí trước là trưởng ban Chính trị- Xã hội), Thu Thủy, phó ban. Tòa soạn tiếng Anh : Thế Vinh, thư ký tòa soạn. Ban Phóng viên Báo Điện tử : Thành Trung, phó ban. Phòng Tài vụ : Nguyễn Tuấn, phó phòng. Phòng Quảng cáo : Quỳnh Na, phó phòng.
Ai muốn nghĩ sao thì nghĩ.

Nguyễn Hồng Phúc
Nguồn : VNTB, 25/11/2018

Ghi chú :

********************

Đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu tái lập cơ chế : 'nắm kẻ có tóc' ?
Ánh Liên, VNTB, 25/11/2018

Sau sự kiện trừng phạt Giáo sư Chu Hảo vì 'tự diễn biến, tự chuyển hóa' liên quan đến việc tiến hành xuất bản những đầu sách mà Đảng cộng sản Việt Nam mặc định là ‘sự nhạy cảm’, hoặc phản ánh không chân thực về chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tiếp đó, trong một động thái có liên quan, Chủ tịch hiệp hội du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh bị đề nghị xóa tên Đảng viên, vì ông Vinh bỏ sinh hoạt đảng trong nhiều năm. Liên quan đến vấn đề này, trả lời RFA, ông Vinh cho biết, 'chuyện đó bình thường', bởi ông bỏ sinh hoạt từ năm 2014 (ra khỏi đảng) vì ông thấy lý tưởng không còn phù hợp nữa.
Cả Giáo sư Chu Hảo và ông Huỳnh Tấn Vinh đều đưa Đảng cộng sản Việt Nam rơi vào một thế khó, hoặc họ lặng lẽ rời Đảng, hoặc họ tuyên bố rời đảng, và phải mất một thời gian sau nữa thì phía cấp ủy đảng mới làm công tác : khai trừ đảng. Và thủ tục này được đánh giá là mang tính hình thức.
Có vẻ ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ được nội bộ cấp cao Đảng cộng sản Việt Nam coi như một nguy cơ lớn nhất trong việc tiến hành chỉnh đốn đảng, thậm chí có lúc nó còn vượt lên cả nguy cơ tham nhũng trong đảng – vốn bị đánh giá là làm suy giảm khả năng chiến đấu của đảng và chế độ đứng trước nguy cơ biến mất. Sự tuyên bố rời đảng cộng sản Việt Nam dù chưa hình thành một trào lưu, tuy nhiên, nó tạo một lỗ hổng dù rất nhỏ - nhưng sẽ là nguy cơ hình thành một xu hướng rời đảng ngày một lớn.
Thay vì chuyển đổi để thích nghi với sự hội nhập quốc tế, và trên hết là mở rộng dân chủ trong đảng, tiến hành các hoạt động chống tham nhũng dưới sự cởi mở về quyền dân sự - chính trị, thì Đảng cộng sản Việt Nam lại tiến hành chống tham nhũng bằng quy định của đảng, và thực hiện chỉnh đốn đảng bằng cách tập trung vun vén quyền lực tuyệt đối của đảng. Nói cách khác, các hiện trạng ban hành luật liên quan đến quyền dân sự - chính trị vừa qua như Luật an ninh mạng, Luật bảo vệ bí mật nhà nước, hay việc tiến hành loại bỏ xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc khỏi Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa qua. Hoặc những phát ngôn mang tính bất lực, thậm chí là có xu hướng ‘bất lực trước tham nhũng’ từ những cán bộ cấp cao như, ‘có ông 14-15 sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết’ (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) hay ‘cán bộ cấp cao không được để vợ con sống xa hoa, phô trương, lãng phí’ (Trưởng ban tổ chức trung ương Phạm Bình Minh) gây bàng hoàng dư luận.
Nhưng gia tăng quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam là xu hướng chủ đạo, trọng tâm thời kỳ ông Nguyễn Phú Trọng, và mới đây, trong một thông tin được Facebooker Nguyen Viet Thang chia sẻ trên mạng xã hội cho hay, Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tiến hành hoạt động cho thôi chức với cấp phòng nếu không phải là đảng viên, điều này được cho là nhằm tuyệt đối hóa sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam ở từ cấp cơ sở. Cũng theo nguồn tin này, chỉ tính riêng báo Thanh Niên, Tiền Phong đã có 13 suất bị buộc phải rời đi khỏi vị trí lãnh đạo. Sự can thiệp sâu này cho thấy, ông Nguyễn Phú Trọng ôm mộng quay trở lại thời huy hoàng của Đảng cộng sản Việt Nam vào thập niên 60-70 của thế kỷ XX, với khẩu ngôn ‘hồng hơn chuyên’.
Sẽ thật khó để đáng trước Đảng cộng sản Việt Nam sẽ chống tham nhũng như thế nào, hoặc ngăn chặn sự hủ hóa trong đảng ra sao. Nhưng với phương châm ‘phổ cập đảng viên trong nhóm lãnh đạo’ nó càng làm gia tăng sự vào đảng gắn liền với lợi ích hơn là lý tưởng, và càng tạo ra lằn ranh lựa chọn giữa giới trí thức và trí ngủ… Đến một lúc nào đó, năng lực sẽ đứng sau luồn cúi, và đội ngũ lãnh đạo ‘hồng hơn chuyên’ sẽ gián tiếp phá nát những thứ còn lại bên trong Đảng cộng sản Việt Nam ?
Ngày 4/11, ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố tại trụ sở Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam : 'Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái' trong quy hoạch cán bộ cấp chiến lược 2021 – 2026. Và cán bộ cấp chiến lược sẽ là ‘hồng hơn chuyên’ ? Nếu như thế, mầm mống của lạm quyền – tham nhũng sẽ được ươm mầm sau 1 thời gian ngắn bị trấn áp tạm thời.
Ánh Liên

Ghi chú :

'Hồng' là từ để chỉ một người giác ngộ cao, trình độ hiểu biết chuyên sâu về chính trị, mang tính giai cấp, ở đây có nghĩa là người giác ngộ cao về chủ nghĩa cộng sản. 'Chuyên' là trình độ chuyên môn về một ngành nghề nào đó, là năng lực để thực hiện một nhiệm vụ, một chức trách nào đó.

13 nhà báo của báo Thanh niên vừa bị thôi chức vì không phải đảng viên
Sáng nay, 23/11/2018, báo Thanh niên đã họp và công bố sự thay đổi trong hầu như tất cả các phòng ban. Có 13 vị trí gồm trưởng ban, phó ban/phó phòng đã được "thôi chức" vì không phải đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam :
Ban Chính trị - Xã hội : Thanh Tùng - Phó ban Ban Văn Nghệ : Thu Nga - Trưởng ban ; Bích Hạnh và Đỗ Tuấn - Phó ban Ban Giáo dục : Thùy Ngân - Phó ban Ban Thể thao : Quang Huy - Phó ban Ban Công tác Bạn đọc : Trần Thanh Bìn
- Phó ban Ban Mạng Xã hội : Kim Trí - Trưởng ban (Kim Trí trước là Trưởng ban Chính trị- Xã hội) ; Thu Thủy - Phó ban Tòa soạn tiếng Anh : Thế Vinh - Thư ký tòa soạn Ban Phóng viên Báo Điện tử : Thành Trung - Phó ban Phòng Tài vụ : Nguyễn Tuấn - Phó phòng Phòng Quảng cáo : Quỳnh Na - Phó phòng.
Lần đầu tiên, một tòa soạn báo đã "tự cho thôi chức" một loạt lãnh đạo cấp ban/phòng của mình vì không phải Đảng viên.

*****************

Thanh Niên đã chính thức trở thành ‘báo đảng’ !
Thường Sơn, VNTB, 25/11/2018

Ngày 23/11/2018, Thanh Niên đã chính thức trở thành ‘báo đảng’ sau một vụ việc chưa từng có tiền lệ của tờ báo này lẫn làng ‘báo chí cách mạng Việt Nam’ : cho thôi chức, mà thực chất là cách chức, đối với 13 nhân sự làm việc cho Thanh Niên vì những người này không phải là đảng viên của đảng Cộng sản vẫn còn đang cầm quyền ở Việt Nam.
Không chỉ thanh trừng nhân sự những bộ phận có liên quan trực trực tiếp chính trị, chiến dịch thô bạo này còn nhắm tới cả nhân sự phụ trách những bộ phận không liên quan trực tiếp chính trị như văn nghệ, thể thao, quảng cáo…
Động thái thanh trừng rất đột ngột trên lại xảy ra trong bối cảnh ‘mác đảng viên’ không còn là tiêu chuẩn đầu tiên để được đề bạt giữ cương vị phụ trách phòng ban tại khá nhiều tờ báo, và trong thực tế một số tờ báo đã bố trí người không đảng vào vị trí cán bộ lãnh đạo của báo.
Điều đáng ngạc nhiên và trở thành một dấu hỏi lớn là vì sao động thái thanh trừng người ngoài đảng lại không xảy ra ở tờ báo nào khác mà lại ngay tại Thanh Niên - một trong những tờ báo có lượng độc giả lớn nhất Việt Nam và thậm chí còn có hơi hướng phản biện, dù chỉ là ‘phản biện trung thành’ với chế độ cầm quyền.
Vào năm 2016, Thanh Niên đã bị phát hiện nằm trong số vài chục tờ báo lớn nhỏ tiến hành một chiến dịch truyền thông bẩn thỉu : những tờ báo này bị nghi ngờ sâu sắc về việc đã nhận tiền của một hãng nước mắm lớn để tung ra loạt bài tấn công, hạ bệ uy tín nước mắm truyền thống khiến người dân sản xuất nước mắn truyền thống rơi vào cảnh lao đao. Tuy nhiên, mức xử phạt của Bộ Thông tin Truyền thông dành cho báo Thanh Niên là khá nhẹ nhàng, còn tổng biên tập tờ báo này - Nguyễn Quang Thông - không hề bị mất chức. Khi đó, đã có tin ngoài lề về việc giữa các cơ quan đảng và những nhân sự chủ chốt trong báo Thanh Niên có một ‘thỏa thuận bí mật’ về việc Thanh Niên sẽ phải tuân thủ chặt chẽ hơn nhiều đường lối của đảng so với trước đó.
Cũng kể từ lúc đó, đã có những dấu hiệu Thanh Niên được biến thành báo đảng.
Sang năm 2017 thì những dấu hiệu trên rõ hơn và trở thành hiện tượng. Trong chiến dịch tấn công Tập đoàn Dầu khí việt Nam nói chung và cá nhân ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng nói riêng vào tháng Tư năm 2017, Thanh Niên là tờ báo ‘nổ súng’ đầu tiên với một lượng tin tức thuộc thể loại điều tra nội bộ mà hầu như chắc chắn nhóm phóng viên tờ báo này phải nhận được từ một nguồn tin trong nội bộ đảng, thậm chí có thể từ một cấp cao trong đảng. Ủy ban Kiểm tra trung ương là một trong những địa chỉ có thể phát tin như thế.
Động thái Thanh Niên thanh trừng 13 người không đảng đã trở nên một biểu hiện thuộc loại rõ nhất về ‘tính đảng’ của tờ báo này được cải thiện không ngừng và đang trong giai đoạn đạt tới đỉnh cao của cái mà trước đây chưa từng là thuộc tính của báo Thanh Niên.
Động thái trên xảy ra chỉ khoảng 3 tuần sau khi hai trí thức gạo cội là Nguyên Ngọc và Chu Hảo tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản cùng lời lẽ đanh thép tố cáo ‘chế độ phản dân hại nước’.
Động thái trên cũng xảy ra ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố ‘khai trừ đảng đối với đồng chí Chu Hảo’ - một cú đánh vớt vát cho uy tín rất không đáng được cứu vớt của đảng.
Khó mà hoài nghi về việc vụ Nguyên Ngọc, Chu Hảo mà một số trí thức đồng loạt tuyên bố từ bỏ đảng vào đầu tháng Mười Một năm 2018 đã khiến đảng lo sợ và hoảng hốt đến mức phải lập tức tống ra một hành động chỉnh đảng, trong đó đặc biệt ‘làm trong sạch đội ngũ đảng viên’ trong khối báo chí mà Thanh Niên được chọn, và cũng rất có thể tổng biên tập tờ báo này đã tình nguyện đề nghị để Thanh Niên được đảng chọn như một hình mẫu về thanh trừng cán bộ lãnh đạo không đảng và qua đó răn đe những kẻ không chịu nghe lời đảng

Thường Sơn

*********************

Trấn áp Giáo sư Chu Hảo cho thấy ''sự rệu rã'' của Đảng cộng sản Việt Nam
RFI tiếng Việt, 25/11/2018

Vụ Giáo sư Chu Hảo bị Đảng cộng sản Việt Nam khai trừ tiếp tục có thêm nhiều phản ứng. Hôm nay, Chủ Nhật 24/11/2018, ông Nguyễn Quang A, một chuyên gia độc lập trong nước, nhận định việc Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương trấn áp Giáo sư Chu Hảo và một số biện pháp đàn áp mới đây cho thấy rõ đảng đang "rệu rã hết sức trầm trọng" và "vô cùng bế tắc", phải dùng đến các trấn áp "tư tưởng" để duy trì đoàn kết nội bộ.
Vụ Giáo sư Chủ Hảo, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Tri thức bị ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật đã gây nhiều phản ứng trong giới nghiên cứu quốc tế về Việt Nam. Hôm 14/11, hơn 80 trí thức nước ngoài và gốc Việt gửi thư ngỏ bày tỏ "bất đồng" và "thất vọng sâu sắc» về những cáo buộc đối với ông Chu Hảo. Các trí thức ký thư ngỏ ca ngợi công việc của ông Chu Hảo tại Nhà xuất bản Tri Thức đã "giúp các sinh viên và học giả Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với các công trình học thuật lớn của các nước khác (được coi là "nền tảng của nghiên cứu và tư duy hiện đại trong ngành khoa học xã hội và nhân văn") bằng cách dịch chúng sang tiếng Việt".
Hôm qua, 24/11, trong một cuộc tiếp xúc với cử tri tại Hà Nội, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng bảo vệ việc "kỷ luật" và "khai trừ" Giáo sư Chu Hảo là điều đúng. Theo ông Nguyễn Phú Trọng, Giáo sư Chủ Hảo là người có các tuyên bố "trái với Điều lệ và Cương lĩnh của đảng". Việc khai trừ ông Chu Hảo được ông Nguyễn Phú Trọng coi là một biện pháp răn đe, với mục tiêu mà ông gọi là "kỷ luật một vài người để cứu muôn người, để người khác đừng phạm vào nữa" (trước đó, ngày 26/10/2018, Giáo sư Chu Hảo đã tuyên bố ra khỏi Đảng cộng sản Việt nam).
Về vấn đề này tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết quan điểm của ông :
"Ý kiến của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – tôi nói là ông tổng bí thư chứ không phải là ông chủ tịch Nước, vì đây là chuyện của Đảng cộng sản Việt Nam – tiết lộ một điều mà mọi người còn nghi vấn : (Quyết định kỉ luật và khai trừ Giáo sư Chu Hảo) liệu có phải từ cấp cao nhất của Đảng cộng sản hay không ?
Với sự tiết lộ của ông tổng bí thư, đã rõ nguyên hình đây là chủ trương nhất quán của Đảng cộng sản Việt Nam ở cấp chóp bu, tức ở cấp ông Trọng. Họ đã thực sự trở thành cảnh sát tư tưởng, và ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành cảnh sát trưởng về tư tưởng.
Tiếp theo làn sóng đánh ông Chu Hảo là nhiều làn sóng lăn tăn, như việc khai trừ khỏi đảng ông chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, một người thực sự đã bỏ đảng từ lâu rồi. Rồi tiếp theo là 15 ông cán bộ của báo Thanh Niên. Vì không phải là đảng viên, nên bị loại khỏi chức vụ trưởng, phó phòng.
Có thể nói, đây là một sự tha hóa vô cùng nghiêm trọng của Đảng cộng sản Việt Nam. Nó cũng chứng tỏ Đảng cộng sản Việt Nam đang đối mặt với các thách thức rất là lớn trong nội bộ. Với việc siết chặt kỷ luật trong nội bộ này người ta hy vọng sẽ được sự thống nhất của đảng… Với tư cách của một người đứng ngoài nhìn vào, tôi thấy rằng chỉ khi một tổ chức bị rệu rã hết sức trầm trọng người ta mới phải dùng đến một biện pháp như thế. Những biện pháp như thế là quay trở lại với các khủng bố tư tưởng thời Stalin. Nó báo hiệu một con đường vô cùng bế tắc.
Bởi vì một tổ chức không để cho các tiếng nói khác nhau, nhất là các tranh luận về khoa học, được phát triển, mà bắt người ta phải im miệng hết, thì đó là đi đến con đường bế tắc mất rồi. Ngược lại hoàn toàn với cái thời ông Hồ Chí Minh, ít ra năm 1945 còn có đa đảng…
Tất cả các đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam bây giờ ai không răm rắp nghe theo ông Nguyễn Phú Trọng thì sẽ bị khai trừ, nói một cách nôm na như vậy. Họ phải trở thành những con rô bốt…. Cái biện pháp siết chặt của ông này như thế chưa biết chừng nó lại là phản tác dụng, có thể dẫn đến chuyện người ta rời khỏi Đảng cộng sản".
RFI tiếng Việt







No comments: