Sunday, November 11, 2018

TƯỞNG NHỚ THẾ CHIẾN I - NHÌN THẤY THẾ CHIẾN III (Hùng Cường - Đàn Chim Việt)




Hùng Cường  -  Đàn Chim Việt
12/11/2018

Đúng vào giờ thứ 11 của ngày thứ 11 của tháng thứ 11 năm 1918, chuông nhà thờ toàn Âu châu dồn dập kéo dài 11 phút. Lời đình chiến có hiệu lực. Tiếng súng trên khắp chiến trường im bặt. Chiến tranh Thế giới I kết thúc. Để lại một Âu châu hoang tàn, khánh kiệt với 18 triệu người nằm xuống, 20 triệu thương binh bị tàn phế, 60 triệu tù binh, 4 triệu góa phụ, 7 triệu trẻ mồ côi, 10 triệu người lưu vong, 70 triệu lượt quân nhân tham chiến, 800 triệu người chịu hệ lụy của chiến tranh.

Hôm nay, Chủ Nhật, giờ thứ 11 của ngày thứ 11 của tháng thứ 11 năm 2018, thế giới kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I. Không duyệt binh. Không rượu mừng. Không pháo hoa. Không chúc tụng. Chuông nhà thờ lại dồn dập, nức nở 11 phút khôn nguôi, hổi tưởng lại nạn nhân của cả hai bên lâm chiến.

Thế chiến I – một trong những cuộc chiến đẫm máu trong lịch sử nhân loại.

Khi mùi thuốc súng còn phảng phất, thì những nhà sử học xắn tay áo lao vào một cuộc chiến thầm lặng. Họ tìm kiếm, đào bới, mổ xẻ, khai quật, cắt nghĩa nguyên nhân nào dẫn đưa nhân loại tới thảm họa này. Như thường lệ, người ta lại dựa vào nguyên mẫu lịch sử đã quen thuộc: “Bẫy Thucydides”.

Thực ra, Thucydides là cha đẻ của ngành khoa học lịch sử. Ông sinh trưởng cách chúng ta 400 năm trước Công Nguyên. Ông đã tìm hiểu, phân tích nguyên nhân của cuộc chiến đẫm máu giữa hai thành phố Sparta và Athens của Hy Lạp. Sự trỗi dậy của Athens và nỗi ám ảnh của Sparta đã dẫn đưa cả hai tới chiến tranh.

Tương tự như vậy, 1918, Đức một cường quốc đang lên, phát triển với tốc độ chóng mặt, đuổi kịp và có thể vuợt mặt Vương quốc Anh. Vị trí thống trị thế giới của Vương quốc Anh bị lung lay. Niềm tự hào “Mặt trời không bao giờ lặn trên Vương quốc Anh” bị thách đố.

Khi cuộc xung khắc ngôi thứ giữa Đức và Vương quốc Anh đã nồng nặc mùi thù hận, thì tháng Sáu, 1914, Archduke Franz Ferdinand, một viên chức cao cấp người Áo bị ám sát. Áo là đông minh của Đức. Lãnh đạo Vương quốc Anh coi đó là một sự kiện không đáng quan tâm. Đức coi đây là nghiêm trọng. Niềm kiêu hãnh của người Đức bị xúc phạm. Nội các Đức họp khẩn.

Năm tuần sau, Âu châu chìm trong khói lửa mịt mù. Hai quốc gia này đã lôi kéo tới 70 quốc gia khác lao vào vòng xoáy chiến tranh, lặp lại nguyên mẫu của chiếc “Bẫy Thucydides”.
Nhìn lại 500 năm qua, nhân loại đã trải qua 16 cuộc xung khắc, trong đó 12 cuộc phải giải quyết bằng chiến tranh, chỉ có 4 cuộc được giải quyết ôn hòa.

Hôm nay, Trung Quốc một quốc gia đang trỗi dậy. Mỹ một cường quốc đang lãnh đạo thế giới. Những xung khắc về địa chính trị, kinh tế, quân sự giữa hai quốc gia này ngày càng trở nên trầm trọng và đã phảng phất mùi của thù hận, mùi chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Trung Quốc tuyên bố trỗi dậy trong hòa bình. Mỹ tuyên bố đón nhận sự cạnh tranh trong sáng và phải chơi đúng luật. Vậy, liệu hai quốc gia này có tìm ra một lối thoát? Liệu những nhầm lẫn tai hại của nhân loại cách đây 100 năm có lặp lại? Liệu “Bẫy Thucydides” có giăng ra ở châu Á – Thái Bình Dương. Liệu có Thế chiến III?

11/11/18
Hùng Cường
Đàn Chim Việt

-----------------------------------------

RFI  11/11/2018

.
.
.
.
.
.
.
.






No comments: