Thursday, November 15, 2018

TỰ DO THỰC CHẤT & BỀN VỮNG (Trần Huỳnh Duy Thức)




Posted on 10/11/2018 by Quy Pham

Nghệ An, 29/9/2018

Chị Năm và cả nhà thương

Hôm nay thứ Bảy. Thứ Bảy tuần trước giỗ ông nội, cả nhà tề tụ về đông không? Ông nội mất vào tháng lễ Vu Lan. Vào những ngày này em thường buồn buồn và hồi tưởng về những ngày xưa. Có lẽ tại già rồi. Mấy hôm trước đọc các bài trên báo Thanh Niên viết về kết luận tranh tra đất đai ở Thủ Thiêm xảy ra hơn 20 năm trước, lại càng thấy nhớ nhà vì nó liên quan đến mảnh đất ở Giồng ông Tố làm nơi yên nghỉ cuối cùng của họ hàng mình.

Thư J3/2018/a của chị Hai kể hồi đầu tháng 6 vừa rồi chị nghe tiếng gà nước kêu và hồi tưởng đến bài thơ của em mà chị đặt tên là “Chuông trời”, rồi nghĩ rằng em sắp về. Cả nhà biết không, cúm núm, gà nước, chim cuốc đều cùng một họ gà nước và không khác nhau nhiều lắm. Cuốc thường sống ở miền Bắc, cúm núm ở miền Nam. Tiếng kêu của chúng khá giống nhau, gần như tiếng mõ chùa vậy, “tốc tốc tốc …”. Nhưng ở miền Bắc, người ta cảm nhận âm thanh đó như là “quốc, quốc, … hay cuốc, cuốc …” nên mới có sự tích con cuốc như sau. Có một nhà yêu nước bị đày đi biệt xứ. Ngày nào ông ấy cũng vọng về cố hương cùng với nỗi nhớ quê ai oán. Càng lớn tuổi, hy vọng hồi hương càng tuyệt vọng nên vào buổi tối ông ấy thường gọi “quốc, quốc, …” cả đêm. Chẳng lâu sau ông ấy mất rồi hóa thành một con chim, cứ vào tối đem là kêu “quốc, quốc …”. Đấy chính là loài chim cuốc. Em biết chuyện sự tích con cuốc này từ nhỏ và cảm thấy buồn như có gì mình chia sẻ với nó vậy. Lúc đó em còn nhỏ lắm nên chưa có ý thức gì về lòng yêu nước đâu. Còn cúm núm thì tới khi ra trường đi làm em mới biết tới. Chúng bị bày bán rất nhiều ở miền Tây. Có những đêm em lặn lội ở xứ này và nghe tiếng chúng kêu không khác gì mõ chùa. Lúc đầu em nghĩ có nhiều nhà tụng kinh nên phát ra tiếng mõ đều đặn như vậy, nhưng sau mới biết là tiếng cúm núm. Giống hệt tiếng mõ nhưng nghe không có cảm giác bình an, mà có gì đó ai oán, nên em rất nhớ cái âm thanh ấy. Tuy vậy lúc đó em không biết tiếng cuốc giống như vậy.

Em vào B34 đúng vào mùa hè, mùa của gà nước đi ăn đêm và gọi bạn tình bằng tiếng kêu như thế. Có những gia đình ở xung quanh trại này nuôi gà nước nên âm thanh của chúng văng vẳng cả đêm vào từng buồng giam. Đêm đầu tiên của em ở B34 mưa ầm ầm tới sáng nên không nghe chúng. Đến đêm thứ hai thì em nhận ra ngay tiếng cúm núm. Những ngày đầu ở đây là những đêm không ngủ. Gần sáng, khi tiếng xe ngoài đường gần như lặng rồi nhưng tiếng chúng vẫn không ngừng. Nó làm cho cảm giác nhớ nhà thật kinh khủng.

Nhưng đến khi em ra Trại ở Nghệ An này em mới biết được cúm núm và cuốc thật ra là một. Cuốc ở vùng này rất nhiều. Vào mùa hè chúng kêu tìm bạn, mùa đông chúng kêu để chết. Em nghe một người ở chung vốn là người sống ở vùng này kể về cuốc, rồi tra sách, tự điển mới biết chúng cùng một họ gà nước. Tiếng cuốc mùa hè thì buồn nhưng mùa đông nghe rất thê thảm. Chúng đậu trên một cành cây, không ăn ngủ gì, chỉ kêu không ngừng suốt mấy ngày xuyên đêm rồi rũ trên cành mà chết. Những đêm đông ở đây chưa bao giờ thiếu tiếng cuốc. Chúng khiến em nhớ lại chuyện sự tích chim cuốc hồi nhỏ và tiếng cúm núm hồi trẻ mới ra trường. Nó khiến em vừa buồn vừa quyết tâm. Chính những ngày lặn lội ở miền Tây Nam bộ, em đã định hình rõ, hiểu được lòng yêu quê hương đất nước như thế nào. Tình yêu ấy cứ lớn dần lên theo thời gian, đưa tới ngày em chọn con đường của mình.

Cuối tháng 5 đến cuối tháng 6 vừa rồi, mùa hè nên cuốc kêu nhiều lắm. Nhưng tâm trạng em lại khác với những mùa hè trước. Tiếng cuốc hè này làm em cảm giác em sắp xa vùng đất này và trực giác mạnh mẽ cho em biết Con đường đang chuẩn bị vào một bước ngoặt mới. Và em sẽ phải đứng trước những sự lựa chọn quyết định. Không chỉ trực giác, sự tiến triển tất yếu theo Dòng chảy cũng cho em biết như vậy. Cuối tháng 5 có 2 người của TCAN về gặp em. 23/6 chị Sáu ra, thăm và kể luật sư Đài đi Đức cuối tuần đầu tháng 6 – 2018. Em biết em đang bước vào một chặng thử thách mới, đánh dấu bằng một quyết định đi ở. Khi chị Sáu chưa kể, qua những giấc mơ em có thể đoán được em phải vượt qua quyết định gì cho chặng đường quyết định sắp tới. Khác với lần trước, lần này em đã quyết định rất nhanh, không phải đắn đo. Em sẽ vẫn ở lại khi lựa chọn đi lại mở ra. Em đã sẵn sàng cho câu trả lời này vào đầu tháng 6. Không lâu sau, phái đoàn EU và ĐSQ Đức vào thăm. Em đã trả lời lựa chọn của mình và biết mình chính thức bước vào chặng đường thử thách quyết định từ đây.

Em rất xúc động khi đọc thư chị Hai kể chị nghe tiếng gà nước và liên tưởng đến em. Đây là một minh chứng cho sự kết nối bằng trực giác mà thường được gọi một cách hình tượng là từ trái tim đến trái tim. Chị nghe và linh cảm điều đó vào cuối tháng 5 đầu tháng 6, cũng là lúc em đang dùng cả trực giác và lý trí – con tim và khối óc – của mình nghĩ về những điều liên quan đến tiếng cuốc. Em đã quyết định như vậy vì em không muốn chết thành con cuốc. Vì vậy mà em tin chị hiểu được em trong chuyện này. Ra đi thì không có gì sai, xấu cả. Từ mấy tháng trước đến đầu tháng 9 vừa rồi, tạp chí Tuổi trẻ cuối tuần có nhiều bài viết về hiện tượng nhiều người Việt Nam di trú ra nước ngoài định cư. Đây là một quyền lựa chọn thuộc QCN mà người ta phải được sử dụng tốt nhất cho mình. Em lựa chọn ở lại vì đó là điều tốt nhất cho em. Nhưng em cũng biết có nhiều người phải ra đi nhưng vẫn khắc khoải về quê hương đất tổ. Làm sao để mọi người lựa chọn ở lại mà không phải lo lắng, ra đi mà không phải khắc khoải. Đó là điều em mong muốn và vì vậy em quyết định ở lại. Vài hôm trước có một ông Đại tá ở Cục 10 (trước đây là Tổng cục 8) ghé vào đây nói chuyện. Ông ấy nói: “Tôi nghe EU đến thăm anh và anh quyết định không đi vì anh yêu mảnh đất chữ S này. Đó là điều rất đúng vì không đâu bằng VN mình.”

Hai lần, 31/8 và 16/9 chị gặp em, em tin rất chắc câu chị nói: “Chị đã hiểu hết mọi quyết định và việc làm của Thức. Cứ yên tâm, cả nhà sẽ ủng hộ và thực hiện”. Ánh mắt chị cho thấy sự đồng cảm và tự tin mạnh mẽ. À, tiếng chuông trời không phải là tiếng gà nước. Đó là tiếng chuông nhà thờ mà chỉ em nghe trong suốt thời gian ở B34. Vào sáng hôm chuyển trại về Xuân Lộc thì tiếng chuông đó chấm dứt.

Dân vùng này cho rằng ai lấy được cành cây mà chim cuốc đậu trên đó rồi kêu đến chết, quất nó vào chàng trai hoặc cô gái nào mình thích thì người đó sẽ theo mình mê mệt. Cành cây đó như một loại bùa mê vậy. Đây rõ là một chuyện không có căn cứ. Nhưng một câu chuyện khác về chim cuốc rất đáng suy ngẫm. Đó là chúng luôn đi theo một lối mòn. Chúng đi trên đường nào thì chắc chắn sẽ về đường nấy và không bao giờ thay đổi con đường đó trừ khi nó không còn tồn tại. Vì vậy mà muốn bắt cuốc, chỉ cần nhìn được dấu chân của chúng, biết được lối mòn đó và đặt bẫy thì thế nào cũng bắt được.

Đặc tính này của cuốc cùng với sự tích ai oán bế tắc của nó có gì đó liên quan với nhau. Có tấm lòng và khát khao thôi chưa đủ, cần có phương pháp mới, sáng tạo. Những khát vọng yêu nước kéo dài cả ngàn năm không thành hiện thực vì con người cứ đi mãi trên lối mòn bao đời, vô tình đi vào sự sắp đặt của chính những thứ mình muốn thay đổi. May mắn thì thành công nhưng chỉ là tạo ra cái bình mới, rượu vẫn vậy. Nhưng hầu hết bị thất bại vì rơi vào những cái bẫy. Có khi tự đặt bẫy cho chính mình mà cũng không biết.

Em rất vui vì 2 lần gặp em vừa rồi, chị nói nhà mình hiểu nên không đi theo những lối mòn để vận động tự do cho em. Con đường công lý của em phải là con đường mới đầy sáng tạo. Nhớ kỹ rằng đó là Con đường công lý – Con đường em đi – chứ không phải những ngã đường để em về hay đi. Con đường công lý không chỉ đưa em về mà còn dẫn đến tương lai tốt đẹp cho mọi người. Nếu để chọn những ngã đường đó thì việc gì em phải đi tù. Nếu vì lo lắng mà vội vàng lựa chọn để ngắn hơn một vài năm nhưng từ bỏ công lý thì không bao giờ chúng ta chọn. Hiểu như vậy thì sẽ thấy cần sáng tạo như thế nào. Sức mạnh lớn nhất nằm ở suy nghĩ sáng tạo. Cứ siêng năng cặm cụi đi theo lối mòn thì chẳng bao giờ thoát ra được những định mệnh đen tối cả. Hàng ngàn năm vẫn vậy thôi.

Em biết qua lần vận động tự do này, mọi người sẽ nhận ra sự sáng tạo cần thiết để vận động tự do cho xã hội. Khai sáng đã bắt đầu rồi, ánh sáng sẽ mạnh lên thôi. Tự do thực chất và bền vững nằm trong ý chí tự do của mỗi người – ý chí muốn và tự cho phép mình tự do chứ không cần ai phải ban tự do cho mình cả. Còn trông đợi người khác ban cho mình tự do hoặc bất kỳ quyền lợi gì thì đều dẫn đến mất tự do. Hôm rồi chị nói “chị không cho phép ai lấy đi hoặc cho phép QCN của mình đâu” là hay lắm đó. Cứ yên tâm mà sáng tạo. Em đã viết cho ba và cả nhà nhiều lần rằng em đủ sức chịu mọi thử thách trong nhiều năm miễn là chúng ta sẽ đi được đến đích cuối cùng của Con đường công lý. Thử thách khó khăn lớn cỡ nào em cũng vượt qua được mấy chuyện vặt vãnh vừa rồi ăn thua gì. Đã bao nhiêu năm nay rồi nhà mình thấy rõ, khó khăn ập tới càng lớn thì em tiến trên Con đường mình càng xa đấy thôi. Nên nhớ rằng trong đề tài cộng hưởng năng lượng, em đã chỉ cho các cháu kỹ thuật thu năng lượng tấn công mình chuyển hóa thành năng lượng của mình, giống như cách người ta dong buồm để tiến về phía ngược chiều gió vậy.

30/9

Chiều hôm qua điện cho chị em rất vui. Không ngoài những gì em đã thiết kế phải không. Em dong buồm giỏi lắm đó dù chưa từng chơi thuyền buồm . Nhưng đâu cần có tiền mới chơi được cái môn thượng lưu này đâu. Em sẽ đại chúng hóa cái kỹ thuật dong buồm này. Thuyền buồm chỉ lấy được sức gió. Thuyền vận hộn còn sử dụng cả sức mạnh của Dòng chảy.

Em đã viết trong 119B rồi nhưng em muốn nhắc lại lần nữa, chị giúp em chuyển lời cảm ơn đến mọi người đã ủng hộ, đồng hành và tiếp sức cho em nha. Nhờ vậy mà chặng đường tới đích của Con đường công lý đã ngán lại đáng kể rồi. Trong thời đại ngày nay, tốc độ diễn tiến của quy luật nhanh hơn trước nhiều lần. Em đang đọc cuốn “Cảm ơn vì đến trễ”. Khá hay, nội dung chủ yếu của nó phân tích chi tiết về điều mà em đã viết nhiều lần trước khi cuốn sách này ra đời 2 – 3 năm. Đó là thế giới đang thay đổi quá nhanh, những gì mất 100 năm trong thế kỷ 20 thì từ bây giờ chỉ mất có 10 năm để đạt được kết quả tương tự, thậm chí còn tốt hơn. Nhưng cuốn sách nói nhiều về tác động của công nghệ đối với sự tăng tốc này và không chú ý lắm đến tác động thay đổi nhận thức của nhân loại bởi Dòng chảy. Tuy vậy, dù bởi tác động nào thì thực tế là tốc độ thay đổi của thế giới rõ ràng là đang ngày càng tăng tốc, bao gồm cả tốc độ tiến về lẽ phải của công lý.

Nhớ lại hơn 20 năm trước khi mảnh đất Giồng ông Tố của dòng họ mình bị lấy trắng và nhận lại lời ban ơn là được quyền ưu tiên mua một căn hộ tái định cư giá ưu đãi. Khi đó không mấy ai nghĩ vụ này sẽ bị đưa ra ánh sáng. Cả em lúc đó cũng nghĩ câu chuyện này cũng như nhiều câu chuyện khác sẽ mãi bị chôn vùi trong bóng tối, rồi cứt trâu để lâu hóa bùn thôi. Thật tình là em đã quên béng, không còn để ý gì tới vấn đề này của họ hàng. Nhưng giờ nó đã bị thanh tra và kết luận sai phạm của hàng loạt con người hét ra lửa thời đó. Họ sẽ không tránh được phải ra tòa đâu. Đọc kết luận thanh tra trên báo Thanh Niên em thấy còn có những chỗ chưa thỏa đáng. Nhưng chưa dừng lại đây đâu. Lẽ phải sẽ tiếp tục tiến về đích. Đến khi tinh thần thượng tôn pháp luật trong con người và xã hội lên cao thì mọi sự sai trái, vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi của người khác sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chỉ mong rằng lúc đó người dân cũng có tinh thần khoan dung lên cao.

Để tiến đến mức độ thượng tôn pháp luật như trên, bây giờ nhìn thấy còn nhiều trắc trở khó khăn. Nhưng nếu hiểu quy luật và thời đại của thế giới nhanh ngày nay thì sự thay đổi đã tiến đến giai đoạn của hàng mũ, tức là tăng theo cấp số nhân phi tuyến chứ không còn tịnh tiến theo tuyến tính như trước đây nữa. Vì vậy sự biến đổi trong giai đoạn tới đây sẽ diễn ra chóng mặt ít ai ngờ được. Hơn nữa, chúng ta đang ở vào thời kỳ chuyển đổi thời đại của nhân loại hay còn gọi là giai đoạn bản lề. Ngành khoa học mới gọi những thời kỳ / giai đoạn này là trạng thái hỗn độn mà trong đó chỉ cần một thay đổi rất nhỏ ở đầu vào cũng có thể tạo ra biến động rất lớn ở đầu ra. Khoa học gọi sự biến đổi như vậy là “Hiệu ứng cánh bướm”, được ví von rằng một cái đập cánh của bướm tại New York có thể gây ra bảo ở Tokyo. Giống như cái chết của người bán dạo ở Tunisia đã gây ra sụp đổ của Mubarak và Gadhaphi vậy.

Thực chất của Hiệu ứng cánh bướm là sự tích tụ và chuyển hóa năng lượng theo quy luật bằng hàm mũ. Nó làm cho trạng thái năng lượng của một hệ thống (vật lý hoặc xã hội) thay đổi không còn theo những quy luật chi phối hệ thống trước đó nữa, dẫn đến một sự rẽ ngoặt đưa hệ thống tiến tới một hệ thống mới khác biệt với trạng thái cũ. Trạng thái mới đối với thế giới chính là thời đại mới. Mọi người đều nhìn thấy và ngạc nhiên trước sự biến đổi chóng mặt, lạ lùng trong thời kỳ hỗn độn. Nhưng hầu hết đều không nhận ra rằng đó chỉ là kết quả cuối cùng của một tiến trình phát triển theo quy luật mà ở đó sự tích tụ và chuyển hóa năng lượng đã diễn ra âm thầm một thời gian đủ dài trước đó. Việc này khi đạt được đến một mức độ nào đó thì Hiệu ứng cánh bướm phát huy tác dụng, tạo ra sự đột khởi (emergence) (Giáo sư Phan Đình Diện dịch thuật ngữ này là “hợp trội” như em đọc được trên 1 bài của tạp chí Tia Sáng ngày 20/5/2018. Qua số tạp chí này em mới biết giáo sư đã từ trần. Em rất kính trọng giáo sư Diện) dẫn tới rẽ ngoặt (bi – furcation) kết thúc hệ thống cũ.

Những ai, giống Mubarak và Gadhaphi, cố chấp, không dám thừa nhận quy luật không thể tránh được của những tiến trình phát triển của một hệ thống như trên thì không thể tránh được sụp đổ. Họ tập trung năng lượng đối phó ở những chỗ mà họ cho là trọng yếu phải giữ vững. Một thời gian dài họ giữ được nên họ càng tin vào những chỗ đó. Nhưng lại không thể ngờ một cánh bướm nhẹ nhàng nào đó ở đâu đâu lại gây ra những cơn bão kinh khủng với họ như vậy. Trong quyển Homo Sapiens: Lược sử loài người, Harari cho rằng không thể đoán định sự phát triển của thế giới vì nó mang đặc tính hỗn độn cấp 2 và lấy ví dụ rằng nếu có ai chỉ cho Mubarak biết nguy cơ của sự sụp đổ chế độ của mình thì ông ta sẽ không hành xử như trước nữa. Và như vậy sự sụp đổ đã không xảy ra và thế giới đã khác. Đây là một sai lầm của tác già này mà em sẽ phân tích rõ trong một cuốn sách của mình. Ở thư này em chỉ nói sơ qua rằng Harari bỏ quên một đặc tính cố hữu của những kẻ độc tài là không bao giờ thừa nhận rằng mình không còn được độc tôn, chứ đừng nói là tin vào một điều gì đó nói mình sẽ không còn tồn tại. Vì vậy mà nếu có lời cảnh báo nào đó về nguy cơ sụp đổ đối với họ thì dù nguy cơ này có rõ ràng đến mấy đi nữa, chỉ rõ nguyên nhân khó bác bỏ dẫn đến sụp đổ là do hành xử độc tài; tư tưởng độc tôn có thuyết phục đến đâu đi nữa, thì những kẻ độc tài đó chỉ đưa đến một quyết định duy nhất là tăng cường sức mạnh hơn nữa dù có phải tước đoạt hơn nữa để củng cố cho vị trí độc tôn của mình và loại bỏ mọi thứ có thể đe dọa đến sự độc tôn đó. Không có chuyện những kẻ đó bỗng dưng sáng suốt, hiểu ra và chấp nhận tự từ bỏ sự độc tôn mình để mình có thể tồn tại, thậm chí là tốt hơn. Quyết định tăng cường sức mạnh để loại bỏ nguy cơ đối với mình của những kẻ độc tại, đáng tiếc cho họ, lại chính là sai lầm nghiêm trọng giúp thúc đẩy quá trình tích tụ và chuyển hóa năng lượng của Hiệu ứng cánh bướm trong thời kỳ hỗn độn nhanh và mạnh hơn nữa. Vì vậy mà nếu hiểu được quy luật thì sẽ thấy hành xử tương tự của những kẻ độc tài hiện nay còn lại trên thế giới là đương nhiên, không thể khác được và là dấu hiệu của những kết cục sụp đổ hàng loạt không thể tránh được.

Rất hiếm có những kẻ độc tài mà vào lúc nguy cơ trong thời kỳ hỗn độn lại “buông dao thành Phật” như vị Shogun cuối cùng của chế độ Mạc Phủ đã biết từ bỏ quyền lực độc tôn mình hàng trăm năm rồi, để mở ra thời đại Minh trị Duy Tân chuyển mình vĩ đại của dân tộc Nhật vào năm 1868. Hiếm nhưng không phải là ngẫu nhiên hay may mắn. Sự tỉnh ngộ của vị Shogun này là kết quả của một quá trình vận động thay đổi nhận thức của giới trí thức Nhật cho người dân và xã hội Nhật kiên trì và đầy gian khổ, cũng không thiếu lao tù. Cao trào của sự vận động này bắt đầu vào năm 1853 khi Đô đốc Perry đưa hạm đội hiện đại của Mỹ tiến vào vịnh Tokyo, vừa ép vừa thuyết phục nước Nhật mở cửa và dân chủ. Nhờ cuộc vận động này, với những nhà trí thức nổi bật như Fukuzawa Oibuchi, mà người Nhật đã thay đổi nhận thức, dẫn đến sự thay đổi nhận thức của giới cầm quyền, cuối cùng đưa nhận thức của dân tộc Nhật hòa theo Dòng chảy thời đại – tức tiến trình thay đổi nhận thức của nhân loại lúc đó. Chuyển mình vĩ đại bắt đầu nhờ vậy. Chính một nhóm lãnh chúa quyền lực dưới quyền Shogun cuối cùng nói trên đã chuyển đổi trước, đứng lên đòi vị Shogun này từ bỏ quyền lực để trao trả nó cho nhân dân mà Nhật hoàng là đại diện. Ông ấy nhìn thấy Dòng chảy đang tiến mạnh tới và cũng đã nhiều năm bị tác động bởi cuộc vận động thay đổi nhận thức nên đã chấp nhận trao quyền lại cho Nhật hoàng (cha vua Minh Trị) không khó khăn lắm, đánh dấu cuộc chuyển đổi lịch sử, không đổ máu. Cuộc chuyển đổi này không phải là ngẫu nhiên hay may mắn, mà là kết quả tất yếu của tiến trình vận động thay đổi theo quy luật của người Nhật do giới trí thức Nhật khởi xướng. Vì vậy mà thời đó ở Nhật, nhiều học giả đã đoán định trước được kết quả là Shogun sẽ trao trả quyền lực lại cho Nhật hoàng đại diện cho nhân dân. Người Nhật làm được như vậy vì họ tạo ra sự diễn biến theo quy luật. Không thể có kết quả này ở những cuộc cách mạng bạo lực, lật đổ.

Cuốn sách “Homo sapiens: Lược sử loài người”, của Harari được viết rất hay và có nhiều giá trị. Nhưng em không đồng ý phần cho rằng những sự phát triển tốt đẹp của nhân loại chỉ là ngẫu nhiên may mắn, chủ yếu nhờ những điều không có thật nhưng được nhiều người tin tưởng, mà không thấy được quy luật phát triển – chính là những sự thật / chân lý tồn tại khách quan với niềm tin của con người. Thế giới này sẽ không phát triển ngày càng tốt đẹp nếu mọi người tin rằng tương lai chỉ là những sự ngẫu nhiên, may mắn và vì vậy mà chỉ tận hưởng hiện tại. Việc gỉ phải phấn đấu cho tương lai khi nó chỉ là những gì bất định, ngẫu nhiên. Chờ cho cái gì hay xảy ra thì theo và tận hưởng thôi?

1/10

Cuốn sách em đang viết mà trong đó có chỉ ra sai lầm của Harari có tên “Quyền con người: Lược sử văn minh nhân loại”. Ý tưởng cốt lõi và khung bố cục cho nó đã xong rồi, nhưng tới giờ em vẫn chưa có thời gian để bắt tay vào viết. Phải chi có 3 đầu 6 tay. Có khi sau này về, em sẽ tìm học trò và hướng dẫn để viết quyển sách này.

Sáng qua Toàn cảnh thế giới trên VTV 1 nói về Chương trình kết nối Á – Âu của EU. Đây thực ra là một đối trọng với Sáng kiến Vành đai con đường của TQ vốn đã gây ra nhiều tai tiếng. Mỹ tới đây cũng sẽ có những dự án đầu tư cạnh tranh trực diện với Vành đai con đường của TQ ở khu vực Ấn Độ TBD. Hôm 26/9/2018, tại khóa họp 73 Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Trump công khai cáo buộc TQ là bóc lột thương mại và gây tác động xấu đến hệ thống thương mại toàn cầu. Từ đó, ông ấy kêu gọi cải tổ WTO. Cáo buộc như vậy là một sự tuyên chiến rồi. Ai đã nghĩ Mỹ chỉ tranh chấp thương mại với TQ để kiếm lợi về kinh tế thì giờ chắc đã hiểu được mục tiêu thực sự của Mỹ. Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến để phá bỏ những hậu quả và ảnh hưởng xấu của TQ trên toàn cầu. Rồi mọi người sẽ thấy các hệ thống nào tồn tại dưới sự ảnh hưởng, nuôi dưỡng hoặc hậu thuẫn bởi TQ lâu nay sẽ sụp đổ hàng loạt. Trong thời kỳ hỗn độn, ngay cả những hệ thống là những quốc gia chuyên chế khổng lồ vẫn có thể đổ sụp, tan rã như Liên Xô trước đây vậy. WTO đã bị Trump rung lắc và không thể tránh được phải thay đổi tận gốc rễ đâu. Điều này sẽ dẫn đến những thay đổi chưa từng thấy ở nhiều nước. “Cú đánh” này của Mỹ sẽ ra một đòn thẳng vào TQ. Nhưng hàng loạt chế độ ảnh hưởng bởi TQ sẽ lung lay. Thực tế là bây giờ Mỹ “rờ” tới thương mại nước nào thì nước đó rung rinh. Họ sẽ không bỏ qua cơ hội này để thực hiện mục tiêu dân chủ hóa của họ trên thế giới đâu. Cam kết Toronto của G7 hồi đầu năm đã khẳng định mục tiêu này. Tổng thống Trump sẽ còn tại vị vững chắc bất chấp những tấn công từ trong lẫn ngoài nhắm vào ông ấy. Ông ấy là người rất giỏi kỹ thuật dong buồm đấy. Nền dân chủ Mỹ giúp giữ cân bằng cho chính ông ấy và nước Mỹ. Vì vậy nếu hiểu quy luật thì người ta không sợ bị đối lập tấn công. Kẻ thù mà tấn công thì dùng đó mà giành thắng lợi.

Hôm Quốc khánh VN, Tổng thống Trump gửi điện mừng với nhận định rằng 2019 sẽ là năm đầy hứa hẹn cho quan hệ 2 nước. Em hiểu ý ổng nói đó. Em đã nói nhiều về Mùa xuân 2020 rồi phải không? Rất nhanh thôi mà, đâu còn lâu nữa đâu. Mọi người đừng sốt ruột cho em quá nha hôn. Em đã nói là tới lúc thì không ai giữ được em mà. Em còn nhìn được rất rõ sự dịch chuyển và chuyển hóa năng lượng mà, cả những năng lượng khổng lồ đang hướng đến tiếp sức cho em như chị nói hôm kia. Cho nên, đừng lo gì những vấn đề vặt vãnh.

Báo Nhân dân ngày 22/9/2018 đưa tin là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp Đại sứ EU tại VN và Đại sứ của một số nước khác tại VN trong cùng một cuộc gặp mà các vị Đại sứ này mời Ngoại trưởng VN gặp làm việc. Hẳn đây là một buổi gặp làm việc rất hay đó. Kỳ lạ là em rất hay mơ thấy ông Phạm Bình Minh dù chẳng hề quen biết với ổng. Buổi làm việc có nhắc tới EVFTA.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 23/8/2018 có bài ở trang 14: “Đổi mới “lần 2” trong bối cảnh chiến tranh thương mại” đã đưa ra những nhận định hay, trong đó có khuyến nghị “thoát Trung” để thoát hiểm và gia tăng quan hệ với “tứ cường” Mỹ; Nhật; Ấn, Úc và EU. Bài báo cũng nhận định EVFTA có ý nghĩa rất quan trọng đối với VN. Bài báo viết: “Xu hướng hòa giải đang thay thế dần đối đầu, xu hướng “thoát Trung” đang làm thay đổi bàn cờ địa chính trị tại Đông Á. Trong khi đó Bắc Kinh đã mắc phải một sai lầm lớn (như “ngộ nhận chiến lược”). Lãnh đạo TQ đã quá tự tin và chủ quan nên đánh giá thấp Trump, tưởng ông là “tổng thống con buôn” chắc chỉ dọa già để đàm phán chứ không dám liều tấn công. Vì vậy khi Washington ra đòn quyết liệt, Bắc Kinh đã bị bất ngờ, đối phó lúng túng và bị động. Bắc Kinh cũng trả đũa để tỏ ra cứng rắn lại càng mắc kẹt. Nhưng dù Bắc Kinh có nhận ra sai lầm thì rất khó xuống thang vì tâm lý nước lớn và khó thay đổi vì đã trót đi quá xa. Tuy đó là cái giá phải trả cho ngộ nhận, như một nghịch lý của người TQ, nhưng VN cần phải sớm rút ra bài học kinh nghiệm, để thoát hiểm (và thoát Trung).” Em nghĩ những nhận thức như trên đang dần trở nên phổ biến trong xã hội, đưa đến những thay đổi mạnh mẽ và tốt đẹp.

Hôm qua là quốc khánh TQ nhưng VTV không thấy có tin gì nhắc đến sự kiện này. Hôm kia chỉ thấy nói các lãnh đạo VN gửi điện mừng với nội dung không có gì đặc biệt, còn có vẻ khá hời hợt. Em đã nhận định trong thư 115A rằng cán cân ngoại giao của VN sẽ dịch chuyển mạnh bởi cuộc chiến thương mại Mỹ khơi mào. Nó sẽ dịch gần và chặt hơn đến với quan hệ nào mà người dân yêu mến, xa và lỏng hơn khỏi những quan hệ nào mà người dân căm ghét. Tình cảm của nhân dân sẽ quyết định, đó là lòng dân. Sự yêu ghét chủ quan không thể áp đặt được nữa dù là của bất kỳ cá nhân nào. Lòng dân VN đang thuận theo Dòng chảy nên sẽ được tiếp sức bằng năng lượng vô song của nó.

Lòng dân tới đây sẽ mạnh chưa từng thấy, dẫn đến cuộc chuyển mình vĩ đại giống như người Nhật hồi 1868 vậy. Em biết chắc như vậy vì nhìn thấy rõ nhiều dòng nhận thức thuận Quy luật phát triển đã được khai mạnh và đang kết nối nhanh vào Dòng chảy của thời đại. Việc khai, kết này thuận theo Quy luật tiến về lẽ phải của công lý nên đã và sẽ vượt qua hết được mọi cản trở.

Mục tiêu của cuộc đời đang thuận tiến theo quy luật. Em chẳng việc gì phải vội vã, cứ ung dung tự tại thôi. Nhà tù đâu có lấy nỗi tự do của em. Em lâu nay vẫn sống bằng ý chí của mình, chẳng có thứ gì làm em đánh mất ý chí tự do của mình hay buộc được em phải lựa chọn điều gì làm suy yếu công lý cả. Tự do tự tại, từ từ mà tiến về, cùng với Dòng chảy và cuộc chuyển mình vĩ đại của dân tộc cũng hay mà. Thời gian này em có thiếu gì việc làm được ý nghĩa, cái này khó khăn thì làm cái khác. Làm mà như dạo chơi thôi. Nên cả nhà và mọi người đừng quá lo lắng và sốt ruột nha!

Tối qua (1/10/18) VTV đưa tin đã khởi tố vụ án trấn lột, bảo kê ở chợ Long Biên Hà Nội. Cách đây khoảng 10 ngày có 1 phóng sự của Liên Liên thâm nhập vào chợ và quay được những cảnh trấn lột, bạo hành. Cô gái này hay thiệt (nhà mình cũng có tới 6 Liên). Những kẻ côn đồ và những tay bảo kê ngầm cho chúng chắc chắn sẽ không tránh được trừng phạt của pháp luật. Nhưng điều em muốn viết hôm nay là về thói quen suy nghĩ và hành xử của những kẻ cậy quyền ỷ thế để tước đoạt, xâm phạm quyền lợi của người khác.

Sau khi phóng sự nói trên phát lần đầu tiên thì việc trấn lột, bảo kê vẫn tiếp tục ngang nhiên diễn ra. Những kẻ này còn ngông cuồng thách thức những người đã cảnh báo chúng về dư luận qua phóng sự đó. Trong đầu những kẻ đó không hề quan tâm đến dư luận, cũng không hề có luật, mà chỉ có lệnh. Thế giới của chúng là những mệnh lệnh dựa trên sức mạnh của quyền lực, tiền bạc và bạo lực. Dư luận có phản ứng gay gắt đến đâu thì chúng cũng chẳng màng, phạm pháp ghê gớm đến mức nào thì chúng cũng chẳng cần hiểu. Điều duy nhất chúng lắng nghe và làm theo là lệnh của những kẻ quyền lực bảo kê cho chúng.
Thực tế hiệu quả của sự bảo kê đó trong một thời gian dài khiến chúng càng tin vào những mệnh lệnh đó và ngày càng bất chấp luật pháp và dư luận. Chỉ đến khi nào những kẻ bảo kê cho chúng sụp đổ hoặc phải “bỏ của chạy lấy người” thì chúng mới hết đường ngông cuồng mà thôi. Sự chai lì của chúng là điều khó hiểu với những người bình thường. Nhưng nếu hiểu rằng trong đầu chúng không có bất kỳ cơ chế vận động nào ngoài mệnh lệnh và sức mạnh thì sẽ hiểu được. Các cơ chế của pháp lý (luật pháp) và đạo lý (dư luận) không vận hành được trong những cái đầu như vậy. Bản chất của những kẻ cậy quyền ỷ thế dù ở đâu. Lĩnh vực, hình thức nào cũng như thế cả.

Tuy nhiên, dù pháp luật bị vô dụng đối với cảm nhận của chúng thì vẫn phải luôn sử dụng pháp luật để đối phó với chúng. Chỉ có như vậy thì cuối cùng chúng mới bị trừng trị mà thôi. Nhưng đúng là có rất ít người dám và đủ khả năng kiên trì sử dụng pháp luật đối với những kẻ đó. Hầu hết đều chấp nhận để chúng bắt nạt, hy vọng được “yên thân”. Khắp thế giới đều như vậy. Nên luôn cần những người dám đứng lên nói không với chúng, dù có bị chúng hè nhau chèn ép đi nữa.

Em có máu chống cậy quyền ỷ thế từ nhỏ nên xem phóng sự của Liên Liên là “sôi máu” lên liền . Tối qua nghe bọn đó bị đưa ra pháp luật thì thấy hả dạ. Cũng may là em đã chọn Con đường công lý, không thì thế nào cũng thành Robinhood “thay trời hành đạo” . Nếu vậy thì bây giờ không phải là chị vô tù thăm em mà là vô rừng. Hahaha. Nhưng mà rừng bây giờ trơ cũng gần hết rồi còn đâu  Robinhood thời nay đúng là hết đất sống rồi.






No comments: