Saturday, November 3, 2018

NỮ DÂN BIỂU GỐC VIỆT ĐẦU TIÊN ĐANG TÁI TRANH CỬ. BÀ CÓ THỂ THẮNG MỘT LẦN NỮA (Hoàng Long - VOA)




03/11/2018

Stephanie Murphy muốn một nhiệm kì nữa. Thời thế đang đứng về phía bà

Tại một khu chung cư dành cho người cao tuổi, Stephanie Murphy trình bày về chiến dịch vận động tranh cử của bà trước một nhóm cư dân ngồi quây quần trong phòng sinh hoạt tập thể. Sau đó bà trả lời những câu hỏi của họ. Bà muốn họ biết rằng bà lắng nghe tiếng nói của họ và sẽ tranh đấu vì họ.

Dân biểu Hoa Kỳ Stephanie Murphy trò chuyện với những cư dân của Serenity Towers, một khu chung cư dành cho người cao tuổi, ở Sanford, miền trung Florida, ngày 23 tháng 10, 2018. (Twitter/ Stephanie Murphy)

Đó là một buổi gặp gỡ xã giao vào một ngày cuối tháng 10 ở thành phố Sanford thuộc miền trung bang Florida. Những sự kiện như vậy phủ kín lịch trình của bà trong những tuần dẫn tới cuộc bầu cử giữa kì ở Mỹ vào ngày 6 tháng 11, khi mà tương lai chính trị của bà có thể được định đoạt bởi lá phiếu của những cử tri mà bà tiếp xúc trong giai đoạn hệ trọng này.

Vài ngày sau đó, bà và các tình nguyện viên xuống đường đi gõ cửa từng nhà từ sáng đến tối để trò chuyện với cử tri và khuyến khích họ bỏ phiếu sớm. Những nỗ lực vận động càng dồn dập và ráo riết vào những ngày cuối cùng của chiến dịch với mục tiêu duy nhất là huy động cử tri bỏ phiếu đông đảo.

Nữ dân biểu Đảng Dân chủ 40 tuổi này muốn chiến thắng và bà biết mình phải làm gì để chiến thắng.

Chiến thắng đầu tiên của bà đến một cách bất ngờ vào năm 2016. Bà làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên và là người gốc Việt thứ hai đắc cử vào Quốc hội Hoa Kỳ, đánh bại một dân biểu Đảng Cộng hòa đương nhiệm sau hơn 20 năm tại chức.

Các nhà quan sát chính trị địa phương và các nhà dự báo độc lập phi đảng phái nhận định bà Murphy, người đang đại diện Địa hạt Quốc hội 7 của bang Florida, có nhiều cơ may tái đắc cử nhờ thành tích cá nhân và một môi trường chính trị đã biến chuyển theo hướng có lợi hơn cho phe Dân chủ kể từ năm 2016, dù cuộc đua giữa bà và đối thủ Đảng Cộng hòa vẫn được xem là có tính cạnh tranh.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA trước đó trong tuần này, bà Murphy tránh trả lời trực tiếp câu hỏi liệu bà có tin tưởng mình sẽ tái đắc cử hay không nhưng khẳng định bà đang dốc sức để huy động cử tri đi bỏ phiếu.

“Cử tri, không phải các cuộc khảo sát ý kiến, mới giúp thắng cử,” bà trả lời bằng tiếng Anh qua điện thoại sau khi cho biết không có cuộc khảo sát ý kiến cử tri nào gần đây đáng để chia sẻ. “Vì thế đó là lí do vì sao chúng tôi đang tập trung vào việc bảo đảm là cử tri sẽ xuất hiện và bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này.”

Thông điệp cốt lõi của chiến dịch vận động là về công ăn việc làm, an ninh và bình đẳng trong khi thành tích hợp tác lưỡng đảng của bà trong hai năm lập pháp ở Washington cũng được nhấn mạnh. Bà thường xuyên dẫn ra một đánh giá nói bà là thành viên làm việc hữu hiệu nhất trong nhóm dân biểu mới vào Hạ viện, cũng như là một trong những thành viên có thành tích hợp tác lưỡng đảng cao nhất toàn Hạ viện.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan (trái) chủ trì nghi thức tuyên thệ nhậm chức cho Dân biểu Stephanie Murphy trong một buổi lễ tại Điện Capitol ở Washington, ngày 3 tháng 1, 2017 khi Quốc hội thứ 115 khai mạc.

GovTrack, một tổ chức độc lập chuyên theo dõi hồ sơ lập pháp của các nghị sĩ Quốc hội, ghi nhận các dự luật và nghị quyết của bà có 505 người đồng bảo trợ trong năm 2017, nhiều nhất trong số các nghị sĩ phục vụ trong Hạ viện nhiệm kì đầu tiên. Trong số 186 dự luật mà bà đồng bảo trợ, 43 phần trăm được giới thiệu bởi một nhà lập pháp khác không theo Đảng Dân chủ, theo GovTrack.

“Bà ấy theo Đảng Dân chủ và vì thế biểu quyết cho một số ưu tiên của phe Dân chủ. Nhưng bà ấy đã có tiếng là người ôn hòa và thường hợp tác lưỡng đảng để cố gắng giải quyết vấn đề thay vì lấy lòng thành phần cực đoan về ý thức hệ,” Aubrey Jewett, giáo sư chuyên về chính trị Florida tại Đại học Trung Florida, nhận định với VOA.

“Tôi nghĩ bà ấy đã làm tốt và điều đó sẽ giúp ích cho bà ấy,” ông nói.

Đối thủ Cộng hòa của bà, Dân biểu Hạ viện cấp bang Florida Mike Miller, đang chĩa mũi dùi công kích bà về những lần bà biểu quyết thuận theo Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, một nhân vật kì cựu của phe Dân chủ trong cơ quan lập pháp này vốn thường bị phe Cộng hòa gán vào các ứng cử viên Dân chủ tranh cử nhằm khiến cử tri chán ngán.

Một phát ngôn viên cho ban vận động của ông Miller không trả lời câu hỏi gửi qua email của VOA tại sao họ cho rằng bà Murphy không phải là ứng cử viên phù hợp cho địa hạt bà đang đại diện và cũng không bình luận về khuynh hướng hợp tác lưỡng đảng của bà.

Bà Murphy, trước đây từng phục vụ trong Bộ Quốc phòng Mỹ, cho VOA biết một dự luật quan trọng mà bà từng biểu quyết ủng hộ trái với đảng của bà liên quan đến việc chăm sóc y tế cho các cựu chiến binh, một điều “hết sức quan trọng” đối với bà.

Các nhà quan sát chỉ ra rằng sức thu hút của bà không chỉ ở thông điệp tranh cử phù hợp và thành tích lập pháp trung dung mà còn ở câu chuyện thành công của bà tiêu biểu cho giấc mơ Mỹ, điều gần như luôn tạo ấn tượng tốt đẹp nơi cử tri.

Sinh năm 1978 ở Sài Gòn, bà Murphy – có tên tiếng Việt là Đặng Thị Ngọc Dung – cùng gia đình đào thoát khỏi Việt Nam bằng thuyền khi bà chỉ mới vài tháng tuổi. Gia đình bà sống ở nhiều trại tị nạn khác nhau trước khi định cư ở bang Virginia, nơi họ làm công nhân lao động vào ban ngày và dọn dẹp các tòa nhà văn phòng vào ban đêm.

Stephanie Murphy thời còn phục vụ trong tư cách chuyên viên an ninh quốc gia tại Bộ Quốc phòng Mỹ.

Sự kiện 11 tháng 9 khơi lên khao khát đền đáp đất nước đã cưu mang gia đình bà khi thuyền của họ lênh đênh trên biển, bà nói với NBC vào năm 2016. Bà học tiếp để lấy bằng thạc sĩ về quan hệ quốc tế tại Đại học Georgetown rồi làm chuyên viên an ninh quốc gia tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng. Sau đó bà dọn về Orlando để theo đuổi công việc kinh doanh và dạy học trước khi được Đảng Dân chủ chiêu mộ ra tranh cử lần đầu tiên hai năm trước.

“Từ trước tới giờ hầu hết người Mỹ vẫn yêu thích những câu chuyện thành công của những người đến đất nước này và phấn đấu vươn lên. Bà ấy chắc chắn là người như vậy,” giáo sư Jewett nói. “Tôi nghĩ câu chuyện [của bà Murphy] lay động rất nhiều người Mỹ... Nó khiến họ có cảm tình với bà ấy. Nó khiến họ yêu mến đất nước này.”

Tình hình địa chính trị biến chuyển ở Địa hạt Quốc hội 7 cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tái tranh cử của bà Murphy. Sở dĩ bà giành chiến thắng bất ngờ vào năm 2016 phần lớn cũng nhờ ranh giới địa hạt này được vẽ lại để bao gồm nhiều cử tri theo Đảng Dân chủ hơn – một khu vực ở miền trung Florida bao gồm cả Quận Seminole và một phần lớn phía bắc Quận Orange cùng với trung tâm thành phố Orlando.

Các nhà quan sát nhận định địa hạt này đã nghiêng về phe Dân chủ nhiều hơn kể từ khi bà Murphy đắc cử, phần nào xuất phát từ sự bất mãn và chống đối tăng cao nơi cử tri vùng ngoại thành đối với Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump. Địa hạt của bà có thể là điển hình cho xu hướng chính trị này vốn đang hiển hiện ở những khu vực bao quanh các thành phố lớn khắp cả nước Mỹ, đề ra thách thức to lớn cho các ứng cử viên Cộng hòa cạnh tranh ở đó.

Trong một chỉ dấu cho thấy tác động tiêu cực của ông Trump ở địa hạt của bà Murphy, tên của ông không còn được nhắc tới trong những thông điệp vận động của đối thủ Cộng hòa Mike Miller của bà trong những tháng gần đây. Luận điệu chống người nhập cư từ Trung Mỹ, được ông Trump dồn dập tung ra trong những ngày cuối cùng dẫn đến cuộc bầu cử, gần như hoàn toàn vắng bóng trong những lập luận thuyết phục cử tri của ông Miller. Thay vào đó, ông quay sang đả kích bà là thuộc hạ của Nancy Pelosi.

Tình hình thêm khó khăn cho ông Miller khi bà Murphy áp đảo ông về nỗ lực gây quỹ tranh cử với lượng tiền nhiều gấp ba lần, hơn 3 triệu đôla của bà so với gần 1 triệu của ông, theo hồ sơ tài chính tranh cử đệ trình với Ủy ban Bầu cử Liên bang. Bà cũng lấn át ông về chi tiêu và lượng tiền dự trữ. Tính đến ngày 17 tháng 10, bà còn dư tới hơn 750.000 đôla trong khi ông chỉ còn hơn 30.000 đôla.

Steven Schale, một chiến lược gia Dân chủ nhiều năm kinh nghiệm ở Florida, nói số dư to lớn đó rất quan trọng trong giai đoạn đua nước rút trước bầu cử vì bà có thể rộng tay chi tiền để làm những điều mà bà cần phải làm để giành chiến thắng, đặc biệt là ở một trong những thị trường quảng cáo chính trị thuộc hàng đắt đỏ nhất ở Mỹ như Orlando.

“Lợi thế tài chính của bà ấy cho phép bà ấy mua một số quảng cáo truyền hình quan trọng vào phút chót để khuyến khích cử tri bỏ phiếu và tự vệ trước những đợt tấn công,” ông Schale nói với VOA từ Florida. “Và trong một cuộc đua mà kết quả được quyết định bởi vài ngàn phiếu, có tiền là có thể thuê thêm nhân viên để huy động cử tri đi bỏ phiếu.”


Ông Schale, người từng giúp ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama giành chiến thắng ở Florida năm 2008, nhận định “mọi thứ đang diễn biến thuận lợi để bà ấy có một đêm bầu cử tốt đẹp,” dù ông lưu ý đây vẫn là một địa hạt có tính cạnh tranh và không thể lơ là.

Chiến thắng vào ngày 6 tháng 11 có thể sẽ giúp bà gầy dựng sự nghiệp chính trị còn non trẻ và tạo nền tảng để bà dần khẳng định tên tuổi của mình trong chính giới Washington. Là một phụ nữ trẻ thuộc sắc dân thiểu số với chủ trương hợp tác lưỡng đảng, bà dường như là một hình tượng lãnh đạo tiềm năng trong một Đảng Dân chủ đang ngày càng trở nên đa dạng hơn.

Robert Bial, Chủ tịch Đảng Dân chủ Quận Seminole, nói bà Murphy là “hiện thân của gương mặt và thái độ chính trị đang biến chuyển, không chỉ ở Quận Seminole mà còn ở bang và đất nước của chúng tôi.”

“Dân biểu Murphy có tương lai chính trị rất xán lạn,” ông Bial nói trong một phát biểu gửi cho VOA. “Bà ấy chỉ bị giới hạn bởi Điều II của Hiến pháp,” nhắc tới một quy định trong Hiến pháp Hoa Kỳ rằng chỉ có những người sinh ra ở Mỹ mới có thể trở thành tổng thống Mỹ.

Chiến lược gia Schale kể với VOA rằng trong một dịp ông gặp bà Murphy tại một buổi tập hợp vận động tranh cử cùng với cựu Phó Tổng thống Joe Biden ở Orlando vào tuần trước, ông đã khen bà là “ngôi sao đang lên” và ngỏ ý giúp đỡ bà nếu sau này bà muốn làm gì đó khác.

“Anh biết đấy, tôi bây giờ đang tập trung phục vụ cử tri của mình và vượt qua cuộc bầu cử sắp tới,” bà Murphy trả lời khi VOA hỏi bà có từng nghĩ tới chuyện sẽ nắm giữ một vị trí lãnh đạo nào đó trong Đảng Dân chủ hay không.

Liệu sau này bà có định tranh cử chức vụ cao hơn không?
“Tôi không hề nghĩ mình sẽ tranh cử vào Quốc hội mà giờ tôi đang làm dân biểu đây,” bà đáp. “Không bao giờ biết được cuộc đời sẽ đưa đẩy thế nào đâu.”



----------------------------------------
03/11/2018

Stephanie Murphy, người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử vào Quốc hội Hoa Kỳ năm 2016, hiện đang tái tranh cử cho nhiệm kì thứ hai đại diện Địa hạt Quốc hội 7 ở bang Florida.

Stephanie Murphy nói chuyện với báo chí, Winter Park, bang Florida, ngày 30 tháng 10, 2018. (Twitter/ Stephanie Murphy)

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA, bà kể lại trải nghiệm của bà trong hai năm đầu tiên làm dân biểu tại Hạ viện và giải thích vì sao bà đang nỗ lực thúc đẩy nó thay đổi. Bà nêu lập trường về nhiều vấn đề lập pháp khác mà bà quan tâm sâu sắc và cũng bình luận về hoạt động của Mỹ tại Biển Đông.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Anh qua điện thoại vào ngày 29 tháng 10. Toàn bộ nội dung phỏng vấn ở đây:

Tôi muốn bắt đầu cuộc trò chuyện với loạt câu hỏi đầu tiên về tình hình cuộc đua tranh cử của bà. Bà có tin tưởng là bà sẽ tái đắc cử không?
Chúng tôi đang cật lực làm việc để bảo đảm là chúng tôi huy động được cử tri đi bỏ phiếu ở đây trong tám ngày còn lại trước cuộc bầu cử.

Các cuộc khảo sát ý kiến nội bộ của bà cho thấy gì? Bà có thể chia sẻ kết quả khảo sát được không?
Anh biết gì không, chúng tôi chưa có cuộc khảo sát ý kiến nào dạo gần đây đáng để chia sẻ, nhưng tôi sẽ nói với anh là cử tri, không phải các cuộc khảo sát ý kiến, mới giúp thắng cử. Vì thế đó là lí do vì sao chúng tôi đang tập trung vào việc bảo đảm là cử tri sẽ xuất hiện và bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này.

Tại sao bà là dân biểu tốt hơn cho Địa hạt 7?
Tôi tập trung vào công ăn việc làm, an ninh và bình đẳng và vẫn đang làm việc trong nhiệm kì đầu tiên của tôi để phục vụ cộng đồng này. Và tôi được nêu tên là thành viên làm việc hữu hiệu nhất trong nhóm dân biểu mới vào Hạ viện cũng như là một trong những nghị sĩ thường hay hợp tác lưỡng đảng nhất. Tôi làm việc chăm chỉ để bảo đảm rằng tôi có thể thăng tiến những lợi ích của cộng đồng của tôi.

Bà nói trong một trong những quảng cáo của bà là “đã đến lúc Washington cũng bắt đầu làm việc.” Từ quan điểm của bà trong tư cách nhà lập pháp nhiệm kì đầu, như thế nào là không làm việc vì người dân?
Tôi nghĩ rằng vẫn còn quá nhiều những nhóm lợi ích và quá nhiều bế tắc vì đấu đá đảng phái. Tôi nghĩ chúng tôi phải hướng tới làm việc cùng nhau hữu hiệu hơn và gửi dân biểu đến Washington để làm việc thay mặt những người đã bầu chọn họ chứ không phải tìm cách thu vén cho đầy túi riêng. Đó là lí do tại sao tôi giới thiệu Đạo luật Niềm tin vào Quốc hội để ngăn các thành viên Quốc hội trở thành những người vận động hành lang. Và nó cũng cắt giảm một số đặc quyền như đi máy bay khoang hạng nhất bằng tiền của người đóng thuế, những thứ giống như vậy, để các thành viên Quốc hội phục vụ những người đã bầu chọn họ.

Đối thủ [Đảng Cộng hòa] của bà đang liên kết bà với [Lãnh đạo Dân chủ Thiểu số Hạ viện] Nancy Pelosi, nói rằng bà biểu quyết thuận theo bà ấy “nhiều hơn 90 phần trăm.” Tôi kiểm tra lại và con số này thực ra là 87. Nhưng bà cũng biểu quyết thuận theo [Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa] Paul Ryan 42 phần trăm. Bà có thể nêu ví dụ về một luật quan trọng mà bà đã biểu quyết trái với đảng của bà không? Điều gì khiến bà biểu quyết như vậy?
Liên quan đến chăm sóc y tế cho cựu chiến binh, điều hết sức quan trọng đối với tôi là bảo đảm rằng chúng tôi cung cấp sự chăm sóc y tế tốt nhất cho các cựu chiến binh. Tôi là một trong số ít những thành viên của Đảng Dân chủ đã biểu quyết ủng hộ một dự luật cho Bộ Sự vụ Cựu Chiến binh nhiều linh hoạt hơn trong việc quản lí nhân sự, để bảo đảm rằng những người giỏi nhất đứng ở tuyến đầu phục vụ các cựu chiến binh của chúng ta.

Trong khi đang nói về chủ đề Nancy Pelosi tôi phải hỏi bà điều này: bà có bầu cho bà ấy làm chủ tịch Hạ viện không nếu phe Dân chủ giành lại Hạ viện?
Tôi đã nêu rõ rằng tôi sẽ bầu theo những yêu sách đề ra trong Dự án Break the Gridlock (Phá vỡ Bế tắc) mà về cơ bản nói rằng chúng tôi đang tìm kiếm một số thay đổi trong cách thức mà Hạ viện được điều hành để khuyến khích thêm sự hợp tác lưỡng đảng. Và vì vậy ứng viên chủ tịch Hạ viện nào sẵn lòng chấp nhận những thay đổi đó thì sẽ là người mà tôi bầu chọn.

Tôi có một hai câu hỏi về an ninh quốc gia vốn là lĩnh vực chuyên môn của bà. Và đây cũng là điều mà nhiều người Việt Nam quan tâm. Mỹ đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông với nhiều hoạt động tự do hàng hải hơn cũng như những chuyến bay ngang để thách thức hành vi hung hăng của Trung Quốc tại đó. Theo quan điểm của bà trong tư cách một chuyên viên an ninh quốc gia, liệu Mỹ có nên tiếp tục làm việc này không?
Việc bảo vệ quyền tự do hàng hải là cực kì quan trọng. Nó cho phép thương mại quốc tế được tiếp tục và tôi nghĩ đó là một vai trò quan trọng mà Mỹ cần tiếp tục hỗ trợ.

Liệu bà có biểu quyết luận tội Tổng thống Trump không nếu bà thấy có bằng chứng khả tín về sự thông đồng từ cuộc điều tra của [Công tố viên Đặc biệt Robert] Mueller?
Tôi tin rằng khi chúng ta nói về việc luận tội, phải có chứng cứ không thể chối cãi đáp ứng được ngưỡng trọng tội và hành vi bất chính đáng trước khi chúng ta nên xem xét bàn tới việc luận tội.

Hoa tưởng niệm các nạn nhân đặt bên ngoài Giáo đường Do Thái Tree of Life sau vụ xả súng chế người ở thành phố Pittsburgh, ngày 29 tháng 10, 2018.

Hãy nói về bạo lực súng ống. Hai ngày trước [27 tháng 10], 11 người bị sát hại trong một giáo đường Do Thái trong vụ việc được mô tả là cuộc tấn công bài Do Thái làm chết nhiều người nhất trong lịch sử nước Mỹ. Bà nói bạo lực súng ống đã trở thành một "vấn đề y tế công ảnh hưởng đến rất nhiều sinh mạng trong cộng đồng của chúng ta." Xin bà giải thích vấn đề y tế công này nghiêm trọng tới mức nào. Bà có nghĩ tầng lớp chính trị Washington có thể làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn những thảm kịch như thế này xảy ra lần nữa không?
Tôi nghĩ điều thiết yếu là các quan chức công cử phải làm nhiều hơn nữa để giữ cho các cộng đồng của chúng ta được an toàn hơn trước tình trạng bạo lực súng ống. Và điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết vấn đề này một cách phi đảng phái. Vì bạo lực súng ống xảy ra trên khắp đất nước này chứ không chỉ trong các vụ xả súng hàng loạt hay những vụ thu hút sự chú ý của báo chí mà còn trong những sinh hoạt hàng ngày của nhiều cộng đồng. Và điều quan trọng là các quan chức công cử phải giải quyết vấn đề đó. Tôi tự hào nói rằng tôi đã dẫn đầu sáng kiến dỡ bỏ một lệnh cấm 22 năm về nghiên cứu bạo lực súng ống, và tôi nghĩ rằng đó là bước đi đúng hướng để chúng ta có đầy đủ dữ kiện để từ đó soạn luật về bạo lực súng ống và an toàn súng ống.

Đầu năm nay, bà đã đưa được những ngôn từ vào trong gói chi tiêu mà sẽ “mở đường cho Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật (CDC) tài trợ những nghiên cứu dựa trên bằng chứng về các cách thức giảm bạo lực súng ống.” Nhưng các quan chức y tế công cộng và cựu quan chức CDC nói rằng, sẽ không có tiến bộ nào đạt được trừ phi Quốc hội thực sự phân bổ ngân quỹ cho những nghiên cứu đó. Gói chi tiêu đã thông qua vào tháng 3. Kể từ khi đó có bất cứ ngân quỹ nào được phân bổ riêng cho nghiên cứu bạo lực súng ống của CDC chưa?
Không có ngân quỹ cụ thể nhưng CDC có ngân quỹ mà có thể được dùng cho nghiên cứu bạo lực súng ống theo một số chương trình khác mà họ có.

Bà có thấy bất kì tiến bộ nào về vấn đề này chưa?
Tôi tin là giờ chúng ta đã có thể nêu rõ rằng nghiên cứu về bạo lực súng có thể được tiến hành, chúng ta cần phải bắt đầu sử dụng các nguồn lực đó và bắt đầu thực hiện những nghiên cứu này.

Nếu bà tái đắc cử, bà sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề này trên nghị trình của bà chứ? Và đẩy mạnh đến mức nào?
Tôi tin rằng tôi đại diện một cộng đồng bị ảnh hưởng sâu sắc vì bạo lực súng ống với vụ xả súng tại hộp đêm Pulse [vào năm 2016] và vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục vận động cho các biện pháp an toàn súng ống hợp lí.

Hãy nói về các cử tri người Việt của bà. Bà đã nói chuyện với bất kì cử tri người Việt nào trong địa hạt của bà chưa? Họ nói gì với bà?
Có. Họ quan tâm về cùng những vấn đề mà những cử tri khác trong địa hạt của tôi quan tâm. Họ muốn bảo đảm rằng có việc làm được trả lương cao và một nền kinh tế tạo điều kiện cho tất cả mọi người. Họ muốn bảo đảm rằng các cộng đồng của chúng tôi được an toàn khỏi bạo lực súng ống và họ muốn bảo đảm rằng có một cơ hội bình đẳng để hiện thực hóa giấc mơ Mỹ.

Khi bà nghĩ về địa vị của bà hôm nay, nữ nghị sĩ Quốc hội người Mỹ gốc Việt đầu tiên đang tranh cử cho một nhiệm kì thứ hai, bà cảm thấy thế nào về điều đó?
Dĩ nhiên tôi tự hào là người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Quốc hội nhưng tôi tin rằng đó là một bước đi đúng hướng để bảo đảm rằng nền dân chủ đại nghị của chúng ta thực sự đại diện sự đa dạng của đất nước vĩ đại này.

 là một nhà lập pháp nữ trẻ tuổi thuộc sắc dân thiểu số, một người có khuynh hướng hợp tác lưỡng đảng thay vì theo đuổi ý thức hệ. Sự nghiệp chính trị của bà vừa mới bắt đầu. Bà đã bao giờ hình dung mình ở một vị trí lãnh đạo nào đó trong Đảng Dân chủ chưa?
Anh biết đấy, bây giờ tôi đang tập trung phục vụ cử tri của mình và vượt qua cuộc bầu cử sắp tới. Đó là trọng tâm của tôi vào lúc này.

Bà sẽ cân nhắc tranh cử một vị trí cao hơn vào lúc nào đó trong tương lai chứ?
Anh biết đấy, tôi không hề nghĩ mình sẽ tranh cử vào Quốc hội mà giờ tôi đang làm dân biểu đây. Không bao giờ biết được cuộc đời sẽ đưa đẩy thế nào đâu.

Xin cảm ơn Nghị sĩ Murphy trả lời cuộc phỏng vấn này.







No comments: