Friday, November 9, 2018

NGƯỜI VIỆT VỚI BẦU CỬ GIỮA KỲ & DONALD TRUMP (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
9 tháng 11 2018

Bình luận của độc giả người Việt về câu hỏi có khuynh hướng sùng bái Trump và việc ông thắng hay thua sau cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ.

Người Việt có sùng bái Trump?

Về câu hỏi tâm lý sùng bái lãnh tụ của người Việt có biểu hiện trong thiện cảm dành cho ông Trump hay không, luật sư Nguyễn Quốc Lân ở Hoa Kỳ, người ủng hộ đảng Cộng Hòa, trong chương trình Bàn tròn Tối thứ Năm 8/11 của BBC, cho hay:

"Ủng hộ đảng Cộng hòa không có nghĩa là nằm trong khuynh hướng sùng bái ông Trump."
"Những người theo đảng Cộng hòa hỗ trợ Trump cuồng nhiệt vì ông Trump có nhiều chính sách táo bạo mà các chính phủ trước đây không dám làm. Ví dụ ông Trump mạnh tay trong chính sách di dân, hay mạnh tay trong các chính sách giao thương với Trung Quốc."
"Hay việc chính phủ Mỹ bao nhiêu năm hứa di chuyển tòa đại sứ của Hoa Kỳ sang Jerusalem nhưng không làm, ông Trump làm luôn. Những chính sách đó phản ánh ý kiến chung của một bộ phận người Mỹ muốn có sự mạnh bạo như vậy," luật sư Nguyễn Quốc Lân nói.

Trong khi đó, kiến trúc sư Thắng Đỗ từ Hoa Kỳ, người theo đảng Dân chủ, thì khẳng định:

"Nước Mỹ chưa bao giờ chia rẽ đến vậy kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống từ 2016. Đúng là sự sùng bái có thật dưới thời ông Trump."
"Cứ theo dõi những buổi gặp, họp của những người ủng hộ Trump ở Mỹ thì thấy có nhiều người không nhìn vào chính sách mà họ chỉ nhìn theo một lãnh tụ, coi như đấng toàn năng và đấng đó không làm điều gì sai cả."
"Tôi không thấy người ta làm thế với cha con ông Bush hay cựu Tổng thống Mỹ Reagan. Đó như một kiểu cuồng tín. Tôi thấy rất nguy hiểm cho xã hội Mỹ."

Nhà báo tự do Trần Đông Đức hiện đang sinh sống Mỹ, thì lý giải nhiều người Việt thích ông Trump "vì ông ấy là người có cá tính".

"Đó là nhân vật tương đối lạ, hơi 'sân khấu' một chút. Đối với tôi, ban đầu tôi cũng bị thu hút bởi điều đó. Càng về sau tôi càng đồng tình với những chính sách của ông ấy. Tôi cảm thấy tâm lý này chung với hội người Việt Nam thích Trump tại Mỹ."

Người Việt ở Mỹ theo đảng Cộng hòa?

Luật sư Nguyễn Quốc Lân cho hay có "đa số" người gốc Việt ở Mỹ ủng hộ đảng Cộng Hòa, nhưng không phải "hầu hết".
Ông Lân giải thích:

"Có thể do nhiều người Việt còn nhầm lẫn từ Cộng Hòa trong "đảng Cộng hòa" với chế độ Việt Nam Cộng hòa thời xưa."
"Quan điểm của đảng Cộng hòa rất mạnh bạo, chống lại liên bang Xô Viết, chống cộng sản, bảo vệ tự do tôn giáo, giá trị gia đình. Nhưng qua thời gian người ta hiểu rằng đảng Dân chủ có lúc này lúc kia cũng chống cộng sản, ủng hộ dân chủ, tùy giai đoạn, tùy theo từng người. Cho nên người ta có khuynh hướng ghi danh theo đảng Cộng hòa nhiều hơn theo đảng Dân chủ."
"Trong 10 năm trở lại đây, nhiều người có khuynh hướng không ghi là theo đảng nào. Họ nói mình là phe 'độc lập', nhưng thực chất họ không tiết lộ đảng của mình."
"Số này ngày càng đông. Và trong khối cử tri gốc Việt hiện có khuynh hướng chia ba. Phần theo Cộng hòa chia chiếm ưu thế. Nhưng vừa qua đã mất ưu thế, không phải cho dảng Đân chủ, mà cho phe 'độc lập' kia."

Khuynh hướng người Việt bầu cho người Việt

Về việc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ năm 2018 có nhiều ứng cử viên gốc Việt trúng cử nhất từ trước tới nay, luật sư Nguyễn Quốc Lân cho hay bầu cho người của cộng đồng mình là "khuynh hướng bình thường trong xã hội Mỹ".

"Vừa qua đa số người Việt Nam tại Mỹ bầu ứng cử viên người gốc Việt, do họ nghĩ với người Việt thì họ có thời gian sinh hoạt trong cộng đồng người Việt lâu nên hiểu rõ quan điểm, suy nghĩ của cộng đồng mình, và tiện lợi trong việc đại diện cho cộng đồng ấy."
"Các cộng đồng người Mỹ La Tinh, người Mỹ da đen đều có khuynh hướng bầu cho người của mình."
"Do đó khi bầu, người ta chọn dựa trên việc thấy người đó là tốt nhất trong khuynh hướng ưu ái, ưu tiên đó, chứ không phải dựa trên việc người đó có nhiều kinh nghiệm nhất hay đã làm việc nhiều nhất hay tốt nhất."
"Giống việc anh mình tranh cử thì bầu cho anh mình chứ bầu cho người kia làm gì. Quan điểm đó đơn giản như vậy."

Kiến trúc sư Thắng Đỗ đồng tình với luật sư Lân, đồng thời cho rằng "có sự khác biệt trong việc bầu các chức vụ địa phương và việc bầu các chức vụ ở liên bang".
"Đúng là ở địa phương thì người ta bầu cho những người nào người ta cảm thấy giống họ, nói ngôn ngữ của họ. Tôi không nghĩ đó nhất thiết là vấn đề sắc tộc mà đó là khuynh hướng bình thường".

Ông Trump thật ra đã thắng?

Dù mất Hạ viện vào tay đảng Dân chủ, nhưng theo một số người ủng hộ ông Trump, ông Trump kỳ thực đã giành chiến thắng lớn ở Thượng viện và điều này rất quan trọng trong việc ông có thể ở lại trên cương vị Tổng thống Mỹ thêm nhiệm kỳ nữa hay không.

Facebooker Viet Hai Tran viết: "Tờ Western Journal nói các hãng truyền thông lớn của Hoa Kỳ chỉ đưa tin Hạ viện vào tay đảng Dân chủ mà gần như 'phớt lờ' việc ông Trump giành chiến thắng lớn ở Thượng viện."
"Giành được Hạ Viện, mặc dù vậy, Đảng Dân Chủ đã bị thiệt hại nặng nề trong cuộc đua vào Thượng Viện ở Texas. Cụ thể, ứng cử viên của họ, Beto O'Rourke, đã thua ứng viên Ted Cruz của đảng Cộng Hòa."Theo trang web www.realclearpolitics.com, ứng cử viên Ted Cruz của đảng Cộng Hòa được 50.9% phiếu, so với 48.3% của Beto O'Rourke, một tỉ số được cho là khiêm nhường.
"Đảng Cộng Hòa cũng giành được ba ghế mới ở Thượng viện với chiến thắng hoàn toàn ở Bắc Dakota, Indiana, Florida và Missouri và có khả năng sẽ thắng ở Florida, nơi ứng viên Rick Scott dường như đã đánh bại thượng nghị sỹ Bill Nelson đương nhiệm, do người chiến thắng đã không chính thức được tuyên bố vào chiều thứ Tư (7/11)." Ông Viet Hai Tran viết tiếp.
"Trong các dòng trạng thái đăng trên Twitter vào sáng thứ Tư, Tổng Thống Trump trích dẫn lời của nhà bình luận chính trị Ben Stein, người đã phân tích ý nghĩa lịch sử chiến thắng của Cộng Hòa hôm thứ Ba trên trang Fox Business Network, ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu."
"Chỉ có 5 lần trong 105 năm qua, một tổng thống đương nhiệm giành được ghế ở Thượng Viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ," Stein nói. "Ông Trump đúng là có phép thuật".
"Theo Western Journal, đó là một chi tiết, một ý kiến, mà người dân Mỹ sẽ không được nghe thấy hoặc nhắc tới ở nhiều trang truyền thông ủng hộ đảng Dân Chủ."
"Ông Stein nêu quan điểm rằng ông Trump đã thực hiện các cuộc vận động không mệt mỏi cho đảng Cộng Hòa trong mùa bầu cử vừa qua. Ông chủ Tòa Bạch Ốc đã tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri đầy nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng trên khắp đất nước, với hàng chục ngàn người muốn nhìn thấy ông Trump."
"Trong khi đó, các ngôi sao của đảng Dân Chủ như cựu Tổng Thống Obama đã không gây được ấn tượng mạnh ở nhiều nơi mà ông ta trổ tài hùng biện."

Bình luận của Nguyệt Cầm, một cử tri gốc Việt ở California: "Đảng Dân chủ đã giành lại được Hạ viện như dự đoán trước đó. Nhưng điều đặc biệt của mùa bầu cử năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, có một chính trị gia công khai đồng tính luyến ái thắng cử chức Thống đốc (Jared Polis), hai phụ nữ Hồi giáo (Rashida Tlaib & Ilhan Omar) và hai phụ nữ Anh-điêng Mỹ (Deb Haaland & Sharice Davids) vừa giành được ghế ở Nghị viện."
"Bất chấp việc thái độ công khai kỳ thị (chống người da màu, chống phụ nữ, chống người di dân...) ngày một gia tăng trong hai năm qua kể từ khi Trump lên nắm quyền, tôi vẫn tràn đầy hi vọng vào quê hương thứ hai của mình."

Ý kiến quốc tế

Bầu cử giữa kỳ của Mỹ không chỉ thu hút sự chú ý của người Việt khắp nơi. Nhà báo Nguyễn Giang của BBC bình luận trong chương trình Bàn tròn Thứ năm hôm 8/11 rằng cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ được dư luận châu Âu, trong đó có Anh quốc, quan tâm vì nhiều lý do:

"Dư luận Anh quan tâm rất nhiều vì nước Anh đang ở giai đoạn quan trọng, Brexit.''
"Một trong những hi vọng của bà Thủ tướng Teresa May là ký được những hiệp định tuyệt vời với chính phủ của ông Trump, và ký với các 'bạn hàng' xa hơn như Úc, New Zealand, Canada. Nhưng điều thất vọng là đến thời điểm này là ông Trump cũng không đưa lại hứa hẹn gì cụ thể.''
''Ông Trump từng nói sẽ có ưu tiên đặc biệt cho Anh quốc. Nhưng những công dân Anh như chúng tôi muốn biết ưu tiên đó là gì? Nhìn chung cả châu Âu đang ở trong giai đoạn chính trị có nhiều thay đổi quan trọng, kể cả nước Đức.''
''Vậy câu hỏi là ông Trump, ở hai năm cuối nhiệm kỳ đầu, có thay đổi gì để cải thiện quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh mà ông đã liên tục xỉ vả trong khi ông sang thăm Eu và Nato trong năm vừa qua, rằng họ phải tăng chi phí quân bị, tăng hỗ trợ cho Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không làm gì miễn phí cả. Ông phát biểu với tính tính thương mại quá rõ rệt khiến người châu Âu bị sốc.''

Bình luận trên The Guardian về kết quả bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, ông Martin Kettle nói rằng ông Trump "không thất bại" và "có khả năng giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai".
"Đây là những sự kiện quan trọng. Nhưng chúng không ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta hay lợi ích của chúng ta."
"Đối với người châu Âu, điều quan trọng trong cuộc bầu cử hôm thứ Ba là không một vấn đề lớn nào về vai trò của nước Mỹ trên thế giới có khả năng thay đổi."
"Trên thực tế, những kết quả này gợi ý mạnh mẽ rằng cuộc cách mạng về chính sách đối ngoại của Trump sẽ ngày càng sâu rộng và ngày càng trở nên cố thủ, và thậm chí là vĩnh viễn."
"Trump không thất bại trong tuần này. Ông có nhiều khả năng hơn để giành chiến thắng một nhiệm kỳ thứ hai, đặc biệt là nếu đảng Dân chủ bị chia rẽ."

Trong khi đó, hầu hết các công ty Nhật Bản vẫn thận trọng về triển vọng hoạt động tại Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ mà họ cho rằng ít có khả năng thay đổi chính sách bảo hộ của ông Trump.

"Tôi cho rằng tác động đối với nền kinh tế Nhật Bản sẽ rất nhỏ," Akio Mimura, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nói trong một cuộc họp báo, đồng thời dự đoán sẽ không có sự thay đổi nào trong chính sách thương mại của Mỹ sau kết quả bầu cử giữa kỳ.

Cùng lúc, Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin rằng hôm 09/11, Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản đã có cuộc điện đàm với ông Trump để ca ngợi các cố gắng của ông này trong kỳ bầu cử vừa qua tại Mỹ.






No comments: