Wednesday, November 7, 2018

NGƯỜI GỐC VIỆT THẮNG LỚN, BẮT ĐẦU CUỘC 'ĐỔ BỘ' CỦA THẾ HỆ THỨ 2 VÀO CHÍNH TRƯỜNG MỸ (Khánh An - VOA)




08/11/2018

Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11 cho thấy rất nhiều ứng viên gốc Việt đã giành chiến thắng ở nghị trường Quốc hội các tiểu bang Hoa Kỳ, phác họa một tương lai “nhiều hy vọng” của thế hệ người Việt thứ hai ở Mỹ qua những gương mặt nghị viên trẻ tuổi và nổi trội, theo nhận định của người đứng đầu Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt ở thủ đô Washington, một tổ chức bất vụ lợi với chủ trương giúp tăng sức mạnh của người Việt ở Hoa Kỳ.

California-thủ phủ của người Việt ở Mỹ

Tập trung và có số lượng ứng cử viên gốc Việt tham gia tranh cử đông nhất trong đợt bầu cử giữa kỳ vẫn là bang California, nơi có đông người Việt nhất nước Mỹ.

Sau đêm bầu cử căng thẳng và sôi động 6/11, bang này đã lập nên kỳ tích là lần đầu tiên có hai nghị sĩ vào Quốc hội. Trong đó, bà Janet Nguyễn tái đắc cử chức Thượng nghị sĩ ở Địa hạt 34 và ông Tyler Diệp lần đầu tiên đắc cử chức Dân biểu tiểu bang ở Địa hạt 72.

Ngoài hai vị trí trên, nhiều người gốc Việt khác cũng giành chiến thắng ở các chức vụ cấp khu vực, thành phố như Thị trưởng Westminter Trí Tạ, Thị Trưởng Milpitas Rich Trần, các nghị viên Phát Bùi, Thu-Hà Nguyễn cũng được dự đoán sẽ chiến thắng ở Garden Grove.

Theo báo Người Việt, có 13 người trong số 24 ứng viên gốc Việt ở California thắng cử trong đợt bầu cử giữa kỳ này nếu kết quả cuối cùng không thay đổi.

Truyền thông Mỹ hồi cuối tháng trước nhận định rằng có một “làn sóng” người Việt, với tên họ phổ biến là “Nguyễn”, đang ra tranh cử trong đợt này.

“Họ là ứng cử viên cho chức thượng nghị sĩ tiểu bang, thành viên Hội đồng thành phố, Quốc hội bang California, cảnh sát trưởng và thị trưởng Westminster”, tờ Los Angeles viết, đồng thời mô tả chiến dịch vận động của những ứng viên gốc Việt “thống lĩnh các góc phố ở khu Little Saigon”.

Trẻ tuổi và nổi trội

Ở các tiểu bang khác, nhiều gương mặt ứng viên gốc Việt cũng lập nên các kỳ tích khiến cộng đồng người Mỹ gốc Việt tự hào.

Joe Nguyễn, một quản lý cấp cao của tập đoàn Microsoft, vừa vượt qua đối thủ Shannon Braddock với tỷ lệ số phiếu ủng hộ là 57,4% và trở thành Thượng nghị sĩ gốc Việt đầu tiên của Địa hạt 34, bang Washington.

Dân biểu Hubert Võ của tiểu bang Texas tái đắc cử với số phiếu gần 88%.

Thượng Nghị Sĩ Dean Trần tái đắc cử ở bang Massachusetts với số phiếu 53.5%.

Bà Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao, Chủ tịch Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt ở thủ đô Washington, người từng nhiều năm theo dõi việc tham gia của các ứng cử viên người Mỹ gốc Việt qua các đợt bầu cử, nói với VOA rằng những ứng viên đắc cử lần này “nổi trội” hơn nhiều so với trước đây.

“Vì họ là những người trẻ, rất có khả năng và lòng tin. Đặc biệt, cả hai đảng đều có những người [gốc Việt] giỏi”.

Bà Genie cũng lưu ý đến khuynh hướng gia tăng những gương mặt nữ gốc Việt trong chính trường Mỹ. Họ đều thuộc thế hệ thứ hai của người Việt trên đất Mỹ, trẻ tuổi và gặt hái thành công nhanh khi chỉ mới bước vào sự nghiệp chính trị, như trường hợp của Dân biểu Stephanie Murphy, người vừa tái đắc cử ở Địa hạt 7, bang Florida; Dân biểu Kathy Trần ở Virginia; hay cô Trâm Nguyễn, nữ luật sư vừa đắc cử chức Dân biểu ở Địa Hạt 18, bang Massachusetts hôm 6/11 và trở thành Dân biểu người Mỹ gốc Việt đầu tiên ở Hạ viện tiểu bang.

Trả lời VOA trước ngày bầu cử, nữ luật sư Trâm Nguyễn, người đã rời khỏi Việt Nam khi mới 5 tuổi, cho biết cô muốn trở thành một dân biểu “dễ dàng tiếp cận và sẵn sàng gặp mặt tất cả các cử tri”, và cô sẽ nỗ lực thúc đẩy để cờ vàng 3 sọc đỏ được công nhận là lá cờ chính thức của cộng đồng Việt Nam ở Massachusetts.

Nói về thành công của nữ dân biểu 31 tuổi, bà Genie cho đây là một chiến thắng không dễ dàng, “vì tiểu bang Massachuset là một tiểu bang khá chọn lọc, có rất nhiều người trí thức”, bà Genie nói.

Cả Cộng hòa lẫn Dân chủ

Nếu như trước đây người Việt ở Mỹ đa số ủng hộ và tham gia vào đảng Cộng hòa, thì điều này đang thay đổi ở cả thành phần cử tri lẫn những người ra tranh cử trong các cộng đồng người Việt.

Trong số những gương mặt đắc cử kỳ này, có thể thấy họ thuộc cả hai đảng: Dân chủ và Cộng hòa. Một số ứng cử viên trẻ thuộc đảng Dân chủ, qua các cuộc trả lời phỏng vấn với VOA, tỏ ra không hề lo ngại về việc phải “lội ngược dòng” với thế hệ trước, vốn đa số ủng hộ cho đảng Cộng hòa.

Theo bà Genie, dù là thuộc đảng phái nào, những người trẻ gốc Việt ra tranh cử kỳ này đều có các điểm chung như: theo cha mẹ tị nạn sang Mỹ từ lúc nhỏ, từng “đồng cam cộng khổ” với cha mẹ vượt qua khó khăn trong những ngày đầu trên đất Mỹ, đều có lý tưởng, muốn đóng góp cho xã hội và có một “tâm thức Việt Nam”.

“Họ có động lực rất mạnh”, bà Genie nhận xét về quá khứ “tị nạn” của nhiều ứng cử viên.
“Khi họ đã đi qua bước đường đó, họ hiểu về nhu cầu phúc lợi, vai trò của chính quyền Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn”.

Chiến thắng của “làn sóng” người Việt tại các nghị trường tiểu bang ở Mỹ cho thấy người Việt có quyền hy vọng một thế hệ tiếp nối đầy nhiệt huyết, năng động và trẻ tuổi sẽ góp sức bảo vệ cho các giá trị cao đẹp của nền dân chủ lớn nhất thế giới mà họ đã được hấp thụ, bà Genie nói.

--------------------------------------

XEM THÊM 

Bùi Văn Phú
08/11/2018

Trước ngày bầu cử 6/11, Hạ viện có 235 dân biểu cộng hoà, 193 dân chủ và 7 ghế trống. Thượng viện có 51 nghị sĩ cộng hoà, 47 dân chủ và 2 độc lập nhưng thường bỏ phiếu theo phía dân chủ.

Những con số đó là kết quả cùa kỳ tổng tuyển cử năm 2016, với Đảng Cộng hoà nắm đa số hai viện quốc hội và Donald Trump lên làm tổng thống qua một đêm đếm phiếu nhiều ngạc nhiên.
Những ngày trước đó các thăm dò dư luận và giới phân tích đều tiên đoán gần như chắc chắn là Hillary Clinton sẽ thắng cử tổng thống, nhưng kết quả ngỡ ngàng.

Bầu cử năm nay, truyền thông cân nhắc hơn, tuy vẫn có nhiều kết quả thăm dò nhưng không có tiên đoán với mức tin tưởng cao là kết quả sẽ ra sao, dù phía dân chủ được cho là có lợi thế hơn.

Trên truyền hình, các nhà bình luận của Fox News có khuynh hướng đưa ra nhận định với chiến thắng cho cộng hoà, còn CNN hay MSNBC cho rằng dân chủ sẽ thắng.

Năm nay cử tri rất quan tâm đến bầu cử mà theo họ là vì bảo hiểm y tế, vì nhân cách của Trump, vì nền kinh tế và vì chính sách đối với người nhập cư. Trước ngày 6/11 đã có trên 30 triệu cử tri bỏ phiếu sớm ở 30 tiểu bang nơi cho dân được bầu chọn sớm. Trong khi đó Tổng thống Trump và cựu Tổng thống Obama đã đi nhiều nơi vận động cho ứng viên của đảng mình cho đến ngày cuối của cuộc vận động tranh cử.

Trong ngày bầu chọn, một số nơi cử tri đã phải xếp hàng dài chờ hai, ba tiếng đồng hồ mới có cơ hội hoàn tất nhiệm vụ công dân.

Bốn giờ chiều ở California, tức 7 giờ miền đông nước Mỹ, 5 tiểu bang ở bờ đông bắt đầu việc đếm phiếu.

Ngay khi đó, kênh truyền hình CNN, Fox News và MSNBC đều đưa ra những kết quả đầu tiên với hai thượng nghị sĩ đương nhiệm Bernie Sanders – Độc lập – của bang Vermont và Tim Kaine – Dân chủ – của bang Virginia được cho là đã thắng ngay. Điều này không ngạc nhiên vì đó là hai ứng viên với bề dày kinh nghiệm chính trường nên không quan ngại sự cạnh tranh của các đối thủ.

Năm tiểu bang kế tiếp được chú ý là Florida, Tennessee, Indiana, Missouri và Texas với các cuộc tranh chức vào Thượng viện gay cấn cho đến giờ chót giữa hai ứng viên. Đảng Cộng hoà chiến thắng ở bốn tiểu bang, riêng Florida tuy cộng hoà hơn phiếu nhưng vì số phiếu cách biệt chưa đến 0.5% và như thế sẽ có đếm phiếu lại.

Chưa đến nửa đêm giờ miền Đông, tức 9 giờ ở California, các cơ quan truyền thông đều đưa ra dự đoán kết quả là Cộng hoà sẽ vẫn kiểm soát Thượng viện, với tỉ số cao hơn 51/49 như trước bầu cử, có thể là 53/47 và Hạ viện sẽ chuyển đa số sang Dân chủ, với con số bao nhiêu thì chưa rõ lắm vì nhiều nơi còn đang đếm phiếu.

Đến sáng sớm 7/11, kết quả bầu Quốc hội là 52/44 Cộng hoà đa số và 222/199 Dân chủ đa số.

Kết quả như thế là đúng với những thăm dò đưa ra trước ngày bầu cử. Tuy nhiên năm nay mọi thông tin thăm dò khi các cơ quan truyền thông đưa ra đều dè dặt, và thường kèm theo dự đoán là nhiều nơi hai ứng viên của hai đảng có sự ủng hộ của cử tri quá sát nhau nên không rõ sóng sẽ đổ về đâu, vì sợ xảy ra tình trạng truyền thông vượt vị đưa ra tiên đoán Hillary Clinton thắng cử tổng thống trong đêm bầu chọn tháng 11/2016.

Kết quả dành cho các ứng viên gốc Việt trong kỳ bầu cử này, cho đến 8 giờ sáng ngày 7/11 ghi nhận được như sau:

Dân biểu Stephanie Murphy (tức Đặng Thị Ngọc Dung), Đảng Dân chủ, Đơn vị 7 Florida, tái đắc cử nhiệm kỳ hai vào Hạ viện Hoa Kỳ.

Luật sư Trâm Nguyễn, Đảng Dân chủ, ra tranh cử lần đầu và được bầu vào Hạ viện Tiểu bang Massachussett.

Joe Nguyễn, Đảng Dân chủ, được bầu vào Thượng viện Tiểu bang Washington, Đơn vị 34. Cũng tại bang này còn có ủy viên giáo dục Mỹ-Linh Thái, Đảng Dân chủ, được bầu vào Hạ viện Tiểu bang, Đơn vị 41.

Tại Quận Cam, thủ phủ của người Việt California, Janet Nguyễn, Đảng Cộng hoà, tái đắc cử nhiệm kỳ hai vào Thượng viện Tiểu bang, Đơn vị 34. Nghị viên Tyler Diệp, Đảng Cộng hoà, đắc cử vào Hạ viện Tiểu bang, Đơn vị 72.

Trí Tạ tái đắc cử thị trưởng Westminster. Hội đồng thành phố có Tài Đỗ và Chí Charlie Nguyễn được số phiếu cao nhất và có khả năng cao sẽ đắc cử.

Thành phố Garden Grove có các Nghị viên Phát Bùi và Thu-Hà Nguyễn tái đắc cử.

Nghị viên Michael Võ tái đắc cử tại thành phố Fountain Valley.

Dina Nguyễn tái đắc cử ủy viên Thủy cục Quận Cam. Andrew Nguyễn đắc cử ủy viên Sở Vệ sinh Thành phố Midway.

Trên San Jose, cuộc tái tranh cử của Nghị viên Tâm Nguyễn ở Khu vực 7 San Jose đã rất cam go, nay với kết quả cũng quá xít xao là 4,994 phiếu cho Tâm Nguyễn và 4,981 cho Maya Esparza, hơn kém nhau chỉ 13 phiếu, và còn một số phiếu phải kiểm trong những ngày tới nên kết quả hiện thời chưa chắc chắn.

Tối hôm qua, trong họp mặt chờ đón kết quả với mấy chục ủng hộ viên, kết quả ban đầu được quận hạt đưa lên với Tâm Nguyễn hơn đối thủ gần 15%.

Nghị viên San Jose Khu vực 4 Lân Diệp cũng có mặt cùng đồng nghiệp và đồng hương, khi đó Nghị viên Tâm phát biểu là hai anh em trước đó nói chuyện với nhau thì Tâm nói với Lân là sẽ thắng đối thủ 11 phiếu, để hơn Lân. Đó là chuyện vui, nhưng có thực vì trong lần bầu chọn trước đây, Lân Diệp chỉ hơn đối thủ 10 phiếu.

Với kết quả tạm thời của Tâm Nguyễn, đang hơn đối thủ chỉ 13 phiếu, và kết quả bầu chọn nghị viên Khu vực 4 hai năm trước, cho thấy lá phiếu rất của cử tri rất quan trọng. Nếu cộng đồng người Việt tích cực tham gia bầu cử, các ứng viên gốc Việt đủ tài đức và gần gũi với cộng đồng sẽ có nhiều cơ hội thắng.

Kết quả bầu cử ngày 6/11 vừa qua cho thấy voi - biểu tượng của Đảng Cộng hoà và lừa - biểu tượng của Đảng Dân chủ ngang ngửa nhau. Có thắng có thua.

Các ứng viên gốc Việt cũng có người theo trào sóng xanh, tức Đảng Dân chủ, đã được bầu chọn ở các tiểu bang Washington, Massachussett.

Riêng tại Quận Cam, thủ phủ của người Việt và cũng là chiếc nôi của Đảng Cộng hoà, hai ứng viên gốc Việt của đảng này sẽ có mặt trong lập pháp tiểu bang, Janet Nguyễn tái đắc cử vào Thượng viện và Tyler Diệp vào Hạ viện Tiểu bang California.

Đây là kỳ tranh cử gay go nhất giữa hai đảng trong gần một thập niên qua và chắc chắn hai năm tới sẽ còn nhiều tranh luận, xung đột giữa Cộng hoà và Dân chủ.

Nếu hai đảng không có những thoả hiệp để cùng nhau đem lại lợi ích cho dân, bầu cử 2020 sẽ hứa hẹn nhiều sôi nổi hơn kỳ này. Vì cử tri sẽ bầu cả tổng thống và quốc hội.






No comments: