Saturday, November 10, 2018

MỘT TÌNH TRẠNG CHÍNH PHỦ THIỂU SỐ VĨNH VIỄN? (Lê Phan)




Lê Phan
November 10, 2018

Một hệ thống chính quyền vốn chọn ưu thế cho nhóm thiểu số da trắng và nông thôn so với đa số đa dạng ở thành thị sẽ sớm mất chính nghĩa trước mắt những công dân của mình.

Câu chuyện ở Hoa Kỳ hiện nay xoay quanh một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Nó đã hiện diện kể từ khi có cuộc điều tra của Công Tố Viên Đặc Biệt Robert Mueller về sự tình nghi đồng lõa giữa ban vận động Trump và cố gắng của điện Kremlin để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016. Vào lúc nào đó -có lẽ khi ông Mueller đưa ra trát đòi Tổng Thống Donald Trump phải trả lời những câu hỏi của ông – một sự đụng độ sẽ không tránh được. Nhưng cuộc khủng hoảng đó có thể đã xảy ra.

Năm 2016, ông Donald Trump thắng cử với 3 triệu lá phiếu, ít hơn Ngoại Trưởng Hillary Clinton, nhưng ông ở trong Tòa Bạch Ốc trong khi bà thì không. Trong hình, hai ứng cử viên tổng thống trong cuộc tranh luận thứ nhì tại Đại Học Washington ở St. Louis, Missouri, hôm 9 Tháng Mười, 2016. (Hình: Robyn Beck/AFP/Getty Images)

Đó là vì một hành động của tổng thống đưa ra chỉ vài giờ sau khi thấy đảng của ông mất quyền kiểm soát Hạ Viện, trong khi bên Dân Chủ đã có những thắng lợi đáng kể. Tổng thống cách chức ông bộ trưởng tư pháp và thay thế ông bằng một nhân vật trung thành là ông Matt Whitaker, một người đã từng lập lại luận điệu của tổng thống là cuộc điều tra của ông Mueller là một cuộc “săn phù thủy.” Đây sẽ là người nay được trao cho việc kiểm soát một cách công bằng và không thiên lệch cuộc điều tra của ông Mueller. Ông sẽ có được mọi điều mà cuộc điều tra đã tìm ra, và ông có thể thông báo cho tổng thống biết, và ông ta cũng có quyền chặn ông Mueller, kể cả việc không cung cấp ngân sách cho cuộc điều tra tiếp tục.

Sự lên án cho hành động này đến rất nhanh, kể cả hai luật sư về hiến pháp viết một bài đóng góp trong tờ New York Times lên án là “bất hợp pháp” việc chỉ định này vì ông Whitaker chưa qua được việc chuẩn thuận của Thượng Viện theo tiến trình pháp định. Điều còn mỉa mai hơn là một trong hai tác giả của bài này là ông George Conway, chồng của bà Kellyanne, một cố vấn của tổng thống vốn thường được ông đưa ra để bênh vực cho lập trường của mình trong những vụ gây tranh cãi.

Sự chống đối đó là một điều khích lệ cho nền dân chủ Hoa Kỳ. Nhưng có một vấn đề. Bởi vì sau cùng quyền có những quyết định tối quan trọng này, hoặc là chuẩn thuận ông Whitaker trong chức vụ của ông hay là thông qua một đạo luật để bảo vệ Công Tố Viên Mueller khỏi bị cách chức, không ai khác là Thượng Viện nơi đảng của tổng thống nắm đa số.

Cũng vậy, nếu cuộc đối đầu giữa tổng thống và công tố viên đặc biệt sau cùng dẫn đến tòa án và Tối Cao Pháp Viện, như vụ Watergate cách đây 44 năm thì Tối Cao Pháp Viện nay cũng nằm trong tay những vị thẩm phán được các tổng thống Cộng Hòa chỉ định, kể cả Thẩm Phán Brett Kavanaugh mà Tổng Thống Trump mới chỉ định. Như vậy là nay những tranh chấp đảng phái không còn có một trọng tài trung lập để bảo vệ cho cuộc chơi không có kẻ ăn gian như là các vị “cha già” của dân tộc Hoa Kỳ đã dự định nữa.

Tình hình như vậy cho thấy quả là có một cuộc khủng hoảng hiến định trong nền dân chủ Hoa Kỳ. Sự việc ông Donald Trump là tổng thống và sự việc là cả Thượng Viện lẫn Tối Cao Pháp Viện, nếu không phải nằm trong tay tổng thống, thì ít nhất cũng sẵn sàng ủng hộ ông, không phải là lý do tạo nên cuộc khủng hoảng này – mà chỉ là triệu chứng.

Vấn đề là một sự kiện có thể nói là thiếu đại diện và do đó thiếu dân chủ. Và biểu lộ rõ ràng nhất chính là Tổng Thống Trump. Năm 2016, ông thắng cử với 3 triệu lá phiếu, ít hơn Ngoại Trưởng Hillary Clinton, nhưng ông ở trong Tòa Bạch Ốc trong khi bà thì không. Điều đáng nói hơn đây không phải là một hiện tượng đơn độc. Cách đây bốn cuộc bầu cử, ông George W. Bush thắng với ít phiếu hơn là ông Al Gore, nhưng ông ta là người trở thành tổng thống. Đó là vì hệ thống cử tri đoàn của Hoa Kỳ, vốn trao chức vụ tổng thống cho người thắng số cử tri đoàn đại diện cho các tiểu bang thay vì là phiếu do dân bầu trực tiếp.

Cơ chế này có lý do lịch sử của nó. Khi Hoa Kỳ thành lập nó là một liên minh phải nói là của 13 quốc gia với đầy đủ quyền hành. Muốn cho các tiểu quốc nhỏ cảm thấy an toàn để tham gia một liên bang và hơn thế để nhượng một số quyền cho liên bang đòi hỏi một sự bảo đảm là tiểu bang phải có một tiếng nói. Và tiếng nói quan trọng nhất nằm trong việc Hoa Kỳ không bầu cử trực tiếp mà qua một cử tri đoàn. Trên nguyên tắc, khi người Mỹ đi bầu, họ bầu cho các thành viên của cử tri đoàn và ra lệnh cho các vị này bỏ phiếu theo ý họ. Trong lịch sử Hoa Kỳ, việc này đã xảy ra bốn lần và lần nào cũng gây tranh cãi.

Trường hợp nổi bật nhất và cũng gây nhiều tranh cãi nhất xảy ra năm 1876 trong cuộc bầu cử giữa Thống Đốc Samuel Tilden của New York chống lại Thống Đốc Rutherford Hayes của Ohio. Đây cũng là cuộc bầu cử duy nhất trong đó ứng cử viên thất cử có đa số phiếu thực sự thay vì chỉ có nhiều phiếu hơn, nhưng ông Tilden thiếu một phiếu cử tri đoàn để thắng khi còn có tranh chấp ở bốn tiểu bang. Ông Hayes sau cùng được quốc hội cho thắng vì đây là giai đoạn hậu nội chiến ở Hoa Kỳ và hai miền muốn giảng hòa.

Vấn đề này trước đây không mấy quan trọng vì sau hai lần năm 1876 và 1888, chuyện phải đến năm 2000 mới xảy ra lần thứ ba. Điều đáng nói là cơ chế nhằm giảng hòa giữa 13 quốc gia nguyên thủy lập nên Hoa Kỳ nay đang trao quyền quá mức cho những tiểu bang nhỏ và nông nghiệp hơn.

Nếu cử tri đoàn là một hình thức thiếu tính dân chủ thì thượng nghị sĩ cũng vậy, bởi vì mỗi tiểu bang dầu lớn hay nhỏ, dầu dân số đông hay ít đều cũng chỉ có hai thượng nghị sĩ. Thành ra tiểu bang Wyoming chẳng hạn với dân số chỉ vỏn vẹn có 580,000 người có cùng số đại diện bằng tiểu bang California, dân số 39 triệu người. Đó chính là lý do tại sao bên đảng Dân Chủ có thể có 11 triệu phiếu nhiều hơn bên đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử vừa qua nhưng bên Cộng Hòa giành nhiều ghế hơn.

Các vị “cha già” của nền cộng hòa Mỹ sống trong một thời đại mà các nhà trí thức sợ điều mà họ gọi là “độc tài của đa số,” và vì thế họ muốn tạo ra một viện trong quốc hội với nhiệm kỳ lâu hơn và để bảo vệ quyền của tiểu bang cũng như bảo vệ ý kiến của các nhóm thiểu số.

Một trong những vị “cha già” đó, James Madison, giải thích là vai trò của Thượng Viện là “để bảo vệ dân chúng chống lại người cầm quyền và thứ nhì để bảo vệ dân chúng chống lại những suy nghĩ phiến diện mà họ có thể bị hướng dẫn đi vào.” Phải nói các lãnh tụ Thượng Viện muốn Thượng Viện trở thành một thứ như Viện Bô Lão của những nhân vật chín chắn để đối chọi với Hạ Viện nơi phản ảnh nhạy bén hơn với ý dân.

Thời gian cho thấy những gì các lãnh tụ Thượng Viện muốn đã không xảy ra và Thượng Viện ngày nay cũng bị áp lực của những “suy nghĩ phiến diện” trong khi ngày càng trở thành một thành trì của những khuynh hướng bảo thủ, và không phản ảnh suy nghĩ của toàn dân. Trong vấn đề kiểm soát súng chẳng hạn, 94% dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ việc cưỡng bách kiểm soát lý lịch những người sở hữu súng nhưng năm 2013 Thượng Viện bác bỏ với 54 chống 46 thuận.

Vả lại, chính các lãnh tụ Thượng Viện cũng đã có những tranh cãi về việc này. Ông Alexander Hamilton đã hết sức chống lại việc mỗi tiểu bang chỉ có được hai thượng nghị sĩ bất chấp dân số và ông đã tiên đoán là “chuyện có thể xảy ra là sự đa số của các tiểu bang sẽ là một thiểu số nhỏ của nhân dân Hoa Kỳ.” Nếu Hamilton còn sống đến nay thì ông hẳn sẽ còn tức giận hơn trước sự mất thăng bằng. Hồi đó, tiểu bang đông dân nhất là Virginia chỉ lớn có 20 lần hơn tiểu bang ít dân nhất là Tennessee. Ngày nay, so California với Wyoming thì đó là 67 lần lớn hơn.

Nếu dân chủ là điều mà nhà chính trị học Rober Dahl có lần gọi là “sự tiếp tục đáp ứng của chính phủ cho sự lựa chọn của các công dân của họ” thì nền dân chủ Hoa Kỳ càng ngày càng mất tính dân chủ. Về lâu về dài một chế độ như vậy khó bền vững. 







No comments: