Thursday, November 1, 2018

KÍCH ĐỘNG hay GIẢNG HÒA - TRUMP SẼ CHỌN ĐIỀU NÀO? (Jon Sopel - BBC)




Jon Sopel
Biên tập viên Bắc Mỹ
1 tháng 11 2018

Biên tập viên Jon Sopel của BBC bình luận về tình hình chính trị ở Mỹ và ảnh hưởng cũng như trách nhiệm của một lãnh đạo khi phát ngôn.

Một tuần. Ba sự kiện gây quan ngại sâu sắc, và một vài câu hỏi nóng bỏng.

Đầu tiên là những sự kiện.

Tôi sẽ bắt đầu với sự kiện ít được công bố nhất. Một người đàn ông da trắng 51 tuổi tìm cách bước vào một nhà thờ mà giáo dân đa số là da đen ở Jeffersontown, tiểu bang Kentucky. Nhưng khi không vào được, ông ta đi đến một siêu thị gần đó và bắn chết hai người da đen lớn tuổi. Sự việc này đang được xem là một tội ác gây ra vì thù hận. Người đàn ông bị giam giữ có tiền sử bệnh tâm thần và lẽ ra không nên được sở hữu súng.

Hai người Mỹ da đen bị bắn chết tại cửa hàng tạp hóa này ở Kentucky. GOOGLE STREET VIEW

Sau đó, là chuyện người chế bom gửi thiết bị khả thi đến các thành viên đảng Dân chủ và những người phê bình Trump nổi tiếng.

Người đầu tiên bị gửi bom là ông George Soros, chuyên gia tài chính và nhà từ thiện giàu có - người mà phe cánh hữu cho là một ''ông ba bị'' tối thượng, phải chịu trách nhiệm cả khi trời mưa nhiều quá lẫn khi có hạn hán. Ông Soros là người Do Thái. Những ống bom còn lại được gửi đến các chính trị gia đảng Dân chủ cao cấp nhất nước. Rất may là không ai bị thương. Người đàn ông bị bắt giam là một người cuồng Trump, thường xuyên có mặt trong các cuộc vận động của ông.

Xe van của nghi can gửi bom ống dán đầy áp phích ủng hộ Trump. REUTERS

Và cuối cùng, chúng ta có vụ giết 11 người Do Thái tại một giáo đường Do Thái ở ngoại ô Pittsburgh, nơi tín đề tập trung dự lễ Sa-bát, và những giây phút lẽ ra thật vui khi cộng đồng chào đón các trẻ em sơ sinh trong một buổi lễ đặt tên. Hung thủ trang bị nhiều vũ trang, và có một hồ sơ dài về các hành tung cổ động chủ nghiã chống người Do Thái.

Phải nói rõ rằng tôi không có mặt ở Mỹ trong tuần trước. Tôi đến Berlin tham dự một hội nghị, và trong khi ở đó tôi lấy thêm một vài ngày nghỉ để làm một việc mà đã từ lâu tôi cảm thấy cần phải làm, một việc mà nghĩ đến làm tôi hơi ngán. ̣

Điều tôi muốn làm ấy là đến cúi đầu trong một phút tưởng niệm tại một trong những trại tập trung - Sachsenhausen - nơi hàng ngàn người Do Thái, La Mã, những người bất đồng chính kiến ​​và đồng tính luyến ái bị sát hại trong Thế chiến thứ Hai.

Đó là một kinh nghiệm đầy ảm đạm và rợn người như tôi vẫn hình dung. Và hiện thực còn buồn thảm hơn cả những điều tôi nghĩ. Hôm ấy là một ngày trời lạnh, mưa mù và gió buốt thổi qua khu vực diễu hành rộng lớn, nơi ngày xưa các tù nhân mặc bộ đồ tù có sọc bị buộc phải đứng hàng giờ trong cái lạnh của mùa đông, trước những lính gác Đức Quốc xã với nét mặt rất thờ ơ, ngay cả lúc đang phải tỉ mỉ giữ hồ sơ của những người họ đã hành quyết.

Xong việc tôi trở về khách sạn ấm áp, thoải mái và rất mừng khi có được trong tay ly cappuccino thơm phức. Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta vô cùng may mắn được sống trong các nền dân chủ tự do ở phương Tây; được lớn lên trong xã hội không có chiến tranh, nơi có tự do ngôn luận, có luật lệ, có báo chí tự do, có sự khoan dung và được tôn trọng.

Từ Berlin tôi bay về Mỹ vào tối thứ Sáu. Và ngày thứ Bảy xảy ra vụ thảm sát ngày lễ Sa-bát.
Tôi vẫn còn nghĩ rằng chúng ta vô cùng may mắn được sống trong thời đại mình đang sống. Nhưng cuối tuần qua khi trở lại Mỹ, tôi được thuyết phục hơn bao giờ hết rằng chúng ta không bao giờ được quên những gì đã xảy ra, cũng không có phút giây nào để lãng phí về việc phải quan tâm đến quỹ đạo của xã hội. Hận thù ẩn náu ở những hốc và góc tối nhất, vì vậy chắc chắn nghĩa vụ của mọi người - từ tổng thống trở xuống - là phải để ý nhận ra những ngôn ngữ khêu gợi sự oán ghét, nuôi dưỡng sự sợ hãi đã đẩy nhiều người vào những tội ác gây ra vì thù ghét.

Chúng ta có thể lấy ba sự kiện xảy ra trong tuần qua và tạo nên một đối thoại rằng nước Mỹ đã bắt tay vào một hành trình một chiều hướng tới chủ nghĩa vô chính phủ. Rằng những vết nứt sâu trong xã hội của chúng ta không thể hàn gắn được, tất cả được nuôi dưỡng bởi những khía cạnh tồi tệ nhất của sự loan truyền nọc độc thù ghét trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Khi suy nghĩ về những gì muốn viết trong bài xã luận này, tôi làm điều tôi thường làm - dắt chó đi dạo buổi sáng. Ở cuối con đường chúng tôi đi dạo là một công viên, và ở bìa xa nhất của công viên là một đường dốc sâu dẫn xuống đường Rock Creek Parkway. Thường thì ở đây, tất cả những gì bạn có thể nghe thấy từ bên dưới là âm thanh của xe cộ.

Hôm thì nay khác. Có tiếng người reo hò và tiếng nhạc. Tò mò, tôi bước xuống.

Một ban nhạc ở bên đường đang chơi các phiên bản của Steely Dan, một trong những ban nhạc tôi yêu thích nhất. Hàng ngàn người đứng chật vỉa hè và hàng ngàn người khác đang chạy bộ trên đường với trái tim mở rộng, (hay mở tung buồng phổi - bạn hiểu điều tôi muốn nói). Hôm nay là ngày chạy bộ đường dài của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại Washington.
Khung cảnh lúc đó thật tuyệt vời. Dòng người chạy bộ gồm mọi hình dạng kích thước và thành phần. Cao thấp, lớn nhỏ, những nhà thể thao ngồi xe lăn, người da đen và da trắng, người Do Thái và Thiên chúa giáo, người sùng đạo và vô thần, người cuồng Trump và những người khinh ghét Trump. Bất kỳ họ là ai, tất cả mọi người trên đường đều đến đó chạy nhanh hết sức mình để quyên tiền cho lý tưởng và mục đích họ đã chọn. Và quanh họ là người cổ vũ đến đó để bày tỏ sự hỗ trợ.

Việc lên án xã hội Mỹ như một địa ngục nơi cuộc sống vô cùng thiếu thốn hay bị áp bức là điều quá khiên cưỡng. Trong cuộc sống hàng ngày, mọi người chen vai thích cánh bên nhau, lo lắng cho việc học của con cái, bảo bọc người thân yêu và đóng vai trò của họ trong cộng đồng. Họ làm việc chăm chỉ, đi nhà thờ Thiên chúa giáo (hoặc nhà thờ Do Thái, hoặc nhà thờ Hồi giáo) và họ - hầu hết - đều rất lịch sự và tôn trọng lẫn nhau.

Cuộc chạy bộ đường dài của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ (Marathon) mang người Mỹ đủ thành phần đến với nhau. REUTERS

Một trong những người tôi gặp ở Berlin tuần trước là cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice. Bà Rice nói rằng những gì người dân Mỹ cần phải học là cách làm sao phân biệt những lời tuyên bố bạt mạng của tổng thống (thường thì vô bổ) với những gì ông thực sự làm (thường thì tốt, bà lập luận).

Bà Rice cũng khẳng định rằng Mỹ trong thập niên 1960 là một đất nước còn tồi tệ hơn - ba vụ ám sát chính trị, cuộc chiến Việt Nam, những thành phố bị đốt cháy với phân chia chủng tộc cay đắng. Điều đó làm lu mờ bất cứ điều gì chúng ta nhìn thấy ngày hôm nay, bà Rice nói.

Nhưng giống như đèn báo nhấp nháy trên bảng điều khiển của chiếc xe hơi mà bạn không nên lờ đi, đây là những dấu hiệu cảnh báo rằng Mỹ và thế giới còn lại của phương tây cần phải chú ý.

Mỹ đã trở nên phân cực hơn - một phần là vì hậu quả của những tuyên bố chính trị đã được khuếch đại bởi các phương tiện truyền thông như Twitter và Facebook. Donald Trump là một nhà vận động đại tài trong việc lợi dụng sự phân rẽ trong dân chúng.

Những lời hùng biện của ông tại các cuộc vận động làm nức lòng giới ủng hộ, và họ tôn thờ ông, một cách cuồng nhiệt. Họ yêu thích việc ông là một người thích kích động sự tranh cãi - họ thích việc nếu bị tấn công, Trump sẽ tuyên bố mạnh miệng hơn. Nhưng điều này cũng khiến những người không thích Trump ngày càng không thích ông ta nhiều hơn.

cuộc vận động cho cuộc bầu cử giữa mùa 2018. GETTY IMAGES

Trong những sự kiện gần đây Trump nói ông muốn trở thành người thống nhất mọi ý thức hệ, nhưng đồng thời ông cũng nói phải tấn công giới truyền thông và tất cả mọi người khác.

Vào giữa tuần, tôi đã gửi đi một tweet nói thật đáng tiếc là tổng thống đã đổ lỗi tình trạng phân rẽ tại Mỹ cho giới truyền thông, nhưng một mặt cũng nói rằng thật đáng tiếc khi tổng giám đốc của đài CNN quyết định tấn công tổng thống .

Và quả như dự đoán, tôi đã bị tấn công dồn dập vì dám ngụ ý rằng tổng thống có bất kỳ lỗi nào, cũng như bị lên án nặng nề vì bị cho rằng đã hàm ý trách cứ CNN.

Việc gửi đi tweet ấy không phải là một nỗ lực để tôi nêu lên điều "tại anh tại ả tại cả đôi bên'' - hay nói cách khác là hai bên đều tệ như nhau.

Tôi không nghĩ vậy. Nhưng nếu mọi bên đồng ý là chúng ta đang có vấn đề thì có lẽ tất cả các bên nên ngồi xuống xem liệu có thể có được với nhau một cuộc đối thoại đầy tương kính và bớt kình địch hơn không. Bớt một chút ăn miếng trả miếng, thêm một chút đánh má này chìa thêm má kia.

Phản ứng đối trước tin tức đầu tiên về vụ bom ống thật không thể tin được. Chắc chắn khi các thiết bị bom được gửi đến cựu tổng thống, cựu bộ trưởng bộ ngoại giao, cựu giám đốc CIA, một cơ quan truyền thông, và hai người gây quỹ giàu có của đảng Dân chủ - phản ứng duy nhất phải có là lên án và thúc giục những người chịu trách nhiệm phải được đưa ra pháp luật.

Nhưng không, tổng thống Trump, trong một tweet gửi đi đã nói ''cái chuyện bom này'' - một cụm từ làm hài lòng các nhà lý thuyết âm mưu rằng vì một lý do nào đó, đây không phải là một việc nghiêm trọng.

Và điều đó dẫn đến việc rất nhiều người đại diện Trump tung ra thuyết âm mưu - rằng việc bắt được "tên ném bom" này hình như là điều quá thuận tiện - và có lẽ người gửi bom chính là người thuộc đảng Dân chủ.

Frank Gaffney, một nhà bình luận cánh hữu nổi tiếng, đã tweet: "Không ai trong số những người theo cánh tả được cho là có nguy cơ nghiêm trọng, vì nhân viên bảo vệ sẽ kiểm soát thư trước khi đưa cho họ. Vì vậy, hãy không chỉ xác định ai chịu trách nhiệm cho những quả bom này, nhưng phải xét thêm việc liệu họ có đang cố làm như vậy để đánh lạc hướng sự chú ý vào đám đông theo phe tả.

"Tình thế này khiến chúng ta phải xét đến rất nhiều thứ - trước tiên là ý tưởng việc gửi bom không thực sự nghiêm trọng bởi vì có thể một nhân viên bảo vệ nào đó sẽ là người bị nổ banh xác, chứ không phải là mục tiêu chính. Nhưng đề nghị rằng một số người theo đảng Dân chủ đã làm điều này để làm chệch hướng chú ý những tấn công của Donald Trump vào "đám đông?"

Thật vậy sao? Nếu đảng Dân chủ đã xảo quyệt và tổ chức tốt đến được như vậy, thì họ đã vận động thêm một chút ở Wisconsin và Michigan vào năm 2016, những tiểu bang họ thua đậm vì lơ là không quan tâm đến. Điều này thật là phi lý và là một nỗ lực đánh lừa dư luận.

Nếu bom được gửi đi thì đó là một cuộc tấn công và là một hành động gây áp lực lên nền dân chủ. Bạn không cần những chữ 'nếu' và 'nhưng' vớ vẩn. Bạn chỉ cần thẳng thắn lên án.

Tôi chắc chắn rằng tổng thống 100% chân thành trong sự thù hận chủ nghĩa chống Do Thái - và điều này được những người xung quanh ông chia sẻ. Con rể của ông là một người Do Thái chính thống, con gái ông, Ivanka, đã chuyển sang Do Thái giáo.

Nhưng các cuộc tấn công vào George Soros chỉ là thực hiện những âm mưu lỗi thời, những trò phỉ báng từ những thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử. Tuần này tôi đọc được tin ông Soros đang tài trợ cho đoàn xe những người nhập cư bất hợp pháp di chuyển từ Mexico về phía biên giới Hoa Kỳ.

Có ai có thể đưa ra một chứng cớ nào để xác định điều này không? Mối quan tâm từ thiện lớn nhất của George Soros là giúp các thành phần cũ của Liên Xô thích ứng với việc trở thành một thể chế tự do dân chủ. Làm thế nào mà các cuộc tấn công vào Soros, trước đây đến từ những giới chính trị vòng ngoài, giờ đã đi hẳn vào dòng chính, với tổng thống và con trai của ông, Donald Jr, thường xuyên nhắc đến George Soros trong các bài phát biểu với lời lẽ không hay ho gì mấy.

Tổng thống Trump hay đả kích ông George Soros, nhà tài phiệt Do Thái ủng hộ đảng Dân chủ. AFP

Trách nhiệm cẩn trọng trong lời nói phải được đảm nhận từ tổng thống trở xuống. Không ai có thể thoái thác được.

Ông Trump không còn ở trong thời gian vận động tranh cử nữa. Ông là lãnh đạo của quốc gia, là người đứng đầu chính quyền. Những lời nói của ông về cảm giác kinh hoàng với những gì diễn ra ở Pittsburgh cần được hoan nghênh. Nhiều điều trong những gì ông nói về sự kiện này nghe rất chuẩn.

Bây giờ là lúc chúng ta phải đặt lại những câu hỏi đang cháy bỏng: một số quen thuộc, một số mới.

Đây là những câu hỏi không thể tránh khỏi về luật "súng". Tổng thống Trump hôm qua đề nghị rằng nếu có một người bảo vệ có vũ trang tại nhà thờ Do Thái, thì tình thể có thể đã khác.

Tôi xin lỗi vì phải nói thẳng điều này: bốn sĩ quan của đội SWAT có vũ trang và được đào tạo rất tốt đã vào cuộc và bị bắn trong lúc đang cố gắng ngăn chặn cuộc tàn sát. Ông Trump thực sự nghĩ một người một tay cầm cuốn sách kinh và tay kia cầm khẩu súng lục sẽ tạo nên được kết cục khác biệt? Và ở Kentucky, làm sao mà một người đàn ông có bệnh tâm thần có thể lấy được giấy phép mua súng?

Đây cũng là những câu hỏi đã được lặp đi lặp lại, và giờ đây không ai có thể mong rằng bất cứ điều gì sẽ thay đổi.

Còn về vấn đề có quá nhiều hận thù thấm sâu vào đối thoại chính trị của Mỹ?

Chính tổng thống đã dẫn đầu trong việc đào sâu những thù hận đó, và dường như đang nhận ra sự cần thiết phải chuyển hướng để trở thành một người thống nhất đất nước. Chúc ông may mắn, thưa Tổng thống! Nhưng ông cũng đang vận động như điên trước cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra trong tuần tới - và ông biết rõ hơn ai hết, việc tấn công kẻ thù là việc khán giả của ông yêu thích nhất.

Chúng ta hãy hy vọng rằng có thể một điều gì đó tốt đẹp sẽ thoát ra từ vụ giết người khủng khiếp tại giáo đường Do Thái ở Pittsburgh, và thảm sát này là một tiếng chuông thức tỉnh mà nước Mỹ đang cần.

Nhưng tôi không dám tin điều này sẽ xảy ra.







No comments: