Saturday, November 3, 2018

HITLER, QUỐC XÃ & BÀI HỌC CHO NƯỚC MỸ (Thắng Đỗ)




Thắng Đỗ
Gửi tới BBC từ San Jose, California, Hoa Kỳ
4 Tháng 11, 2018

Thập niên 1920 và 1930 ở Đức có một hiện tượng kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người: Hitler, đảng Quốc xã (Nazi) và Đế chế Thứ ba (the Third Reich).

Adolf Hitler trong đại hội đảng ở Nuremberg, tháng 8 1927. GETTY IMAGES

Âu Châu trở thành một biển lửa, các thành phố tan nát, hàng chục triệu người chết, trong đó có 6 triệu người Do Thái và các thiểu số khác bị thủ tiêu trong các lò hơi ngạt của Quốc xã, hàng trăm triệu người trở thành nạn nhân chiến tranh không nhà cửa.

Chiến tranh lan sang Châu Á và Phi, trở nên cuộc thế chiến cực kỳ tàn bạo. Sau khi Hitler và chế độ Quốc xã bị hủy diệt hoàn toàn, phải mất nhiều thập niên để hàn gắn những tàn phá do chiến tranh gây nên.

Nhân chứng của Đệ tam Đế chế
Albert Speer là một kiến trúc sư, với vinh dự được coi là 'kiến trúc sư chính thức' của Đệ tam Đế chế. Xuất thân từ một gia đình thượng lưu, bố là một kiến trúc sư, ông theo chân bố và lận đận lúc ban đầu như hầu hết các kiến trúc sư trẻ tuổi khác, cho đến khi tình cờ gặp Hitler lúc 29 tuổi.

Hồi kí 'Bên Trong Đệ Tam Đế Chế' (Inside the Third Reich) được ông viết sau chiến tranh khi ở tù Đồng minh, trong đó ông kể không thích đảng Quốc xã lúc ban đầu, cho rằng họ quá khích, thiên tả và có trình độ văn hóa thấp, nhưng ông bị cá nhân Hitler lôi cuốn.

Phong cách Hitler, với một niềm tin chắc nịch, hút ông như nam châm. Ngược lại, Hitler cũng thấy ở kiến trúc sư trẻ này một tầm nhìn xa hơn các đồng nghiệp lão thành.

Albert Speer gặp báo chí sau khi ông được thả ra khỏi Nhà tù Spandau ở Berlin. GETTY IMAGES

Hitler giao cho Speer một công trình khiêm tốn, và quan hệ của hai người lập tức trở thành gắn bó. Speer trở thành một trong vài quan chức thân tín nhất của Hitler, họ thường ăn trưa và tối với nhau.

Sau khi Hitler nắm quyền, tất cả những công trình quan trọng nhất được giao cho Speer, kể cả xây lại thành phố Berlin bằng những dinh thự với kích thước kỉ lục thế giới, cho xứng đáng với tương lai huy hoàng của nước Đức trong trí tưởng tượng của nhà lãnh tụ.

Chiến tranh cắt ngang các dự án vĩ đại đó. Cuộc chiến thuận lợi cho Đức lúc ban đầu và tin chiến thắng từ Ba Lan, Hòa Lan, Bỉ, Pháp, v.v. dồn dập tuôn về.

Cục diện thay đổi khi Đức bị sa lầy ở mặt trận Nga. Vật liệu và nhân công trở nên khan hiếm.

Là một đảng viên yêu nước, Speer muốn chuyển tài nguyên từ kiến trúc sang phục vụ chiến tranh, nhưng Hitler đòi hỏi Speer phải tiếp tục các công trình đang dở dang. Với Hitler, xây dựng các công trình đồ sộ này để chứng minh cho sự vĩ đại của chế độ quan trọng hơn cả cuộc chiến đa diện.

Speer không làm Hitler thất vọng; trong điều kiện thiếu thốn thời chiến, ông vẫn duy trì được tốc độ thi công nhanh chóng.

Nhận thấy khả năng quản trị và tổ chức siêu việt của Speer, Hitler giao cho ông đảm nhiệm luôn chức Bộ trưởng Bộ Vũ khí và Sản xuất Chiến tranh.

Speer trở thành nhân vật quan trọng thứ nhì của chế độ, chỉ sau Hitler, và vào những tháng cuối cùng của cuộc chiến, ông được coi như người quan trọng nhất, vì Hitler lúc đó đã gần như bất lực.

Ở đỉnh cao quyền lực, Speer bắt đầu tỉnh thức.

Ông dần hiểu ra rằng ưu tiên duy nhất của Hitler là duy trì quyền lực của mình bằng bất cứ giá nào, kể cả với nước Đức thua trận và bị phá hủy toàn diện. Speer bị tình nghi là đã tham dự vào âm mưu đảo chánh và ám sát quốc trưởng để cứu nước Đức một năm trước khi tất cả sụp đổ.

Qua cuốn hồi kí hơn 500 trang, Speer chứng tỏ là một nhân chứng đáng tin cậy, do đã kể lại một cách rất thành thật trải nghiệm của mình dựa trên vị trí ở ngay trung tâm quyền lực của chế độ.

Speer không tự tô bóng và thú nhận đã làm một cuộc 'đổi chác với quỷ', hay 'Faustian bargain', bán linh hồn để đổi lấy sự thành công sự nghiệp. Speer tâm sự là viết hồi kí cho các con đọc để hiểu về bố mình và cái thời đại điên rồ đã phá hủy quê hương ông.

Nhưng người đọc có cảm tưởng ông viết cũng cho chính mình, để đối diện và làm hòa với quá khứ.

Nước Đức trong các thập niên 1920 và 1930
Nước Đức bị kiệt quệ sau Thế Chiến thứ Nhất, do các điều kiện khắt khe phe Đồng minh áp đặt sau khi thắng trận.

Cuộc Khủng hoảng Kinh tế toàn cầu vào cuối thập niên 1920 làm cho kinh tế suy sụp thảm thương hơn. Nạn thất nghiệp tăng vọt, lạm phát phi mã và tiền mất giá. Cảnh nghèo khổ tràn lan. Trong bối cảnh đó, cựu quân nhân Hitler trở về từ chiến tranh và gia nhập Đảng Thợ thuyền (German Workers Party), một đảng phái cực hữu hô hào chủ nghĩa quốc gia, chống người Do Thái.

Hùng biện như một nhà truyền giáo, Hitler nhanh chóng trở thành nhân vật lãnh đạo đảng, và đổi tên nó thành Đảng Quốc xã. Chưa đến 12 năm sau, đảng này đã trở thành đảng lớn và mạnh nhất nước Đức, và Hitler được tổng thống Paul von Hindenburg bổ nhiệm làm quốc trưởng của Đệ tam Thế chế.

Ít người trước đó tin rằng Hitler và đảng Quốc xã sẽ thành công để lên cầm quyền. Hitler không có tên tuổi gì trong chính trường, cho tới khi khơi dậy tính kì thị Do Thái có sẵn từ một số đông dân chúng, và họ sẵn sàng ủng hộ thông điệp của ông: bọn tài phiệt Do Thái là thủ phạm. Chúng ăn trên ngồi chốc trong khi 'người Đức thật' gặp khốn khó (người Do Thái cũng là người Đức, tuy họ theo tôn giáo riêng).

Vũ khí chính trị quan trọng nhất của Hitler là bạo động. Ông tổ chức đội bạo động Áo nâu (Brown Shirts), với nhiệm vụ phá đám tụ họp của những đảng phái khác và đánh đập đảng viên của họ, cũng như bảo vệ các cuộc biểu tình của đảng Nazi. Cùng lúc, Hitler thiết lập Bộ Tuyên truyền do Joseph Goebbels, một cựu ký giả với thiên khiếu mị dân điều khiển. Bộ Tuyên truyền xuất bản một nhật báo để làm cơ quan ngôn luận, chống các báo chí và đảng phái khác và chỉ mặt các thành phần họ gọi là 'kẻ thù của nhân dân.'

Lo sợ quyền lực tạo được do đám ủng hộ Nazi cuồng tín, các chính trị gia tại chức đã nhường nhịn Hitler và cuối cùng nhường luôn cả chức quốc trưởng. Ở đỉnh quyền lực, Hitler bắt người Do Thái cho vào trại tập trung, cướp tài sản, và xịt hơi ngạt để thủ tiêu họ. Nạn nhân không chỉ là người Do Thái, mà cả các nhóm thiểu số khác, như người Gypsie, xã hội, cộng sản, người đồng tính.

Nước Mỹ vào năm 2015-2016
Khi ông Trump ra tranh cử vào cuối năm 2015, kinh tế Mỹ đã nhiều phần hồi phục sau cuộc Đại Suy thoái của năm 2008. Hệ thống tài chính đã ổn định, lãi suất và lạm phát vẫn thấp, nền kinh tế đã tạo ra nhiều công ăn việc làm mới, tỉ lệ thất nghiệp đã xuống 4.8%, mức thấp nhất trong 10 năm, thị trường chứng khoán và địa ốc đã lên nhiều. Xu hướng tương đối khả quan và hứa hẹn còn tiếp tục đi lên trong nhiều năm.

Do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, cũng như hậu quả của chuyển tiếp từ kinh tế sản xuất sang kinh tế kỹ thuật số, sự khôi phục của nước Mỹ không đồng đều. Các tiểu bang ở hai bờ đại dương, các thành phố lớn, không những đã khôi phục nhanh chóng mà còn trở nên thịnh vượng hơn cả trước thời suy thoái. Nhưng nhiều nơi bị bỏ rơi, như 'vòng đai rỉ - rust belt', với các nhà máy đã đóng cửa và nạn thất nghiệp vẫn còn rất cao. Những vùng thôn quê, các thị trấn nhỏ, đều khôi phục chậm, và cư dân những vùng này chán nản với các chính sách của nhà nước không hữu hiệu đối với họ. Thông điệp của Trump đến rất đúng lúc.

Trump bắt đầu ghi chú ý và tạo sự khác biệt với mười mấy ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa khác khi ông đưa ra một giả thuyết âm mưu không bằng chứng (và không thật) rằng Obama không phải là người Mỹ, do đã sinh ra ở nước ngoài.

Thông điệp ngầm nhưng rất rõ cho những người vốn kì thị và không chấp nhận một tổng thống da đen: Obama không có chính danh và đã lừa lọc họ. Sau khi lời tuyên bố này gặp sự phản đối mãnh liệt không những từ phía Dân chủ mà cả từ các chính khách Cộng hòa, ông để điều dối trá này chìm xuống, tuy tác hại của làn ranh chủng tộc do ông vẽ ra đã trở thành vĩnh viễn.

Thay vì công nhận các thành quả của tiến trình phục hồi kinh tế như nạn thất nghiệp đã giảm xuống thấp, nhiều công ăn việc làm đã được tạo ra, thị trường chứng khoán và địa ốc đã hồi sinh, ông Trump miêu tả tình trạng nước Mỹ như một xã hội rất tệ hại: thất nghiệp, tội phạm, cạnh tranh thua các nước khác, bị thế giới lợi dụng.

Cách miêu tả này tương phản với thực trạng của hầu hết nước Mỹ lúc đó, nhưng lại đúng cho những nhóm người Mỹ da trắng bị bỏ quên như đã kể trên.

Trump điểm mặt thủ phạm đã gây ra các khó khăn kinh tế: người di dân! Hợp pháp hay bất hợp pháp, người di dân đã cướp việc làm của người bản xứ và cạnh tranh không sòng phẳng khi nhận lương rẻ mạt. Người di dân có đạo đức suy đồi: lũ Mễ là một bọn hiếp dâm; các xứ Châu Phi là các hố phân; bọn Hồi giáo là quân khủng bố.

Trump cũng kêu gọi bạo động: dân ủng hộ súng nên "xử" Clinton, cũng như đánh đập nhà báo vì họ là kẻ thù của nhân dân.

Steve Bannon, cố vấn của Trump, là chủ tịch của Breibart News, một công ty truyền thông cực hữu, và đã biến công ty này thành cơ quan ngôn luận rất hữu hiệu của Trump. Fox News, một công ty truyền thông khác của tỷ phú bảo thủ Rupert Murdoch, sau này cũng hùa theo.

Nhiều người ủng hộ Trump chỉ thu nhận tin tức từ hai công ty này vì số còn lại đều bị Trump gọi là 'tin giả - fake news', tuy họ bao gồm cả những tổ hợp truyền thông danh tiếng và chất lượng như New York Times, Washington Post, CNN, NBC, v.v.

Trump hầu như tiếm quyền lãnh đạo đảng Cộng hòa, vì trước đó rất lạnh nhạt với đảng này, có thời còn ghi danh theo đảng Dân chủ. Ngay cả Fox News đã chất vấn khi Trump tranh cử về quá trình đổi đảng.

Một nhóm truyền thông bảo thủ khác, The Washington Times, cho biết Trump đã đổi đảng ít ra 5 lần, lần cuối là năm 2012 khi chuyển từ "vô đảng phái" sang Cộng hòa. Các chính khách Cộng hòa ban đầu chỉ trích Trump nặng nề, nhưng khi thấy sức mạnh của đám cử tri gốc của ông, họ trở nên im re, nhường nhịn. Trump thắng các ứng viên Cộng hòa khác và sau đó đắc cử thành tổng thống.

Tương đồng và khác biệt
Tình trạng nước Đức khoảng năm 1930 và nước Mỹ năm 2016 có nhiều khác biệt.
Đức còn ở đáy của cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất lịch sử, trong khi nước Mỹ có một nền kinh tế ổn định, tuy không hoàn toàn đồng đều.

Nhưng cách thức thu phục sự ủng hộ của đám đông có nhiều điểm tương đồng. Công thức của cả hai chính trị gia sử dụng những nguyên liệu căn bản chung: sự dối trá (ở Đức, Do Thái là thủ phạm; ở Mỹ là di dân, người da màu), bạo động (ở Đức là bạo động thật; ở Mỹ là đe dọa và cổ võ bạo động), tính kì thị chủng tộc, tấn công báo chí và sử dụng tin giả mạo nhằm lũng đoạn dư luận.

Ở điểm cuối trên, ông Trump còn được sự yểm trợ của Putin và tình báo Nga. Công thức này đã chứng tỏ rất hiệu lực vì cả hai chính trị gia đều đã thành công leo đến tận đỉnh quyền lực.

Tương lai sẽ đi về đâu?

Kết quả ở nước Đức đã vào tất cả các sách sử như một bài học nhân loại cố gắng không lập lại. Ở Mỹ khó biết hơn, do lẽ đương nhiên.

Tương lai tùy vào tất cả chúng ta.

Nước Mỹ đã có một lịch sử gần 300 năm phấn đấu cho nhân quyền, cho sự bình đẳng bất chấp màu da, chủng tộc, tôn giáo và giới tính, cho nên hiện tượng một quyền lực dựa trên hô hào cho sự chia rẽ, bạo động và dối trá có thể chỉ là một điểm lóe sáng giây lát trong chuỗi lịch sử nhiều ngàn năm của nhân loại.

Nhưng ở Đức vào thời 1930, nhiều người cũng đã nghĩ địa ngục trần gian không thể nào xảy ra.

Tương lai tùy vào tất cả chúng ta.

Để kết thúc bài viết, tôi xin mượn bài thơ của nhà thơ Đức Martin Niemöller…

'Đầu tiên họ đến bắt các người đảng Xã Hội, và tôi không lên tiếng- Vì tôi không phải là đảng viên Xã Hội

Rồi họ đến bắt các người trong nghiệp đoàn thợ thuyền, và tôi không lên tiếng- Vì tôi không phải là thành viên của nghiệp đoàn thợ thuyền

Rồi họ đến bắt các người Do Thái, và tôi không lên tiếng- Vì tôi không phải Do Thái

Rồi họ đến bắt tôi, và không còn ai để lên tiếng giúp tôi'

(có nhiều bản dịch khác nhau của bài thơ này, nhưng ý đều tương tự),

và câu nói của nhà làm phim Michael Moore,

'Dân chủ không phải là một trò thể thao mà ta chỉ làm khán giả, nó là một sinh hoạt đòi hỏi mọi người tham gia. Nếu chúng ta không tham gia, nó không còn là dân chủ nữa.'

*
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Thắng Đỗ một kiến trúc sư hành nghề ở San Jose, California, Hoa Kỳ. Ông là thành viên của PIVOT, Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến, ủng hộ đảng Dân chủ Mỹ. BBC sẽ đăng tải các bài nêu quan điểm ủng hộ đảng Cộng hoà hoặc đảng phái khác trước bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, mời các bạn đón đọc.
Độc giả muốn chia sẻ quan điểm của mình, xin liên lạc với BBC: vietnamese@bbc.co.uk.








No comments: