Friday, November 2, 2018

GIÃ TỪ HẠ LONG (Bùi Bích Hà)




Bùi Bích Hà
October 25, 2018

Phim dài thứ hai tôi được xem trong kỳ đại hội điện ảnh tổ chúc lần thứ 10 của Hội Văn Hóa Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) năm nay, 2018, “Farewell Hạ Long” của đạo diễn Ngô Ngọc Đức đã để lại trong tôi những vương vấn lâu dài khi ra khỏi phòng chiếu.
Đây là một phim tài liệu phóng sự được thực hiện sát sự thật, công phu, sống động, mô tả kinh nghiệm của một tập thể cư dân vì nhu cầu thời sự bắt buộc, phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để ra đi, hội nhập vào một môi trường mới với nhiều khó khăn và bất cập khiến họ phải quay về.

Poster phim “Farewell Hạ Long.” (Hình: Twitter Realeyz)

Biến cố này phản chiếu phần nào cuộc di cư vĩ đại của dân chúng miền Nam Việt Nam kéo dài hơn một thập niên kể từ 30 Tháng Tư, 1975, trả giá bằng nhiều nước mắt và cả máu xương cho đến khi quốc tế nhúng tay vào qua các chương trình ra đi trong trật tự để hạn chế sự tổn thất sinh mạng con người.

“Farewell Hạ Long” được xây dựng trên câu chuyện của một trong các gia đình di dân phải rời vịnh trong kế hoạch bảo vệ môi sinh và phát triển du lịch theo yêu cầu của UNESCO, cơ quan đã chọn nơi này là di sản thế giới tại miền Bắc Việt Nam.

Trước khi lệnh di dời do chính quyền địa phương ban ra bằng văn thư gởi tới mỗi gia đình đang sinh sống trên những căn nhà như những cái bè nổi giữa vịnh, cuộc sống quần tụ của họ đã trải qua nhiều thế hệ an cư lạc nghiệp với tình xóm giềng thân thiện và trong tiếng sóng nước ru êm ngày tháng bình yên của ngôi làng xa đất liền nhưng được thiên nhiên ưu đãi cách khác.

Khoảng năm 2005, tôi đến Hạ Long lần đầu. Bến bãi nơi du khách lên tàu đi xem thắng cảnh và hang động rải rác trong vịnh là cái kè xi măng ướt át còn rất luộm thuộm, nhếch nhác. Du khách phải xuống ghe nhỏ để được chuyển ra tàu du ngoạn neo ở ngoài, kích thước lớn hơn song kiến trúc sơn phết như hàng mã, kiểu cọ cải lương và tiện nghi vẫn còn rất kém cỏi tuy trên tàu có nhà hàng ăn và quầy rượu.

Chính mắt tôi trông thấy một đôi vợ chồng du khách da trắng đang vội vàng nhảy từ ghe nhỏ ngược lên bờ vì người chồng dường như bị va chạm hay bị vật gì rơi vào đầu khiến ông bị thương tích chảy máu. Có lẽ họ phải quay lại đất liền để được săn sóc y tế. Bản thân tôi bị trượt ngã như trời giáng trên con dốc từ khách sạn Anh Đào xuống bến đò, rất đau, suốt cuộc hành trình trên vịnh đành phải ngồi thu lu một góc, nhìn mấy cô tiếp viên nhà hàng rảnh rỗi trong thời gian du khách đi xem hang động, đánh bài, uống bia như uống nước lã, hút thuốc lá mù mịt và chửi thề thoải mái.

Tàu đi qua mấy khu làng nổi, tôi thấy khói bếp bay lên không trung, mấy con chó vẫy đuôi bên cạnh bụi chuối hay chum nước, mấy con gà khệnh khạng qua lại, quang cảnh hệt như bất cứ một thôn làng nào ở các miền quê ngoại trừ sóng nước mênh mông xung quanh và thiên nhiên đẹp như tranh vẽ.

“Farewell Hạ Long” cho tôi được nhìn thấy bên trong những căn nhà nổi ấy. Họ có bàn thờ gia tiên, bàn thờ thần thánh với đầy đủ ảnh tượng, đèn nhang, mâm ngũ quả. Mẹ già mắc võng ngồi bế cháu, nhai trầu, con dâu còn phải chèo thuyền ngược xuôi chào mời du khách uống coke, uống bia ngoài bến, con trai hoặc lái tầu hoặc phục vụ nhà hàng ăn. Họ làm việc bận bịu, vất vả, để dành tiền gửi con vào đất liền đi học, hàng ngày “dạy” con bằng điện thoại thông minh. Cuối ngày rảnh rỗi, họ bày ra ăn uống, đàn địch, ca hát, vợ chồng sát cánh nhau cùng vui chơi.

Vịnh có ngày nắng, ngày mưa, người ở vịnh cũng có lúc hên lúc xui. Chuyện trẻ con lẫm chẫm biết đi, sểnh mắt người lớn là rơi tòm xuống nước không hiếm, đời này qua đời khác họ chấp nhận tai nạn như một điều không thể tránh. Làng cũng có nghĩa trang ở ven khu rừng cây lá xanh um để người qua đời an nghỉ và thân thuộc thỉnh thoảng viếng thăm, cúng lễ, đốt vàng mã.

Thực phẩm có chất đạm hằng ngày của cư dân ở vịnh là cá. Bên dưới các ngôi nhà sàn gỗ ghép có một khoang cho họ đặt rớ để nuôi bắt thủy sản làm lương thực cho cả gia đình. Hôm nào nghe tiếng quẫy lớn, họ biết được mẻ cá to thì hò hét ầm ĩ gọi nhau. Nói tóm lại, cuộc sống của họ bận rộn nhưng cũng an nhàn, không phải lo lắng gì. Họ không giàu có nhưng cảm giác tự do, sung túc, với nhu cầu sinh tồn đơn giản được mãn nguyện, là đủ cho họ, để họ cảm thấy hạnh phúc, là được.

Cho nên, khi cầm tờ giấy đóng dấu mực đỏ báo tin họ phải di dời vào đất liền để có cuộc sống tiện nghi hơn, nhà cửa khang trang hơn và con cái học hành thuận lợi hơn, người dân đắn đo dưới ánh đèn khuya, không vội tin ngay mà suy nghĩ lao lung. Dẫu sao, đã gọi là lệnh thì người dân ít có hy vọng cãi lại nên sau các thủ tục hành chánh ồn ào, huyên náo, các bài diễn văn tuyên vận đẹp như mơ, sau cuộc bốc thăm chọn nhà trong khu gia cư mới xây cất vội vã cách nơi họ đang ở hai tiếng đồng hồ lái xe, cuối cùng, ngày G cũng đến.

Trong mỗi nhà, tranh ảnh/khung hình cũ bị bỏ lại, những rèm cửa màu mè bị giật xuống, người dân cố mang đi những thứ nghĩ là còn dùng được ở nơi họ sắp tới, quần áo, chăn màn dồn hết vào bao bị, tủ kệ mang vác được thì lấy theo, chuyển hết lên tàu lớn do chính quyền cung cấp và đoàn cán bộ đang hò hét ầm ĩ, thúc giục đám dân bị xua vào đất liền với tâm lý hốt hoảng như trong một cuộc chạy loạn.

Dân đi hết rồi, giữa trời nước mênh mông, trơ ra những ngôi nhà bè trống trải, xiêu vẹo, từng mảnh ván bị giật ra, vứt xuống, bị giẫm lên dưới gót giày của lực lượng tiếp thu, không biết chúng có đau cùng nỗi đau xé rách thịt da của đám cư dân hiền lành và an phận, bị tách khỏi nơi họ đã sinh sống từ bao đời tổ tiên không?

Chuyến xe khách lèn kín đồ đạc, rong ruổi đưa đám người bắt đầu cuộc đời lưu lạc về khu nhà tập thể dành cho họ. Những căn nhà in hệt nhau từ ngoài vào trong, có vòi nước máy, đèn điện, sink rửa bát, bếp ga, tủ lạnh, lò vi ba. Họ tập cách sử dụng.

Họ hân hoan với các tiện nghi văn minh. Họ ra phố chụp hình mặc quần áo cô dâu chú rể ngày cưới, chụm đầu vào nhau và cười thật tươi, mắt nhìn về hướng theo người thợ nhiếp ảnh xếp đặt. Hình lấy về, được ông chủ nhà phấn khởi đóng đinh treo lên tường ở vị trí cao ngất ngưởng. Các chị thì rủ nhau đi sắm sửa, ra vào cửa tiệm thời trang chọn những chiếc áo lạnh ấm áp và kiêu điệu nhất.

Thời gian trôi mau, sau các chuyển dịch nhanh chóng lắng đọng, mọi người bắt đầu thấy họ chạm mặt với một thực tế không dễ dàng. Các ông chồng không kiếm được việc làm, cả ngày uống bia và ườn ra như cơm thiu trước máy truyền hình. Các bà vợ than thở mất nhiều thời giờ và mệt mỏi hơn với việc dọn dẹp nhà cửa, lau chùi những vật dụng trước đây họ không có. Trẻ con ngoài giờ tới trường, đàn đúm thụt bi da đến khuya.

Cái điện thoại thông minh ngày các bà mẹ còn ở vịnh, hàng tối được dùng để gọi vào đất liền hỏi han, dạy dỗ, nhắc nhở con học hành, nay được dùng để ra lệnh cho chúng về nhà và đe nẹt một cách tuyệt vọng. Trong cảnh cùng quẫn, người vợ muốn kiếm tiền bằng cờ bạc đỏ đen nhưng cuộc đời thường đen nhiều đỏ ít, chị thua dài dài và đổ nợ. Người chồng bất lực trong việc mưu sinh, đâm ra khủng hoảng rồi tự tử, chẳng biết rủi hay may nhưng anh được bệnh viện cứu sống, trước mắt là để tiếp tục đối phó với sự bế tắc mà anh đã đầu hàng nhưng không thoát được.

Cuối cùng, đạo diễn Ngô Ngọc Đức cho khán giả thấy gia đình anh Cường ba người (anh, vợ và con trai của họ) quyết định quay về Hạ Long. Tất nhiên họ không thể có lại cái tổ ấm sơ sài mà yên ổn như xưa nhưng họ chấp nhận “ngôi nhà” mới là chiếc ghe nhỏ quẩn quanh trong vịnh, trả lại họ cuộc sống lương thiện, thong dong, tự chủ, giữa trời nước bao la với ký ức của giòng họ nhiều thế hệ đã sinh sống và đã để lại hồn xác ở nơi này.

Báo cáo của chính quyền đánh giá cuộc di dời là một thành công tốt đẹp, chỉ những người trong cuộc biết rằng chính quyền đã đem con bỏ chợ trong một kế hoạch nửa vời, cho họ những phương tiện gọi là giúp họ đổi đời nhưng không chuẩn bị cho họ khả năng làm chủ các phương tiện vay mượn ấy. Quan trọng hơn cả, đẩy họ vào một môi trường không có nhiều lựa chọn.

“Farewell Hạ Long” khiến tôi liên tưởng tới hai cuộc di cư trốn chạy Cộng Sản của người Việt nội trong cùng thế kỷ 20. Khác biệt cốt lõi giữa những người phải rời bỏ nơi cư trú năm 1954-1975 (trở về sau) và các cư dân Hạ Long trong kế hoạch “giải phóng” Hạ Long 2017, là do động cơ ban đầu không giống nhau nên kết quả hội nhập ở hai trường hợp không giống nhau.

Không chấp nhận Cộng Sản là một lựa chọn, người ra đi quyết tâm làm lại cuộc đời nên với quyết tâm này, họ phải thành công để sống còn. Với Hạ Long, vấn nạn của người ra đi là bỗng nhiên thấy mình bị “bứng” ra khỏi gốc gác của họ trong khi họ thực sự không sẵn sàng đánh đổi nếp sống quần cư gắn bó bao đời với một cơ hội của những hứa hẹn xa lạ.

Hành động về lại Hạ Long trong những điều kiện sinh tồn khó nghèo của gia đình anh Cường (trong số nhiều gia đình khác) khiến tôi nghiệm ra một sự thật thâm sâu khác. Có lẽ ngay cả những người phải hai lần bỏ lại quê hương trong thế kỷ trước vì lý tưởng chống cái ÁC, ngay cả họ đã thành công ở nhiều mức độ tại các vùng đất nhập cư, trong trái tim mỗi kẻ lưu vong, không phải chỉ cái nhà (house) to hay nhỏ họ đang sở hữu mà hình ảnh tổ ấm (home) ở quê hương mới là niềm ray rứt khôn nguôi, là mục tiêu để họ tranh đấu không ngừng, cách này hay cách khác, cho ngày trở lại.

Chim có tổ, người có tông. Ước mong các bạn trẻ tham dự đại hội Việt Film Fest năm nay có dịp suy nghĩ sâu hơn để hiểu nỗi lòng của ông bà, cha mẹ, đừng phiền trách họ đã không hội nhập trọn vẹn cùng một cách như các bạn, cho là họ kém cỏi, không nói tiếng Anh (VOA, 23 Tháng Mười, 2018) thiếu hiểu biết (Phan Việt Thái).

Các bạn là những cánh chim đang buổi tung trời, khó mà nghĩ được rằng chính những công dân Việt Nam nhiều thế hệ trước, nhìn thấy qua ông bà, cha mẹ các bạn ngày nay, đã cố công gìn giữ cho các bạn một “tổ ấm” của chính các bạn, để tự hào, để quay về khi hoàng hôn cánh mỏi cho dầu có lúc các bạn đã hoàn toàn quên nó. Chính họ là những người trong âm thầm, duy trì lịch sử. Không có lịch sử, lấy gì mà định nghĩa mình? (Bùi Bích Hà)







No comments: