Tuesday, November 13, 2018

CPTPP & EVFTA : TƯƠNG LAI TẠM THỜI CHO NHÂN QUYỀN VIỆT NAM (Phạm Chí Dũng)




Phạm Chí Dũng
November 11, 2018

Theo logic phát triển của CPTPP (Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam-Châu Âu), năm 2019 sẽ ra sao với nhân quyền? Liệu có hy vọng nào sáng hơn so với một năm 2017 nhân quyền bị bắt bớ gần ba chục người và một năm 2018 bắt ít hơn trong khi phải thả hai nhà hoạt động nhân quyền gạo cội và tiêu biểu là Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh?

Từ TPP đến EVFTA

Hãy nhìn lại logic của Hiệp Định TPP – tiền thân của CPTPP.

Logic của TPP là cùng thời điểm Nguyễn Phương Uyên được trả tự do vào năm 2013, hàng loạt tổ chức xã hội dân sự đã lần đầu tiên đồng loạt ra đời, đánh dấu lần đầu tiên phong trào xã hội dân sự – nhân quyền chính thức hình thành ở Việt Nam và được cộng đồng quốc tế công nhận. Đà ra đời và phát triển của các tổ chức xã hội dân sự còn tiếp nối mạnh mẽ vào năm 2014 và sang tận đầu năm 2016. Cho tới năm 2018, số lượng tổ chức xã hội dân sự đã tăng gấp nhiều lần so với năm 2013 và gấp gần 3 lần so với năm 2014.

Logic của TPP cũng thể hiện ở việc nếu vào năm 2013 chính quyền Việt Nam chỉ trả tự do cho duy nhất Phương Uyên, đến năm 2014 chính quyền đó đã phải trả tự do cho một số lượng kỷ lục lên đến 12 tù nhân lương tâm, trong đó đặc biệt là cái tên Điếu Cày Nguyễn Văn Hải – sáng lập viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do mà chính quyền Việt Nam sợ hãi và căm ghét đến mức nào. Ngoài ra còn phải trả tự do cho Đỗ Thị Minh Hạnh – sáng lập viên của tổ chức Lao Động Việt – có thể xem là tiền thân cho định chế công đoàn độc lập ở Việt Nam trong tương lai không xa, và Tạ Phong Tần – bị tống xuất sang Mỹ một năm sau khi Điều Cày ra khỏi nhà tù.

Bốn năm sau đó, khi TPP chuyển thành CPTPP, công đoàn độc lập đã có một bước tiến dài: vào cuối năm 2018, để được tham gia vào CPTPP lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng và chế độ độc trị của ông ta đã phải nhượng bộ chấp nhận điều kiện về cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là công đoàn độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam từ trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…

Còn với EVFTA, hiệp định này đã được Ủy Ban Châu Âu thông qua vào Tháng Mười Năm 2018 để đệ trình lên Hội Đồng Châu Âu nhằm quyết định cho việc ký kết chính thức hay không, và nếu được ký thì sẽ trình lần cuối cho Nghị Viện Châu Âu để vào Tháng Ba năm 2019 sẽ quyết định có phê chuẩn hay không.

Cũng như TPP, nội dung của EVFTA đề cập đến những công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam phải ký, cùng những vấn đề nhân quyền và môi trường.

Nhưng sự khác biệt khá rõ giữa EVFTA và TPP là nếu trước đây chính phủ Mỹ chỉ đành hài lòng với “món quà tù nhân lương tâm” mà chính quyền Việt Nam mang ra đổi chác, thì nay khối Liên Minh Châu Âu đã thực sự “mở mắt” sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đã tận mắt nhìn ra một “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là như thế nào, và do đó đã trở nên cứng rắn hơn hẳn về các điều kiện cải thiện nhân quyền so với thái độ mềm mỏng thái quá của họ từ năm 2016 trở về trước.

Khác với TPP, trong nội dung của EVFTA có ràng buộc điều kiện “hội và các tổ chức phi chính phủ,” mà thực chất là các tổ hội đoàn xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam, được quyền tham vấn cho EU về chính sách và các chương trình, dự án liên quan đến EVFTA, cũng như có quyền tham dự vào việc triển khai những chương trình và dự án đó. Và EVFTA cũng bao gồm cả quy định sẽ đỉnh chỉ hiệp định này nếu Việt Nam vi phạm trầm trọng nhân quyền.
Đó cũng là hy vọng để trong năm 2019 và những năm sau đó, phong trào xã hội dân sự ở Việt Nam không chỉ được nâng cao thêm một mức về an toàn hoạt động, có hy vọng đón thêm một số tù nhân lương tâm tự do trước thời hạn, mà còn có thể có những điều kiện mới để hoạt động từ không chính danh đến chính danh, và có thể đóng góp hiệu quả cao hơn trong hoạt động phục vụ các giai tầng nghèo khó trong xã hội, phản biện và phản kháng các chính sách và hành vi bất công của nhà cầm quyền liên quan đến toàn bộ những nội dung thể chế chính trị và thể chế thương mại cùng các hệ quả xã hội nằm trong Hiệp Định EVFTA.
Và nếu EVFTA được chính thức ký kết và phê chuẩn, triển vọng của công đoàn độc lập sẽ xán lạn hơn bao giờ hết: định chế này được bảo đảm và hỗ trợ bởi không chỉ một mà đến hai cơ chế pháp lý quốc tế mà chính quyền Việt Nam phải tuân thủ: CPTPP và EVFTA.

Nhưng đó chỉ là tương lai tạm thời, cho những hy vọng tạm thời trong thời kỳ cơ chế độc trị buộc phải tạm buông dần quyền lực và tạm thời nhuốm màu sắc nửa dân chủ, nhưng vẫn chủ yếu phô trương thói mị dân và sẵn sàng quay trở lại thói toàn trị bất kỳ lúc nào có cơ hội.

Bài học chuyển tiếp dân chủ nửa vời ở Miến Điện là đắt giá. Thậm chí cả một Aung San Suu Kyi đoạt giải Nobel Hòa Bình mà còn bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu thỏa hiệp với thể chế độc tài quân sự thì tương lai dân chủ trọn vẹn của Việt Nam chắc chắn sẽ còn phải chờ đợi nhiều mùa Xuân nữa.

Có xóa được luật “vào trước, bắt sau?”

Dường như đã hình thành một quy luật cho những biến động nối tiếp của hiệp định thương mại, nhân quyền và bắt bớ: “Vào trước, bắt sau.”

Kể từ năm 2001 khi Việt Nam lần đầu tiên có được hiệp định thương mại song phương có giá trị với Mỹ, cứ khoảng 5 – 7 năm một lần những hiệp định thương mại mang lại lợi ích chế độ cầm quyền ở Việt Nam lại khiến chế độ này tạm thời chủ động thi hành chính sách ngầm “đổi tù chính trị lấy thương mại,” giảm sức ép đàn áp nhân quyền và cường độ bắt bớ người bất đồng chính kiến. Nhưng khi đã được thỏa mãn về lợi ích thương mại hoặc khi đã không còn hy vọng vào lợi ích thương mại đó nữa, cơ chế bắt bớ lại tái diễn một cách lồng lộn, hung dữ và đặc biệt xấu tính.

Quy luật 5 – 7 năm xảy ra một lần như trên đã được trải nghiệm qua Hiệp Định Thương Mại Song Phương Việt-Mỹ vào năm 2001, Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) vào năm 2006, Việt Nam Vận Động TPP vào năm 2013. Còn từ cuối năm 2017 đến năm 2018, Việt Nam đang ráo riết vận động EVFTA.

Theo đó, CPTPP và EVFTA cũng có thể sẽ diễn biến như quy luật đã định hình: vào thời gian đầu khoảng 1 – 1.5 năm – tức từ năm 2019 đến năm 2020 – là thời kỳ êm ái của giấy phép, lợi ích thương mại và khiến cho chính thể Việt Nam hóa thành “sói đội lốt cừu,” tạm thời “vỗ béo” giới đấu tranh dân chủ nhân quyền và các tổ chức xã hội dân sự, chờ tới ngày “ăn thịt.”

Còn sau năm 2020 và có thể kéo dài đến những năm 2013-2014, nếu CPTPP và EVFTA không được thực hiện cơ chế chế tài chặt chẽ và đủ cứng rắn về nhân quyền trong hai hiệp định này, và nếu chính thể Việt Nam vẫn còn những điều kiện kinh tế – chính trị để duy trì chế độ độc đảng như hiện thời, tình trạng bắt bớ trở lại đối với các nhà hoạt động nhân quyền chắc chắn sẽ tái hiện, xóa đi phần lớn hay toàn bộ công sức thuyết phục và lôi kéo “Việt Nam ngả về phương Tây” của Mỹ và các nước khối Liên Minh Châu Âu.

Quy luật “vào trước, bắt sau” chỉ bị xóa bỏ trong những điều kiện tương đối lý tưởng: chính thể cầm quyền ở Việt Nam suy kiệt hoàn toàn về khả năng trả nợ nước ngoài, ngân sách đổ vỡ, còn nền kinh tế rơi vào khủng hoảng bởi quốc nạn nợ công quốc gia – nợ xấu ngân hàng cùng cảnh nạn suy thoái trầm kha; nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam phân hóa trầm trọng và tự diễn biến theo cách đa số quan chức trung cao cấp – những người có thân nhân và tài sản ngồn ngộn ở Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Úc… – tìm cách ngả sang phương Tây hoặc tìm lối thoát ở phương Tây; áp lực của Mỹ và Liên Minh Châu Âu về cải cách thể chế kinh tế và cả thể chế chính trị đối với Việt Nam là đủ lớn, phong trào dân chủ nhân quyền trong nước dâng lên đủ cao và bắt đầu tích lũy được những tiềm năng chiến lược… Chỉ khi đó, những tù nhân lương tâm thoát khỏi “nhà tù nhỏ” mới không phải sa chân vào một “nhà tù lớn” và mới giảm thiểu nguy cơ bị chính quyền bắt bớ trở lại.

Trong số những điều kiện trên, kịch bản vỡ nợ nước ngoài của ngân sách Việt Nam và kinh tế suy thoái trầm trọng là dễ xảy ra hơn cả, mà thời điểm xảy ra có thể bắt đầu từ năm 2020 hoặc 2021.

Một lần nữa hãy nhìn lại bài học “tự diễn biến” của chế độ quân phiệt ở Miến Điện. Tuy có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng phải tự thay đổi sang dân chủ, trong đó nổi bật vai trò cải cách của Tổng Thống Thein Sein, nhưng việc Câu Lạc Bộ Paris chấp nhận xóa $6 tỷ tiền nợ cho Miến Điện vào cuối năm 2012 – trùng với chuyến thăm lịch sử đất nước này của tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama – cho thấy chế độ quân phiệt ở Miến Điện đã tích lũy một món nợ quá lớn mà đã mất khả năng chi trả và do đó phải nhượng bộ trước đòi hỏi cải cách chính trị của phương Tây.

Nợ nước ngoài của chính thể độc đảng ở Việt Nam (chưa tính nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp) hiện nay là khoảng $105 tỷ – gấp hàng chục lần nợ nước ngoài vào năm 2012 của Miến Điện. (Phạm Chí Dũng)






No comments: