Monday, November 5, 2018

BẦU CỬ GIỮA KỲ 2018 : KHOẢNH KHẮC XOAY TRỤC CHO NƯỚC MỸ & THẾ GIỚI? (Vy Xuân - Zing.vn)




Posted on 06/11/2018 by The Observer

Nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ “chưa từng có tiền lệ”, với Tổng thống Donald Trump, rất nhiều tiền, sự đa dạng trong ứng viên và sự chia rẽ sâu sắc trong công chúng.

*
Khi tháng 11 sang và Barack Obama tiến gần đến ngày kỷ niệm 10 năm ông đắc cử tổng thống Mỹ, người ta thấy cựu tổng thống một lần nữa có mặt tại các buổi vận động tranh cử. Lần này, ông không tranh cử để giành lấy lá phiếu có tên mình, mà kêu gọi người dân, đặc biệt là người trẻ tuổi, đi bỏ phiếu cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử mà ông gọi là “quan trọng nhất trong cuộc đời các bạn, có lẽ còn quan trọng hơn năm 2008 nữa”.

Một người khác cũng đang bay khắp đất nước, có mặt tại những bang chiến lược để vận động cho những lá phiếu “không có tên mình”. Đó là Tổng thống Donald Trump.

Vào ngày hôm nay, 6/11, thế giới sẽ có được cái nhìn đầu tiên về nước Mỹ, 2 năm sau cú sốc Donald Trump đắc cử vào Nhà Trắng, điều mà những người như Obama từng cảnh báo là “một mối đe dọa”.

Cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu để bầu lại tất cả 435 ghế của Hạ viện; 35 ghế, tức khoảng 1/3 của Thượng viện; và chọn ra 36 thống đốc bang.

Trong số 35 ghế Thượng viện sẽ được bầu lại vào hôm nay, chỉ có 9 ghế hiện do người Cộng hòa đang nắm và 26 ghế do phe Dân chủ chiếm, tức cơ hội để đảng Dân chủ giành thêm ghế và kiểm soát Thượng viện là khá thấp, theo trang phân tích dữ liệu bầu cử FiveThirtyEight. Dù vậy, đảng Dân chủ nhiều cơ hội sẽ giành lại được Hạ viện trong lần bầu cử này.

Đây là kỳ bầu cử giữa kỳ sôi động nhất trong vào 20 năm qua tại Mỹ, xét từ cả kết quả thăm dò dư luận, lượng tiền được đổ vào quá trình vận động tranh cử và sự đa dạng của các ứng viên.

Trong số ứng viên ra tranh cử, có 411 người là phụ nữ, người da màu, người thuộc cộng đồng LGBT hoặc 216 người là người da đen, gốc Latin, châu Á, người Mỹ bản địa hoặc đa sắc tộc, đưa cuộc bầu cử năm nay trở thành một trong những cuộc bầu cử đa dạng nhất trong lịch sử.

Cuộc bầu cử này cũng chứng kiến lượng tiền đổ vào từ các “mạnh thường quân” tăng cao và tổng chi tiêu cho vận động tranh cử lần đầu tiên vượt mốc 5,2 tỷ USD (con số ngày 4 và 8 năm trước chỉ xấp xỉ nhau, chưa tới 4 tỷ USD).

Tất cả sự hứng khởi đến từ các cử tri trẻ tuổi với nguồn gốc đa dạng hay “cơn lốc tiền” để vào chiến dịch tranh cử đều tập trung ở đảng Dân chủ. Trong khi đó, những người Cộng hòa lại bước vào cuộc bầu cử với thành quả là Mỹ lần đầu trở lại vị trí nền kinh tế cạnh tranh nhất toàn cầu trong 10 năm qua, tăng trưởng kinh tế trong quý 2 năm nay đạt mức tốt nhất trong 4 năm, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ năm 1969.

“Lịch sử nước Mỹ vốn luôn chia rẽ…”

Nhưng hiếm khi sự chia rẽ ở Mỹ lớn đến thế này và được cổ súy bởi chính tổng thống đương nhiệm, theo các nhà chỉ trích.

Kết quả thăm dò của viện Pew cho thấy những người Mỹ Dân chủ và Cộng hòa tiếp tục xung đột với nhau ở hầu hết mối quan tâm cơ bản: nhập cư, chăm sóc sức khỏe, công bằng trong kinh tế, phá thai… Hầu như không thể tìm thấy một sự nhượng bộ hay điểm chung nào trong định hướng của những người ủng hộ hai đảng này với nhau.

Tổng thống Trump không làm mọi thứ tốt lên. Những người chỉ trích nói rằng các ứng viên tổng thống thường nói những lời dễ nghe với cử tri tiềm năng của mình và có phần công kích bên kia, nhưng khi đắc cử, nhiệm vụ của tổng thống là phải hàn gắn đất nước. Ông Trump “tuyên chiến” nhiều hơn.

Hơn 10 ngày trước cuộc bầu cử, hàng loạt thành viên đảng Dân chủ – trong đó có cựu tổng thống Barack Obama và cựu đối thủ của Trump, bà Hillary Clinton – cùng văn phòng CNN nhận được bưu phẩm chứa chất nổ.

Tổng thống Trump, sau những tuyên bố mạnh mẽ ban đầu trước một hành động bạo lực, đã hướng chú ý của ông về nỗi lo dành cho đảng mình. “Những người Cộng hòa đang thể hiện rất tốt trong kỳ bầu cử sớm và các cuộc thăm dò, giờ thì chuyện ‘bom’ xảy ra và động lực bị chậm đi. Những gì đang xảy ra rất không may. Những người Cộng hòa, hãy ra ngoài và đi bầu”, tổng thống nói trên Twitter.

Michael Cornfield, phó giáo sư tại Trường Quản lý Chính trị ở Đại học George Washington, nói rằng Tổng thống Trump “đã đi xa khỏi cách mà phần lớn tổng thống sẽ phản ứng lại một hành vi khủng bố trong nước”.

Thay vào đó, ông dùng đặt chữ “bom” trong dấu nháy ở dòng “tweet”, hành động bị chỉ trích là mở đường cho các thuyết âm mưu về nguồn gốc của bưu phẩm này và việc nó xuất hiện ngay kỳ bầu cử.

Tình trạng chia rẽ được dự đoán sẽ kéo dài sau cả cuộc bầu cử. Thậm chí, một chiến thắng của đảng Dân chủ sẽ đẩy tình hình tại Washington D.C. vào thế bế tắc. Bất kỳ dự luật nào do phe Dân chủ đề xuất, dù đã được thông qua bởi lưỡng viện, hoàn toàn có thể bị tổng thống bác bỏ.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump không phải là nguyên nhân hay tác nhân duy nhất. Chiến thắng của ông là hiện thân của những bất mãn âm ỉ nhiều thập niên qua trong lòng nước Mỹ còn hai năm vừa qua tại Nhà Trắng và sự ủng hộ mà Trump nhận được từ lưỡng viện, đối với những chính sách đầy tranh cãi, lại là biểu hiện cho sự chia rẽ, một đặc điểm của chính trị Mỹ với lịch sử còn lâu đời hơn những bất đồng bên trên.

“Sự phân cực là một lịch sử lâu dài trong nền chính trị Mỹ. Chúng ta hãy tin vào sự thật rằng chúng ta vẫn sống sót đến ngày nay, và đã vượt qua những giai đoạn còn tồi tệ hơn”, Laura Ellyn Smith, Khoa Lịch sử, Đại học Mississippi, nói với Quartz.

“Năm của phụ nữ” lần 2?

Nhiệm kỳ của Tổng thống Trump đã bắt đầu bằng cuộc Tuần hành Phụ nữ (Women’s March) trên khắp nước Mỹ một ngày sau khi ông nhậm chức. Cũng trong năm 2017, phong trào #MeToo chống quấy rối tình dục đã từ Hollywood và nước Mỹ lan khắp thế giới.

Hai năm sau đó, trong số 962 ứng viên, có 262 phụ nữ đang chạy đua vào các vị trong Thượng viện, Hạ viện và chức thống đốc các bang, và đây là một con số kỷ lục.

“Nếu có ai đó hỏi tôi cách đây 3 năm, ‘cô sẽ ra tranh cử chứ?’, tôi sẽ cười vào họ”, Jasmine Clark, bà mẹ 2 con 35 tuổi và là ứng viên cho vị trí hạ nghị sĩ của bang Georgia, nói với Washington Post.

Clark là nhà khoa học vi sinh tại Đại học Emory. Cô mặc pyjama và khóc trong đêm ông Trump đắc cử rồi tổ chức cuộc Tuần hành Khoa học tại thành phố Atlanta của Georgia, cuộc tụ tập của hàng nghìn người phản đối việc ông Trump chống lại các bằng chứng và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

“Tôi là phụ nữ, tôi là người da màu và tôi là một nhà khoa học. Tôi cảm thấy từ khi Trump đắc cử, tất cả các phần trong căn tính tôi bị tấn công”.
“Nên tôi ra tranh cử”, cô nói.

Tại Arizona, nơi chưa từng có một người phụ nữ nào bước vào Thượng viện, mọi thứ chắc chắn sẽ thay đổi trong năm nay khi một trong hai người phụ nữ, Kyrsten Sinema và Martha McSally, trở thành thượng nghị sĩ sau ngày 6/11.

Ứng viên của đảng Cộng hòa cho vị trí này là Martha McSally, người có 26 năm phục vụ trong Không lực Mỹ, trở thành phi công đầu tiên bay trong một cuộc tham chiến và ra tranh cử trong bộ đồ phi công màu xanh có may lá cờ Mỹ và tên của bà. McSally chỉ trích đối thủ của mình là “người phụ nữ váy hồng đi biểu tình” trong lúc bà chiến đấu vì nước Mỹ.

Tuy nhiên, sự đa dạng giới trong cuộc bầu cử năm nay không diễn ra ở lưỡng đảng. Trong số 262 ứng viên nữ cho các vị trí, 207 người thuộc đảng Dân chủ, theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu Phụ nữ và Chính trị.

Trên CNN, Karine Jean-Pierre của Đại học Columbia lưu ý rằng trong năm bầu cử 1992, người ta cũng gọi đó là “Năm của Phụ nữ”. Đó là cuộc bầu cử sau khi Anita Hill cáo buộc Clarence Thomas, cấp trên cũ của bà và là người đang đợi phê chuẩn cho vị trí thẩm phán Tòa Tối cao Mỹ, đã quấy rối tình dục mình. Đó cũng là số phụ nữ chạy đua vào các vị trí trong cuộc bầu cử nhiều ở mức chưa từng có và Carol Moseley-Braun trở thành người phụ nữ đa đen đầu tiên đắc cử vào Thượng viện.

26 năm sau, khi nước Mỹ là nơi khởi phát cho phong trào #MeToo chống quấy rối tình dục, người ta vẫn cần một “Năm của Phụ nữ” cho các cuộc bầu cử. Và cũng trùng hợp, Thượng viện Mỹ vừa phê chuẩn vị trí thẩm phán Tòa Tối cao đối với Brett Kavanaugh sau nhiều cáo buộc quấy rối tình dục nhắm vào ông.

“Chúng ta đã có ‘Năm của Phụ nữ’ trước đây và đó chỉ là hiện tượng một đêm, nhưng đây là một sự chuẩn bị”, Reuters dẫn lời Celinda Lake, người phân tích thăm dò của đảng Dân chủ. “Sẽ có một số lượng kỷ lục phụ nữ đắc cử, cũng sẽ có một số lượng kỷ lục thất cử. Điều quan trọng là họ tái tranh cử”.

Còn quá sớm để gọi đây là cuộc bầu cử của phụ nữ. Và dù những người phụ nữ có chiến thắng, họ cũng sẽ bước vào Điện Capitol với một tổng thống đã gọi phong trào nữ quyền là “thời khắc đáng sợ với đàn ông” và một thẩm phán tối cao bị ít nhất 3 người phụ nữ tố cáo đã quấy rối tình dục họ.

Cuộc trưng cầu dân ý về Trump

“Tên tôi không có trên phiếu bầu, nhưng tôi vẫn ở trên phiếu bầu, vì đây là một cuộc trưng cầu dân ý về tôi”, Tổng thống Donald Trump đứng trước cử tri tại Southaven, Mississippi và xác nhận điều báo chí đã nói nhiều tháng nay. “Tôi muốn các bạn đi bỏ phiếu. Hãy coi như tên tôi ở trên phiếu”.

Nhiều cử tri Mỹ sẽ bước vào phòng bỏ phiếu và mang theo ký ức về buổi tối ngày 8/11/2016, thời khắc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

“Trái tim tôi chết đi khi đó. Bố tôi lật mồ của ông ấy”, Guardian dẫn lời Maureen Osiecki, một hưu trí 76 tuổi sống tại bang Michigan.

Sống ở bên kia đường so với bà Osiecki, bà Linda Andrews, 66 tuổi,lại  nói rằng bà sẽ bỏ phiếu cho những người Cộng hòa.

“Những dòng tweet của Trump không ‘đúng đắn về chính trị’ nhưng những kẻ ‘đúng đắn về chính trị’ lại chẳng làm gì cả. Trump đang làm điều ông ấy nói sẽ làm, ông ấy là người giữ lời. Tôi đã thử những lời đường mật rồi và chúng chẳng giúp gì cả”, bà nói.

Những lá phiếu vào ngày 6/11, dù mang tên hàng trăm người khác, sẽ giải đáp câu hỏi người Mỹ ai đã và ai không hối hận về lựa chọn của họ vào năm 2016. Hai năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump đã chứng kiến hàng loạt vụ bê bối tại Washington D.C., sự thách thức các chuẩn mực hiến pháp và hủy hoại đáng kể đối với các thể chế nước Mỹ đang xây dựng nhiều thập niên qua để duy trì trật tự thế giới.

Nhưng cũng trong hai năm đó, Tổng thống Trump đã giữ rất nhiều lời hứa với cử tri của ông, kể cả những lời hứa gây tranh cãi nhất, trải qua một giai đoạn kinh tế tốt đẹp và định hình Tòa Tối cao Mỹ thêm một thế hệ nữa bằng việc đề cử thành công một thẩm phán bảo thủ.

Một cuộc khảo sát của Wall Street Journal  NBC News, công bố hôm 4/11, cho thấy vai trò của tổng thống trong lá phiếu: 32% người được hỏi nói rằng phiếu bầu của họ là thông điệp ủng hộ Trump, 40% nói rằng đó là thông điệp phản đối và 28% nói rằng đó không phải là về tổng thống.

Ở phía ngược lại, cuộc bầu cử này còn là bài kiểm tra cho những “luồng năng lượng chống Trump” được hình thành từ cuộc Tuần hành Phụ nữ vào năm 2017 để xem liệu phong trào có đủ lớn mạnh để đe dọa đến tổng thống hay chưa.

Đa số các dự đoán cho thấy đảng Dân chủ có nhiều cơ hội giành lại Hạ viện trong khi Thượng viện vẫn do đảng Cộng hòa kiểm soát. Bất kỳ chương trình nghị sự nào của tổng thống hay đảng Cộng hòa đều sẽ bị đình trệ và cản trở nếu đảng Dân chủ có được một chiến thắng ở bất kỳ viện nào.

Đảng chiếm đa số có quyền bổ nhiệm các ủy ban trong viện, nơi sẽ ra “trát tòa” để mở các phiên điều trần. Dưới một Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát, các cộng sự của Tổng thống Trump có nhiều nguy cơ hơn phải ra trước phiên điều trần, từ mối liên hệ với Nga hay công việc làm ăn của gia đình tổng thống.

Trong kịch bản khó khăn hơn, nếu đảng Dân chủ giành được cả lưỡng viện, hoặc chỉ Thượng viện, tổng thống sẽ đối mặt với chuỗi ngày khó khăn trong việc thuyết phục Thượng viện phê chuẩn cho các vị trí nội các và thẩm phán Tòa Tối cao mà ông đề cử. Với hầu hết trường hợp, luật lệ tại Thượng viện cho phép phê chuẩn một đề cử của tổng thống với đa số tối thiểu, đồng nghĩa với việc trong 2 năm qua, hàng loạt người ông đề cử đã được phê chuẩn mà không cần bất kỳ sự ủng hộ nào của đảng Dân chủ. Tổng thống sẽ thật sự gặp rắc rối nếu điều này xảy ra, trong bối cảnh một cuộc “ra đi hàng loạt” trong nội các đang được dự báo sẽ diễn ra sau kỳ bầu cử giữa kỳ.

Tuy nhiên, điều được nói đến nhiều, sự luận tội tổng thống, không có nhiều cơ hội xảy ra. Quá trình luận đội bắt đầu ở Hạ viện, thế nhưng khi lên đến Thượng viện, sẽ cần 2/3 số phiếu tại đây để phế truất một tổng thống, một con số khiến khó đảng nào có thể tự quyết.

Cuộc bầu cử quan trọng nhất trong ký ức hiện đại

Theo CNBC, không có nhiều cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ được theo dõi sát sao đến vậy trên toàn cầu. Lý do rất rõ ràng: Ảnh hưởng của nó đến hình ảnh về sức hấp dẫn của nền dân chủ trên thế giới, một hé lộ về sức chịu đựng của chính quyền Tổng thống Trump và những chính sách đối ngoại của họ cũng như tác động đối với phong trào dân túy trên toàn thế giới.

Một tuần trước khi các thùng phiếu của Mỹ đóng cửa, người Brazil đã bầu lên một tổng thống cực hữu, nước Anh bế tắc trong cuộc đàm phán rời EU, nhưng họ vẫn sẽ rời đi còn sự nghi ngờ đối với các thể chế hợp tác đa phương và nền dân chủ kiểu Mỹ đang lớn dần ở mọi nơi.

Các đồng minh của Washington đang lo lắng mô hình Mỹ đang mất đi hấp dẫn trong lúc Trung Quốc thúc đẩy mô hình của họ cho các nước đang phát triển lẫn đã phát triển.

Stephen Hadley, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời cựu tổng thống George W. Bush, gần đây nói với CNN: “Nếu bạn lo lắng về mô hình của Mỹ, chúng ta có nhiều công cụ để vận hành một chính sách đối ngoại phục vụ cho lợi ích của chúng ta, mang lại thịnh vượng và an ninh cho người dân. Nhưng thương hiệu của chúng ta trên toàn cầu đang không ổn”.

“Có lý do để mọi người không xem thường tuyên bố của Trung Quốc rằng họ có một mô hình mới. Vì mô hình của chúng ta đang trông không tốt”, ông nói.

Cuộc bầu cử trở thành cuộc trưng cầu dân ý, không chỉ đối với tổng thống mà còn cả với thương hiệu chính trị dân túy mà ông là người đại diện. Dù phong trào dân túy đã tồn tại từ trước nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, chiến thắng của ông là động lực mạnh mẽ, thúc đẩy cả những người ủng hộ dân túy trong nước lẫn nhiều nhà lãnh đạo trên toàn cầu.

Frederick Kempe, Chủ tịch và CEO tại Viện nghiên cứu Atlantic Council, nói rằng chính trị và môi trường xã hội Mỹ nói chung luôn có ảnh hưởng toàn cầu. Nếu phong trào #MeToo, khởi nguồn tại Mỹ, có khả năng lan tỏa toàn cầu thì chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump cũng sẽ truyền cảm hứng cho những người lãnh đạo có tư duy tương tự ông. Tại châu Âu, những lãnh đạo đó thường tranh cử dựa trên chính sách chống nhập cư, còn tại Mỹ Latin là các kế hoạch chống tham nhũng. Và ở mọi người, các ứng viên dân túy đều nói đến “cảm hứng từ Trump”, bao gồm tổng thống cực hữu vừa đắc cử tại Brazil.

Người ta sẽ phải đợi đến đêm 6/11 tại Mỹ để biết liệu “làn sóng xanh màu tiền” và những gương mặt mới mẻ của đảng Dân chủ có mang lại cho họ quyền kiểm soát Đồi Capitol hay không, hay người dân vẫn sẽ chọn những chỉ số kinh tế đang rất tốt sau 2 năm đảng Cộng hòa hậu thuẫn cho những chính sách của Tổng thống Trump.

Không ai biết liệu người dân Mỹ sẽ chọn những gương mặt có phần đa sắc tộc hơn của đảng Dân chủ hay cảm thấy bị đe dọa bởi đoàn “caravan” di cư đang tiến sát biên giới Mỹ và chọn lấy ứng viên với chính sách nhập cư cứng rắn. Và nếu đảng Dân chủ chiến thắng ở ít nhất một viện của quốc hội Mỹ, nỗi lo sẽ chuyển từ việc đảng chiếm đa số hậu thuẫn và “nuông chiều” tổng thống quá mức sang việc không thể có tiếng nói chung giữa đảng kiểm soát quốc hội với tổng thống, trong bối cảnh sự chia rẽ tại Washington D.C. lẫn nước Mỹ ngày càng rộng ra.

“Tất cả chính trị đều là chuyện địa phương”, Tip O’Neill’s, cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ và là một người Cộng hòa, từng nói. Nhưng những lá phiếu địa phương của người Mỹ sẽ vươn ra khỏi các bang mà họ bỏ phiếu, sẽ tiếp tục định hình nước Mỹ và có ảnh hưởng đến thế giới trong ít nhất 2 năm nữa.

Nguồn: Zing.vn







No comments: