Tuesday, November 6, 2018

BẢN TIN NGÀY 6/11/2018 (Báo Tiếng Dân)




06/11/2018


Tin Biển Đông

Bộ Quốc phòng Anh công bố video tàu Trung Quốc đe dọa đâm chiến hạm Mỹ trên Biển Đông, theo báo VnExpress. Vụ va chạm này diễn ra ngày 30/9, khi “chiến hạm Trung Quốc không chỉ áp sát mà còn đe dọa tàu chiến Mỹ”, trong lúc khu trục hạm USS Decatur của hải quân Hoa Kỳ đang “tiến vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam”. Mời xem video clip của BQP Anh: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2018/11/Anh-c%C3%B4ng-b%E1%BB%91-video-t%C3%A0u-Trung-Qu%E1%BB%91c-%C4%91e-d%E1%BB%8Da-%C4%91%C3%A2m-chi%E1%BA%BFn-h%E1%BA%A1m-M%E1%BB%B9-tr%C3%AA-5.mp4?_=1

Vào thời điểm hai chiến hạm chỉ cách nhau khoảng 40m, “dường như các miếng đệm sườn tàu cũng được thủy thủ Trung Quốc triển khai… đây là dấu hiệu cho thấy thủy thủ đoàn tàu Lan Châu đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cú va chạm mạnh với tàu chiến Mỹ”.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi về vụ tàu Trung Quốc chặn tàu Mỹ ở biển Đông, Trung Quốc cảnh báo Anh, Úc?Chuyên gia Bill Hayton từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh nhận định: “Đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc đưa ra một cảnh báo như vậy (gánh chịu hậu quả) đối với tàu chiến Mỹ. Phản ứng của Trung Quốc cũng được coi là thông điệp dành cho các đồng minh của Mỹ gồm Anh và Úc”.

Báo Dân Trí bàn về hành động “lạ” của thủy thủ tàu Trung Quốc khi tàu chiến Nhật Bản qua Biển Đông. Theo đó, khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Luyang-II Lanzhou của Trung Quốc phát hiện tàu sân bay trực thăng Nhật Bản Kaga di chuyển trên Biển Đông, họ đã phát thông điệp: “Chào buổi sáng, rất vui được gặp các bạn”. Có chuyên gia cho rằng phía Trung Quốc làm như vậy vì tàu Nhật Bản chưa đi vào vùng “nhạy cảm”, tàu Trung Quốc vẫn luôn theo dõi sát khi tàu chiến Mỹ và các đồng minh tiến vào Biển Đông.


Quan hệ Việt – Trung

RFA đưa tin: Thủ tướng Việt Nam hội kiến chủ tịch Trung Quốc. Bài báo cho biết, tại buổi hội đàm, ông Nguyễn Xuân Phúc “tiếp tục khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, ổn định và bền vững với Trung Quốc cũng như coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”.

Báo Người Việt có bài: Thủ tướng CSVN hứa ‘phát triển quan hệ bền vững’ với Trung Quốc. Diễn biến đằng sau cuộc gặp giữa các lãnh đạo VN với “bạn vàng”: “Khi những lãnh tụ cấp cao của Hà Nội và Bắc Kinh gặp nhau, người ta thấy nội dung nhiều khi được cơ quan thông tấn hai bên tường thuật theo chủ đích tuyên truyền riêng, kiểu ông nói gà bà nói vịt về những điểm cốt lõi liên quan chủ quyền lãnh thổ”.

Khi “đồng chí” đấu nhau

Phản bác nội dung chất vấn của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, hôm qua, website Bộ Công an đăng thông báo về một số nội dung tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến công tác điều tra, xử lý, đưa ra những số liệu phản bác những con số của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đưa ra chất vấn sáng 31/10. Với quan điểm tương tự ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu, phía công an một mực cho rằng ông Nhưỡng đã tính toán sai số liệu.

Trả lời báo Tuổi Trẻ về vụ Bộ Công an phản hồi ý kiến ông Lưu Bình Nhưỡng, ông Nhưỡng nói ông đã biết thông tin trên nhưng hiện tại ông chưa có ý kiến và ông sẽ trả lời nếu nhận được yêu cầu chính thức của các cơ quan chức năng. Trước đó, trong buổi chất vấn tại Quốc hội sáng 31/10, ông Nhưỡng phát biểu rằng “vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp… Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng và tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc”.

Trên trang Facebook cá nhân, ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ tâm sự với cư dân mạng. Ông Nhưỡng khẳng định ông đã tính toán đúng số liệu cho thấy sai phạm “khủng khiếp” của ngành công an, ông cũng đã báo cáo chuyện này với Chủ tịch Quốc hội.

Trong bối cảnh vụ ông Nhưỡng phê phán ngành công an chỉ có thể tăng chứ chưa thể giảm nhiệt, lại thêm vụ bí thư huyện chỉ đạo Công an theo dõi đoàn Uỷ ban Kiểm tra TƯ, theo VOV. Trước đó, khi cơ quan này gửi đoàn kiểm tra về xem xét sai phạm ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, bà Hồ Thị Lệ Hà, Bí thư Huyện ủy, “đã chỉ đạo công an huyện theo dõi đoàn kiểm tra. Nội dung chỉ đạo này được ghi trong cuốn sổ họp hàng tuần”.

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời bí thư huyện nói về việc giao công an theo dõi đoàn UBKT TW. Bà Hà khẳng định “không hề chỉ đạo Công an huyện theo dõi đoàn kiểm tra của UBKT Trung ương mà chỉ do chánh văn phòng huyện ủy ghi nhầm, không đầy đủ các ý về nội dung giữ gìn an ninh trật tự”.

Trước nay, công an là lực lượng bảo vệ chế độ. Tuy nhiên, đến thời điểm mà “lý tưởng” không còn, chỉ còn lòng tham và sự vụ lợi dẫn dắt, thì chế độ không còn là một thể thống nhất nữa, mà tách dần ra thành từng mảng, mỗi nhóm công an phải lựa chọn trung thành với phe phái riêng của họ.


Không có chuyện lãnh đạo từ chức vì tín nhiệm thấp

Báo Người Lao động có bài: NÓI THẲNG: Từ chức, đừng trông chờ tự nguyện! Người dân nhiều lần “tha thiết mong chờ”, rồi quay sang đả kích, yêu cầu cán bộ CS tham nhũng và thiếu năng lực phải từ chức. Tuy nhiên, đến giờ, trường hợp các bộ trưởng quá tệ như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ… vẫn “mặt dày tại vị nghe chửi”. Hiếm khi người dân nghe tin cán bộ từ chức vì yếu kém, có chăng là những đảng viên đã vơ vét đủ, đánh hơi thấy nguy hiểm nên từ chức, thật ra là hạ cánh an toàn.

Báo Sài Gòn Giải Phóng bàn về chuyện xây dựng văn hóa từ chức. Chủ đề này đã được bàn luận hàng chục năm qua. Văn hóa từ chức được chính những người cộng sản nhắc tới, nhưng vấn đề là đảng viên leo được đến vị trí cao trong chế độ thì thường thiếu liêm sỉ và vô trách nhiệm, nên không thể từ chức. Văn hóa tiến bộ chỉ có thể áp dụng cho những người có trách nhiệm và lòng tự trọng.

Lời nói không mất tiền mua, nên Chủ tịch Bình Định nói: “Nếu để dự án nào ảnh hưởng đến đời sống của người dân, tôi xin từ chức”, theo báo Lao Động. Khi nhiều người lên làm lãnh đạo không phải do có tài, có đức, được dân bầu lên, mà họ lên là do “quy hoạch” hoặc bỏ tiền ra “chạy”, thì sẽ không bao giờ thấy họ tự động từ chức vì tín nhiệm thấp, bởi có người dân nào bầu họ lên làm lãnh đạo đâu mà họ phải lo còn hay mất tín nhiệm với dân? Hơn nữa, khi bỏ tiền ra mua chức, họ cần phải ở lại giữ ghế để kiếm tiền gỡ vốn. Từ chức rồi, làm sao lấy lại được số tiền đã bỏ ra chạy chức?


Ngành y tha hóa

Trang VnMedia đặt câu hỏi về chuyện bệnh viện có 90% đơn thuốc sai sót: Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì? Bà Tiến chỉ trả lời cho có: “Về sai sót trong kê đơn là có, đã có hội nghị nghiên cứu và đánh giá việc này”. Ngành y Việt Nam thực sự đang khủng hoảng, bệnh viện thì xuống cấp và quá tải, thuốc giả tràn lan, người bệnh bị chèn ép, bác sĩ làm đúng đạo đức và lương tâm thì bị quy tội. Trong tình hình đó, cái ghế của người đứng đầu ngành y vẫn vững như bàn thạch.


Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược

Báo Người Việt có bài: Nguyễn Phú Trọng cầm đầu ‘quy hoạch cán bộ’. Bài viết phân tích: “Việc ông Nguyễn Phú Trọng tăng thêm quyền hành khi nắm cả ghế chủ tịch nước cho thấy ông ta trở thành một trong những nhà độc tài nắm nhiều quyền lực nhất của chế độ Hà Nội, hơn hẳn những tay tổng bí thư những khóa trước”.

Đằng sau chuyện “quy hoạch cán bộ” chẳng qua chỉ là âm mưu thao túng chính trường, đưa các thái tử đảng, hoặc những người chi tiền mua chức, hay người của phe nhóm mình vào. Phe ông Trọng đang chiếm ưu thế, nhân cơ hội này có thể tranh thủ bố trí thêm nhân sự của họ, đồng thời cô lập và loại bỏ dần người của phe đối phương.


“Công bộc” của dân?

Báo Gia Đình và Pháp Luật có bài: Bi hài chuyện bổ nhiệm cán bộ tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Theo đó, tại cơ quan này, “những quyết định bổ nhiệm cán bộ liên tiếp của Tổng cục trưởng gây nhiều tranh cãi, khiến dư luận không khỏi bức xúc”, nhiều trường hợp được bổ nhiệm không đúng quy định, thiếu năng lực nhưng vẫn có thể làm lãnh đạo.

Trang An Ninh Tiền Tệ có bài viết: Vì sao nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bến Tre bị bắt giam?Ngày 5/11, Cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre, Đoàn Văn Phúc (hiện là Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh) và Trương Văn Em, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Bến tre bị bắt. Hai đảng viên trên đã thông đồng với doanh nghiệp, nhập khẩu trái phép 5.000 container phế liệu vào Việt Nam.

CPTPP đang gây lo ngại cho chế độ

Quốc hội và giới chóp bu CSVN đang tung hứng việc phê chuẩn gia nhập CPTPP. Tuy nhiên, CPTPP có điều khoản buộc các nước tham gia phải có công đoàn độc lập. Trước nguy cơ này, các quan chức và bộ máy truyền thông của đảng đã nhanh chóng chặn đầu, răn đe: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Các tổ chức khác của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, theo báo Lao Động.

Trước giờ, chế độ CSVN dựa vào hệ thống công đoàn do đảng quản lý để kiểm soát công nhân, nên công đoàn độc lập là mối lo ngại lớn của họ. Bài báo dẫn lời các quan chức cộng sản suy diễn: Các tổ chức công đoàn độc lập “tiềm ẩn những rủi ro, phức tạp khi các thành phần cơ hội, tổ chức phản động lợi dụng chống phá, ảnh hưởng an ninh, trật tự an toàn xã hội”.

Quan chức Việt Nam lo ngại hình thành ‘công đoàn vàng’, theo VOA. Các nhà làm luật Việt Nam đã tính đến chiêu trò thành lập công đoàn “phái sinh” của nhà nước. LS Lê Quốc Quân nhận định: “Người ta sẽ phải đưa ra một tổ chức nào đó – mà họ gọi là đại diện cho người lao động, nhưng lại không được tham gia hoạt động chính trị… Họ nói như vậy, nhưng nếu cho phép ra đời thì cũng là hình thức phái sinh của công đoàn hiện tại”.

RFA có bài: Công đoàn vàng qua cái nhìn của nhà nước và giới bất đồng chính kiến. Bà Trần Thị Thuận, thuộc Tổ chức Liên đoàn lao động Việt tự do, chia sẻ: “Trong cương lĩnh của Liên đoàn lao động Việt tư do có ghi rằng chúng tôi không hoạt động chính trị, mà chỉ tranh đấu cho quyền lợi của công nhân. Thế nhưng Liên đoàn lao động Việt tự do luôn bị cáo buộc là một tổ chức chính trị phản động”.


Nhân quyền ở Việt Nam

RFA đưa tin: Dân tố cáo bị đánh tại trụ sở công an. Theo đó, “một nam công dân tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tố cáo bị đánh bầm dập toàn thân sau khi bị công an Phú Quốc tạm giữ”. Nạn nhân là ông P.Q.H, cho biết, lúc đó các công an cơ động không mang số hiệu chẳng nói chẳng rằng đã lao vào hành hung và đưa ông về đồn.

Ông P.Q.H kể thêm: “Tại trụ sở công an, những người này nhốt vào phòng kín rồi đánh đập tôi. Khi tôi quỵ xuống, họ tiếp tục túm tóc tôi, đánh vào đầu và mặt. Tôi ngất đi thì họ đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Quốc”.

VOA đưa tin: VN cấm 6 người nước ngoài nhập cảnh vì ‘an ninh quốc gia’. Bài viết lưu ý: “Việt Nam đã nhiều lần bị cáo buộc ngăn không cho một số người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền nhập cảnh”. Như trường hợp bà Debbie Stothard, Tổng Thư ký Liên Đoàn Quốc tế về Nhân Quyền, đã bị An ninh sân bay Nội Bài tạm giữ và sau đó trục xuất hôm 9/9 khi đến dự Diễn Đàn Kinh tế Thế giới về Đông Nam Á 2018 tại Hà Nội.

Vụ tài xế lái xe đúng luật, bị án tù

Báo Tuổi Trẻ đưa tin vụ lùi xe trên đường cao tốc: Cần hủy án điều tra lại. Theo đó, “các cơ quan tố tụng buộc tội tài xế Hoàng vì đã đâm xe vào xe Innova, nhưng cơ quan giám định cho rằng xe Innova đang chạy lùi. Nếu đúng như vậy thì là 2 xe đâm vào nhau chứ không phải xe container đâm vào xe Innova như nhận định của vụ án”.

VOV dẫn lời vợ tài xế container Lê Ngọc Hoàng: “Tôi sẽ kháng cáo đến cùng“. Cô Vũ Thị Thúy, vợ ông Hoàng, cho biết: “Kết thúc phiên xét xử, tôi nói với chồng sẽ làm đơn kháng cáo, đấu tranh công lý đến cùng… Anh Hoàng không đi quá tốc độ, không chạy sai làn, không vi phạm tải trọng, không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông”.

Một chiếc xe trưng bảng hiệu: “Đề nghị TAND tỉnh Thái Nguyên trả lại sự công bằng cho lái xe Hoàng. Ảnh: FB Nguyễn Xuân Nghĩa


Người Việt vẽ bậy lên di tích thành cổ Yonago ở Nhật?

Một phiến đá tại di tích thành cổ Yonago, tỉnh Tottori của Nhật bị phá hoại bằng ký tự chữ latin “A”, “HÀO” cùng hai ký hiệu hình ngôi sao và trái tim, khiến nhiều người Nhật bực bội và lên án trên các diễn đàn mạng ở Nhật. Zing đưa tin: Dân mạng Nhật Bản bức xúc với chữ ‘Hào’ viết bậy tại khu di tích. Dù không nói người dân nước nào đã vẽ bậy lên phiến đá, nhưng một số người khẳng định đó là người Việt Nam tên Hào là thủ phạm.

Ảnh phiến đá bị vẽ bậy. Nguồn: Báo ASAHI

Báo Thanh Niên dẫn lời bình luận phía dưới bài đăng trên nhật báo Mainichi: “Cho dù bất cứ ai là thủ phạm đi chăng nữa, tôi hi vọng chính quyền sẽ tìm ra và bắt giữ kẻ này. Chỉ cần đứng ở phạm vi cho phép, tham quan lịch sự, không phá hoại đến hiện vật lịch sử, những điều đó khó đến vậy sao?”. Và rằng, giới chức địa phương cho biết, họ sẽ truy tìm thủ phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.


***






No comments: