Saturday, November 24, 2018

BẢN TIN NGÀY 24/11/2018 (Báo Tiếng Dân)




24/11/2018

Tin Biển Đông

Nga tập trận chung với Brunei ở Biển Đông, theo RFA. Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Nikolai Voskresensky xác nhận tin này ngày 23/11. Ông Voskresensky cho biết lực lượng tham gia diễn tập gồm, “tàu tuần dương có tên lửa Varyag, khu trục hạm Đô Đốc Panteleyev và tàu chở dầu Boris Butoma vừa hoàn tất chuyến thăm cảng Muara của Brunei”.

Điều lạ là Nga trước giờ là “đồng chí” của Việt Nam thì lại không muốn tập trận với Việt Nam. Còn Hoa Kỳ dù là “cựu thù” nhưng luôn tìm cách giúp Việt Nam khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Chỉ có lãnh đạo CSVN không thấy hậu quả của lựa chọn bắt tay Nga, Trung Quốc mà bỏ qua Hoa Kỳ.

RFI dẫn tin từ báo Anh: Trung Quốc dùng hiệp định dầu khí để áp đặt chủ quyền Biển Đông. Theo đó, trong chuyến viếng thăm Brunei và Philippines, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “đã chứng kiến lễ ký kết hai biên bản ghi nhớ về thăm dò và khai thác dầu khí chung với hai nước này”. Mục tiêu của Bắc Kinh đằng sau chuyện khai thác dầu khí chung “là nhằm ngăn chặn các nước bên ngoài khu vực vào khai thác các nguồn tài nguyên rất dồi dào trong các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông”.


Tin nhân quyền

13 nhà báo của báo Thanh Niên bị thôi chức vì không phải là đảng viên. Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc đưa tin, 13 nhà báo ở báo Thanh Niên gồm trưởng ban, phó ban, phó phòng đã được “thôi chức” vì không phải đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam.

Bà Cúc viết: “Không có chức thì các bạn sẽ làm việc với tư cách phóng viên/nhân viên, nếu các bạn vẫn tiếp tục ở lại Thanh Niên. Có lẽ thu nhập của các bạn sẽ giảm xuống nhưng về nhiều mặt, các bạn hẳn cảm thấy mình không mất gì nhiều. Kẻ mất nhiều không phải các bạn. Sự kiện này hẳn sẽ được lịch sử báo chí Việt Nam ghi lại. Lần đầu tiên, một tòa soạn báo đã ‘tự cho thôi chức’ một loạt lãnh đạo cấp ban/phòng của mình…”

Báo Thanh Niên dẫn lời ‘điều tra viên’ vụ án oan sai 40 năm: ‘Tôi không biết, không nhớ gì hết’. Vụ án oan diễn ra cách đây 40 năm ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, các nạn nhân bị oan bị nhục hình dẫn đến phải khai theo lời cán bộ, nhận tội để không bị đánh đập, có người sau đó bị sẩy thai trong tù. Mãn hạn tù, họ vẫn sống cuộc đời khổ sở.

Những tay công an, điều tra viên năm xưa thì ung dung, tự tại. Một trong những công an đã dùng nhục hình năm xưa là ông Phùng Văn Tiết vô tư nói “không biết, không nhớ”, và nhiều lần tỏ ra bất hợp tác, khó chịu khi tiếp xúc phóng viên.

Báo Thanh Niên có đồ họa: Những phận người mòn mỏi 40 năm oan sai.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Bộ Tư pháp bác toàn bộ nội dung khiếu nại của cựu luật sư Võ An Đôn. Bộ Tư pháp vừa có quyết định không chấp nhận nội dung khiếu nại của LS Võ An Đôn về các quyết định xóa tên ông khỏi đoàn luật sư, họ giữ nguyên hình thức kỷ luật “xóa tên khỏi danh sách Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên”.

Trước đó, dưới áp lực của nhà cầm quyền, đoàn luật sư tỉnh Phú Yên đã xóa tên Luật sư Võ An Đôn với cáo buộc ông “có nhiều phát biểu, trả lời phỏng vấn với nội dung không đúng sự thật, suy diễn chủ quan, nói xấu thể chế chính trị”. Trả lời báo Tuổi Trẻ, LS Võ An Đôn cho biết ông không đồng ý với quyết định này và đang cân nhắc khởi kiện ra tòa.


Vụ Thủ Thiêm, chuyện “lò” và “củi” ở miền Nam

Diễn tiến vụ Thủ Thiêm: Dân ‘mắng’ công an, quân đội, chính quyền ‘đê tiện’, theo VOA. Những câu hỏi của cô Thùy Dương dành cho bà Quyết Tâm: “Tự tiện núp lén, canh người ta không có nhà dỡ rào lấy đất. Luật pháp chỗ nào, trong khi đơn vị lấy đất lại là quân đội? Quân đội để làm gì? Để bảo vệ nhân dân hay là để hù nhân dân lấy đất?”

Mời nghe clip cô Thùy Dương chất vấn lãnh đạo TP trong buổi tiếp xúc cử tri 22/11/2018:

Clip phát biểu của bác dâu cô Nguyễn Thị Thùy Dương:

Trang Infonet đặt câu hỏi: Vì sao chưa công bố mức kỷ luật ông Tất Thành Cang? Mặc dù sai phạm của ông Cang liên quan trực tiếp đến nhiều người dân mất nhà, mất đất hơn 20 năm và được lãnh đạo TPHCM hứa sẽ “xử lý nghiêm”, nhưng kết quả thì không dám thông báo cho dân. Tiếp xúc cử tri, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, kết quả kỷ luật phải được gửi ra Trung ương, và quyền xử lý ông Cang là của Bộ Chính trị.

Dù nhiều lần được người dân yêu cầu trả lời về sai phạm Thủ Thiêm với cương vị ĐBQH, nhưng bà Nguyễn Thị Quyết Tâm vẫn chưa dám đối mặt với trách nhiệm của mình. Báo Lao động khuyên bà Quyết Tâm hãy trả lời dân về trách nhiệm của mình. Năm lần bảy lượt dân hỏi trách nhiệm bà Tâm ở đâu khi những năm qua vấn đề Thủ Thiêm vẫn không được giải quyết.

Trong buổi tiếp xúc cử tri 22/11 vừa qua, có dân oan Thủ Thiêm hỏi thẳng: “Vai trò giám sát của Đoàn ĐBQH, HĐND ở đâu? Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm có thấy mình hoàn thành nhiệm vụ hay không?”. Bà Tâm không dám trả lời mà nói vòng vo sang việc khác. Cho nên nhiều người dân cảm thấy hả dạ khi cô Nguyễn Thị Thùy Dương ném “Tomadep” vào bà Tâm.

Báo Người Việt có bài: Mức kỷ luật Tất Thành Cang ‘vẫn là ẩn số’. Bài viết lưu ý một tin đồn chưa được kiểm chức, xuất hiện tối 23/11/2018: Ông Tất Thành Cang “đã bị di lý ra Hà Nội và bị quản chế đặc biệt”. Trước đó, sáng 20/11, ông Cang vắng mặt tại một buổi tiếp xúc cử tri ở Sài Gòn vì “đang đi họp tại Hà Nội”.

“Thẩm quyền xử lý ông Cang bây giờ là của Bộ Chính Trị CSVN”. Trong lúc “đợi án”, “sinh mệnh chính trị của ông Cang kể như đã khép lại và ông này gần như không còn xuất hiện trước công chúng để tránh bị báo giới để mắt đến”.


Tiếp tục xét xử vụ án đánh bạc ngàn tỷ

Trong phiên xử ngày 23/11, 2 tướng công an tiếp tục làm “diễn viên”, cựu tướng Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa đồng loạt ‘cáo ốm’, theo báo Tiền Phong. Thấy tòa đề nghị án và khó có thể tiếp tục quanh co chối tội, hai cựu tướng đồng loạt thông báo bệnh để không dự xét xử.

Tòa thông báo, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa “đã nộp xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe và hiện đang phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ”. Ông Phan Văn Vĩnh thì được LS Huyền Trang đề nghị cho thân chủ “vào phòng y tế vì lý do sức khỏe. Chủ tọa đồng ý yêu cầu này”.

Làm tướng công an “bảo kê” tội phạm, nhưng cựu tướng Phan Văn Vĩnh “xin” mức án thấp nhất trong khung hình phạt, theo báo Dân Trí. LS bào chữa nêu các lý do: Ông Vĩnh quá thụ động và… tin vào cấp dưới, để mặc cấp dưới lộng hành. Không lẽ tướng tá CS quen dùng luật rừng mà lại có lúc ngây thơ như vậy?

Ở một diễn biến khác, hai cựu tướng công an sẽ bị điều tra về nhận hối lộ, theo báo Thanh Niên. VKSND tỉnh Phú Thọ cho biết, trong giai đoạn 2 của vụ án đánh bạc ngàn tỷ, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra tội hối lộ của 2 cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa và động cơ vụ lợi của họ.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người, vụ án này nhiều khả năng sẽ khép lại ở đây để không đụng đến những thế lực lớn hơn đứng phía sau, cũng để tránh làm ô uế thêm ngành công an đầy tai tiếng, như lời ông Vĩnh xin giữ chút uy tín còn lại.

Chuyện hài thời CSVN lại tiếp tục được hai cựu tướng diễn, Tướng Vĩnh ‘đưa cả tổ ong vào’ còn tướng Hóa nói có ‘não bé tham vọng to’, theo BBC. Hiện tại, dù thừa nhận tội thiếu trách nhiệm, nhưng ông Vĩnh, ông Hóa vẫn không nhận tội thông đồng tổ chức đánh bạc, họ tiếp tục nói Đông nói Tây trước tòa.

Ông Vĩnh nói: “Tôi đã đưa con ong vào trong tay áo, đưa cả một đàn ong, cả tổ ong vào tay áo mình. Tôi đã chủ quan, trách nhiệm đó thuộc về mình”. Còn ông Hóa nói: “Tạo hóa cho tôi bộ não quá bé nhưng lại cho ước mơ quá lớn trên nền nhận thức bé nhỏ để rồi vi phạm pháp luật”.


“… Cướp ngày là quan”

Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng vừa khởi tố, bắt tạm giam bà Vũ Thị Hoan, nguyên Giám đốc Công ty Yên Khánh và một số sỹ quan cao cấp, theo trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ quốc Phòng quyết định bắt tạm giam đại tá Trần Trọng Tuấn, Phó GĐ Công ty Hải Thành, thuộc Quân chủng Hải quân Hai người này bị điều tra về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Bài báo cho biết: “Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ các sai phạm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, ban hành cáo trạng truy tố, đưa ra xét xử”.

Chuyện ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai: Phó chủ tịch xã ký giấy khiến người dân mất gần 5 ha tràm, theo báo Pháp Luật TP HCM. Năm 2013, bà Trang thuê đất bà Vy đến năm 2021 để trồng cây tràm. Tuy nhiên, khi chưa hết hạn, bà Vy đòi đất. Bà Vy đã cấu kết với UBND xã để có các giấy phép, rồi ủy quyền cho bà Lan đưa máy móc, nhân lực đến khai thác hàng chục ngàn cây tràm của bà Trang mang đi.

UBND xã Xuân Hòa “hỗ trợ” vụ cướp đất này bằng cách “ký xác nhận cho khai thác cây tràm trong khi bà Lan không cung cấp được giấy đỏ, chỉ bằng một bản phôtô công chứng. Đặc biệt hơn, trên giấy đỏ phôtô đó lại không phải bà Vy đứng tên sở hữu”.


Nền giáo dục thời cộng sản

Báo Một Thế Giới đưa tin: Cô giáo bắt cả lớp tát bạn 231 cái khiến nạn nhân nhập viện“Chỉ vì học sinh lỡ nói tục trên sân trường, đội cờ đỏ nghe thấy và ghi lại, giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2 Trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) đã bắt các bạn trong lớp tát học sinh này khiến cháu nhập viện, chưa thể đến trường”.

Em N bị ảnh hưởng sức khỏe và chấn thương tâm lý nghiêm trọng. N mô tả “khi các bạn tát mạnh, em đau quá đã buột mồm văng tục, cô giáo T đứng cạnh, vung tay tát một cái cuối cùng thành 231 cái tát”. Ở các nước phương Tây, cô giáo này chắc chắn không thoát cảnh tù tội. Còn ở Việt Nam, cả nhà trường cũng đứng về phía cô giáo, bênh vực cho hành vi vô nhân tính của cô đối với học sinh.

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Cô giáo bị tố đánh học sinh gãy răng. Lãnh đạo trường THCS thị trấn Vân Đình, Hà Nội, xác nhận cô giáo đã cuộn cuốn sách và đánh vào má một học sinh làm em này gãy răng. Tuy nhiên, trường nói “nguyên nhân do răng của học sinh này đã… lung lay sẵn”. Một đất nước có nhiều nhà giáo dục là côn đồ, có thể đoán được công cuộc “trồng người” sẽ cho kết quả ra sao.

Hậu quả tất yếu của nền giáo dục chạy theo thành tích: Học sinh rối loạn tâm thần vì áp lực học hành, theo báo Pháp Luật TP HCM. BS Trần Minh Khuyên, cho biết, “HS bậc THPT, nhất là các em lớp 12 do áp lực học hành, thi cử nên dễ bị rối loạn tâm thần. Ban đầu là stress, sau đó đến lo âu và cuối cùng là trầm cảm”.



***




No comments: