Friday, November 2, 2018

BẢN TIN NGÀY 2/11/2018 (Báo Tiếng Dân)




02/11/2018

Tin Biển Đông

Tư lệnh Mỹ dự báo tiếp tục chạm trán tàu Trung Quốc trên Biển Đông, theo Zing. Ông Richardson nhận định:“Chúng ta nhìn thấy rõ Trung Quốc đang mở rộng hoạt động một cách chiến lược. Không có gì bất ngờ trước sự gia tăng các hoạt động hàng hải trong khu vực, đặc biệt là những hoạt động của hải quân Trung Quốc”.

Báo Nghệ An có bài: Philippines tránh nhắc Biển Đông để nhận đầu tư từ Trung Quốc. Bài báo cho biết: “Theo giới quan sát, Philippines sẽ tranh thủ sự ủng hộ của Bắc Kinh nhằm đạt được nhiều thỏa thuận đầu tư hơn nữa, trong thời gian Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Manila vào tháng tới”.

RFI đưa tin Biển Đông: Trung Quốc mở các trạm khí tượng ở Trường Sa. Bộ Môi Trường Trung Quốc thông báo, công trình xây dựng trạm quan sát khí quyển “Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) đã hoàn tất, “các trạm quan sát khí tượng sẽ cung cấp những thông tin kịp thời và đáng tin cậy về chất lượng không khí cho toàn bộ các quốc gia ven Biển Đông”.


Quan hệ Việt – Trung

Vụ bảy tỉnh biên giới phía Bắc được sử dụng nhân dân tệ, báo Thanh Niên dẫn lời Thống đốc Lê Minh Hưng: Cho sử dụng nhân dân tệ ở biên giới không vi hiến. Trả lời chất vấn sáng 1/11, khi được hỏi về Thông tư 19 do Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành, ông Hưng cho biết: “Chúng tôi khẳng định là Thông tư 19 với các nội dung được ban hành đã tuân thủ đầy đủ các quy định của Hiến pháp, của pháp luật, đặc biệt là luật Ngân hàng nhà nước và pháp lệnh Ngoại hối”.

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng NNVN

Thời báo Kinh Tế Sài Gòn đặt câu hỏi: NDT giảm giá – thương mại của Việt Nam có bị ảnh hưởng? Bài báo phân tích: “Việc đồng NDT giảm giá so với tiền đồng đã và sẽ phần nào làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”.

Vì sao quan chức muốn dọa dân qua chuyện đổi USD, nhưng lại buông lỏng Nhân dân tệ, các báo “lề đảng” bắt đầu viết bài trấn an theo kiểu so sánh. Báo Thanh Niên có bài: Campuchia cho phép sử dụng nhân dân tệ trong biên mậu. So sánh nhưng không tới nơi tới chốn, không nói được rằng Campuchia giờ đã để Trung Quốc can thiệp và thao túng sâu rộng đến mức nào.


Nhân quyền ở Việt Nam

Sáng 1/11, đan sĩ Thiên An tuần hành phản đối công trình xây dựng ‘phong tỏa’ đan viện, theo VOA. Linh mục Louis Gonzaga Đặng Hùng Tân nói với VOA: “Nhà dòng phải xuống đường để người ta biết là mình phản đối. Vì trước đây, người ta đã lên nhà dòng nói chuyện, xin nhà dòng được sử dụng miếng đất bên cạnh (thuộc về đan viện) để có không gian để vật liệu nhưng nhà dòng không đồng ý”.

Đan sĩ đan viện Thiên An tuần hành phản đối xây dựng trái phép trên đất đan viện. Nguồn: Fcaebook/VOA

Còn hai tháng nữa Luật An ninh mạng có hiệu lực, bộ máy truyền thông bắt đầu tìm cách trấn an dân chúng. Trang VnMedia dẫn lời Bộ Công an: Luật an ninh mạng không kiểm soát, không lộ thông tin của dân. Theo phía công an, luật này là cần thiết vì “tình trạng đăng tải thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” xuất hiện ngày càng nhiều. Khi chủ trương của đảng trái với lợi ích của dân, thì người dân phải lên tiếng phê phán thôi.

Dọn đường cho Luật An ninh mạng, ông Tô Lâm tranh thủ khoe chiến tích. Báo Infonet dẫn lời Bộ trưởng Tô Lâm: Sẽ quy định xử lý hành vi vu khống trên không gian mạng. Theo ông Tô Lâm, các lực lượng quản lý internet trong nước đã “ngăn chặn truy cập từ trong nước đối với gần 3.000 trang mạng có nội dung xấu; thanh tra xử lý các vi phạm pháp luật trong ngăn chặn cung cấp thông tin xuyên tạc”. Chế độ không vì dân thì có chặn được một vạn trang tin “lề dân” cũng không ngăn được tiếng oán thán của dân.

Trước đó, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương hỏi rằng, có xử lý được những người “dám” xúc phạm lãnh đạo không, ông Tô Lâm cho rằng, Luật An Ninh mạng sẽ trở thành vòng kim cô “chặn” hành vi chống đối, bôi nhọ, xuyên tạc trên không gian mạng. Một băng nhóm kẻ tung người hứng đang hả hê vì chúng có thêm công cụ để trói buộc dân, nhưng sự phẫn nộ và uất hận của dân thì khó có “vòng kim cô” nào trói được.

Tổ chức Freedom House đánh giá Việt Nam vẫn là nước không có tự do Internet, theo RFA. Trong phúc trình Tự Do Internet năm 2018, tổ chức này nhận định “Trung Quốc lại một lần nữa là quốc gia tệ nhất vi phạm quyền tự do Internet trong năm 2018. Việt Nam bị cho cũng nằm trong tập thể các nước theo hình mẫu Trung Quốc”.

Không biết Luật An ninh mạng có ngăn nổi người dân phê phán quan chức không, nhưng luật này đã khiến Việt Nam thuộc nhóm nước cản trở thương mại điện tử của Mỹ, theo VOA. Theo phát hiện của Hiệp hội Internet đệ trình lên Báo cáo Ước định Thương mại Quốc gia 2019 của Đại diện Thương mại Mỹ, một loạt rào cản, công cụ kiểm duyệt đã khiến Việt Nam “nằm trong nhóm thủ phạm hàng đầu cản trở thương mại điện tử của Mỹ”.

Trách nhiệm người đứng đầu

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Thủ tướng: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm những lĩnh vực yếu kém. Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng “người đứng đầu Chính phủ phải kiểm tra, đôn đốc tốt hơn các bộ trưởng và các chủ tịch UBND tỉnh”. Liệu người đứng đầu chính phủ sẽ từ chức khi hầu hết các bộ đều xảy ra yếu kém?

Báo Giáo Dục VN có bài về câu nói ví von của TT Nguyễn Xuân phúc: Đàn chim sẽ bay nhanh hơn nếu mọi con chim khát vọng vượt lên chính mình. Ông Phúc nói: “Nếu tất cả 63 tỉnh thành, tất cả chúng ta ngồi đây, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng đó, trong mọi hoàn cảnh trên từng chặng đường phát triển của đất nước thì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng…”. Do chọn sai mục đích nên chim bay hoài không tới, chứ chẳng phải do chim không biết vượt lên chính mình.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình trả lời về trách nhiệm nêu gương và cơ chế từ chức, theo An Ninh Tiền Tệ. Lại thêm một “giải pháp” sai trọng tâm, nếu không có nền dân chủ thật sự với các cơ chế giám sát quyền lực và kiểm tra chéo để người dân có thể chủ động phế truất lãnh đạo, thì được mấy quan chức tham nhũng “tự giác” nêu gương và từ chức?


Vụ kỷ luật GS Chu Hảo

BBC đặt câu hỏi: Kỷ luật GS. Chu Hảo có giúp bảo vệ Đảng? GS Nguyễn Đăng Hưng bình luận: “Bất cứ đảng nào cũng đều cần có quyết định hợp với lòng dân, hợp với thực tế, nhưng quyết định này hoàn toàn ngược lại, không có lợi gì cho Đảng… Có thể chủ ý của Ủy ban này là lấy ông Chu Hảo ra để răn đe những người khác nhưng tình hình bây giờ đã khác thời Nhân văn-Giai phẩm”.

Một nghiên cứu sinh người Việt ẩn danh ở Hoa Kỳ cho biết: “Về khả năng Ủy ban nêu trên nhận sai hoặc rút lại quyết định kỷ luật trước áp lực công luận là điều gần như không có, bởi hai lý do. Thứ nhất, cơ quan này không độc lập ra quyết định kỷ luật mà phải nhận được sự đồng thuận của Ban Bí thư và ông Nguyễn Phú Trọng”.


Thủ Thiêm và một số vụ “ăn” đất

RFA có bài: Xác định đất Thủ Thiêm ngoài ranh qui hoạch và biện pháp của TP HCM. Trước thông báo mới nhất của UBND TP HCM về sai phạm Thủ Thiêm, một người dân cho biết: “Họ làm điều đó là không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng và phó Thủ tướng Trương Hòa Bình là khiếu nại của 115 hộ dân, thực tế xác nhận chỉ có 107 hộ dân đấu tranh 20 năm không nghỉ 5 khu phố ngoài ranh mà họ cớ chi họ đem 4,3 ha họ có thỏa thuận là gì, cái đó hoàn toàn không có đúng”.

Quan chức UBND TP HCM cho biết sẽ kiểm điểm tập thể UBND TP.HCM về sai phạm ở Thủ Thiêm, theo VietNamNet. Ông Hoan nói: “Tháng 11 sẽ kiểm điểm các tập thể là tập UBND TP qua các thời kỳ, UBND Quận 2, Ban quản lý dự án khu đô thị Thủ Thiêm, UBND các phường quận 2”. Sai phạm dẫn đến hơn 20 năm sống trong oan khuất, kiện tụng của hàng ngàn dân mà chỉ cần “kiểm điểm” là được?

Zing dẫn lời ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP HCM: ‘TP.HCM thu hồi đất vàng Lê Duẩn, kiện là việc của doanh nghiệp’. Ông Hoan nói thêm: “Mình lấy lại của người ta cái đang có thì họ có quyền kiện. Còn về phía thành phố, đã làm sai thì phải sửa, phải thu hồi đất theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ”.


Vụ “xẻ thịt” đất rừng Sóc Sơn

Trưởng phòng TN-MT huyện Sóc Sơn bàn về hướng xử lý các công trình vi phạm đất rừng Sóc Sơn: Cưỡng chế, thu hồi sổ đỏ, theo Zing. Ông Nguyễn Trường Giang cho biết, “sẽ không có trường hợp ngoại lệ nào trong quá trình tháo dỡ 18 công trình vi phạm trật tự xây dựng ở xã Minh Phú… Tuy nhiên, đây mới chỉ là 18/45 công trình mà huyện Sóc Sơn khẳng định vi phạm”.

RFA đặt câu hỏi về những công trình ‘xẻ thịt’ đất rừng Sóc Sơn: Có thể tháo dỡ và thu hồi quyền sử dụng đất? LS Hà Huy Sơn nhận định: “Cơ quan nào cấp sổ đỏ cho người không có hộ khẩu tại địa phương và không trực tiếp sản xuất ở đó là trái quy định pháp luật. Việc xây dựng kiên cố trên đất rừng là trái pháp luật. Cho dù xây dựng có xin phép thì việc cấp phép cũng trái pháp luật”.


Vụ cướp 20 viên kim cương

Không “ăn” được số kim cương đã cướp từ dân, chính quyền Cần Thơ đang đối mặt với áp lực phải trả lại cho dân. Báo Pháp Luật TP HCM viết: Vụ đổi 100 USD: Cần hủy việc xử phạt, trả lại 20 viên kim cương. Các chuyên gia tố cáo chính quyền Cần Thơ cố tình vi phạm pháp luật để chiếm đoạt tài sản của tiệm vàng Thảo Lực.

Số kim cương có giá trị ước tính hơn nửa tỷ đồng. Rõ ràng hành động cướp kim cương và phạt người đổi USD tại tiệm vàng đã đạt được những mục đích nhất định. Trong bối cảnh ngân sách cạn kiệt, đây là cách để hù dọa dân chuyển USD và tài sản bằng vàng, kim cương vào ngân hàng do đảng cộng sản quản lý.

Về phía người bị cướp, chủ tiệm vàng Thảo Lực chính thức nộp đơn khiếu nại. Báo Một Thế Giới cho biết: “Trong lúc Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ giao Công an TP.Cần Thơ chủ trì, cùng các cơ quan chức năng rà soát lại quy trình xử lý tiệm vàng Thảo Lực, thì chủ tiệm cũng chính thức gửi đơn khiếu nại đến UBND TP.Cần Thơ”. Nạn nhân vụ cướp có chủ đích lại không thể kiện chính quyền, mà chỉ khiếu nại.


Bê bối trong ngành giáo dục

Vụ trường THPT Nguyễn Trãi ở Thanh Hóa đuổi học 7 học sinh. Lãnh đạo sở Giáo dục tỉnh này đã chỉ đạo thu hồi quyết định đuổi học 7 học sinh xúc phạm giáo viên. Quyết định trước đó được đưa ra khi giáo viên xem trộm điện thoại của một em học sinh, và cho rằng các em nói xấu thầy cô. Hình thức kỷ luật cao nhất đối với các em là đuổi học 1 năm.

Không những không đủ căn cứ để đuổi học, việc xem điện thoại của người khác (học sinh) là vi phạm luật. Báo Việt Nam Mới đăng bài: ‘Giáo viên không có quyền tự ý xem điện thoại của học sinh’. Bài viết dẫn lời luật sư Đặng Văn Cường khẳng định, “theo Bộ luật dân sự 2015, giáo viên không có quyền tự ý mở, truy cập vào điện thoại, tài khoản cá nhân của học sinh”.  

Báo VnExpress đưa tin: Một trường đại học ở Sài Gòn cấm sinh viên ‘nói xấu’ thầy cô trên Facebook. Trường đại học Tài Chính – Marketing vừa ban hành quy tắc ứng xử của sinh viên, trong đó có nội dung cấm sinh viên sử dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, diễn đàn mạng để đăng tin, bình luận và bày tỏ quan điểm về các vấn đề của nhà trường, giảng viên và cán bộ nhân viên. Nhiều sinh viên lo lắng khi quy tắc này lập lờ, rằng thực tế nếu đúng cũng dễ bị chụp mũ.

Báo Tuổi Trẻ  bàn về dự thảo về kỷ luật sinh viên bán dâm: Trách nhiệm không riêng ngành giáo dục. Bài viết nhận định: “Chúng ta đã tạo ra một cơ chế trong việc ban hành và kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng cơ chế này không hiệu quả. Và tôi dám chắc rằng: rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan khác cũng có ‘hoàn cảnh’ như Thông tư 10 này”.


***







No comments: