Tuesday, November 13, 2018

BẢN TIN NGÀY 13/11/2018 (Báo Tiếng Dân)




13/11/2018

Tin Biển Đông

Trang VnMedia bàn về tình hình quân sự hóa Biển Đông – nguy cơ bất ổn lớn nhất hiện nay. Theo đó, xu hướng các nước tham gia tranh chấp Biển Đông gia tăng xây dựng lực lượng và quân sự hóa vùng biển này “là nguy cơ bất ổn lớn nhất hiện nay và đang diễn ra nhanh chóng, không chỉ bởi sự gia tăng hiện diện các lực lượng trên mặt biển, mà cả dưới đáy biển và trên không”.

Mỹ kêu gọi Trung Quốc gỡ bỏ tên lửa lắp đặt trái phép tại quần đảo Trường Sa, theo báo Giáo Dục Việt Nam. Bài viết dẫn lời chuyên gia Alexander Neill từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế phân tích rằng chuyện “triển khai các tên lửa chống hạm YJ-12 hay tên lửa phòng không HQ-9 có nghĩa là, trên thực tế Trung Quốc đã có khả năng chống tiếp cận”.

Trang Viet Times đưa tin: Mỹ tập trung đối phó “vành đai – con đường” của Trung Quốc. Bài viết lưu ý chuyện Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence tuyên bố chính phủ nước này sẽ viện trợ kinh tế 60 tỷ USD cho các nước trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương để chống lại chiến lược “vành đai – con đường” của Trung Quốc, đồng thời tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực.

Nhân sự kiện này, một số cư dân mạng nhắc lại chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đó đã tuyên bố ủng hộ chiến lược “vành đai – con đường” của Trung Quốc. Bây giờ ông Phúc có muốn nuốt lời cũng không kịp nữa.


Xét xử đường dây đánh bạc do hai tướng công an bảo kê

Ngày 12/11, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin vụ xét xử các hai cựu tướng CA Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, cùng 90 đồng phạm trong đường dây đánh bạc ngàn tỷ. Báo Dân Trí có bài: 2 cựu tướng bị cáo buộc bảo kê cho 2 ông trùm thu hàng nghìn tỷ. Theo bản cáo trạng, “việc sống còn trong vận hành game đánh bạc của Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm hoàn toàn phụ thuộc quyết định vào Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa”.

Trong phiên xử sáng 12/11, bị cáo Phan Văn Vĩnh đề nghị không đăng bản án lên cổng thông tin của tòa, theo báo Dân Trí. Khi HĐXX thông báo, các bị cáo có quyền từ chối công bố bản án lên cổng thông tin điện tử của TAND tỉnh Phú Thọ, bị cáo Phan Văn Vĩnh lập tức đề nghị như trên.

HĐXX nói thêm: “Chỉ cần 1 bị cáo yêu cầu không đăng tải bản án lên cổng thông tin điện tử của TAND tỉnh Phú Thọ thì tòa sẽ không đăng lên và không phải hỏi thêm các bị cáo khác”. Dư luận nghi ngờ tình tiết này, phải chăng người ta đang cố tình nhằm giữ “thể diện” cho ngành công an vốn đã đầy tai tiếng?

Các bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (áo khoác đen, sơ mi trắng), Phan Sào Nam (sơ mi trắng) trong phiên xử ngày 12/11. Nguồn: VOV

Báo VnExpress có bài: Ý kiến trái chiều khi ông Vĩnh đề nghị không đăng bản án trên mạng. Nhiều LS không đồng tình với quyết định có dấu hiệu dung túng của HĐXX, LS Vũ Quang Đức phân tích, “nếu ông Vĩnh không nói rõ lý do mà chỉ từ chối, tòa lại chấp nhận thì không hợp lý, bởi theo quy định nếu người nào không đồng ý thì phải cho biết lý do”, ở đây HĐXX không cần biết lý do đã vội đồng ý đề nghị của ông Vĩnh.



Đáng chú ý, bản cáo trạng có dấu hiệu bao che, cố tình áp dụng tội danh nhẹ nhất cho 2 cựu quan chức ngành công an. BBC đặt câu hỏi: Tòa có bỏ sót tội tướng Vĩnh, tướng Hóa?LS Trần Vũ Hải “nhắc lại với BBC phần bình luận trước phiên tòa mà ông viết hồi tháng 7/2018 rằng dường như cơ quan điều tra đã bỏ sót một số tội danh với tướng Vĩnh và tướng Hóa”.

LS Hải phân tích, các ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa có vai trò “bảo kê”, thậm chí là “đề xướng tổ chức” rất quan trọng trong đường dây, cơ quan điều tra cố tình bỏ sót “một số tội danh đối với ông Vĩnh và ông Hóa, như: Tội lạm quyền trong thi hành công vụ, tội tổ chức đánh bạc, tội không truy cứu trách nhiệm hình sự”.



TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng tham nhũng hay nhận vơ?

VOV đưa tin: Khánh thành trường học ở Lào – quà tặng của TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng. Bài báo cho biết: “Trường Phổ thông Trung học Sithanaxay là quà tặng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm Lào tháng 11/2016“, đã được khánh thành và đưa vào sử dụng hôm 11/11/2018.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Lào năm 2016. Bên trái là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Volachith. Ảnh: TG&VN

Công trình này có kinh phí 30 tỉ đồng, gồm 8 phòng học, 2 phòng thí nghiệm, 8 phòng làm việc cho giáo viên, khu nhà vệ sinh, hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy. Nếu là tiền của cá nhân ông Trọng bỏ ra, cần làm rõ số tiền 30 tỉ này ở đâu ra, trong khi lương của ông hàng tháng chỉ hơn 18 triệu đồng?

Nếu đây là tiền thuế của dân, ông Trọng không thể nhận vơ, nói là tiền của ông được. Nhà báo Đỗ Cao Cường viết: “Đó là tiền của dân đen, nếu không xin phép họ thì cũng đừng nên nhận vơ vào mình như thế chứ, mà nếu là của các ông thật thì đó sẽ là tiền đi ăn cướp, giết người, nó đã được trộn cùng với máu và nước mắt của dân đen đó thưa các ông!


“Đốt lò” ở miền Nam?

Báo Nhà Đầu Tư đặt câu hỏi: Ông Tất Thành Cang chỉ đạo bán 32ha đất Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai như thế nào? Bài viết phân tích, Công ty Tân Thuận khó có thể đơn phương quyết định chuyện bán hơn 32ha đất Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá chỉ hơn 419 tỷ đồng, chắc chắn phải có “lệnh” từ cấp trên.

Đáng lưu ý, “ngày 1/6/2017, Văn phòng Thành ủy có Thông báo số 512-TB/VPTU, thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận được chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai”.

Báo Nhà Đầu Tư có bài: ‘Vỡ mộng’ dự án Phước Kiển và vận hạn của Quốc Cường Gia Lai. Bài viết nhắc lại kết luận bước đầu của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về trách nhiệm của ông Tất Thành Cang: “Ông Cang chấp thuận chủ trương chuyển nhượng đất đã đền bù của Công ty Tân Thuận và chấp thuận chuyển nhượng cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định của pháp luật”.

Có người cho rằng chiến dịch “đốt lò” ở miền Nam vẫn tiếp diễn, kể cả khi ông Cang được bổ nhiệm làm Trưởng ban chỉ đạo hòa giải, đối thoại tại tòa án hai cấp ở TP HCM. Ông Đinh La Thăng trước khi trở thành “củi” vẫn được làm Bí thư Thành ủy TP HCM. Có vẻ như một số báo đã bắt đầu “dọn đường”.

Báo Người Việt có bài: Truyền thông tấn công ‘đệ ruột’ Lê Thanh Hải, nhưng né ‘trùm cuối’. Bài viết lưu ý hiện tượng báo chí “lề đảng” công kích ông Nguyễn Hữu Tín sau khi ông này bị khởi tố lần 2, nhưng lại né “cấp trên” của ông là cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải. Một loạt sai phạm của ông Tín không thể được dung túng lâu như vậy nếu không có UBND TP và Thành ủy hỗ trợ.

Đây có thể là “chỉ dấu CSVN sẽ tiếp tục sờ gáy những quan chức chủ chốt trong vụ sai phạm đất đai Thủ Thiêm, mà hai người được công luận chờ đợi bị nêu tên nhiều nhất là ông Lê Thanh Hải và Tất Thành Cang”.



Tham nhũng tràn lan

Báo Người Lao Động đưa tin: Bất thường trong đấu giá đất “vàng”. Lô đất gần 58.000 m2 được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn ký duyệt bán đấu giá với giá trị khoảng 7,5 triệu đồng/m2, trong khi giá trị thật dao động từ 15 đến 23 triệu đồng/m2, vị trí mặt đường giá 50 triệu đồng/m2. Tính ra, nếu trót lọt, bà Thìn và doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ chia nhau, bỏ túi số tiền lên đến cả ngàn tỷ đồng. 

VOV đặt câu hỏi: “Cán bộ tham nhũng mà rao giảng về chống tiêu cực thì ai nghe?”. Chẳng lẽ cộng sản tự diệt cộng sản để “chống tham nhũng”? Không bao giờ có chuyện chống tham nhũng, nhưng người dân vẫn bị lừa bởi các khẩu hiệu, hô hào chống tham nhũng của CSVN. Chính đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng là tay đại tham nhũng quyền lực, thì từ trên xuống dưới, ai chống ai, và chống cái gì? Chỉ là những màn đấu đá phe phái mang vỏ bọc chống tham nhũng, đốt lò đẹp đẽ cho dân xem.


Chuyện quỹ BHXH bưng bít đến khi nào?

Trang Diễn Đàn Doanh Nghiệp đưa tin: BHXH Việt Nam thông tin về vụ việc Công ty Cho thuê Tài chính II. Công văn của BHXH Việt Nam viết “đúng quy trình”: “Vụ việc xảy ra cách đây 10 năm và đã có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các tập thể, cá nhân có liên quan đã bị xử lý kỷ luật theo quy định”,  nếu chỉ dựa trên thông tin từ công văn này thì người dân không thể biết lương hưu của họ thực ra còn hay mất.

Ông Lê Bạch Hồng, cựu Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH bị bắt, nhưng thông tin về tình hình bất ổn của Quỹ BHXH Việt Nam vẫn rất hạn chế. Theo một nhà báo độc lập từng làm việc cho báo đảng, chắc chắn có sự can thiệp của ban Tuyên giáo trung ương, chỉ đạo truyền thông trong nước ngưng đăng các bài viết về BHXH.

Bên cạnh chuyện làm nhiễu thông tin, các quan chức BHXH Việt Nam cố gắng trấn an người dân bằng mọi cách. Báo Lao Động có bài phỏng vấn Phó Tổng GĐ BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh: Liên quan đến Nguyên Tổng giám đốc BHXH Việt Nam bị khởi tố: Quyền lợi người tham gia BHYT, BHXH luôn được bảo đảm.

Ông Đào Việt Ánh nói: “Quỹ BHXH luôn được quản lý tốt dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, được thanh tra, kiểm toán định kỳ theo quy định của pháp luật. BHXH Việt Nam khẳng định trong mọi trường hợp quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT luôn được đảm bảo theo quy định của pháp luật”.

Chuyện bắt hai cựu giám đốc BHXH rất có thể nhằm đổ tất cả tội lỗi lên 2 ông này và đánh lạc hướng vấn đề lớn hơn. Số tiền hơn 1.000 tỷ cho ALCII vay không thấm vào đâu so với con số 324.000 tỷ chính phủ đã vay và “khéo léo” chuyển thành trái phiếu vào cuối năm 2017.


Sai phạm tại doanh nghiệp nhà nước

Báo Dân Trí đưa tin: Loạt dự án lỗ nghìn tỷ của Vinachem: Đồng thanh xin “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Tập đoàn hoá chất Việt Nam vừa tổng hợp báo cáo của các công ty con, thông qua nội dung “tự kiểm điểm” của các lãnh đạo: Phó tổng GĐ Vinachem, cựu Phó tổng GĐ Tổng công ty Hoá chất Việt Nam; cựu Tổng GĐ Tổng công ty; cựu Tổng GĐ Tập đoàn.
Sai phạm của các cá nhân trên là để xảy ra thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng ở các công ty thành viên. Mặc dù đã “rút kinh nghiệm sâu sắc”, nhưng đến nay các dự án lỗ vẫn lỗ; những bê bối vẫn chưa được giải quyết.


Việt Nam chính thức thông qua CPTPP

Báo Dân Trí đưa tin: Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ 7 thông qua “hiệp định thế kỷ” CPTPP. Chiều 12/11, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tỷ lệ tán thành “đúng quy trình” 100%.

Song song với việc phê chuẩn gia nhập CPTPP, chính quyền Việt Nam cũng đang lên phương án ứng phó với tác động của hiệp định kinh tế này. Những tác động được dự báo sẽ gây khá nhiều khó khăn cho nền kinh tế yếu kém trong nước. Việt Nam liệu có cải cách thể chế, pháp luật… để phù hợp với cuộc chơi?

BBC đặt câu hỏi về chuyện ký kết CPTPP: Việt Nam có lợi gì? Bài viết lưu ý: Hiệp định CPTPP có quy định “ngăn không cho DNNN ưu đãi cho các công ty địa phương. Mục đích là để cho phép các công ty nước ngoài cạnh tranh tốt hơn với các DNNN”. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước trước giờ nhận được quá nhiều ưu đãi bởi một loạt mối quan hệ giờ có chịu cạnh tranh công bằng?


Công an cũng là côn đồ

Báo Lao Động đưa tin: Lại thêm người dân nhập viện sau khi Công an mời làm việc. Bài viết dẫn lời nạn nhân bị công an thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, đánh: “Sau khi nhốt tôi vào phòng kín, họ thay nhau đánh đập. Khi tôi qùy xuống, họ tiếp tục túm tóc tôi, đánh vào đầu và mặt. Mãi đến khi tôi ngất, họ mới đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Quốc”.

Sau khi đến bệnh viện, ông Q.H lại bị đưa về nơi tạm giữ. Sau đó ông Q.H xuất hiện các dấu hiệu bất thường, phải chuyển nhập viện. Bệnh viện Đa Khoa Phú Quốc xác định ông Q.H bị chấn thương ở vùng đầu, vùng bụng, ngực, mạn sườn. Lãnh đạo công an Kiên Giang cho biết đã chỉ đạo điều tra. Trước đó, hồi tháng 1, công an thị trấn Dương Đông đã gây phẫn nộ khi tổ chức bêu tên, làm nhục những phụ nữ bán dâm giữa chợ.

Báo Đất Việt đưa tin: Đại úy CSGT mất nghiệp vì mượn 3 tỷ không trả. Đại úy Nguyễn Thanh Liêm, cán bộ Đội CSGT số 2, Phòng CSGT, Công an tỉnh Tiền Giang cầm cố thẻ đảng, lừa mượn tiền nhiều người với số tiền lên đến 3 tỷ đồng. Không thể bưng bít được, công an tỉnh Tiền Giang buộc đuổi Liêm khỏi ngành.


Giáo dục đi vào ngõ cụt

VOV đặt câu hỏi về đề xuất bỏ miễn học phí ngành sư phạm: Tránh lãng phí, thu hút sinh viên giỏi? Sinh viên VN có câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Phần lớn sinh viên sư phạm lựa chọn trở thành giáo viên tương lai bởi vì không thể trúng tuyển những ngành có thu nhập khá hoặc không đủ tiền học trường tư.

Tỷ lệ sinh viên sư phạm ra trường có việc làm trong 3 tháng chỉ đạt 50%. Vấn đề mấu chốt không phải vì miễn học phí, mà là bảo đảm việc làm cho sinh viên và lương giáo viên đủ sống để thu hút người giỏi. Hai việc này chưa được giải quyết thì có cải cách kiểu gì cũng chỉ là gạt dân, loay hoay giữa vũng lầy.

Báo Dân Trí đặt câu hỏi: Cấm lạm thu, trường vẫn tìm cách “móc túi” phụ huynh? Bất chấp quy định những khoản không được thu, trường THCS Đông Thọ, TP Thanh Hóa vẫn cố tình thu tiền rồi tìm cách hợp thức hóa sai phạm. Đặc biệt, những khoản thu đều không được bàn bạc với phụ huynh, cũng như không có biên bản thể hiện các khoản thu. Khi bị người dân tố cáo, phóng viên hỏi, hiệu trưởng trường THCS Đông Thọ lấp liếm, quanh co.


***







No comments: