Saturday, November 10, 2018

BẢN TIN NGÀY 10/11/2018 (Báo Tiếng Dân)




10/11/2018

Tin Biển Đông

Báo Dân Trí có bài: Nguy cơ tàu chiến Mỹ – Trung chạm trán căng thẳng trên Biển Đông. Bài viết lập luận: “Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung vào các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh với toàn bộ Biển Đông và các nỗ lực của Mỹ nhằm thách thức các yêu sách này. Hai bên đều giữ lập trường kiên định của mình”, cho nên khả năng Biển Đông “hạ nhiệt” lúc này là không khả thi, tình hình căng thẳng vẫn tiếp diễn.

Mỹ yêu cầu Trung Quốc dừng quân sự hóa Biển Đông, theo VOV. Trong cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh Mỹ-Trung tại thủ đô Washington ngày 9/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo “bày tỏ lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc bao gồm quân sự hóa khu vực Biển Đông và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ các cam kết trước đây của mình đối với khu vực này”.

Trang Infonet đặt câu hỏi: Tàu chiến nước ngoài “ùn ùn” tới Biển Đông, thông điệp gì cho Trung Quốc? Trong khi các cường quốc như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Canada liên tục gửi tàu chiến đến Biển Đông thực thi quyền tự do hảng hải, Việt Nam, một trong các nước có quyền lợi trực tiếp ở khu vực này, vẫn im lặng.


Tin nhân quyền

VOA dẫn lời bà Anne Marie Von Arx-Vernon, một dân biểu Thụy Sĩ: “Ông Tô Lâm nên trả tự do cho bà Trần Thị Nga”. Trong thư gửi ông Tô Lâm, bà Arx-Vernon yêu cầu “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà hoạt động Trần Thị Nga”, đồng thời kêu gọi lãnh đạo VN “tôn trọng quy tắc của LHQ trong việc đối xử với tù nhân lương tâm, cũng như yêu cầu ngưng việc chuyển trại bà Nga đến những nơi xa gia đình”.

Tòa án Đồng Nai y án sơ thẩm 15 người biểu tình chống dự luật Đặc khu, theo RFA. Tòa phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo của 15 người này và giữ nguyên mức án sơ thẩm được tuyên hồi cuối tháng 7. Dù họ biểu tình bằng chính lá cờ của chế độ, họ vẫn không thoát tội “gây rối trật tự công cộng”.

LS Nguyễn Văn Miếng, một trong ba LS bào chữa, cho biết: “Trong phiên tòa ngày hôm nay họ đều nói là biểu tình vì lòng yêu nước. Có bị cáo Phạm Ngọc Huyền dù chỉ làm công nhân thôi nhưng đã nói là ‘nước mất thì nhà tan nên tôi đi biểu tình’.”

RFA đưa tin vụ cưỡng chế Chùa An Cư theo Giáo hội Phật giáo VN Thống Nhất tại Đà Nẵng. Ngày 9/11, chùa này “bị lực lượng chức năng địa phương cưỡng chế. Hòa thượng Thích Thiện Phúc, vị trụ trì Chùa An Cư, phải miễn cưỡng giao Chùa cho đoàn cưỡng chế để về Huế xin tá túc”.

Hòa thượng Thích Thiện Phúc nhận định với RFA về tình hình đàn áp tôn giáo trong chế độ CSVN: “Biết và đọc được ý nghĩ của họ là họ sẽ tìm cách phá tất cả các cơ sở của Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất. Họ không muốn tồn tại. Các thành viên của Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất thì bị họ đàn áp khốc liệt”.

Song song với hành động đập phá nhà chùa là hành vi cướp đất nhà thờ. Nhà báo độc lập J. B Nguyễn Hữu Vinh viết: Tổng Giáo phận Hà Nội phản đối việc chiếm cướp đất nhà thờ tại 29 Phố Nhà Chung. Theo đó, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã gửi đơn Kiến nghị do Đức Hồng y Phê rô Nguyễn Văn Nhơn và Đức Giám mục Phụ Tá Laurenxo Chu Văn Minh ký tên thay mặt hàng linh mục gửi lãnh đạo TP Hà Nội để phản đối “việc chính quyền Hà Nội đã ngang nhiên xây dựng trên đất đai và cơ sở của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội”.

Vụ 20 năm xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Đào Văn Sáu, tại xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, Truyền hình Pháp Luật VN có clip: https://www.facebook.com/Vptruyenhinhplhn/videos/2145231749073141/


Công an và “nghiệp diễn”

Dư luận đang xôn xao trước clip ghi lại cảnh cán bộ cảnh sát giao thông “diễn” pha té ngã “diêu luyện” khi đang làm việc với người dân. Đang tranh luận với một thanh niên, một CSGT đột nhiên té ra phía sau, sau đó một cảnh sát trật tự đến khóa tay, vô cớ bắt thanh niên này đi. Một thanh niên quay phim tại hiện trường bị CSGT cản trở, đuổi theo giật điện thoại.

Facebooker Thằng Nhà Quê chia sẻ clip nói trên: https://www.facebook.com/nhaque.nguoi.14855/videos/156893881936020/

Báo Lao Động đưa tin: Tranh cãi CSGT xử lý vi phạm ở Quy Nhơn. Trả lời về vấn đề cố tình ngã để đổ tội, bắt người dân vì chống người thi hành công vụ, lãnh đạo Công an TP Quy Nhơn cho biết: “Chuyện này cũng không rõ ràng, vì bình thường có thể anh này (CSGT) đứng rồi té hoặc trượt chân. Bởi vì, lý do chống người thi hành công vụ thì đâu cần CSGT phải té ngã ra mới là quy cho chống người thi hành công vụ”.

Tuy nhiên, gần như ngay sau đó, Công an TP Quy Nhơn đính chính, thiếu úy Đinh Công Hoàng Linh đã bị thúc cùi chỏ rồi mới ngã ngửa ra phía sau, không có chuyện anh này tự ngã. Theo bài báo: CSGT “tự té ngã ra đường” là do bị chỏ vào người (!?) từ báo Sài Gòn Giải Phóng, phía công an cũng cho biết sẽ mời người đăng clip lên làm việc với lý do: “Đăng tải lên như vậy làm cho dư luận trái chiều, nhìn từ một phía thôi”.

Dư luận mạng xã hội và phần lớn độc giả bình luận =trên các báo “lề đảng” đều cho rằng, tay CSGT cố tình diễn, nếu không có clip này thì chắc chắn một người vô tội lại trở thành tội phạm bởi “luật rừng” ở Việt Nam. Đây không phải là trường hợp cá biệt, trước đó rất nhiều clip ghi lại cảnh “diễn” tài tình của công an để lấy cớ ghép tội, bắt người dân.


ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng và chế độ công an trị

Báo Người Lao Động dẫn lời ĐB Lưu Bình Nhưỡng: “Tôi nghiêm túc chấp hành và chờ ý kiến của Đảng đoàn QH”. Chiều 9/11, trao đổi với báo chí, ông Nhưỡng nói: “Đảng uỷ Công an Trung ương đã có văn bản đề nghị Đảng đoàn QH xem xét một số vấn đề liên quan… đề nghị các bạn không đăng tải những vấn đề này nữa để chờ ý kiến, quyết định của Đảng đoàn QH”.

Vậy là ông Nhưỡng buộc phải im lặng và nhường quyền phát ngôn cho các lãnh đạo ở thượng tầng chế độ. Ông không thể chống lại sự tha hóa của một bộ máy khi ông vẫn đang là một bộ phận trong chính bộ máy đó.  

Trang Infonet dẫn lời GS Nguyễn Minh Thuyết: “ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng và Bộ Công an nên đối thoại trên tinh thần xây dựng”. Theo đó, ông Thuyết không hoàn toàn đứng về phía bên nào và đề nghị Đảng đoàn QH sớm có quyết định dứt khoát trong chuyện này, “tránh để ngành khác bắt chước”.

Trong tình hình ông Nhưỡng buộc phải “xuống nước”, RFA liên hệ với luật An ninh mạng: “Tất cả trở thành nô lệ tuyệt đối của công an, kể cả Quốc Hội”. Theo đó, nhiều người cho rằng Bộ Công An đang sử dụng quyền lực ngày càng tăng của họ để “trả đũa” “vị ĐBQH có tâm huyết là ông Lưu Bình Nhưỡng”.

Bài viết lưu ý: Trong khi cộng đồng mạng xã hội ủng hộ hành động nói thẳng, nói thật của ông Nhưỡng, “thì truyền thông chính thống tập trung đăng tải nhiều thông tin phản bác đối với vị ĐBQH của tỉnh Bến Tre, mà nhiều người cho rằng do Bộ Công An chỉ đạo”.


Vụ cướp đất kéo dài hơn hai thập kỷ ở Thủ Thiêm

RFA đặt câu hỏi: Vì sao dân Thủ Thiêm bác bỏ đề xuất của lãnh đạo sau mọi tiếp xúc? Mục sư Nguyễn Hồng Quang cho biết kết quả buổi làm việc ngày 7/11 của lãnh đạo TP HCM với dân oan Thủ Thiêm: “Chúng tôi phản đối ngay tức khắc, ngay từ đầu là chúng tôi ngoài ranh chứ không phải trong ranh và thứ hai chúng tôi không đồng ý với kết luận 1483. Đó là cơ sở cho Ủy ban giải quyết Đô thị mới thủ thiêm”.

Ông Lê Văn Lung, một dân oan Thủ Thiêm khác, lưu ý: “Đô thị Thủ Thiêm này cho đến bây giờ chưa có cuộc thanh tra nào. Thanh tra Chính phủ chưa bao giờ dám nhảy vô thanh tra vụ đô thị Thủ Thiêm này mặc dù người dân chúng tôi tố cáo”. Điều đó cho thấy quyền lực của phe cánh Lê Thanh Hải ở miền Nam vẫn còn lớn thế nào.

Báo Người Việt có bài bàn về hình ảnh ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp dân Thanh tra Chính phủ trong buổi tiếp dân Thủ Thiêm: Đeo đồng hồ Rolex, cầm xì gà tiếp dân Thủ Thiêm, vẫn được khen ‘là người tốt’. Bài viết dẫn lời nhà báo Nguyễn Trường Uy, bình luận: “Việc ông cầm điếu xì gà khi thực thi công vụ, đặc biệt là gặp dân Thủ Thiêm đang oan khổ, thì đó là hình ảnh rất phản cảm, ông Điệp!”


Sai phạm đất đai tại Phú Quốc

Báo Thanh Tra bàn về “chuyện lạ tại Phú Quốc”: Ngang nhiên xây dựng nhà kiên cố trên đất rừng phòng hộ nhưng không bị xử lý. Chính quyền huyện Phú Quốc cấu kết với bà Tống Kim Ngọc ngang chiến chiếm dụng hơn 8,4 ha đất rừng phòng hộ. Phần lớn số đất chiếm, bà Ngọc xây dựng nhà kiên cố. Khi chính quyền xã kiểm tra, bà Ngọc trưng ra các loại giấy tờ giả. Sau đó xã chỉ ký quyết định xử phạt hành chính.


Chuyện khó tin, nhưng có thật: Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam

Ngày 8/11, Bộ Nội vụ đã trao quyết định thành lập Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Cùng ngày, lễ thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam chính thức diễn ra tại trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương. Tham dự buổi lễ gồm có đại diện lãnh đạo Vụ địa phương 2, Văn phòng Trung ương Đảng; lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Ảnh: FB Võ Đắc Danh

Nhiệm vụ chính của Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam là gì?Báo Việt Nam Mới cho biết, một trong những hoạt động chính của Hiệp hội này là “tuyên truyền nâng cao ý thức xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn; phổ biến và áp dụng những thành tựu mới trong lĩnh vực khoa học kĩ thuật và quản lí để nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, duy trì, bảo dưỡng nhà vệ sinh...”


Cấm mua bán thuốc Trung Quốc làm từ thịt người

Trang VietNamNet có bài: Bộ Y tế thông tin về thuốc Trung Quốc làm từ thịt người. Về “hàng trăm ngàn viên thuốc làm từ thịt người đã lưu hành tại Nigeria”, trước câu hỏi về khả năng loại thuốc hãi hùng này xuất hiện ở Việt Nam, Bộ Y tế không khẳng định hay phủ nhận, chỉ “khuyến khích người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”.

Công văn Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, gửi Công văn gửi sở Y tế các tỉnh, thành phố. Ảnh: 24h


Cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng và các quan chức BHXH Việt Nam bị bắt

Báo Dân Việt đưa tin: Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Thứ trưởng Lê Bạch Hồng. Hôm qua, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Bạch Hồng, cựu Thứ trưởng Bộ Lao Động- Thương Binh xã hội, cựu Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội VN.

Cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng. Ảnh: Báo Tiền Phong

Ngoài ông Hồng, còn có ba nhân vật khác cũng bị bắt và bị khởi tố, gồm:  ông Nguyễn Huy Ban, cựu Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; ông Trần Tiến Vỹ, cựu Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Ban Kế hoạch Tài chính BHXH Việt Nam; ông Hoàng Hà, cựu Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Ban Kế hoạch Tài chính BHXH Việt Nam, tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Điều 165, BLHS năm 1999.


Đảng viên sai phạm

Báo Người Lao Động đưa tin: Cán bộ huyện “vòi” 100 triệu đồng bị đình chỉ chức vụ trong Đảng. Ông Lê Văn Tuyên, giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Hà Trung, đã bị đình chỉ tư cách huyện ủy viên và bí thư chi bộ, sau khi ông này bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú để làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Báo Thanh Niên đưa tin: Khởi tố giám đốc Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho. Theo đó, “Giám đốc, kế toán trưởng và 4 cá nhân khác của Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho bị khởi tố để điều tra hành vi tham ô tài sản”. Các đảng viên trên đã lập hồ sơ khống, chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng.


Ngân sách bội chi

Về tình hình bội chi ngân sách, báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp có bài: Xử lý nghiêm các vi phạm về ngân sách nhà nước. Bội chi ngân sách năm 2018 dự kiến là 204.000 tỷ đồng, bằng 3,7% GDP. Tính đến hết tháng 8, ngân sách chi 61% để nuôi bộ máy cầm quyền. Chi cho đầu tư phát triển chỉ ở mức 26%. Chi cho giáo dục, y tế, an sinh xã hội rất thấp.

Ngân sách cạn kiệt, chính quyền tìm cách xoay bằng thu hút vốn vốn ODA: Tập trung nguồn vốn ODA vào một số lĩnh vực chủ chốt, theo Tạp chí Tài Chính. Giờ các “đồng chí” cảnh báo lẫn nhau: “Vốn vay ưu đãi chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên”. Trong bối cảnh Việt Nam không còn được viện trợ và các khoản vay ưu đãi, nguồn ODA nhỏ bé chỉ là cứu cánh nhất thời cho chế độ CSVN.


Ô nhiễm môi trường
Báo Thanh niên đưa tin: Phú Quốc ‘đau khổ’ vì rác nội lẫn rác ngoại khi chưa có nhà máy xử lý. Phú Quốc là một trong những địa phương chịu ô nhiễm rác thải nhất cả nước. Là hòn đảo du lịch nhưng Phú Quốc không có nhà máy xử lý rác thải. Vì thế, người dân và du khách phải sống chung với ô nhiễm. Ô nhiễm dẫn đến suy thoái nguồn lợi biển, đe dọa sự sinh tồn của sinh vật, ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch.


***






No comments: