Wednesday, May 11, 2016

VÀI SUY NGHĨ VỀ "ĐẠI VỆ CHÍ DỊ" của BÙI THANH HIẾU (Đỗ Trường)





04:44:pm 09/05/16
.
Tác giả Bùi Thanh Hiếu

Có thể nói, một vài thập niên gần đây, Đảng luôn kêu gào cởi trói cho các văn nhân, nghệ sĩ, nhưng giới cầm bút dường như vẫn không thoát ra khỏi cái thòng lọng, dây trói trong tay của Đảng. Do vậy, một số nhà văn có tư tưởng tự do, công lý còn ở trong nước buộc phải sử dụng những thủ pháp nghệ thuật độc đáo riêng, lách ra khỏi cái vòng kim cô ấy, nhằm đưa được tác phẩm của mình đến với người đọc. Những cây bút ấy tuy không nhiều, nhưng tư tưởng cũng như sự can đảm của họ đã vượt qua sự suy nghĩ của rất nhiều người. Trong số đó phải kể đến nhà văn Võ Thị Hảo với Giàn Thiêu, Dạ Tiệc Qủi, Phạm Thành với Hậu Chí Phèo, Cò Hồn Xã Nghĩa, Văn Biển với Que Diêm Thứ 8… Và gần đây nhất cuốn Đại Vệ Chí Dị của Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) do nhà xuất bản Vipen (Berlin) in ấn, tác giả tự phát hành. Đây là cuốn sách khá dày dặn (564 trang), tôi vừa nhận được từ Tiến Sĩ Peter Knost và nhà thơ Thế Dũng đồng Giám đốc Vipen gửi tặng và yêu cầu viết lời giới thiệu.

Tuy đã gặp gỡ và khật khừ bia rượu với nhau vài lần ở nơi bạn bè, nhưng quả thật tôi chưa đọc Bùi Thanh Hiếu, ngoài mấy bài báo mang tính thời sự. Nên ngày 7 tháng 3 năm 2015 vừa qua ở Hà Nội, khi bị bắt để trục xuất về Đức, công an Việt Nam hỏi cảm nghĩ về thơ văn Bùi Thanh Hiếu, tôi không thể trả lời.

Bùi Thanh Hiếu sinh năm 1972 tại Hà Nội, thuộc thế hệ trẻ, nhưng được cho là cây viết già. Đọc Bùi Thanh Hiếu, thấy cuộc sống khổ ải đầu đời của hắn tựa như thời tuổi trẻ của tôi cũng đã phải trải qua. Nhưng cái kết, hắn trở thành giang hồ thứ thiệt (theo đúng cả hai nghĩa) còn tôi chỉ là thứ giang hồ vặt “ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà“. Tuy thế hệ, tuổi tác có cách khá xa, nhưng hiện tại hắn và tôi có đặc điểm chung nữa là: Ngồi bệt. Do vậy, khi đọc, tôi thấy cái sự đồng cảm của mình đôi lúc lấn át cả khiếm khuyết trên những trang văn của hắn.

Có thể nói, Đại Vệ Chí Dị không chỉ đưa tên tuổi Bùi Thanh Hiếu đến với bạn đọc người Việt trong và ngoài nước, mà còn đến với cả những chính khách, người ngoại quốc quan tâm đến Việt Nam.

*Bộ mặt thật của chế độ thối nát đương thời.

Nếu các nhà văn Võ Thị Hảo, Văn Biển, Phạm Thành… đã mượn cõi ảo, lấy vô hình rọi vào cái hữu hình, thì với tác phẩm Đại Vệ Chí Dị, Bùi Thanh Hiếu kéo hiện thực lùi về quá khứ để bóc trần sự thật thối nát của xã hội đương thời, và thân phận con người. Có thể khẳng định, không riêng Đại Vệ Chí Dị, mà tất cả những sáng tác của Bùi Thanh Hiếu trước đây cũng như hiện nay đều bám vào cuộc sống, xã hội và đầy ắp tính thời sự nóng hổi. Dù bút pháp, cung cách chuyển tải mỗi tác phẩm hoàn toàn khác nhau.

Có một số nhà nghiên cứu cho rằng: Bùi Thanh Hiếu đã ghi lại những gì trông thấy ở nước Vệ, triều Sản để phản ánh thực trạng xã hội Việt Nam bây giờ. Tôi không hoàn toàn đồng ý như vậy, và câu trên xin phép đổi lại vế đầu: Trong hoàn cảnh kiểm duyệt tư tưởng, sách, báo bằng an ninh và tù đày như ở Việt Nam hiện nay, buộc Bùi Thanh Hiếu phải mượn, hay vẽ ra bối cảnh, xã hội triều Sản, nước Vệ nào đó, để phản ánh, bóc trần sự thật ghê tởm đang diễn ra hàng ngày trong cung đình Cộng sản và nỗi thống khổ của tầng lớp bị trị.

Có một điều quả thật chưa rõ ràng, đến lúc này ngồi viết, tôi vẫn không nghĩ, Đại Vệ Chí Dị là cuốn tiểu thuyết, như đã được in, đánh giá trong cuốn sách. Bởi tác giả không sáng tạo (tiểu thuyết hóa) những tình tiết sự việc. Mà Bùi Thanh Hiếu đã bê nguyên xi bối cảnh, nhân vật, sự kiện hoàn toàn có thực đã và đang diễn ra dưới chế độ xã hội đương thời vào trang sách của mình. Tuy nhiên, sự trần thuật ấy được dẫn dắt bởi văn phong cổ mang dáng dấp sử ký. Với văn phong này, tác giả không chỉ dẫn dắt những độc giả lớn tuổi, mà dường như giới trẻ cũng bị cuốn hút bởi nghệ thuật gieo mầm, cài đặt cùng những tình tiết sự việc được đan xen một cách sinh động, kết thúc từng hồi, rất kịch tính khi đọc.

Tôi cho rằng, đây cũng là thủ pháp nghệ thuật đặc trưng của Đại Vệ Chí Dị. Và cùng với nó, tác giả đã rất thành công chuyển tải ý đồ của mình đến người đọc. Dù xuyên suốt tác phẩm là những câu chuyện ngoài đời, tình tiết sự việc được xâu chuỗi lại, thông qua lời kể.

Tuy được bắt đầu bằng nhân vật Tiên Đế (Hồ Chí Minh), nhưng Đại Vệ Chí Dị lại xoáy sâu vào mâu thuẫn, bè phái cũng như sự đê hèn của Đảng và chính quyền (cung vua, phủ chúa) trước dã tâm của giặc phương Bắc. Từ đó, ta có thể thấy được nỗi đau của dân tộc và thân phận rẻ mạt của con người, từ sau công cuộc được gọi là đổi mới đến nay.

Và từ đây, một lần nữa, Bùi Thanh Hiếu lại mượn bối cảnh, sân khấu cung vua , phủ chúa thời Lê- Trịnh để phơi bày dã tâm, đấu đá tranh giành quyền lực, giữa Đảng và chính quyền (giữa Tổng bí thư và Thủ Tướng). Làm người đọc phải rùng mình kinh hãi, trước sự thối nát của một chế độ độc tài với hai thế lực (Đảng và Chính phủ) đầy đủ quyền hành, ban bệ chồng chéo đang trèo đầu cỡi cổ, hút kiệt sức dân. Và nỗi thống khổ ấy càng được nhân lên, bởi chính sách cai trị không chỉ bóp, thiến dạ dày bao tử, mà còn bủa vây, bưng bít giam hãm những suy nghĩ, tư tưởng con người. Đoạn trích đưới đây, chỉ là một trong hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện đang lưu truyền trong dân gian. Nó đã được Bùi Thanh Hiếu hình tượng hóa vào trang viết của mình một cách sâu sắc, sinh động. Tuy tiếng cười là đấy, nhưng quặn lên những nỗi đau, bởi chân tướng thực sự đã được phơi bày, lòng tin của con người đã bị đánh cắp, trước sự lừa bịp cũng như mưu mô, nham hiểm của tập đoàn thống trị, ngay từ khi cướp được chính quyền. Và với tôi, có lẽ đây là đoạn văn lột mặt của sự thần tượng hóa, một cách thâm thúy nhất trong tác phẩm Đại Vệ Chí Dị:

“Quần thần xúm lại xin ngài kể rõ câu chuyện. Kính Vệ Vương kể rằng :

– Năm xưa thuở núi rừng; mưu chí lớn bình thiên hạ. Có người thuộc hạ hỏi tiên đế sau này nếu dựng được nghiệp thì trị dân thế nào? Tiên đế mới sai người đó vào rừng bắt sống một con khỉ. Bảo người ấy nhốt trong lồng, lúc đầu cho ăn hoa trái đầy đủ, càng ngày cho càng ít đi đến lúc mỗi ngày con khỉ chỉ ăn được một quả chuối, con khỉ vẫn vui vẻ vô tư. Sau đó tiên đế sai ngươi ấy đem cái lồng khỉ vào rừng. Mỗi ngày cho ăn vẫn chỉ một quả chuối.
Được 7 ngày thì con khỉ trong lồng nhăn răng ra mà chết. Người đó về tâu với tiên đế chuyện khỉ chết, tiên đế cười hà hà bảo:
– Ta nghĩ nó sống được đến 5 ngày thôi, ai ngờ lâu thế!

Người kia mới hỏi tại sao khỉ mang vào rừng cho ăn vẫn thế mà chết. Tiên đế bảo:

– Tại vì khi trước nó ăn như thế, nó nghĩ rằng cả loài khỉ cũng chỉ ăn thế. Khi bị đưa vào rừng nó thấy không phải vậy, các con khỉ khác tự do kiếm ăn, ăn uống tha hồ thoải mái, nó không được ăn thế, nó buồn rầu, tức tối rồi không làm gì thoát được cảnh đó sinh bệnh mà chết. Ấy là lẽ tự nhiên, con người cũng vậy mà thôi, nếu họ khổ mà không có gì so sánh thì tất họ nghĩ đó là lẽ đương nhiên của đất trời, số mệnh, họ hài lòng sống. Nhưng nếu họ có gì để so sánh thì tất lòng dạ sẽ sinh nghi, mầm họa từ đó sẽ mà ra. Đạo trị dân chỉ đơn giản có vậy…“ (Sách đã dẫn-trang 128)

Qua Đại Vệ Chí Dị cho ta thấy, Tác giả có trí tưởng tượng rất phong phú. Tuy bút pháp giả cổ, nhưng biến hóa khôn lường, Bùi Thanh Hiếu đã hình tượng hóa một cách điêu luyện cuộc tranh giành quyền lực giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bằng những cuộc đọ sức sống mái trên chiến trường. Có thể nói, đây là những trang viết sinh động. Nó không chỉ bóc trần được dã tâm, sự tàn bạo của chế độ Cộng sản, mà còn mang đến cho người đọc những giây phút hồi hộp và sảng khoái nhất. Đoạn trích dưới đây, chưa hẳn đã là đoạn văn tiêu biểu, nhưng với những diễn viên Trăm Xanh Nguyễn Bá Thanh, Báu Mã Phạm Qúi Ngọ và tù binh anh em nhà Dương Chí Dũng, thì sân khấu hề chèo của giới chóp bu Hà Nội đã được mở ra:

“ Bấy giờ bên Phủ Chúa, cơn giận dâng tràn. Thủ hạ của phủ cứ lần lượt vào vòng lao lý, ác cái mỗi lúc lại lên cấp cao hơn. Cứ đà này chả mấy chốc nước dâng đến ngai Chúa. Nhưng giờ bên kia, đại tướng của Vương Phủ là Trăm Xanh dẫn quân tung hoành. Trăm Xanh đánh trận mở đầu trảm được Dương anh, bắt sống Dương em. Khí thế ngút trời, thừa thắng định dẫn quân xông vào bộ Hình bắt sống nốt Báu Mã tướng quân. Báu Mã tướng quân lo sợ, cáo bệnh, đóng doanh trại, không dám ra ngoài thành nghênh chiến. Trăm Xanh cho quân bủa vây, tình trạng Báu Mã nguy cấp vô cùng. Nhưng giờ còn chưa biết Vương Phủ có mưu kế gì mà Trăm Xanh dũng mãnh đến vậy. Phủ Chúa lo lắm nhưng vẫn phải dò xét thêm.

Phía ngoài phủ phó thượng thư bộ Hình Báu Mã, đại tướngTrăm Xanh hiên ngang cưỡi ngựa ô, truyền cho chưởng tòa hình mang chiến thư dán trước phủ. Thông báo ngày một hay hai sẽ phá thành bắt tướng. Một mặt truyền tin về Vương Phủ, báo tin trận đầu thắng lợi.“ (Đại Vệ Chí Dị-Sách đã dẫn)

Tuy không nghĩ, Đại Vệ Chí Dị là cuốn tiểu thuyết, và khi tôi đọc, tiếp cận nó bằng mạch văn ký sử. Nhưng phải nói, hồi 103 (Tái Ngộ Qủi Môn Quan) đã được Bùi Thanh Hiếu tiểu thuyết hóa, với hình ảnh siêu thực, lời văn ẩn dụ sâu sắc.

Đây là sự sáng tạo độc đáo của tác giả, khi để hai đồng chí, cũng là cựu thù bởi tiền tài, quyền lực, gặp lại nhau ở nơi Qủi Môn Quan. Hình ảnh này, làm tôi nhớ đến linh hồn vật vờ của hai người lính ở hai chiến tuyến nơi Cổ Thành trong tác phẩm Dạ Tiệc Qủi của nhà văn Võ Thị Hảo. Có khác chăng, linh hồn hai nguời lính trẻ của Dạ Tiệc Qủi hiện cong lên dập dờn như những câu hỏi cho cả một dân tộc, còn hai ông quan đại thần trong Đại Vệ Chí Dị thực sự nhận ra con đường mình đã đi: “Chúng ta cả đời lầm lạc, theo phường bá đạo, để đến lúc này không biết kêu ai“

Vâng! Âu cũng là sự luân hồi, quả báo chăng? Đây là những trang viết hay của Bùi Thanh Hiếu. Và là một trong những chương (hồi), tôi thích nhất trong cuốn sách này:

“Mã nghe tiếng kẻng báo, đứng dậy vòng tay cáo từ, lúc nhờ Xanh đặt hộ hòn đá lên đầu, Mã chỉ đống đá nói:
- Vua, Chúa tiếm ngôi, bất nhân, bất nghĩa. Trời nào cho thiên mệnh, cái hòn đá to ông ngồi là để Vua và Chúa ai xuống trước thì đội đấy.

Trăm Xanh chợt ngộ, hối hận khóc oà, ôm lấy Báu Mã nói.
- Chúng ta cả đời lầm lạc, theo phường bá đạo, để đến lúc này không biết kêu ai. Xin ông bỏ qua chuyện ngày xưa.

Mã nặng nhọc vì gông, xiềng, đá hổn hển trả lời.
- Tôi đã trả tiền đò cho ông rồi đấy thôi.“ (Đại Vệ Chí Dị- Sách đã dẫn)

Với cái chết của Báu Mã Phạm Qúi Ngọ và Trăm Xanh Nguyễn Bá Thanh như một lời cảnh báo trước cho sự sụp đổ của một thể chế, một triều đại độc tài, thối nát.

Phải chăng đó là qui luật tất yếu của lịch sử, và cũng chính là tư tưởng của tác giả, tác phẩm muốn gửi đến người đọc?

*Thân phận đất nước và con người.

Chắc chắn rằng, chỉ có những vĩ nhân, những anh hùng xả thân bảo vệ đất nước mới để lại danh thơm cho hậu thế. Và trong văn học cũng vậy, sống được và còn đọng lại với đời phải là những trang viết dám chọc thẳng vào cái ung nhọt của xã hội, đứng về phía công lý, lẽ phải của con người.

Khi đọc và nghiên cứu Đại Vệ Chí Dị, tôi nhận ra, tác giả không chỉ ghi lại từng biến cố đã và đang xảy ra, mà còn cảm được thái độ cũng như trách nhiệm của người câm bút trước thời cuộc. Thái độ cũng như tư tưởng ấy của tác giả thường được cài đặt vào những câu thoại của nhân vật dẫn truyện, hoặc lời bàn của người thời nay.

Và có thể nói, nếu như tác giả không hóa thân vào những người dân oan bần cùng, những biểu tình viên bị đánh dập mặt, hay một trí thức can trường đang bị giam cầm trong ngục tối…để viết, thì hình ảnh họ không thể hiện lên một cách trung thực và sống động đến như vậy.

Với ngòi bút tưởng như đùa cợt, bông lơn, nhưng hình ảnh đê hèn, nhu nhược của Đảng trước giặc phương Bắc và đằng sau nỗi đớn đau ấy là ý chí không thể khuất phục của người dân hiện lên rất đậm nét, thâm sâu. Đoạn trích dưới đây, là câu chuyện được lưu truyền trong dân gian, nhằm vạch trần thủ đoạn trấn áp cũng như nhu nhược hóa con người của chế độ đương thời. Nó đã được tác giả nhân cách hóa vào trang văn, làm người đọc phải bật ra tiếng cười cay đắng:

“Chỉ cần gom bá tánh lại, đổi thành vài họ, như họ Khiếp, họ Nhược, họ Cơ là xã tắc yên lành. Những kẻ làm quan lấy họ Cơ. Những kẻ trí sĩ, nhân tài có hiểu biết mang họ Nhược, còn dân đen lấy họ Khiếp. Những kẻ không mang họ ấy, tất là bọn mang mầm mống phản loạn…
Hàng ngày công sai nhà Sản đi lùng sục giữa các phố phường, thấy quán xá, vườn hoa nào đông người là xộc tới hỏi danh tính. Kẻ nào họ Khiếp, họ Nhược thì không sao, những kẻ mang họ khác đều bị bắt lên xe bát mã một đống về phủ trị tội.
Riêng họ Cơ là họ nhà quan, có dấu ấn riêng không bị xét hỏi. Họ này từ vua chúa nhà Sản đều dùng, như Cơ Nông Cường, Cơ Nguyễn Bạo, Cơ Nguyễn Kính, Cơ Nguyễn Vượng…“ (Đại Vệ Chí Dị-Sách đã dẫn)

Có thể khẳng định, một chế độ độc tài, dối trá, và lưu manh, với những bè phái chém giết, tranh giành tiền tài và quyền lực, thì điều hiển nhiên đất nước ấy đang đứng trên hố sâu vực thẳm.

Thật vậy! Đọc Đại Vệ Chí Dị, ta có thể thấy, dưới sự thống trị của Đảng đất nước đang đi đến tuyệt lộ. Xã hội đã bị lưu manh hóa đến thượng tầng, với những băng đảng hợp pháp đang hút kiệt tài nguyên và sức người. Môi trường thiên nhiên bị tàn phá một cách tàn nhẫn, man rợ. Mọi quan hệ xã hội, làng xóm, gia đình đều được đong đếm bằng tiền bạc. Nạn kiêu binh, âm binh nổi lên đàn áp, ức hiếp chính những người khốn khổ, đang ngày đêm è cổ nuôi dưỡng mình. Chúng ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây, để thấy được sự tha hóa đến tận cùng của xã hội và con người:

“Công sai đi tuần ráo riết hàng giờ ngoài đường, thấy lỗi gì của dân dù nhỏ cũng không buông tha. Quan lại không có tiền đút lót không duyệt bất cứ thứ gì. Đến bọn văn thư, nha lại cũng cậy mình ở cửa quan sách nhiễu đòi tiền dân. Các con buôn thi nhau nhập hàng độc hại giá rẻ về trà trộn bán cho dân chúng….
Cứ như tể tướng Bạo ngần ấy năm nắm việc quốc gia quyết định bán quặng nhôm cho nước Tần bất chấp các lão thần, trí sĩ ngăn cản. Nhân cái việc đó mà bọn quan lại địa phương cũng thấy có tài nguyên, khoáng sản gì là cho khai thác bừa bãi bán cho gian thương nước ngoài..
Nhưng cơ hội kiếm tiền nhiều nhất và lớn nhất đương nhiên thuộc về tể tướng, bởi ngài coi soát việc kinh tế trong triều. Một lời của ngài, một chữ ký của ngài kẻ khác có được hàng vạn lượng. Những kẻ hám lợi vây quanh tể tướng để nhận chút mưa móc. Lâu ngày chúng đông dần lên. Nghiễm nhiên thành băng đảng, kẻ đứng đầu băng đảng ấy tất là tể tướng“ (ĐVCD- Sách đã dẫn)

Qủa thực, đối với chế độ đương thời, như một lần tôi đã viết: Bán đất bán rừng đi đến bán nước bán cả linh hồn có một khoảng cách rất gần.

*Một số nhược điểm và hạn chế.

Tác phẩm nào cũng vậy, có hay thì chắc chắn phải có dở. Và Đại Vệ Chí Dị cũng không nằm ngoài lẽ thông thường đó.

Ta có thể thấy, nối dài mạch truyện (Đại Vệ Chí Dị) là những câu chuyện được truyền khẩu trong dân gian, hoặc những sự việc thực đã và đang xảy ra trong xã hội, mà đã được nghe, hay bắt gặp. Do vậy, khi đọc dòng đầu, ta đã biết trước được diễn biến và kết quả của câu chuyện. Cho nên, dường như không gây được sự bất ngờ, hứng thú cho người đọc. Truyện, tiểu thuyết cũng như thể thao vậy, kết quả biết trước khi vào thi đấu tranh tài, thì không có gì buồn chán bằng.

Vì một lý do nào đó, người viết có thể giả văn phong, mượn thời cuộc…nhưng không thể sao chép, copy tình tiết, câu chuyện từ tác phẩm khác thành của mình. Đọc đoạn văn dưới đây, bắt gặp hình ảnh Lưu Bị, Tào Tháo cho ta cảm giác rất nhàm, nhợt nhạt. Và có thể nói, nó hoàn toàn không có giá trị về nội dung, tư tưởng, hoặc một tiếng cười hay một chút gì đó đọng lại trong lòng người:

“Lúc ấy Vương sắp đi Cờ Hoa, Sáng Quyết và Quảng Phệ hội nhau uống rượu sau vườn phủ bộ Binh. Rượu ngà ngà Sáng Quyết hỏi.
– Theo đại nhân, thiên hạ ngày nay ai là anh hùng.?
Quảng Phệ đáp.
– Bọn Bạo, Cả Sáng đang đương thời là anh hùng, ngoài ra có Xuân Phước, Đường Hoang cũng đáng kể tên. Thêm nữa phải kể đến Bốn Sương người mạn Nam bộ cũng đáng mặt anh hùng.
Sáng Quyết cười nói.
– Bạo tham nhũng không được lòng dân, Cả Sáng lập lờ gió chiều nào che chiều ấy không dám quyết, Bốn Sang chỉ võ miệng mà không có thực lực. Bọn Xuân Phước, Đường Hoang là phường cơ hội mà lên, trong triều không ai phục. Tất cả lũ ấy không đáng gọi là anh hùng.
Quảng Phệ hỏi.
– Vậy còn ai nữa.?
Sáng Quyết ghé tai Quảng thì thầm.
– Anh hùng trong thiên hạ chỉ có mỗ và tướng quân mà thôi.
Quảng Phệ nghe xong, ngửa cổ lên trời cười khặc khặc, vỗ đùi đét cái hỏi.
– Đại thần kinh thành đã nói vậy, chắc có ý rồi.?“(Đại Vệ Chí Dị-sách đã dẫn)

Ngoài bắt chước, mô phỏng những tình tiết, hành động nhân vật từ những truyện cổ, hay phim truyền hình Trung Quốc ta còn bắt gặp khá nhiều những câu, những thán từ có gốc gác của các nhân vật trong Tam Quốc Chí: “ Trời đã sinh ra ta điên, sao nỡ còn sinh ra kẻ dại“.

Có lẽ, những đoạn văn trên chỉ gây được tiếng cười cho những độc giả hời hợt, lười suy nghĩ. Như nói về phim ảnh thời nay, gọi là mì ăn liền là vậy.

Và thiết nghĩ, nếu như tác giả lược bỏ những đoạn văn này, tôi tin cuốn sách sẽ thật và giá trị hơn.

Tuy sử dụng văn phong cổ, nhưng tác giả mang nhiều khẩu ngữ (văn nói) chưa chưng cất cho thật chín vào trang viết của mình, do vậy có những câu, từ lặp lại trong cùng một đoạn văn ngắn. Đó là điều đại kỵ trong văn chương. Ta đọc lại đoạn trích dưới đây để thấy rõ điều đó:

…Làm đại tướng cầm quân, bất chấp mệnh Vua đi sứ cam kết đủ điều. Đã thế lại đem binh hội ước với Tề ở biên giới, công khai nhận lễ vật của địch. Chuyện làm phản chỉ ngày một ngày hai. Nay hắn đang mật giao với Tề và đại thần Sáng Quyết, chắc làm phản ngày một ngày hai…“(Đại Vệ Chí Dị-sách đã dẫn)

Cũng từ nguyên nhân đó, ta có thể thấy Đại Vệ Chí Dị có khá nhiều câu văn tối nghĩa: “Có một thương gia thấy hiệu sách của Hàn ở vị thế đẹp để mở lầu xanh, bèn hỏi mua lại. Hàn nhất định không bán.“ (trang 316)

Với câu văn này, xin phép tác giả, tôi thử bỏ kết từ (để) và thay vào đó tính từ (có thể) có lẽ câu văn tròn trịa, rõ nghĩa hơn chăng: “Có một thương gia thấy hiệu sách của Hàn ở vị thế đẹp(có thể) mở lầu xanh, bèn hỏi mua lại. Hàn nhất định không bán.“

Có thể nói, tác giả sử dụng từ ngữ, nhất là các danh từ không nhất quán theo lối văn phong cổ, làm cho câu văn (đôi khi) bị sượng. Có lẽ, từ thời Tây Chu, Vệ Quốc kéo dài đến những thời phong kiến sau này, chỉ có chiếu sắc phong Học sĩ, Đại học sĩ, chứ làm quái gì đã có phong học hàm “làm giáo sư“. Không rõ, đây là do sơ xuất, hay chủ định của tác. Nhưng với tôi, trong một tác phẩm từ ngữ phải nhất quán, nhất là nó được viết bằng văn phong cổ. Một tác phẩm hay, dứt khoát không thể “đầu Ngô mình Sở“ được:

“Tứ Tấn nói.
- Bạo có hai hổ tướng, một là Tô Điền phó thương thư bộ Hình, hai là Chính Vượng phó thương thư bộ Binh. Đó là hai cánh của Bạo, chặt được hai cánh này Bạo chỉ còn là con gà, muốn thịt thế nào cũng được.
Vương bảo:
- Nếu vậy ta sắc phong cho Tô Điền làm giáo sư, đưa vào danh sách ứng cử đại thần nghị chính. Tô Điền sẽ lưỡng lự đóng quân, không dám theo điều động của Bạo. Chính Vượng thấy Điền được phong chức mà mình không được dòm tới, trong lòng sẽ sinh đố kỵ với Điền mà không còn lòng dạ dụng binh nữa. (Đại Vệ Chí Dị-Sách đã dẫn)

Có thể nói, viết văn là công việc nặng nhọc, viết chân dung, phê bình còn nặng cái đầu hơn nữa. Dù chỉ cảm nhận của cá nhân, nhưng để gọi được hồn vía, tư tưởng nhà văn và tác phẩm là điều không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, có những tác giả, tác phẩm đọc xong, tự bật ra ý tưởng có thể đặt bút viết được ngay. Và ngược lại có nhà văn rất tài năng, tên tuổi, đọc và suy nghĩ cả năm trời, vẫn chưa (hay không) tìm ra mạch cũng như hướng đi cho bài viết. Cho nên, khi nhận được Đại Vệ Chí Dị, với lời đề nghị đọc và viết trong vài, ba tuần, quả thực thời gian quá eo hẹp đối với một người phải làm việc ngày 11 giờ, kể cả thứ bảy, chủ nhật như tôi. Hơn nữa, muốn giới thiệu về một cuốn sách, người viết không chỉ đọc một cuốn sách đó, mà buộc phải đọc nhiều tác phẩm khác của tác giả ấy…

Tuy nhiên, nhà xuất bản Vipen đã nhờ, tôi sẽ phải viết. Mà đã viết thì viết đến tận cùng sự suy nghĩ của mình. Và bài viết này, được ra đời ngay trên Theke quán rượu, nơi tôi làm việc, khi vắng khách. Đây cũng chỉ là suy nghĩ chủ quan cá nhân của tôi về Đại Vệ Chí Dị, rất có thể không đúng. Nhưng tôi nghĩ, dù sai hay đúng, nó cũng giúp được phần nào cho bạn đọc muốn tìm hiểu, hay tiếp cận, và tự đánh giá tác phẩm, tư tưởng tác giả cũng như chính sử Việt Nam đương đại, một cách chân thật, chính xác nhất.

Leipzig ngày 9-5-2016
© Đỗ Trường
© Đàn Chim Việt






No comments: