11.05.2016
Thật
lạ, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán đã từng là
cuốn sách gối đầu giường của tôi khi còn nhỏ. Đã quá lâu tôi không còn đọc những
tác phẩm cách mạng như thế nữa. Nhưng những gì đọng lại trong tôi khi ấy không
phải là hình ảnh của một chính quyền ôn hòa, tốt đẹp mà là niềm tin trong sáng,
ngây thơ mà rất đỗi mãnh liệt, bền vững của hơn 30 thanh thiếu niên liều mình
tham gia cuộc đấu tranh. Nước mắt tôi đã từng rơi đẫm gối sau cái chết của từng
em nhỏ.
Sau
này, khi nhắc về câu chuyện, điều xuất hiện trước tiên trong đầu tôi là câu hỏi
tại sao lại có những cô, cậu bé 12, 13 tuổi được phép cầm súng, mang bên mình
bom đạn, không màng mạng sống lao mình vào những khu vực nguy hiểm, tại sao,
trong cuộc chiến tranh của người lớn, không ai ngăn cản và bảo vệ các em?
Tất nhiên, có câu trả lời rõ ràng cho
những câu hỏi như thế. Có thể trong cuộc chiến thật, không có những em Mừng, Lượm
hay Quỳnh “sơn ca” như trong truyện, nhưng hàng ngàn trẻ em phơi thây trong cuộc
chiến là có thật. Tấm thân các em đưa ra đỡ đạn là minh chứng cho một thể chế dã
man, không một chút tình thương dành cho dân tộc khi bất cứ thủ đoạn gì cũng có
thể dùng để đạt được mục đích của mình. Đáng
sợ hơn, những cái chết thương tâm của trẻ em, của phụ nữ và người già, được đưa
vào sách phổ thông để giáo dục, để tôn vinh với hình tượng chú bé liên lạc anh
dũng, bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Rất
khó để nghĩ về một câu truyện văn học Âu Mỹ nào kể về những đứa trẻ cầm súng
lên đường đánh giặc, đó chỉ là hình ảnh viễn tưởng mỹ miều tại đất nước cộng sản
khi mà chính quyền cần lắm một sự đồng lòng mù quáng cho sự sống còn của đất nước
(mà thực chất là sự sống còn của một nhóm người).
Tuổi
thơ của trẻ em, chúng cần gì? Cần một xứ sở thần tiên như Alice đã từng một lần
đặt chân tới, hay vùng đất mơ mộng thỏa thích của Peter Pan? Hoặc câu chuyện về
chú chó trắng tai đen trung thành dễ thương? Tôi biết, sẽ có người bảo, vậy đưa
con sang Âu Mỹ mà sống, vậy còn các vị, các vị có sẵn sàng để con mình trải qua
“tuổi thơ dữ dội” trong biển độc, cá độc, và hơn cả, chính là cái độc của lòng
người?
Chị Hoàng Mỹ Uyên và
con gái bị đánh.
Chuyện
cô Hoàng Mỹ Uyên cùng con gái xuống đường biểu tình ngày chủ nhật vừa qua bị xô
đẩy, chèn ép khiến 2 mẹ con bị thương đã gây nên một làn sóng tranh cãi bùng nổ
không dứt trong cộng đồng người Việt. Có những kẻ miệt thị cô bằng những lời lẽ
hạ cấp nhất với lý do không có một người mẹ giàu tình thương nào mà lại đưa con
mình đi biểu tình như dồn con vào chỗ chết. Có những người mỉa mai rằng chẳng
phải đất nước mình vẫn có câu chuyện về Kim Đồng, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu nhỏ tuổi
mà anh dúng bất khuất đấy hay sao? Chuyện người mẹ và con gái tham gia vào đám
đông biểu tình và động lực nào thúc đẩy họ tham gia, tôi không bàn tới. Họ,
cũng như những người dân khác, đang tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa. Nhưng
trong một giây phút hỗn loạn đó, việc chúng ta đáng quan tâm không phải là họ cần
được chú ý và bảo vệ từ phía cộng đồng hay sao? Tại sao, thay vì thế, mọi người
lại phải chia bè phái để chửi rủa và lăng mạ lẫn nhau, rồi nâng cao quan điểm về
chính quyền và những kẻ nhận tiền để quấy rối, phản động? Đó có phải là lời nói
độc địa từ lòng người hay chăng.
Những
câu chuyện vừa qua về đất nước mình khiến tôi nghĩ mãi, tuổi thơ của con trẻ
cũng có thể sẽ là “tuổi thơ dữ dội” nếu người lớn vẫn chưa thể nào nhìn xa hơn
một cuộc tranh cãi vô tình để thể hiện cái tôi của mình, thay vì cùng bỏ qua mà
cùng nhìn vào vấn đề lớn mà cũng chính là động lực chính khiến tất cả chúng ta
đang nắm tay nhau xuống đường ngày hôm nay. Đây rõ ràng là một cuộc tranh đấu
dài lâu, bền bỉ, không chỉ gói gọn trong một hai cuộc biểu tình. Sức mạnh đoàn
kết, tâm thế hòa bình và những hành động tích cực, mang tính xây dựng của người
Việt trong thời điểm nhạy cảm hiện tại có thể tạo nên thay đổi lớn cho đất nước.
Tôi tin vậy.
----------------------------
*
Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên
blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay
lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment