Thursday, October 22, 2015

Vụ Benghazi : Dù bị 'nướng' gần 11 giờ, bà Clinton hầu như không thiệt hại (Người Việt)





Vụ Benghazi :

Người Việt


Thursday, October 22, 2015 7:57:08 PM

WASHINGTON, DC (NV) – Cuộc chất vấn bà Hillary Clinton, mặc dù kéo dài gần 11 giờ nhưng chỉ mang lại cho phe Cộng Hòa được quá ít chi tiết về vụ tấn công vào các cơ sở ngoại giao Hoa Kỳ ở Benghazi năm 2012.

Bà Hillary Clinton cười ha hả khi nữ Dân Biểu Martha Roby (Cộng Hòa-Alabama) hỏi bà Clinton có ở nhà một mình vào đêm Benghazi bị tấn công không. (Hình: AP/Jacquelyn Martin)

Theo Washington Post, phe Cộng Hòa không giành được chiến thắng rõ rệt nào trong việc "gài" bà cựu ngoại trưởng Mỹ chấp nhận bà có phán đoán sai lầm trong vụ Benghazi.

Đến 7 giờ tối giờ Đông bộ Hoa Kỳ, sau nhiều giờ và nhiều câu hỏi và trả lời quanh co, Ủy Ban Điều Tra Benghazi của Hạ Viện không tỏ dấu hiệu cho thấy sắp chấm dứt cuộc điều trần.

Nhân viên ủy ban đề nghị kéo dài thêm hai giờ nữa và phòng hội lúc đầu đầy kín các dân cử nay trống còn một nửa.

Các thành viên Cộng Hòa trong ủy ban suốt ngày không ngừng gây áp lực với bà Clinton về việc bà ban đặc quyền cho người bạn lâu năm của bà là Sidney Blumenthal, người báo cáo về Libya qua địa chỉ email riêng mà bà dùng cho việc công, trong thời gian bà giữ chức ngoại trưởng.

Điều này mâu thuẫn với yêu cầu của đại sứ Mỹ ở Libya là  ông Christopher Stevens, người đòi hỏi phải gia tăng an ninh qua kênh liên lạc chính thức, nhưng yêu cầu này lại không hề đến tới bà Clinton.

Dân Biểu Trey Gowdy (Cộng Hòa-South Carolina), chủ tịch ủy ban, một ủy ban đặc biệt được phe Cộng Hòa đang kiểm soát Quốc Hội thành lập để điều tra vụ các cơ sở ngoại giao ở Libya bị tấn công, đặt câu hỏi: “Xin bà cho chúng tôi biết làm thế nào ông Sidney Blumenthal lại được liên lạc đặc biệt như thế với bà, mà ông đại sứ lại không được như thế.”

Những câu hỏi hóc búa nhất trong ngày xuất phát từ hai dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) và Mike Pompeo (Cộng Hòa-Kansas).

Ông Jordan tố cáo bà Clinton đánh lạc hướng dư luận về vụ tấn công năm 2012 nhằm giúp Tổng Thống Barack Obama tái đắc cử.

Ông cáo buộc việc bà đổ lỗi cuộc tấn công là phản ứng đối với đoạn video chống Hồi Giáo, dù biết như vậy là không đúng.

Bà Clinton đáp: “Tôi có dành riêng một chương nói về vụ này trong cuốn 'Hard Choices' do tôi viết. Tôi sẵn sàng gửi cho ông đọc. Theo tôi những lời ám chỉ của ông gây tai hại nghiêm trọng đối với những người trong chính quyền.”

Bà nói rằng bà không có ý định đánh lạc hướng dư luận mà chỉ muốn làm rõ hơn đối với những báo cáo tình báo khó hiểu từ Libya và các nơi khác, nơi những kẻ chống đối đã tràn vào các cơ sở ngoại giao Hoa Kỳ.

Bà Clinton nói “đó là một lời tố giác cá nhân cay độc.” Bà tiếp: “Tôi mất ngủ còn nhiều hơn của tất cả quí vị cộng lại. Tôi rất nhức đầu về điều xảy ra, hoặc thay vào đó tôi nên làm gì cho đúng.”

Kế đó bà Clinton và ông Jordan cãi nhau phải chăng việc bà đổ lỗi cho cuốn video là nguyên nhân đưa đến vụ tấn công ở Benghazi.

Mặc dù bị ông Jordan lập đi lập lại câu hỏi và mỗi lúc mỗi dồn dập hơn, bà Clinton vẫn cười nhẹ nhàng qua những câu trả lời chậm rãi, đó là sự chiến thắng mà bà mong muốn.

Dân Biểu Mike Pompeo (Cộng Hòa-Kansas) thì áp lực bà Clinton với câu hỏi, tại sao sau vụ tấn công không có ai trong Bộ Ngoại Giao bị sa thải: “Tại sao bà không đuổi ai cả? Tại sao lại không chịu trách nhiệm gì cả vậy?”

Bà trả lời rằng bà căn cứ vào sự điều tra, nơi khám phá thấy rằng các giới chức Bộ Ngoại Giao có nhầm lẫn, nhưng không hề làm điều sai trái đến mức phải đuổi việc.

Ông Pompeo cũng hỏi bà Clinton câu hỏi liên quan đến vụ email, theo đó bà sử dụng trương mục email cá nhân và đặt một máy chủ email cá nhân tại nhà bà ở New York, để sử dụng trong công việc của Bộ Ngoại Giao.

Ông thắc mắc, chẳng lẽ bà không ý thức đến yêu cầu cần phải gia tăng an ninh đối với cơ sở của Hoa Kỳ ở Lybia, rằng mọi liên lạc phải qua kênh của Bộ Ngoại Giao, trong khi ông Blumenthal góp ý về Libya lại được gửi qua email cá nhân của bà?

Nói về ông Blumenthal, bà đáp: “Ông ấy là bạn tôi. Ông ấy gửi cho tôi thông tin mà ông ấy nghĩ là đáng quan tâm. Ông ấy không có chức vụ chính thức nào trong chính phủ, và rằng ông ấy không phải là cố vấn của tôi về Lybia.”

Nữ Dân Biểu Martha Roby (Cộng Hòa-Alabama) không còn đặt câu hỏi về việc bà Clinton có chu toàn nhiệm vụ với tư cách ngoại trưởng hay không, thay vì vậy, bà hỏi vì sao bà Clinton không gọi điện thoại cho Đại Sứ Stevens, hỏi thăm ông ấy có cần giúp đỡ gì không.

Bà Clinton nói rằng ông Stevens có thể yêu cầu bất cứ việc gì qua các kênh chính thức.

Các dân biểu Dân Chủ trong ủy ban, người cùng đảng với bà Clinton, dĩ nhiên, chỉ dành thì giờ khi tới phiên đặt câu hỏi để đặt những câu hỏi vô thưởng vô phạt. Thậm chí còn quay ra tấn công ngay chính ủy ban.

Dân Biểu Adam Smith (Dân Chủ-Washington) nói với bà Clinton: “Ủy ban này không làm đúng phận sự của họ. Chúng tôi thấy họ chỉ làm một việc là chĩa mũi dùi vào bà mà thôi.”

Dân Biểu Elijah Cummings (Dân Chủ-Maryland), nhân vật cao cấp nhất của đảng Dân Chủ trong ủy ban, hỏi rằng trong nhiều năm qua giới bảo thủ vẫn nghĩ rằng bà hoặc ai đó trong chính phủ bảo quân đội hãy “ngồi yên,” chớ có nhảy vào cứu những người ở Benghazi.

Bà Clinton đáp: “Dĩ nhiên là không đúng như vậy. Mọi người trong quân đội đều xúm lại bàn tán xem có làm được gì không. Nhưng việc vận chuyển và khoảng cách xa xôi khiến họ khó có thể làm được gì hữu ích ngay lúc đó.”

Phía Cộng Hòa không ngừng bị phe Dân Chủ đẩy cho lọt vào trận đồ câu giờ, tranh cãi rằng phải chăng ủy ban này là công cụ của một đảng.

Nhiều dân biểu Cộng Hòa, trong đó có Chủ Tịch Gowdy, cãi vã to tiếng với phe Dân Chủ về việc có nên công bố đoạn phỏng vấn ông Blumenthal.

Nhiều tuần trước đây, một tiết lộ của ngay chính ủy ban này, sự hiện hữu của trương mục email cá nhân, đã đặt bà Clinton vào thế thủ, đe dọa cả đến chiến dịch tranh cử tổng thống của bà.

Nhưng từ đó, bà được sự giúp đỡ của một ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ khác là ông Bernie Sanders (Dân Chủ-Vermont), người tuyên bố trong cuộc tranh luận của đảng, rằng ông cũng như mọi người Mỹ khác đã quá chán ngấy không còn muốn nghe nói thêm về vụ email.

Một nhân vật Cộng Hòa khác là Dân Biểu Kevin McCarthy (California), lãnh tụ khối đa số Hạ Viện, có vẻ xác nhận điều mà lâu nay bà Clinton vẫn nói, rằng ủy ban đặc biệt này là một công cụ của một đảng, chứ thực tình không làm việc điều tra.

Bà Hillary Clinton bắt đầu cuộc điều trần bằng cách đọc tên bốn nạn nhân bị bỏ mạng trong vụ tấn công Benghazi. Bà nói bà biết ông Stevens nên đề cử ông vào chức vụ đại sứ ở Libya, và đã đích thân ra đón quan tài của ông khi được chuyển về sau vụ tấn công vào năm 2012.

Bà nói: “Không ai biết rõ sự nguy hiểm ở Libya hơn ông Stevens, một nơi mà chính quyền yếu. Nhiều tổ chức cực đoan, rối ren không kiềm chế được. Vậy mà ông chọn đến làm việc ở đây vì hiểu rằng nước Mỹ phải có mặt đó vào thời điểm quan trọng này.”

Bà Clinton thêm: “Rút lui khỏi thế giới này không phải là một chọn lựa. Nước Mỹ không thể thu nhỏ lại trách nhiệm dẫn đạo của mình.”

Chấm dứt phần điều trần ban đầu bằng một lời quở trách ngay chính ủy ban, bà Clinton yêu cầu ủy ban nên đưa ra những câu hỏi không nhằm hạ thấp bà về phương diện chính trị.

Bà nói: “Tôi có mặt tại đây. Mặc cho tất cả những cáo buộc trước đây, và tất cả những bàn tán về những chương trình nghị sự đảng phái. Tôi hiện diện nơi đây để vinh danh những người đã hy sinh. Tôi thách thức các vị, những thành viên của ủy ban này, thách thức này cũng là thách thức cho chính tôi. Chúng ta hãy tỏ ra xứng đáng với sự tín nhiệm mà người dân Hoa Kỳ ủy thác cho chúng ta.” (TP)






No comments: