Monday, October 26, 2015

'Đừng đem sai lầm sửa chữa sai lầm' (Th.S Nguyễn Tiến Trung )





Th.S Nguyễn Tiến Trung
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
25 tháng 10 2015

Căng thẳng trên biển Đông đang leo thang từng ngày với việc Trung Quốc đang hoàn thành việc xây dựng ba sân bay và các cơ sở quân sự tại các đảo nhân tạo thuộc Trường Sa.
Một năm trước đó, Trung Quốc cũng đã xây xong sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa.

Các công trình quân sự này uy hiếp trực tiếp đến chủ quyền Việt Nam cả trên biển và đất liền và cũng chứng tỏ Trung Cộng quyết tâm nuốt trọn biển Đông.

Gần đây, Tập Cận Bình trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama đã tái khẳng định Trung Quốc có cái gọi là "chủ quyền" đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam "từ thời cổ đại”.

Lãnh đạo run sợ?

Trong hoàn cảnh chủ quyền lãnh hải quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng bởi anh bạn “4 tốt”, “16 chữ vàng” của đảng cộng sản Việt Nam, ngày 19/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại đề nghị với Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc Cảnh Huệ Xương hợp tác để bảo vệ “an ninh chính trị” của mỗi nước.

Và ngay tại Quốc hội, ngày 22/10, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tuyên bố:
“Trong nước ổn định, Đảng, nhân dân đoàn kết thì không ai có thể can thiệp. Còn nếu để xảy ra điểm nóng, khủng bố và phải dùng công an, quân đội trấn áp thì bên ngoài sẽ lấy cớ để cô lập chính trị, chia rẽ nội bộ.”
"Như vậy nội bộ mất ổn định, bên ngoài sẽ thừa cơ lật đổ chế độ. Mất đảng, mất chế độ thì biển đảo cũng mất”.

Năm 1990, sau khi chế độ chuyên chính gọi là xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, do quá sợ hãi, các lãnh đạo đảng cộng sản VN lúc đó đã quyết định cầu thân với Trung Cộng bằng cách ký mật nghị Thành Đô nhằm tìm kiếm sự bảo trợ cho chế độ.

Nội dung hiệp nghị này đã được báo chí Trung Cộng tiết lộ là đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành 'một khu tự trị' thuộc Trung Quốc, một số nguồn nói. Thế nhưng nhà cầm quyền vẫn chưa hề lên tiếng công khai bác bỏ tiết lộ này.

Đến bây giờ, qua việc tiếp tục ký kết hợp tác với Trung Quốc nhằm bảo vệ “an ninh chính trị”, bóng ma sụp đổ của những năm cuối thập kỷ 90 đang quay trở lại ám ảnh nhà cầm quyền.

Trong chương trình sách giáo khoa lịch sử, đảng cộng sản phê phán đường lối của cụ Phan Bội Châu dựa vào Nhật để chống Pháp là “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”.

Thế mà bây giờ các lãnh đạo đảng cộng sản lại dựa vào Trung Cộng, kẻ đang xâm lược đất nước để duy trì chế độ. Hành động đó có thể được miêu tả bằng từ ngữ gì đây: “rước voi về giày mả tổ” hay “cõng rắn cắn gà nhà”?

Lý do sợ hãi

Thứ nhất, ngân sách quốc gia đang trống rỗng, dẫn đến chuyện “trả nợ không được thì sụp đổ” như lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mới xác nhận.

Ngày 22/10, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói:
“Năng lực tài chính thực chỉ còn lại 45.000 tỉ đồng, rất nhỏ bé trong khi nhu cầu của các Bộ Giao thông, Bộ Nông nghiệp, các địa phương còn rất nhiều…
"Con số 45.000 tỉ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả”.

Thứ hai, mâu thuẫn ngay trong nội bộ đảng cộng sản chưa bao giờ gay gắt và lộ rõ như bây giờ.
Lần đầu tiên đại hội đảng bộ đảng cộng sản tại Sài Gòn và Hà Nội được cho là đã không thể bầu ra bí thư, phải đợi Bộ Chính trị khóa sau 'chỉ định', một việc không hề được quy định trong Điều lệ đảng cộng sản.

Thứ ba, trong nước bất ổn, bất công xã hội lan rộng vì tham nhũng hoành hành, bắt người cướp đất trái phép, đảng cộng sản độc quyền nhà nước, đứng trên pháp luật khiến lòng dân bất mãn.
Chính ông Nguyễn Sinh Hùng cũng công nhận đây là chế độ “muốn bắt ai thì bắt”.

Loay hoay mâu thuẫn

Ngày 12/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “Đổi mới nhưng không được chệch hướng”.
Thế nhưng đã qua bao mùa đại hội, đảng cộng sản Việt Nam vẫn đang nợ người dân một lời giải thích khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng tuyên bố: “Chúng ta đi mà không rõ đi đâu”. Rõ ràng rằng các lãnh đạo đảng cộng sản đang mâu thuẫn vì không biết đi hướng nào trong kinh tế nhưng lại sợ “chệch hướng”.

Tương tự, nhà cầm quyền đã hô hào khẩu hiệu “dân chủ, công bằng, văn minh” hàng chục năm nay nhưng hành động thực tế thì lại mâu thuẫn khi tạo dựng một xã hội “đảng chủ” bất công.

Cũng chính vì mâu thuẫn về mặt chính trị nên lúc nào cũng sợ bị dân biểu tình lật đổ.

Như trên đã nói, Trung Cộng đang uy hiếp an ninh, chủ quyền quốc gia của Việt Nam, tàu cá ngư dân miền Trung liên tục bị tàu Trung Cộng tấn công, nghĩa là chính họ kẻ thù với người dân Việt Nam về mặt quân sự.

Tuy nhiên, Trung Cộng và các lãnh đạo đảng cộng sản lại là đồng minh về chính trị. Nhà cầm quyền bị mắc kẹt khi vừa là đồng minh, vừa là kẻ thù với Trung Cộng.

Sai lầm sửa sai lầm?

Để giải quyết tình trạng ngân sách cạn kiệt, nhà cầm quyền lại quyết định đi vay 3 tỷ USD từ quốc tế để đảo nợ. Nguyên nhân chính là hệ thống chính trị đảng - chính phủ - mặt trận chồng chéo, tốn kém lại không được giải quyết.

Nhưng để giải quyết xung đột xã hội nghiêm trọng, làm sao ông Phùng Quang Thanh lại đề xuất giải pháp đem “quân đội nhân dân”, “công an nhân dân” để trấn áp “nhân dân”, liên minh với Trung Cộng, đối thủ đang đe dọa xâm lăng trên Biển Đông, để bảo vệ “an ninh chính trị”?

Chính vì thế, câu nói “tai tiếng” của ông Bộ trưởng Quốc phòng rằng “Mất đảng, mất chế độ thì biển đảo cũng mất” đang gây phản ứng dữ dội trong cộng đồng mạng.

Cần nhắc lại cho 'Phùng tướng quân' nhớ rằng ngày 14/3/1988, hải quân Trung Cộng dễ dàng đánh chiếm đảo Gạc Ma và ra tay thảm sát 64 người lính hải quân Việt Nam. Tướng Lê Mã Lương đã tiết lộ “một đồng chí lãnh đạo cấp cao” ra lệnh không cho chiến sỹ Việt Nam nổ súng bảo vệ đất nước.

Qua đó để khẳng định, khi đảng cộng sản còn, chế độ còn thì biển đảo Việt Nam vẫn liên tục mất, chưa kể Hiệp định biên giới và Hiệp định vịnh Bắc Bộ với Trung Cộng cũng gây hoài nghi và lên án trong cộng đồng.

Do đó, giải pháp và ngụy biện của ông Phùng Quang Thanh sẽ càng chứng minh câu vè của dân gian về năng lực lãnh đạo của đảng cộng sản: “Sai đâu sửa đó, sửa đâu sai đó, sai đó sửa đâu”.

Nhìn ra khu vực

Thử nhìn xem các nước trong khu vực cũng đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc như Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ.

Không lãnh đạo nước nào ở đó lại lo sợ bị dân biểu tình lật đổ, sợ đảng cầm quyền và dân không đoàn kết, sợ bị Trung Cộng ghét.

Lý do là vì các nước đó theo thể chế dân chủ, dân bầu ra người cầm quyền, tất cả đều đoàn kết theo đúng luật pháp chuẩn mực của quốc gia, không ai đứng trên pháp luật nên cả nước đồng tâm cùng nhau chống ngoại xâm.

Như thế, chỉ cần các lãnh đạo đảng cộng sản chính trực với dân, không mâu thuẫn nữa, thực sự thi hành “dân chủ, công bằng, văn minh” nhằm tạo dựng một nhà nước cộng hòa chính danh, do nhân dân làm chủ, để bầu ra các lãnh đạo chính trực, quản trị quốc gia bằng pháp luật chuẩn mực.

Khi đó cả nước sẽ đoàn kết để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong thời gian đất nước Việt Nam dân chủ đang tập trung phát triển kinh tế, rất cần thiết phải liên minh với các quốc gia dân chủ, giàu mạnh, văn minh trên thế giới và khu vực để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Úc, Ấn Độ v.v...

Lời giải nan đề

Cơ hội đang cạn dần với nhà cầm quyền khi ngân sách trống rỗng, Trung Cộng ráo riết tiến hành bành trướng, mâu thuẫn nội bộ giữa các phe phái trong đảng cộng sản nghiêm trọng, người dân và cả đảng viên cộng sản bình thường đang bất mãn trước bất công xã hội.

Nguy cơ chiến tranh và bạo loạn xã hội đang hiển hiện. Nếu các lãnh đạo và đảng viên cộng sản tiến bộ không tận dụng được cơ hội cuối cùng này, không “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” thì các lực lượng khác sẽ nắm.

Cựu trung tá quân đội Trần Anh Kim đã thành lập “Lực lượng quốc dân dựng cờ dân chủ” và đã bị bắt, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức cũng đang bị bắt vì thành lập “nhóm nghiên cứu Chấn”, và rất nhiều người khác nữa cũng đang bị giam cầm một cách bất công.

Thế nhưng lịch sử có quy luật của nó, các chế độ chuyên chính, chuyên chế đi trái lại lợi ích nhân dân, dân tộc, Tổ quốc trong lịch sử đều tiêu vong, đảng cộng sản cũng không là ngoại lệ. Hãy thức tỉnh trước khi quá muộn.

Hãy noi gương Tổng thống De Klerk của Nam Phi, chủ động tiến hành dân chủ hóa, bắt tay cùng Nelson Mandela để đưa cả dân tộc cùng đi tới.

----------------------------
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một nhà vận động cho dân chủ hóa và nhân quyền ở Việt Nam, cựu tù nhân chính trị, đang sinh sống ở Sài Gòn.






No comments: