Thursday, October 22, 2015

Mỹ sẽ 'thực hiện tới cùng' kế hoạch đưa tàu chiến tới gần các đảo ở Biển Đông? (Trà Mi-VOA)





Cập nhật: 22.10.2015 22:17

Khẩu chiến Mỹ-Trung khuấy động Biển Đông sau khi Hoa Kỳ trong tháng này loan báo kế hoạch đưa tàu chiến vào phạm vi 12 hải lý quanh khu vực Trung Quốc nói thuộc lãnh hải của họ trong nỗ lực thực thi quyền tự do hàng hải, không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo Bắc Kinh mới bồi đắp ở Trường Sa.

Trung Quốc đe dọa sẽ đáp trả ‘quyết liệt.’ Tờ Hoàn Cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc nói nếu Mỹ xâm phạm ‘các quyền lợi cốt lõi thì quân đội Trung Quốc sẽ phản ứng và dùng võ lực để ngăn lại’.

Trước tình thế căng thẳng, liệu Mỹ sẽ thực hiện kế hoạch đến cùng? Ai sẽ cùng tham gia với Mỹ trong hoạt động này? Và Trung Quốc sẽ đối phó thế nào?

VOA Việt ngữ đi tìm lời giải đáp qua cuộc thảo luận với ba chuyên gia am hiểu tình hình Biển Đông: Luật sư Lưu Tường Quang tại Úc, từng là một nhà ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa, cựu Tổng Giám đốc hệ thống truyền thanh đa ngữ SBS Radio của liên bang Úc; luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế; và học giả Ngô Vĩnh Long ở Mỹ chuyên nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á, Đông Á, quan hệ Châu Á – Hoa Kỳ, hiện là Giáo sư khoa lịch sử của đại học Maine, Hoa Kỳ.

Luật sư Khanh: Tôi thấy chính quyền của Tổng thống Obama tỏ ra rất yếu kém trong quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng tăng cường sức mạnh trong khu vực. Tuy nhiên, tôi nghĩ Mỹ cuối cùng cũng sẽ quyết định đưa tàu chiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây vì về luật pháp quốc tế, các đảo này không có quyền 12 hải lý đó.

VOA: Nếu kế hoạch này Mỹ quyết tâm thực hiện tới cùng, liệu họ có thể đơn phương thực hiện hay cần đồng minh?

Giáo sư Long: Trước hết, Mỹ phải chứng minh không những cho Trung Quốc mà cho toàn thế giới rằng Mỹ có bổn phận phải bảo vệ an ninh trên biển. Cuối tháng 8 vừa qua, Lầu 5 Góc đưa ra tài liệu về chiến lược an ninh biển ở Châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó nói nếu Trung Quốc sử dụng các căn cứ trên đảo nhân tạo để cản trở thông thương hàng hải hay tự do của các phi vụ trên không gây nguy hiểm cho lợi ích thế giới, Mỹ sẽ có những hành động cụ thể. Việc này, theo tôi, không phải là chuyện nói suông. Tuy nhiên, Mỹ đã chờ xem vận động Trung Quốc thế nào. Tôi nghĩ trong vài tuần tới, các chiến thuyền của Mỹ sẽ đi vào 12 hải lý của các đảo nhân tạo. Luật Biển không cho phép Trung Quốc đòi hỏi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo hay những hòn đá chìm mà Trung Quốc biến thành đảo.

Luật sư Quang: Ông Obama không phải là một Tổng thống mạnh, ông đã để lỡ rất nhiều cơ hội. Trong nhiệm kỳ đầu của ông với Ngoại trưởng Hillary Clinton, lập trường Mỹ rất rõ rệt. Bây giờ thì ông Obama nói rất nhiều nhưng không làm gì cả. Nếu Hoa Kỳ không chứng minh làm được những gì đã nói thì những cố gắng của Mỹ trong việc thu hút các nước nhỏ như Việt Nam, Philippines sẽ không đem lại kết quả như mong muốn.

Giáo sư Long: Tôi không phải bênh vực cho ông Obama, nhưng xin lý giải rằng Mỹ trong những năm qua gặp rất nhiều khó khăn khi xoay trục trở lại Thái Bình Dương, giải quyết vấn đề Trung Đông và những nơi khác.
Ngay ở Mỹ có rất nhiều tranh cãi trong nội bộ, khác với một Trung Quốc mà quyền lực thu gom vào Tập Cận Bình cùng phe nhóm của ông ta. Tại Mỹ, ông Obama phải vận động các cơ quan ngay trong chính quyền ủng hộ chính sách của ông, chứ đừng nói là quần chúng ở ngoài. Một trong những lý do Mỹ chần chờ là để cho quần chúng Mỹ và nhân dân thế giới thấy rằng càng uyển chuyển, nhẫn nại thì Trung Quốc càng thách thức và quá lố. Đến lúc này, Trung Quốc đã đẩy Mỹ tới chỗ không còn chọn lựa nào khác, phải đưa chiến thuyền đi vào các vùng dưới 12 hải lý mà Trung Quốc gọi là lãnh hải của họ. Mỹ không thể giúp Trung Quốc chứng minh rằng Mỹ là ‘hổ giấy’. Khi Mỹ có hành động cụ thể, nhiều nước trong khu vực sẽ ủng hộ.

Luật sư Khanh: Các đồng minh trong khu vực sẽ tham gia với Mỹ ở mức độ tối thiểu và cần thiết, đặc biệt là Nhật Bản.

VOA: Cho tới nay, dường như các cường quốc như Nhật và Ấn Độ chưa tỏ rõ ý định thế nào, nhưng Úc có dấu hiệu rằng ‘không’. Vì sao Úc không cân nhắc việc này?

Luật sư Quang: Bộ trưởng Thương mại Úc nói rằng không vì ông là người phụ trách việc thương thuyết Hiệp định Tự do Thương mại FTA với Trung Quốc. Cho nên, ông quan tâm nhiều về phương diện giữ cho quan hệ kinh tế Úc-Trung Quốc tốt đẹp. Ngày 20/10, Ngoại trưởng Úc, Julie Bishop trả lời rằng vấn đề này còn đang giả thuyết, chưa có quyết định nên Úc chưa có câu trả lời.

VOA: Vậy có thể dự kiến quyết định của Úc sẽ thiêng về phía thương mại sợ ảnh hưởng mậu dịch với Trung Quốc hay về phía các quyền lợi an ninh lớn hơn với Mỹ?

Luật sư Quang: Đây là vấn đề tế nhị cho Úc vì 1/3 hàng xuất cảng của Úc đi vào Trung Quốc. Trung Quốc rất quan trọng cho nền kinh tế Úc. Nhưng nếu phải chọn lựa giữa Mỹ với Trung Quốc, tôi nghĩ nước Úc và dân chúng Úc sẽ chọn Mỹ chứ không chọn Trung Quốc.

Luật sư Khanh: Úc có gần 100 tỷ đô la trao đổi thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng của Úc trong vấn đề này sẽ là vấn đề chính trị-an ninh của đất nước. Tôi nghĩ Úc cuối cùng cũng sẽ đứng trong liên minh của Mỹ mà thôi.

Luật sư Quang: Cựu Ngoại trưởng Úc rất có kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, ông Gareth Evan, đã lên tiếng kêu gọi Úc hoặc phối hợp với Mỹ, hoặc một mình phải tuần tra đi vào vùng 12 hải lý Trung Quốc gọi là ‘lãnh hải của họ’ ở Biển Đông.

VOA: Ngoài Úc, Nhật, còn một cường quốc khác trong khu vực là Ấn. Liệu có thể trông chờ phản ứng-hành xử của Ấn thế nào đối với kế hoạch của Hoa Kỳ?

Giáo sư Long: Ấn Độ nói nhiều, làm ít. Cho nên , Ấn sẽ đánh võ mồm. Quan trọng không phải Ấn mà là Nhật. Nhật ở gần Trung Quốc và bị Trung Quốc đe dọa. Bao nhiêu năm nay Nhật chưa phản ứng một phần để chờ xem thái độ Mỹ thế nào. Bây giờ thái độ Mỹ rõ ràng sẽ giúp cho Nhật có thái độ rõ ràng hơn.

Luật sư Quang: Nhật, Úc, Mỹ đều nói rất rõ là họ trung lập về vấn đề tranh chấp chủ quyền. Vấn đề họ tranh đấu là tự do lưu thông hàng hải-hàng không. Ông Obama còn hơn 1 năm nữa sẽ hết nhiệm kỳ, cho nên, tôi nghĩ ông sẽ thực hiện kế hoạch đó, để lại di sản.

Giáo sư Long: Việc này đối với ông Obama rất dễ vì hiện nay ông đã tạo được đồng thuận trong Quốc hội. Nếu Mỹ bị khinh thường, mất sức mạnh trên biển thì sức mạnh lâu dài và vị thế của Mỹ sẽ rất lung lay. Cho nên, lợi ích rất lớn của Mỹ trong thế kỷ tới là phải duy trì sức mạnh trên biển và được các nước khác ủng hộ.
.
VOA: Dự kiến sự ủng hộ của các nước trong khu vực và quốc tế đối với kế hoạch của Mỹ ở mức nào: khuyến khích ngoại giao hay cùng tham gia tuần tra trên thực tế, thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại đây?

Luật sư Khanh: Kế hoạch này có tầm quan trọng rất lớn với các nước trong khu vực. Việt Nam đã lên tiếng thông qua người đại diện trong Quốc hội về vấn đề an ninh. Các nước khác, chẳng hạn như Philippines, chắc chắn sẽ đồng ý. Nhưng trước mắt, tôi nghĩ Mỹ chỉ cần có sự ủng hộ của Nhật Bản. Mỹ và Nhật sẽ là hai nước đầu tiên đi tuần tra trong khu vực đó để chứng minh cho Trung Quốc thấy quyết tâm của lực lượng đồng minh tại khu vực.
.
VOA: Việt Nam nên tận dụng cơ hội này thế nào để vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia vừa thoát được sự ảnh hưởng o ép của Trung Quốc lâu nay? Mời quý vị đón theo dõi phần tiếp theo của cuộc hội luận trong chương trình phát thanh tối mai.

----------------
Tin liên hệ








No comments: