Thursday, October 22, 2015

Bà Clinton: Mỹ phải chấp nhận rủi ro để theo đuổi các nỗ lực ngoại giao (VOA Tiếng Việt)





VOA Tiếng Việt
23.10.2015

Để lãnh đạo trong một thế giới nguy hiểm, Hoa Kỳ phải tiếp tục chấp nhận những rủi ro trong khi theo đuổi các nỗ lực ngoại giao. Đó là lời phát biểu của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ bà Hillary Clinton với một ủy ban Hạ viện dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa, điều tra về vụ tấn công gây chết người năm 2012 vào lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Benghazi, Libya.

Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton trong cuộc điều trần tại ủy ban đặc biệt của Hạ Viện, ngày 22/10/2015.

Đối mặt với một ngày dài thẩm vấn, bà Clinton lên tiếng một cách bình tĩnh về cái chết của Đại sứ Christopher Stevens và 3 người Mỹ khác khi bà còn là người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ.

Bà Clinton nói, “Nước Mỹ phải lãnh đạo trong một thế giới nguy hiểm, và các nhà ngoại giao của chúng ta phải tiếp tục đại diện cho chúng ta ở những nơi nguy hiểm. Chúng ta chắc chắn phải chấp nhận một mức độ rủi ro để bảo vệ đất nước và thúc đẩy các lợi ích và giá trị của chúng ta.

Bà bắt đầu lời phát biểu với câu nói rằng, “Tôi quen biết và ngưỡng mộ Chris Stevens… tôi có mặt ở đây để tuyên dương thành tích phục vụ của 4 vị đó.”

Chủ tịch Ủy ban, ông Trey Gowdy mở đầu cuộc điều trần bằng lời giải thích hùng hồn về sự cần thiết đối với ủy ban và sự khác biệt của ủy ban so với các ủy ban xét duyệt khác. Vẫn còn những thắc mắc có liên quan đến các quyết định của chính phủ trước và sau vụ tấn công ở Benghazi, “bởi vì những cuộc điều tra trước đây chưa được tường tận.”

Ông Gowdy nói với bà Clinton rằng cuộc điều trần không phải nhắm vào bà, mà là để đi tìm sự thực về yêu cầu của cơ quan ngoại giao đề nghị thêm an ninh, thiết bị và nhân viên – và những gì được thảo luận ở Washington trong khi người Mỹ bị tấn công.

Ông Gowdy cũng đề cập đến vụ tranh cãi kéo dài nhiều tháng về email của bà Clinton, trong đó có tiết lộ rằng hồi tháng 3 năm 2015 bà đã dùng một máy chủ riêng để liên lạc email trong thời gian bà còn làm Ngoại trưởng.

Cuộc điều trần của bà diễn ra vào lúc có nhiều lời chỉ trích đằng sau các cáo buộc cho rằng phe Cộng hòa lợi dụng dịp này để gây thiệt hại cho cuộc vận động của bà để được đảng Dân chủ đề cử ra tranh chức tổng thống vào năm tới.

Phe Dân chủ, kể cả chính bà Clinton, đã nắm lấy những nhận định của trưởng khối đa số Hạ viện Kevin McCarthy hồi đầu tháng này khi xuất hiện trong một chương trình truyền hình của đài tin tức Fox. Ông McCarthy dường như khoe khoang rằng vì phe Cộng hòa ở Hạ viện đã thành lập một ủy ban điều tra các vụ tấn công nên điểm ủng hộ bà Clinton đã sụt giảm.

Thành viên có hạng trong Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Benghazi, ông Elijah Cummings, một đảng viên Dân chủ, hôm thứ ba đã dùng lời phát biểu mở đầu của mình để chỉ trích ủy ban, và nói rằng công tác của ủy ban có động cơ chính trị nhằm chống lại bà Clinton.

Ông Cummings nói các gia đình của những người thiệt mạng ở Benghazi yêu cầu ủy ban 3 điều: đừng chính trị hóa cuộc điều tra, tìm ra các sự kiện, và bảo đảm là loại sự cố như thế này đừng xảy ra một lần nữa.

Các nhà quan sát sẽ theo dõi xem bà Clinton hành xử ra sao trước ủy ban. Các con số thăm dò của bà đã khá hơn nhờ thành tích cuộc tranh luận của các ứng viên Dân chủ được truyền hình toàn quốc hồi tuần trước.

Ủy ban được thành lập hồi tháng 5 năm 2014 sau 7 cuộc điều tra trước đó của quốc hội về vụ tấn công. Phe Dân chủ đã yêu cầu giải tán ủy ban và nói ủy ban đã không đưa ra được thông tin mới nào về Benghazi và chỉ gây lãng phí tiền của ngưới thọ thuế.

Nhưng chủ tịch ủy ban Gowdhy đã cam kết trong những cuộc phỏng vấn mới đây rằng việc thẩm vấn bà Clinton sẽ tập trung chính xác vào tình hình an ninh của tiền đồn ở Benghazi trong những tháng trước khi xảy ra những vụ tấn công.

Bà Clinton đã từng ở trong vị thế này trước đây. Bà đã đỡ đòn phe Cộng hòa tại Thượng viện vào năm 2013 trong một cuộc trao đổi gay gắt khi được hỏi về nguyên do sau các vụ tấn công vào hai địa điểm của Hoa Kỳ là phái bộ ngoại giao và một doanh trại của CIA gần đó ở Benghazi.

------------
Tin liên hệ







No comments: