Friday, April 4, 2025

ÔNG TRUMP ÁP THUẾ TOÀN CẦU, VIỆT NAM CHỊU 46%, CHỨNG KHOÁN CHÂU Á LAO DỐC (BBC News Tiếng Việt)

 



Ông Trump áp thuế toàn cầu, Việt Nam chịu 46%, chứng khoán châu Á lao dốc

BBC News Tiếng Việt

3 tháng 4 năm 2025

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c1jxr9593zno

 

Các nền kinh tế châu Á nằm trong số các đối tác chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ mức thuế quan mới của ông Donald Trump: 46% đối với Việt Nam, 34% đối với Trung Quốc, và 49% đối với Campuchia.

 

Tổng thống Donald Trump rạng sáng 3/4 giờ Việt Nam đã công bố kế hoạch áp thuế nhập khẩu mới đối với tất cả hàng hóa vào Mỹ, đánh dấu sự thay đổi lớn nhất trong trật tự thương mại quốc tế kể từ sau Thế chiến II.

 

Nhiều đồng minh của Mỹ sẽ phải đối mặt với thuế quan mới, trong đó Vương quốc Anh chịu 10%, Liên minh châu Âu chịu 20%, ông Trump cho biết vào tối 2/4 (tức rạng sáng 3/4 theo giờ Việt Nam).

 

Trong khi đó, thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc sẽ tăng thêm 34%, bổ sung vào mức 20% hiện có, trong khi thuế sẽ tăng lên 24% đối với hàng hóa từ Nhật Bản.

 

Những nước là đối thủ của Việt Nam tại thị trường Mỹ như Thái Lan chịu mức thuế 36%, Ấn Độ 26%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Bangladesh 37%, Philippines 17%, Pakistan 29%...

 

Một số mức thuế cao nhất sẽ áp lên hàng xuất khẩu từ các quốc gia đã thu hút làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong những năm gần đây, khi các công ty chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sau các mức thuế trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

 

 

'Đòn giáng' vào Nike và các thương hiệu đồ thể thao

 

 

Nike có thể sớm phải đối mặt với một đòn giáng khác trong nỗ lực khôi phục thương hiệu và đảo ngược tình trạng doanh số sụt giảm kéo dài: Thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, theo Reuters.

 

Nike là một trong số nhiều thương hiệu đồ thể thao phụ thuộc nhiều vào Việt Nam như một địa điểm sản xuất và mức thuế quan cao hơn sẽ buộc công ty phải chịu chi phí cao hơn hoặc tăng giá vào thời điểm họ đang giảm giá một số mặt hàng để giải phóng tồn kho.

 

Theo báo cáo thường niên, Nike đã sản xuất 50% giày dép và 28% hàng may mặc tại Việt Nam trong năm tài chính 2024.

 

Đối thủ Adidas ít bị ảnh hưởng hơn một chút, phụ thuộc vào Việt Nam cho 39% giày dép và 18% hàng may mặc của mình.

 

Theo tính toán, mức thuế quan trung bình của Hoa Kỳ đối với giày dép từ Việt Nam là 13,6%, trong khi mức thuế đối với hàng may mặc là 18,8%, dựa trên dữ liệu thương mại tháng Một do Sheng Lu, giáo sư nghiên cứu thời trang và hàng may mặc tại Đại học Delaware, thực hiện.

 

Nike và Adidas không hề đơn độc.

 

Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất giày chạy bộ công nghệ cao, trang phục thể thao và quần áo ngoài trời, khi các thương hiệu tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

 

Lululemon, Columbia Sportswear và Amer Sports – công ty sở hữu Salomon và Arc'Teryx – đều coi Việt Nam là quốc gia sản xuất hàng đầu của họ.

 

Tuy nhiên, các mức thuế được đưa ra rơi vào thời điểm quan trọng đối với Nike, công ty gần đây đã mất thị phần vào tay các đối thủ được đánh giá là mới mẻ và sáng tạo hơn, như On và Hoka.

 

Trong cuộc họp báo cáo thu nhập hàng quý vào tháng trước, Giám đốc tài chính Matt Friend cho biết doanh thu của Nike dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong quý tới.

 

Một số thương hiệu trang phục thể thao nhỏ hơn và trẻ hơn còn phụ thuộc vào Việt Nam nhiều hơn. Thương hiệu giày chạy bộ phát triển nhanh On đã sản xuất 90% giày và 60% trang phục, phụ kiện của mình từ Việt Nam vào năm 2024.

 

Giày On vốn đã có giá cao, dao động từ 130 đến 330 USD một đôi. Samuel Wenger, Giám đốc vận hành của thương hiệu, cho biết thuế quan là một trong những yếu tố On cân nhắc khi định giá sản phẩm. "Thương hiệu cao cấp của chúng tôi cho phép chúng tôi điều chỉnh giá cả một cách có tính toán," ông nói với Reuters.

 

Theo Beth Goldstein, nhà phân tích ngành giày dép tại công ty nghiên cứu thị trường Circana, giá trung bình của giày thể thao tại Mỹ đã tăng 25% kể từ năm 2019, một phần do chi phí sản xuất ngày càng tăng.

 

 

XEM TIẾP >>>>>   

 

 

 



6

No comments: