Tuesday, July 2, 2024

KHẤT SĨ THÍCH MINH TUỆ CÒN SỐNG HAY ĐÃ CHẾT (Nhiếu nguồn tin / Thông Luận tổng hợp)

 



Khất sĩ Thích Minh Tuệ còn sống hay đã chết ?  

Nhiều nguồn tin

02/07/2024

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/33388-kh-t-si-thich-minh-tu-cong-s-ng-hay-da-ch-t

 

Cần phóng thích sư Thích Minh Tuệ nếu ông đang bị giam giữ bất công !

RFA, 02/07/2024

 

Dân biểu gốc Việt của Hạ viện tiểu bang California gửi thư đề nghị Đại sứ Mỹ tại Việt Nam quan tâm tới trường hợp của sư Thích Minh Tuệ, người bị mất tích lần thứ hai từ tối 12/6/2024.

 

https://live.staticflickr.com/65535/53829127202_27ed08bd14.jpg

Sư Thích Minh Tuệ (hàng đầu giữa) trong hành trình đi bộ từ Nam ra Bắc luôn thu hút sự chú ý của người Việt Nam trong và ngoài nước . Ảnh : CTV

 

Ngày 1/7, sau khi sư Thích Minh Tuệ (thế danh Lê Anh Tú) mất tích gần 20 ngày, em trai của ông là Lê Anh Thìn đã thay mặt gia đình gửi đơn trình báo đến công an ba cấp, gồm : xã Ia Tô, huyện Ia Grai và tỉnh Gia Lai với đề nghị giúp đỡ việc tìm kiếm.

 

Cùng ngày, Dân biểu Tạ Đức Trí gửi thư cho Đại sứ Mỹ Marc Knapper, trong đó ông bày tỏ sự quan ngại về tình trạng của vị tu hành theo 13 hạnh đầu đà của Phật giáo vốn được dư luận trong và ngoài nước quan tâm vài tháng trở lại đây.

 

Dân biểu Tạ Đức Trí nhắc lại việc ông đã gửi thư cho Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) vào ngày 4/6 liên quan những lo ngại về tự do tôn giáo ở Việt Nam, sau khi đoàn của sư Thích Minh Tuệ và hơn 70 khất sĩ bị công an bố ráp trong đêm và đưa về các địa phương.

 

"Thật không may, kể từ khi tôi viết bức thư đó, tình hình của Thích Minh Tuệ trở nên xấu đi và mối quan tâm của tôi đối với tình trạng của ông ngày càng tăng lên đáng kể," vị dân biểu viết trong thư viết bằng tiếng Anh.

 

Trong thư được đăng tải lên danh khoản Facebook cá nhân, vị dân biểu từng là thị trưởng thành phố Westminster nơi có nhiều người gốc Việt sinh sống, nói ông không tin tưởng vào khả năng các quan chức chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra những tuyên bố trung thực về tình trạng của sư Minh Tuệ hoặc việc ông ấy đồng ý không xuất hiện trước công chúng trong thời gian dài.

 

"Tôi hy vọng ngài sẽ sát cánh cùng tôi vì tự do tôn giáo như một quyền cơ bản của con người và ngay lập tức kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp tôn giáo đối với Thích Minh Tuệ và trả tự do cho ông nếu trên thực tế ông đang bị giam giữ bất công. Hoa Kỳ phải tiếp tục thúc đẩy vấn đề này bằng mọi cơ hội có được với Chính phủ Việt Nam," vị dân biểu viết.

 

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam với đề nghị bình luận về lời kêu gọi của Dân biểu Tạ Đức Trí, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

 

 

Chính quyền không minh bạch trong vụ sư Minh Tuệ

 

Theo nội dung đơn trình báo của gia đình, sư Thích Minh Tuệ thông báo với người thân ngày ngày 12/6 sẽ rời cốc (theo yêu cầu của một người nào đó) trong thời gian 5 đến 7 ngày rồi sẽ quay lại tiếp tục tu tập theo lời Phật dạy khi nơi tu tập của ông bị nhiều người dân đến đảnh lễ gây mất an ninh trật tự.

 

Tuy nhiên, cho đến ngày 01/7, vị khất sĩ chưa trở về và gia đình hoàn toàn không hay biết về tình trạng tinh thần và sức khỏe của ông.

 

Trong một video clip được đăng tải lên kênh Youtube N.S.N ngày 02/7, ông Lê Anh Thìn cho biết nội dung làm việc với nhà chức trách địa phương về anh ruột mình :

 

"Hôm qua tôi có đi làm việc với cơ quan chức năng và họ nói rằng ông Lê Anh Tú là công dân bình thường, ông không vi phạm pháp luật gì cả, nên họ không có quyền giữ ông ấy".

 

Cũng theo lời của ông Thìn, cơ quan công an cũng "không biết thông tin thầy ở đâu và chỉ tiếp nhận đơn để giúp đỡ". Ông cũng nhắn gửi "qua đây cũng mong mọi người sáng suốt suy nghĩ không nên nghe theo thành phần chống phá nói cơ quan Nhà nước thế này, thế kia".

 

Một cư sĩ Phật giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh theo dõi sát các thông tin về sư Minh Tuệ cho hay, cơ quan chức năng đã buộc những khất sĩ viết đơn cam kết tự nguyện không bộ hành, không khất thực, không mặc y phấn tảo và không để cho hình ảnh của mình phát tán lên mạng xã hội, mặc dù Hiến pháp và Luật Tín ngưỡng Tôn giáo 2016 quy định công dân có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

 

Cư sĩ Đ.H.T. Hoà cho rằng cách làm của chính quyền không minh bạch và hợp pháp, ông nói trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 2/7 :

 

"Hiện nay bên anh Thìn và gia đình mới làm đơn, chúng ta cần phải chờ xem cách chính quyền phản ứng với câu chuyện này thế nào nhưng mọi chuyện có vẻ đang khá phức tạp.

Vì thầy Thích Minh Tuệ (thế danh Lê Anh Tú) đã có Căn cước công dân, chính quyền địa phương phải bảo đảm cho thầy tất cả các quyền công dân ghi trong Hiến pháp. Còn không thì đừng có ép phải làm từ ban đầu".

 

Về an nguy hiện nay của sư Minh Tuệ, vị cư sĩ này nhận định :

 

"Vì thầy Thích Minh Tuệ đã nói là thầy xả ly và chấp nhận mọi thứ xảy ra với mình như nhân quả. Thầy từng dạy cuộc sống vô thường, sống chết không rõ nên phải tu tập ngay. Họ cho thầy sống ngày nào thì thầy tu ngày đó".

 

Cũng theo ông này, các vị đồng tu 13 hạnh Đầu đà theo gương của sư Minh Tuệ cũng đã làm căn cước công dân và công an các tỉnh thành nên để cho họ được tự do tu tập chứ không phải cứ liên tục sách nhiễu, gây khó dễ như hiện nay.

 

Một nhà hoạt động ở Hà Nội, người không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, cho rằng công an tỉnh Gia Lai phải chịu trách nhiệm về tính mạng và sự an toàn cho công dân Lê Anh Tú.

 

Coi tấm gương tu hành khổ hạnh theo hạnh đầu đà của sư Thích Minh Tuệ là kính chiếu yêu đối với nhiều chùa "quốc doanh" trong nhiều năm trở lại đây, người này nói :

 

"Tôi không cho rằng mối nguy cho sư Thích Minh Tuệ đến từ phía chính quyền, mà có thể lại đến từ những kẻ đang lợi dụng tu hành để kiếm lợi từ việc cúng dường của dân chúng, vì sự khổ hạnh của ông khiến dân chúng tỉnh ngộ và không còn đến các chùa nặng tính thương mại như bao lâu nay nữa".

 

Nguồn : RFA, 02/07/2024

 

 

                                    ***********************

 

 

Công an chưa lên tiếng về việc người nhà nộp đơn trình báo sư Thích Minh Tuệ mất tích

VOA, 02/07/2024

 

Hôm 1/7, nhiều tài khoản YouTube và Facebook ở Việt Nam lan truyền các video và hình ảnh thể hiện rằng người em trai của nhà sư Thích Minh Tuệ mới nộp đơn trình báo với công an ở tỉnh Gia Lai về việc nhà sư mất tích nhiều ngày qua. VOA liên lạc với công an ở đó nhưng họ chưa khẳng định hay phủ nhận về lá đơn.

 

https://live.staticflickr.com/65535/53829127217_82f2cc4ae9.jpg

Trang Tiến Vlog đăng video phỏng vấn người được nêu tên là Thìn nói về nhà sư Thích Minh Tuệ bị mất tích, 1/7/2024.

 

Một đoạn video dài hơn 10 phút ghi hình một người đàn ông được mô tả là em trai của nhà tu hành Thích Minh Tuệ nói về việc nhà sư mất tích đã được đăng trên các trang YouTube Tiến Vlog, trang Facebook Nguyễn Xuân Diện, những nhóm Facebook Góc nhìn Báo chí-Công dân, Nhóm Chúng tôi Ghét Lừa Dối và nhiều trang khác.

 

Những người sử dụng mạng xã hội cũng chia sẻ các ảnh chụp lá đơn dài 2 trang được cho là của em trai nhà sư gửi đến Công an Huyện Ia Grai và Công an Xã Ia Tô thuộc tỉnh Gia Lai, được ký hôm 30/6/2024.

 

Nhà sư Thích Minh Tuệ được biết tiếng rộng rãi và được sùng kính trên khắp Việt Nam trong những tháng gần đây về việc ông đi bộ chân trần dọc ngang đất nước để tu hành theo lối khổ hạnh và khất thực. Hàng chục nghìn người đã đứng dọc đường để chiêm bái khi ông đi qua.

 

Đầu tháng 6, nhà chức trách Việt Nam loan báo họ đã "gặp gỡ, trao đổi" với nhà sư và sau đó ông "tự nguyện dừng đi khất thực" và "sẽ ẩn tu" mà một phần lý do là để bảo đảm "sự ổn định xã hội".

 

Khi nhà sư trở về căn nhà của gia đình ông ở tỉnh Gia Lai trong cùng tháng, rất đông người tiếp tục kéo đến chiêm bái.

 

Theo thông tin trong video và ảnh được lan truyền trên internet hôm 1/7, người có tên là Lê Anh Thìn cho biết ông là em trai ruột của công dân Lê Anh Tú tức nhà sư Thích Minh Tuệ và ông vừa trình báo về việc nhà sư "bặt vô âm tín" gần 20 ngày qua.

 

Lá đơn với chữ ký thể hiện tên ông Thìn có đoạn viết rằng vào tối ngày 12/6/2024, nhà sư thông báo với gia đình rằng do nhiều người tụ tập gây mất an ninh trật tự nên nhà sư nhận được lời đề nghị "phối hợp tạm di chuyển đi nơi khác từ 5 đến 7 ngày để tình hình trật tự ổn định". Tuy nhiên, theo lá đơn, gia đình nhà sư không rõ người đề nghị đó là "từ bên nào".

 

"Nhưng đến bây giờ, sau gần 20 ngày, thông tin của ông Lê Anh Tú vẫn bặt vô âm tín. Không biết ai đưa ông Tú đi đâu, hiện đang ở đâu, có an toàn không, sức khỏe và tinh thần có ổn định không", một đoạn khác của lá đơn viết.

 

Người làm đơn viết thêm rằng gia đình tự tìm hiểu, điều tra và "được nghe là ông Tú được xe ô tô đưa đi đến huyện Măng Yang".

 

Vẫn theo lá đơn, gia đình ông Tú tức nhà sư Thích Minh Tuệ đang rất hoang mang, lo lắng, đề nghị công an và toàn thể người dân "hỗ trợ tìm kiếm". Điều này cũng được nhắc lại trong đoạn video được chia sẻ trên YouTube và Facebook.

 

VOA cố gắng liên lạc với gia đình nhà sư để xác nhận thông tin trong lá đơn nhưng chưa kết nối được.

 

Trong khi đó, chủ tài khoản YouTube Tiến Vlog, ông Đoàn Hải Lâm, khẳng định với VOA rằng ông ấy chính là người đã phỏng vấn ông Lê Anh Thìn vào sáng 1/7 và đăng lên đoạn video được nhiều người chia sẻ.

 

Ông Lâm mô tả thêm với VOA rằng vẫn có những nhóm người "lai rai" đến thăm ngôi nhà của gia đình sư Thích Minh Tuệ và công an cũng hiện diện ở đó.

 

VOA liên lạc qua điện thoại với Công an huyện Ia Grai để đề nghị họ xác nhận việc gia đình nhà sư nộp đơn trình báo, một sỹ quan trực ban trả lời : "Cái đấy hỏi lãnh đạo chứ tôi không thể trả lời được". Vẫn người trực ban đề nghị phóng viên đến cơ quan công an để làm việc trực tiếp.

 

VOA cũng cố gắng liên lạc với cơ quan công an qua email nhưng chưa nhận được hồi đáp. Tính đến thời điểm bài viết này được đăng, Công an huyện Ia Grai chưa có tuyên bố chính thức gì về việc họ đã tiếp nhận đơn trình báo của gia đình nhà sư Thích Minh Tuệ hay chưa. Báo chí Việt Nam cũng chưa đăng tin gì về vấn đề này.

 

Nguồn : VOA, 02/07/2024

 

                                        ***********************

 

 

Sư Thích Minh Tuệ mất tích gần 20 ngày : Gia đình trình báo công an

RFA, 01/07/2024

 

Sư Thích Minh Tuệ (thế danh Lê Anh Tú) mất tích gần 20 ngày khiến gia đình lo lắng gửi đơn cho cơ quan công an các cấp nhờ tìm kiếm tung tích của ông. 

 

https://live.staticflickr.com/65535/53829127207_6002974e8b.jpg

Sư Minh Tuệ trong video phóng sự của VTV phát ngày 8/6/2024 - VTV24

 

Hôm 1/7/2024, em trai của sư Minh Tuệ là ông Lê Anh Thìn thay mặt cha mẹ gửi đơn trình báo đến công an tỉnh Gia Lai, công an huyện Ia Grai và công an xã Ia Tô. Trong lá đơn đề ngày 30/6 cho hay :

 

"Tối ngày 12/6/2024 ông Lê Anh Tú có thông báo gia đình với nội dung : hiện tại người dân tập trung gây mất an ninh trật tự nên có người (không biết từ bên nào) báo với ông Lê Anh Tú phối hợp tạm di chuyển đi nơi khác từ 5 đến 7 ngày để tình hình trật tự sớm ổn định. 

 

Bên cạnh đó ông Lê Anh Tú cũng nhắc nhở vợ chồng ông Lê Anh Thìn sớm làm hàng rào để bảo vệ cây cối rồi ông Lê Anh Tú sẽ trở về cốc tiếp tục tu tập và học tập theo lời Phật dạy sau 5-7 ngày".

 

Tuy nhiên, sau gần 20 ngày, gia đình hoàn toàn không hay biết về tình trạng tinh thần và sức khỏe của sư Minh Tuệ cho nên "gia đình chúng tôi nói riêng và rất nhiều phật tử yêu quý ông Thích Minh Tuệ (Lê Anh Tú) trong nước và quốc tế nói chung đều đang rất hoang mang, lo lắng".

 

Ông Lê Anh Thìn trong cùng ngày 1/7 cũng đã lên các kênh Youtube chuyên đưa các tin về sư Minh Tuệ xác nhận lại nội dung lá đơn nêu trên. 

 

Ông Nguyễn Viết Dũng, người từng khởi xướng một lá đơn khác yêu cầu Bộ Công an minh bạch tung tích của sư Minh Tuệ sau vụ việc ngày 3/6 nhận định rằng, sở dĩ gia đình trước đây không yêu cầu tìm kiếm người thân do khi ông Lê Anh Tú xuất gia đã xin phép gia đình và được đồng ý, cũng như các chuyến bộ hành trước đây của ông rất suôn sẻ và an nhiên. 

 

Ông nói với RFA trong ngày 1/7 : 

 

"Từ sau khi nổi tiếng một cách bất đắc dĩ đến nay thì mọi chuyện đã khác đi rất nhiều và hơn nữa cũng đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy công an đã bắt thầy một lần rồi, đó là vào rạng sáng ngày 3 tháng 6. 

 

Yếu tố thứ hai đó là cũng trong đơn của anh Thìn cho biết rằng là thầy Minh Tuệ cũng dặn gia đình làm hàng rào bảo vệ cây, rồi sẽ trở về cốc tiếp tục tu tập sau 7 ngày. Thế nhưng sau 7 ngày vẫn không thấy thầy Minh Tuệ quay lại thì dĩ nhiên gia đình lo lắng quá đi chứ". 

Đây là lần mất tích thứ hai của vị tu hành theo hạnh Đầu đà của Phật giáo. Lần thứ nhất là khi sư Minh Tuệ và đoàn hơn 70 khất sĩ bộ hành từ bắc vào nam, nghỉ chân ở xã Hương Thọ, thành phố Huế thì bị công an bố ráp vào rạng sáng 3/6. 

 

Sư Minh Tuệ bị đưa vào công an tỉnh Gia Lai để làm căn cước công dân rồi bặt vô âm tín, còn các đồng tu khác bị buộc trút y phấn tảo và đưa lên xe khách bỏ lại ở các địa phương khác.

 

Ban Tôn giáo chính phủ thuộc Bộ Nội vụ sáng hôm đó ra văn bản nói sư Minh Tuệ (tức Lê Anh Tú) không phải là một tu sĩ Phật giáo và đã tự nguyện dừng bộ hành khất thực. 

 

Đến ngày 8/6, đài truyền hình quốc gia VTV đưa hai phóng sự nói sư Minh Tuệ ẩn tu vì người dân đi theo gây mất an ninh trật tự, tuy nhiên đoạn phỏng vấn khác của tờ báo Người Lao động thì ông khẳng định "con vẫn tiếp tục tu tập bình thường, khất thực, sống chỗ này chỗ kia theo đời sống, giới luật của Đức Phật dạy". 

 

Ông sau đó nhận căn cước công dân từ Công an tỉnh Gia Lai và xuất hiện khất thực trở lại ở quê nhà từ ngày 10/6, tuy nhiên ba ngày sau đó người dân không còn thấy sư Minh Tuệ đâu nữa. 

 

Một nhà quan sát về Phật giáo ở trong nước không nêu tên vì lý do an ninh nhận xét :

"Số phận của sư Thích Minh Tuệ cũng như những đồng Tăng đang chông chênh vô định trong sự quan sát của nhà nước vô thần, và họ cũng gần giống với số phận nhà nước Việt Nam với bàn chân đang sát lằn ranh của danh sách Các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt vì tự do tôn giáo (CPC), và rất nhiều tổ chức nhân quyền và các chính sách quốc tế đang đợi xem Việt Nam sẽ làm gì với những người tu tập tự do này".

 

Theo ông này, có nguồn tin cho rằng Ban Tôn giáo và lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tìm một giải pháp thích hợp nhằm xử lý sư Minh Tuệ và các đồng tu như gây áp lực cho gia đình để đưa ông đi bộ hành ở Ấn Độ hay Tây Tạng rồi không thể trở về Việt Nam nữa. 

 

Người này cũng không loại trừ khả năng sẽ có cách xử lý tàn bạo như các sự việc sau năm 1975, đặc biệt dẫn lại trường hợp của mục sư Tin Lành Y Bum Bya hồi tháng 3, mà người ta tìm thấy ông trong tư thế treo cổ ở trong nghĩa trang sau nhiều lần bị công an sách nhiễu. 

Phóng viên gọi điện thoại cho Trực ban hình sự công an tỉnh Gia Lai để hỏi về vụ việc, tuy nhiên khi phóng viên giới thiệu bản thân và hỏi về sự việc mất tích của sư Minh Tuệ (Lê Anh Tú) thì cán bộ công an nói "không nghe rõ" rồi tắt máy. Các cuộc gọi sau đó không có người nhấc máy. 

 

Nguồn : RFA, 01/07/2024





No comments: