Friday, March 6, 2020

VIỆT - MỸ ĐƯỢC GÌ KHI TÀU USS THEODORE ROOSEVELT THĂM ĐÀ NẴNG? (Lê Hồng Hiệp)




NỘI DUNG :

Lê Hồng Hiệp
.
Lê Hồng Hiệp
.
============================================
.
Lê Hồng Hiệp
06/03/2020

Lặng lẽ không cần phô trương, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt thuộc lớp Nimitz đã trở thành tàu sân bay thứ hai của Mỹ đến thăm Việt Nam sau Chiến tranh Việt Nam, cập cảng Đà Nẵng từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 3 năm 2020. Khi tàu sân bay USS Carl Vinson thực hiện chuyến thăm lịch sử đầu tiên đến Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018, đó là một sự kiện nổi bật, với việc hai bên thảo luận công khai về sự kiện này trong chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Việt Nam vào tháng 11 năm 2017. Lần này, chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt hầu như không được quảng bá. Trên thực tế, tin tức chính thức về chuyến thăm chỉ được công bố vài ngày trước khi con tàu đến Đà Nẵng.

Không khó để đoán được lý do tại sao chuyến thăm không được quảng bá nhiều. Việt Nam lo ngại rằng việc quảng bá sự kiện này sẽ kích động Trung Quốc một cách không cần thiết. Cho tới cuối tháng 2 khi chuyến thăm đã cận kề, một số quan chức Việt Nam vẫn lo ngại về các phản ứng có thể xảy ra của Trung Quốc. Tuy nhiên, cuối cùng chuyến thăm đã được tiến hành theo kế hoạch, mang lại sự thở phào nhẹ nhõm cho những người ủng hộ quan hệ Mỹ-Việt bởi việc hủy bỏ chuyến thăm sẽ hãm đà quan hệ song phương và ảnh hưởng đến tư thế chiến lược của cả hai quốc gia trong khu vực.

Đối với Mỹ, việc hủy chuyến thăm sẽ phát đi tín hiệu tiêu cực về những nỗ lực của họ nhằm huy động sự ủng hộ quốc tế cho Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và làm suy yếu sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Do Philippines gần đây đã chấm dứt Hiệp định Lực lượng Viếng thăm với Hoa Kỳ, việc hủy bỏ chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt đến Việt Nam sẽ củng cố thêm nhận thức rằng Mỹ đang đánh mất thế trận chiến lược khu vực vào tay Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, việc đầu hàng trước áp lực của Trung Quốc sẽ làm lộ ra những điểm yếu của Hà Nội và khuyến khích Bắc Kinh trở nên quyết đoán hơn ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng sẽ được thúc đẩy để buộc Hà Nội phải nhượng bộ hơn nữa. Đồng thời, việc hủy chuyến thăm sẽ làm sứt mẻ niềm tin chiến lược đang ngày càng tăng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, khiến Washington nghi ngờ mức độ chân thành của Hà Nội trong việc thúc đẩy quan hệ song phương. Nếu Mỹ quyết định chuyển sự chú ý ra khỏi Việt Nam, Hà Nội sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc khôi phục đà phát triển quan hệ Việt – Mỹ, và vị thế đàm phán của Việt Nam ở Biển Đông trước Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Vì những lý do trên, việc cho phép chuyến thăm được tiến hành là lựa chọn tốt nhất đối với Việt Nam. Một mặt, chuyến thăm sẽ cho thấy sự tự chủ chiến lược và khả năng tiến hành chính sách ngoại giao một cách chắc chắn, tin cậy của Việt Nam. Điều này sẽ tạo nên niềm tin từ các đối tác và sự tôn trọng từ các đối thủ. Mặt khác, nó sẽ gửi những thông điệp nhất quán tới cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Đối với người Mỹ, thông điệp sẽ là Hà Nội luôn coi trọng quan hệ song phương và Việt Nam nghiêm túc trong việc phát triển quan hệ chiến lược lâu dài với Hoa Kỳ. Không phải ngẫu nhiên mà chuyến thăm trùng vào dịp đánh dấu kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Hà Nội – Washington. Đối với Trung Quốc, chuyến thăm biểu thị sự quyết tâm của Hà Nội trong việc giữ vững lập trường trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc tiếp tục áp đặt yêu sách của mình một cách hung hăng, coi thường lợi ích của Việt Nam, thì Việt Nam sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn ngay cả khi điều này phải trả giá bằng mối quan hệ lâu dài với Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu xét tình trạng cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ ngày càng dâng cao và sự bất định phảng phất về các cam kết chiến lược của chính quyền Trump đối với khu vực, Việt Nam có lý do để không quảng bá chuyến thăm. Sự bùng nổ của dịch Covid-19 cũng mang lại cho các quan chức Việt Nam một lý do thuận tiện nhằm thuyết phục các đối tác Mỹ tiến hành chuyến thăm một cách lặng lẽ với quy mô vừa phải.

Sắp tới, Việt Nam cần tiếp tục đón các chuyến thăm của các tàu sân bay Mỹ trong tương lai như một thành phần biểu tượng của hợp tác quốc phòng song phương. Do các chuyến thăm này chủ yếu mang tính biểu tượng, Trung Quốc sẽ có ít lý do để phản ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, Việt Nam nên dự liệu trước việc Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành thêm các vụ quấy rối và xâm nhập trên biển như họ đã làm năm ngoái, khi Trung Quốc liên tục gửi một tàu khảo sát và các tàu đi kèm vào tiến hành các hoạt động thăm dò bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam từ tháng 7 đến tháng 10.

Một phần trong tư duy chiến lược từ xưa tới nay của Trung Quốc gói gọn trong một câu tục ngữ: Mềm nắn rắn buông (软怕硬). Lịch sử ngoại giao Trung Quốc cho thấy các nhà lãnh đạo của họ là bậc thầy của nguyên tắc này. Nếu tỏ ra yếu đuối và sợ hãi trước áp lực của Trung Quốc, thì thất bại của Việt Nam trên Biển Đông sẽ trở thành một lời tiên tri tự trở thành hiện thực.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên ISEAS Commentary.

--------------------------------------
.
Lê Hồng Hiệp
05/03/2020

Sự trỗi dậy của Trung Quốc là sự kiện có tác động mạnh mẽ nhất đến địa chính trị toàn cầu trong ba thập niên qua, mang lại cả những niềm hy vọng và nỗi sợ hãi. Là một nước láng giềng trực tiếp của Trung Quốc, Việt Nam là một trong những nơi đầu tiên được hưởng lợi từ sự thịnh vượng ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời cũng là nước đầu tiên cảm nhận được tác động từ sức nặng ngày càng tăng của nước này. Do đó, dù cố gắng duy trì một mối quan hệ ổn định và hòa bình với Trung Quốc để tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế, Hà Nội cũng tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ và các cường quốc khác để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc, đặc biệt là trên Biển Đông.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 106,94 tỷ USD, chiếm 22,2% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam trong năm. Đồng thời, Trung Quốc đang trở thành nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan trọng. Tới cuối năm 2018, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Việt Nam với 2.168 dự án và 13,4 tỷ USD tổng vốn đăng ký. Nếu tính cả Hồng Kông, Trung Quốc sẽ xếp thứ tư, chỉ sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Trung Quốc cũng là nguồn khách du lịch quan trọng nhất đối với Việt Nam. Ví dụ, năm 2018, 4,966 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đã chiếm tới 32% tổng lượng khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam năm đó.

Các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ đồng nghĩa với việc Việt Nam có lợi ích trong việc duy trì một mối quan hệ lành mạnh và ổn định với Trung Quốc. Tuy nhiên, tranh chấp Biển Đông đã đặt ra những thách thức không ngừng đối với quan hệ song phương, buộc Việt Nam phải chấp nhận một lập trường mang tính đối đầu với Trung Quốc về các vấn đề chủ quyền và lợi ích trên biển. Đối mặt với cách biệt quyền lực lớn giữa hai nước, trong khi tìm cách phát triển sức mạnh kinh tế và hiện đại hóa lực lượng vũ trang, Việt Nam cũng cảm thấy cần phải tăng cường quan hệ chiến lược với các cường quốc để tạo đối trọng với Trung Quốc. Trong nỗ lực này, Việt Nam không tìm thấy cường quốc nào tương thích hơn để làm việc đó ngoài Hoa Kỳ.

Từ góc nhìn của các chiến lược gia Việt Nam, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có cả sức mạnh lẫn ý chí chính trị cần thiết để kiềm chế tham vọng chiến lược của Trung Quốc, bao gồm ở cả Biển Đông. Sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc trong vài năm qua tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ chiến lược của Hà Nội với Washington khi lợi ích chiến lược của hai nước trở nên song trùng hơn do nhận thức chung của họ về mối đe dọa Trung Quốc.

Những nỗ lực của Việt Nam dường như được Mỹ đáp lại, khi Mỹ coi Việt Nam là đối tác an ninh mới nổi ngày càng quan trọng. Ví dụ, Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố vào tháng 6 năm 2019 đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ “đang ưu tiên các mối quan hệ mới với Việt Nam, Indonesia và Malaysia – những nhân tố chủ chốt trong ASEAN vốn đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực của chúng tôi nhằm đảm bảo hòa bình và bảo vệ sự thịnh vượng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Đối với Mỹ, Việt Nam không chỉ là một cơ hội kinh tế. Với những nâng cấp quân sự đáng kể trong thập niên qua, Việt Nam hiện có trong tay một trong những lực lượng quân sự mạnh nhất Đông Nam Á. Hơn nữa, với tư cách là một quốc gia chủ chốt trong tranh chấp Biển Đông với lịch sử phản kháng lâu dài chống lại sự thống trị và bành trướng của Trung Quốc, Việt Nam có thể là một nhân tố quan trọng trong khu vực giúp Mỹ kiềm chế tham vọng địa chính trị của Trung Quốc.

Với suy nghĩ đó, trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 5 năm 2016, Tổng thống Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đầu tháng 8 năm 2018, Đài Phát thanh Hoa Kỳ đã đưa tin rằng Việt Nam có các hợp đồng mua trang thiết bị quân sự trị giá 94,7 triệu đô la với Mỹ theo các chương trình Bán hàng quân sự nước ngoài (FMS) và Bán hàng thương mại trực tiếp (DCS). Những chương trình này đã giúp Việt Nam cải thiện hơn nữa năng lực hàng hải để đối phó với các thách thức an ninh ở Biển Đông. Chẳng hạn, vào tháng 5 năm 2017, Hà Nội đã nhận được sáu tàu tuần tra nhanh Metal Shark trị giá 18 triệu đô la do Hoa Kỳ viện trợ cho lực lượng Cảnh sát Biển. Cũng trong tháng đó, một tàu lớp Hamilton của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ đã loại biên cũng được chuyển giao cho Việt Nam. Vào tháng 2 năm 2019, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Phil Davidson, nói rằng Việt Nam đang chuẩn bị mua các thiết bị từ Hoa Kỳ, bao gồm máy bay không người lái Boeing Insitu ScanEagle, máy bay huấn luyện Beechcraft T-6 Texan II và nhận chuyển giao một tàu Tuần duyên thứ hai từ Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, dù có những cải thiện liên tục trong quan hệ song phương nói chung và quan hệ chiến lược Việt Nam – Hoa Kỳ nói riêng, các quan chức Việt Nam vẫn lo ngại rằng nếu Việt Nam tiến quá nhanh và quá xa trong quan hệ chiến lược với Mỹ, họ sẽ làm Trung Quốc phật lòng và khiêu khích Bắc Kinh trả đũa.

Từ quan điểm của Hà Nội, sự gần gũi về địa lý với Trung Quốc cũng như tầm quan trọng của Trung Quốc đối với sự thịnh vượng kinh tế và an ninh của Việt Nam có nghĩa là một mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc có thể đặt Việt Nam vào một vị thế chiến lược bấp bênh đến mức ngay cả một mối quan hệ mạnh mẽ với Hoa Kỳ cũng không thể bù đắp được.

Chính vì vậy, trong khi cố gắng tăng cường quan hệ với Washington, Hà Nội có xu hướng để mắt đến các phản ứng của Bắc Kinh và điều chỉnh quan hệ với Washington cho phù hợp. Chẳng hạn, giữa tháng 10 năm 2018, Việt Nam đã lặng lẽ hủy 15 hoạt động hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ dự kiến cho năm 2019 liên quan đến trao đổi lục quân, hải quân và không quân. Quyết định này dường như là một trong những phản ứng của Hà Nội đối với cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh, điều khiến Việt Nam gần như không thể củng cố quan hệ quốc phòng chặt chẽ với một cường quốc này mà không làm phật lòng cường quốc kia.

Do đó, Hà Nội đã cố gắng thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ với một tốc độ vừa phải và giữ cho hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ ít khoa trương ồn ào nhất có thể. Đây cũng có thể là lý do khiến Việt Nam do dự trong việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ mặc dù Hoa Kỳ đã có các động thái mời mọc về cả ngoại giao lẫn chiến lược liên tục kể từ năm 2013.

Tuy nhiên, quyết định của Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Mỹ ở một tốc độ vừa phải không phải là xu hướng bất biến. Trên thực tế, đó cũng không phải là quyết định của riêng Việt Nam. Do quyết định đó được hình thành phần lớn dựa vào nhận thức của Việt Nam về mối đe dọa Trung Quốc, cách Trung Quốc hành xử ở Biển Đông cũng sẽ gây tác động lên quỹ đạo tương lai của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Nếu Trung Quốc tiếp tục hành động hung hăng ở Biển Đông, như được minh chứng bởi sự xâm phạm liên tục của Trung Quốc vào các vùng biển Việt Nam bằng tàu khảo sát và các tàu đi kèm từ tháng 7 đến tháng 10 năm ngoái, Việt Nam sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Mỹ nhằm chống lại những sự xâm phạm như vậy từ phía Trung Quốc.

Cuối tuần này, USS Theodore Roosevelt sẽ trở thành tàu sân bay thứ hai của Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam sau chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên của tàu USS Carl Vinson hai năm trước. Nếu chuyến thăm nói lên điều gì, thì đó chính là việc quyết định của Việt Nam đón tiếp tàu sân bay trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung không ngừng gia tăng cho thấy sự tự chủ chiến lược cũng như tư thế chiến lược ngày càng trưởng thành của Việt Nam.
Chuyến thăm cũng giúp Việt Nam gửi những tín hiệu nhất quán tới cả hai cường quốc: Đối với Mỹ, Hà Nội tiếp tục coi trọng quan hệ chiến lược song phương và Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Mỹ ở Biển Đông nếu các can dự đó phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Đối với Trung Quốc, thông điệp là nếu Trung Quốc tiếp tục duy trì lập trường xác quyết, không tôn trọng các lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông thì điều đó có thể gây tác dụng ngược, đẩy Việt Nam xa hơn về phía Mỹ cho dù Việt Nam có coi trọng mối quan hệ lâu dài với Trung Quốc đến mức nào đi chăng nữa.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên ThinkChina.





No comments: