Friday, February 13, 2015

TS Cù Huy Hà Vũ: ‘Chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ phải chấm dứt’ (Trà Mi - VOA)





13.02.2015

Một cựu tù nhân lương tâm của Việt Nam được nhiều người biết tiếng hiện là nghiên cứu viên của chương trình Dân chủ Reagan-Fascell tại Cơ quan Hỗ trợ Dân chủ ở Hoa Kỳ cho rằng sức ép từ quốc tế đóng vai trò ‘quyết định’ để buộc chính phủ Hà Nội chấm dứt đàn áp nhân quyền.

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi VOA Việt ngữ điểm lại nhân quyền Việt Nam năm qua, dự đoán tình hình năm mới Ất Mùi, và những giải pháp đề nghị giúp mở rộng nhân quyền trong nước, Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ cũng kêu gọi giải thể chế độ hiện nay một cách hòa bình để Việt Nam tiến lên dân chủ.

Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn

TS Hà Vũ: Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc từ năm ngoái. Tuy nhiên, điều này không phản ánh cải thiện nhân quyền ở Việt Nam. Đàn áp nhân quyền ở Việt Nam không những không giảm mà còn gia tăng. Trong năm 2014, Hà Nội dưới sức ép dư luận trong và ngoài nước, đặc biệt từ chính phủ Mỹ, đã phải trả tự do trứơc thời hạn hoặc tạm đình chỉ thi hành án cho 10 tù nhân chính trị, nhưng lại bắt giam hoặc bỏ tù ít nhất 12 nhà hoạt động nhân quyền.
Ngoài bắt bớ bỏ tù những người bất đồng chính kiến, Việt Nam còn  tăng cường khủng bố, đàn áp những người đấu tranh dân chủ-nhân quyền dưới các hình thức khác nhau như chỉ đạo côn đồ ngăn cản đi lại, đánh đập dã man những người này, hay các vụ cưỡng đoạt đất đai tạo ra hàng chục vạn dân oan. Một vấn đề nổi bật là năm qua có 17 người dân đã chết trong các trụ sở của công an.
Năm qua cũng là năm nổi bật về xã hội dân sự tại Việt Nam với gần 30 tổ chức đã ra đời, liên tục ký từ thư ngỏ tới kiến nghị đòi chính quyền Việt Nam phải chấm dứt xâm phạm nhân quyền. Tôi đặc biệt vui mừng vì sự tham gia của những người trẻ ngày càng nhiều hơn.

VOA: Ông dự đoán mọi việc sẽ tiến triển ra sao trong năm Ất Mùi tới đây?
TS Hà Vũ: Các chế độ độc tài không bao giờ chủ động bỏ đàn áp nhân quyền. Thế nhưng năm nay có nhiều sự kiện chính trị lớn. Trong đó có kỷ niệm 20 năm thành lâp quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ. Nhà cầm quyền Việt Nam rất muốn Tổng thống Mỹ Obama sang thăm Việt  Nam nhân dịp kỷ niệm này vào đầu tháng 7. Cho nên, có thể việc đàn áp nhân quyền hay số lượng những người bất đồng chính kiến sẽ giảm từ giờ tới tháng 7.

VOA: Một yếu tố khác cũng được cho là đòn bẩy nặng ký đối với nhân quyền Việt Nam đó là đàm phán TPP chưa ngã ngũ. Liệu chăng đòn bẩy này sẽ được quốc tế sử dụng hiệu quả trong mặc cả nhân quyền với Việt Nam trong năm tới đây. Giới hoạt động nhân quyền có kỳ vọng gì chăng từ chiếc đòn bẩy này?
TS Hà Vũ: Đương nhiên mong muốn các chính quyền phương Tây nói chung, chính quyền Mỹ nói riêng, sẽ sử dụng các vốn vay, các hiệp định kinh tế để gây sức ép buộc chính quyền Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền.

VOA: Ông cho rằng sức ép từ bên ngoài có vai trò quyết định. Có người lập luận rằng người dân trong nước không thể bị động chờ áp lực quốc tế giúp cải thiện nhân quyền cho mình, mà chính họ phải đấu tranh, nhưng nội lực đấu tranh của họ bị cản trở bởi các chính sách hạn chế khắc khe của giới cầm quyền. Cho nên, sự chuyển biến chỉ có thể có nếu nội tại của đảng cộng sản chuyển biến mà thôi. Với lập luận đó, Tiến sĩ Vũ suy nghĩ thế nào?
TS Hà Vũ: Chính quyền cộng sản Việt Nam mà tự giải thể chuyện đó là vô cùng hạn hữu.

VOA: Có thể không chuyển biến tới mức giải thể nhưng chuyển biến tới mức tự dân chủ hóa. Như trường hợp của Miến Điện, cách đây vài năm không ai  ngờ  một chế độ cai trị hà khắc, độc đoán như chế độ quân nhân Miến lại có ngày thay đổi vì xu thế thời đại. Biết đâu chừng theo xu thế thời đại, đến lúc nào đó, chính nội bộ đảng cộng sản Việt Nam cũng sẽ phải tự thay đổi để khỏi bị đào thải bằng nguyên nhân khách quan?
TS Hà Vũ: Ở Việt Nam sẽ không bao giờ xảy ra được chuyện đó bởi vì hệ thống cộng sản Việt Nam là hệ thống ăn cướp. Nếu một nhân vật nào đó muốn rửa tay gác kiếm sau khi đã cướp tiền bạc của nhân dân, muốn dân chủ hóa, nhân vật đó sẽ phải đối mặt với việc mưu sát bởi những người đã từng cùng băng nhóm với mình. Cho nên, chuyển đổi về chính trị như Miến Điện, chuyện đó không thể xảy ra được ở Việt Nam.

VOA: Không tin sẽ có sự tự chuyển biến trong nội bộ đảng cầm quyền, là một luật sư nhân quyền, ông có giải pháp đề nghị nào giúp mở rộng nhân quyền Việt Nam?
TS Hà Vũ: Cho đến giờ, đàn áp nhân quyền tại Việt Nam được hỗ trợ bởi các điều luật phản nhân quyền trong Bộ luật Hình sự, cụ thể là các điều 79, 88, và 258 cho phép bắt bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Sức ép buộc chính quyền Việt Nam bỏ các điều luật đàn áp nhân quyền chỉ có thể đến từ bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ.

VOA: Nhưng thực tế cho thấy vì quyền lợi quốc gia, các nước sẵn sàng gác qua cách biệt nhân quyền để chia sẻ các lợi ích chung. Điều này khiến áp lực quốc tế về vấn đề nhân quyền Việt Nam chưa mấy mạnh mẽ, hiệu quả, thậm chí có khi còn suy giảm đi. Có giải pháp nào không ạ? 
TS Hà Vũ: Tôi không cho rằng có giải pháp nào khác. Nếu chính phủ Mỹ ảo tưởng rằng cứ liên kết với chính quyền cộng sản Việt Nam để chống lại bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông đã rồi cải thiện nhân quyền sau, thì sẽ thiệt hại không chỉ cho dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam mà còn gây thiệt hại cho chính quyền lợi của Mỹ. Bởi vì chính quyền cộng sản Việt Nam không bao giờ chống lại Trung Quốc cộng sản, vốn là chỗ dựa duy nhất cho đảng cộng sản Việt Nam tồn tại.
Vì vậy, các chính phủ phương Tây phải sử dụng các công cụ kinh tế, thương mại, và quân sự để buộc Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho tất cả tù nhân chính trị, bằng chứng cho việc cải thiện đáng kể nhân quyền ở Việt Nam. Cũng để gia tăng sức ép thì không chỉ từ phía chính phủ các nước, mà ngay cả nghị viện của các nước cũng có thể gây sức ép bằng cách thông qua những điều luật hay nghị quyết lên án mạnh mẽ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Chính phủ các nước cần phải phối hợp chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ quốc tế như Human Rights Watch và với cộng đồng người Việt hải ngoại, tạo ra liên kết dân sự ủng hộ mạnh mẽ  hơn nữa phong trào xã hội dân sự tại Việt Nam. Phải yêu cầu Việt Nam ra ngay một cái luật về hội để đảm bảo quyền hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam. Chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ phải chấm dứt, phải biến mất. Quan điểm của tôi là nếu khôn ngoan thì chính quyền cộng sản Việt Nam hãy lựa chọn giải pháp biến mất một cách hòa bình, giải thể chế độ này  để tiến tới thực hiện một chế độ dân chủ, đa đảng - nơi mà mọi chính kiến đều có quyền bày tỏ một cách công khai, tự do.

VOA: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ là con trai cố thi sĩ nổi tiếng Cù Huy Cận. Ông bị tuyên án 7 năm tù vào năm 2011 về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ vì các hoạt động cổ xúy dân chủ-đa đảng và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam. Trước áp lực từ quốc tế, tháng 4 năm ngoái, Hà Nội đã phóng thích và trục xuất ông sang Hoa Kỳ.




No comments: