Wednesday, October 19, 2011

TỪ ĐỊA NGỤC TỚI THIÊN ĐƯỜNG . . . [kỳ 12] (Trần Khải Thanh Thủy)



Trần Khải Thanh Thủy
Tuesday, October 18, 2011 4:33:18 PM

LTS: Bà Trần Khải Thanh Thủy, 51 tuổi, bị nhà cầm quyền Hà Nội dàn dựng một vụ “hành hung” (ngày 8 tháng 10, 2009) biến nạn nhân thành tội phạm để kết án án tù 3 năm rưỡi. Mục đích là để trả thù những loạt bài viết, ký sự xã hội, thời sự Việt Nam mà bà gửi đăng hay xuất bản ở nước ngoài.
Nhờ sự can thiệp ráo riết của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà đã được trả tự do sau 21 tháng ở tù, và được đưa thẳng từ nhà tù Thanh Hóa ra phi trường sang định cư tị nạn tại Mỹ ngày 23 tháng 6, 2011.
Dưới đây là hồi ký của bà TKTT chung quanh chuyện bà bị bắt bỏ tù.
--------------------------------

TỪ ĐỊA NGỤC TỚI THIÊN ĐƯỜNG . . .



Kỳ 12

Chìm đắm trong niềm vui mới, tôi quên phắt những lời dặn dò của chồng trong ít phút gặp gỡ ngắn ngủi tại sân bay, và vội vàng quay điện thoại...

Ngay lập tức, mọi người ở San Jose, Saccramento tìm đến, hoa trong nhà, hoa ngoài sân, hoa khách sạn... như tô điểm cho niềm vui của tôi thêm trọn vẹn.
Trò chuyện, thăm hỏi, rối rít tít mù, nước mắt lăn nghiêng về phía nụ cười... Bao con người mà tôi chỉ gặp trong ký ức, qua điện thoại, trên paltalk giờ bỗng hiện ra bằng xương bằng thịt trước mắt tôi, nửa thực, nửa mơ...
Buổi trưa, phố xá vắng vẻ, nắng rót vàng như mật, tất cả kéo nhau vào tiệm fast food thưởng thức đồ ăn Mỹ: Hamburger, hot dog...

Ðúng là thế giới của tự do, của sạch đẹp và phồn thịnh. Chẳng cứ khách sạn nơi tôi ở gọn gàng sang trọng, mà cửa hàng ăn cũng vô cùng sạch sẽ, bắt mắt, người phục vụ niềm nở lịch sự, các món ăn ngon và nóng, không có bóng dáng một con ruồi, trong khi ở Việt Nam, bước chân ra khỏi nhà là ruồi, là muỗi, rác rưởi tràn ngập. Từ phở, bún, miến, cơm bình dân, v.v... đều trong tình trạng báo động về chất bảo quản thực vật... một lá rau sống bằng một đống trứng giun.

Giữa bạn bè vui vẻ lịch sự, tôi không khỏi bật cười khi nhớ lại một chi tiết trong bài viết của Tạ Duy Anh: “Nén nhang muộn cho Nguyễn Khải,” trong đó anh viết: “Cái lũ bưng bê, ôm chân thủ trưởng, để tranh thủ nói xấu đồng nghiệp trong các cơ quan, công sở nhà nước đông như ruồi.” Ở Việt Nam, sự miêu tả này là hoàn toàn chính xác, nhưng nếu đọc ở Mỹ chắc chắn người ta phải phì cười vì thấy nó sai toét, bởi từ khi đặt chân lên nước Mỹ, đi cả trăm cây số, hơn 48 tiếng đồng hồ, tôi không nhìn thấy bất cứ một con ruồi nào, cả người ăn xin cũng vậy. Có lẽ khái niệm ruồi, muỗi, ăn xin, ăn mày chỉ còn tồn tại đối với những nước lạc hậu, kém phát triển như Việt Nam.

Ngồi trong phòng ăn, nhìn một dãy dài ô tô xếp nối đuôi nhau ngoài đường, tôi ngạc nhiên:
-Sao người Mỹ lại bỏ xe cả ngày lẫn đêm ngoài đường thế nhỉ ? Ở Việt Nam thì bọn trộm cắp vặt trụi thụi lụi cả đèn, gương, kính, thậm chí tháo cả lốp xe đem ra chợ giời bán ấy chứ!

Nhìn dáng điệu thồn thộn, nửa dại, nửa khôn của tôi, mọi người cười ồ, giải thích:
- Ở đây hỏng xe, mất xe đã có hãng bảo hiểm đền, nếu mất lại có cái mới nên chẳng phải lo, có khi cầu cho nó bốc đi nó cũng chẳng dại ấy chứ.

Cây cối ở Mỹ cũng thật lạ, trồng cây đầy quả, trĩu cành, rồi rơi rụng tứ tung dưới gốc mà chẳng ai thèm nhặt. Nếu ở Việt Nam thì “hở ra là mất” hoặc người trồng tận dụng quả ngon lành, “biết nói” đem ra chợ bán... Quả còi cọc, sâu sia mới dám để ở nhà ăn. Nếu chẳng may có mất vài quả thì “vén váy quai cồng” lên mà chửi thiên kinh động địa, đâu phải chuyện nhỏ?

Hiểu rõ nỗi băn khoăn của tôi, mọi người giải thích:
- Người Mỹ thích cây xanh lắm, vì biết rõ tác dụng của cây xanh là lá phổi thiên nhiên, nhưng chỉ trồng cho đẹp thôi, chứ có quả họ không ăn đâu. Họ cho rằng chỉ có các loại trái cây bán trong siêu thị mới được kiểm duyệt kỹ lưỡng về mặt chất lượng... còn việc mất mát, trộm cắp hầu như không xảy ra. Khắp nước Mỹ, dọc ven đường quốc lộ, người dân trồng cả chục ha đào, mận, lê, bắp, v.v... không rào dậu, che chắn cũng chẳng phải bảo vệ canh gác gì, toàn máy móc làm hết, mà không bao giờ lo mất. Xứ Mỹ người dân có ý thức về mọi mặt, cả an toàn vệ sinh hay an ninh, trật tự cũng vậy... Ði đường hay bất kỳ chỗ công cộng nào, hễ ai xả rác ra đường là bị phạt nặng cả 1,000 USD... Ngay việc dắt chó đi dạo cũng vậy, không được phép để chó phóng uế bừa bãi. Cho dù không có cảnh sát theo dõi, nhưng tự người dân có ý thức, cầm sẵn túi ny lon theo, khi chó, mèo có nhu cầu, là phải nhặt, phải hốt cho thật sạch...

Chuyện nọ xọ chuyện kia, nhân vấn đề giao thông, tôi kể lại chuyến đi công diễn của nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Chí Trung để góp vui cho mọi người.
Chả là năm não năm nao, Chí Trung cũng được mời vào vai Táo Giao Thông để lên Thiên Ðình báo cáo tình hình cho Ngọc Hoàng biết. Thôi thì bao nhiêu vấn nạn từ tắc đường, không chấp hành luật giao thông, đến cảnh những kẻ điên cuồng ra tay đánh người đi đường chỉ vì quên đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, v.v... lẽ ra phải tuôn ra hết trong cái gọi là “gặp gỡ cuối năm” thông qua vở hài kịch “Táo quân chầu Trời.” Song chỉ có nhà... báo được duyệt còn nhà đài thì không. Cho nên trên “vô tuyến tàng hình” người xem chờ mỏi mắt không thấy những lời hóm hỉnh, hài hước của Táo Giao Thông đâu, trong khi báo Tết lại “cầm đèn chạy trước... Ban Văn Hóa Tư Tưởng Trung Ương nên bị lộ tẩy, đặc biệt là đoạn Táo Giao Thông đi học hỏi kinh nghiệm của các nước trở về báo cáo Ngọc Hoàng. Gãi đầu, gãi tai ấp úng mãi không diễn tả nổi vì không học được một tí kinh nghiệm nào, đơn giản vì giao thông các nước thực sự lạnh lẽo, chứ không... ấm cúng như ở Việt Nam!

Suốt cả chặng đường gần một nghìn cây số mà không ai nói chuyện với ai, trong khi đường phân luồng đã quá dài, lại còn sạch sẽ, nếu có nhu cầu tiểu tiện cũng không có gốc cây nào thích hợp (!).Dù không hề có biển “cấm đái” hoặc cảnh sát giao thông đứng canh đông nghẹt như ở Việt Nam mà chờ mãi chẳng thấy ai dừng lại... úp mặt vào gốc cây, quay lưng ra đường, trút nước trong người mình ra như đã từng xảy ra hàng ngày, hàng giờ trên mảnh đất cong cong hình chữ S... Một kiểu giao thông không hề ấm nóng tình cây, tình người như thế, có gì để học, để hỏi?

(Còn tiếp)
.
.
.

No comments: