Tuesday, October 11, 2011

TỪ ĐỊA NGỤC TỚI THIÊN ĐƯỜNG . . . [kỳ 4] (Trần Khải Thanh Thủy)



Trần Khải Thanh Thủy

LTS: Bà Trần Khải Thanh Thủy, 51 tuổi, bị nhà cầm quyền Hà Nội dàn dựng một vụ “hành hung” (ngày 8 tháng 10, 2009) biến nạn nhân thành tội phạm để kết án án tù 3 năm rưỡi. Mục đích là để trả thù những loạt bài viết, ký sự xã hội, thời sự Việt Nam mà bà gửi đăng hay xuất bản ở nước ngoài.
Nhờ sự can thiệp ráo riết của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà được trả tự do sau 21 tháng ở tù, và được đưa thẳng từ nhà tù Thanh Hóa ra phi trường sang định cư tị nạn tại Mỹ ngày 23 tháng 6, 2011.
Dưới đây là hồi ký của bà TKTT chung quanh chuyện bà bị bắt bỏ tù.
---------------------------------------






Kỳ 4

Kết quả đã diễn ra đúng như kịch bản đại tài của lũ công an phường khốn nạn. Từ bị hại chúng biến chúng tôi thành bị can. Một bản án cực kỳ vô lý, khiến bây giờ chúng phải thả tôi ra, vì không thể nào bịt mắt dư luận được. Vì bỉ ổi, tiểu nhân, chúng định lấy thúng úp voi, nhưng cái thúng của chúng vừa bẩn thỉu, vừa nhỏ thó, còn con voi dư luận lại lồng lên quẫy đạp dữ dội, hất tung cả cái thúng tanh tưởi nhầy nhụa vào mặt chúng, biến chúng từ vai trò chủ động thành bị động, hệt như điều tôi tâm niệm:

Kẻ giả danh lương thiện
Ðâu dễ giấu mình lâu
Những gian manh, lừa dối
Sẽ tự phơi sắc màu...

Suốt 48 tiếng đồng hồ ở đồn, chúng không cho vợ chồng tôi ăn gì, dù tôi ra sức đòi hỏi, vì cặp lồng cháo chồng tôi mua về đã bị tên Thịnh (kẻ mà công an nói rằng đã đến ngăn cản, không cho chồng tôi được phép đánh người (!)đạp đổ tung tóe...).

Ðể mặc vợ chồng tôi ngồi mỗi người một góc, đứa bỏ đi ngủ, đứa lo đi chặn đường bắt nóng những người không đội mũ bảo hiểm, hoặc không có giấy tờ, lấy tiền bỏ túi chia nhau... Tôi mở điện thoại gọi cho chị Hà Giang, đài RFA, trả lời một cách hết sức khó nhọc. Phần mệt, phần đói, phần mất máu quá nhiều... Thật chưa khi nào tôi trả lời một cách khó khăn đến thế. Trước kia, việc lập ngôn là việc của tôi, dù là câu hỏi về lĩnh vực gì thì bao giờ tôi cũng cố trả lời trơn tru, sắc bén, giàu liên tưởng, có hình ảnh kèm ví von sinh động, khiến người nghe hài lòng... Vậy mà lần này tôi ấp úng mãi mới diễn tả nổi ý mình định nói, đơn giản vì đầu óc choáng váng nên ý thức đi vắng.

Khoảng 10 giờ sáng hôm sau, cả lũ công an bộ, công an sở, công an quận và phường xộc vào nhà tôi để quan sát hiện trường. Chúng khẳng định nền nhà và cánh cửa ra vào có vết máu, song không xác nhận đó là máu của tôi, rơi từ đầu xuống... Trước khi bỏ đi, chúng mang theo một cây gậy, nửa viên gạch thu được trong nhà cùng mũ của con gái tôi, bảo đó là “tang vật của vụ án.” Những thứ mà ra tòa chúng kết án tôi là: “Hành động nguy hiểm, hung khí côn đồ”...

Hai giờ chiều, tưởng ván bài đã kết thúc, chúng phải thả để vợ chồng tôi về, nào ngờ xe tù xịch đến, chúng khóa tay hai vợ chồng tôi vào với nhau và lôi đi. Tôi ngơ ngác hỏi :
- Sao thế này? Tôi làm gì nên tội, các người định đưa chúng tôi đi đâu?
Ðáp lại thái độ hoang mang tột cùng của tôi, một tên nhăn nhở cười, giảng giải:
- Ði ra bệnh viện Ðống Ða chữa trị vết thương.
Quá quen thuộc đường đi lối lại trong khu vực quận, tôi ngạc nhiên:
- Bệnh viện Ðống Ða sao lại đi lối này?
Chồng tôi tỉnh táo hơn gắt xẵng:
- Ðến trại tạm giam quận Ðống Ða.

Như hai kẻ phạm tội, chúng tôi bị lôi đi trước những ánh nhìn vừa vô cảm vừa ái ngại xót thương của bà con khối phố...
Xe dừng lại nơi cổng trại, một dãy nhà một tầng kiên cố chen chúc nhau mọc trên bãi rác. Nơi đây, vài năm trước đích thị là nơi chứa rác thải của hàng vạn người thuộc cư dân quận Ðống Ða. Vì cảnh đất chật người đông mà rác cũng phải nhường chỗ cho người ở. Bãi rác lập tức phải di chuyển ra ngoại thành, đổi lại là những công trình “to đẹp đàng hoàng” hơn, trong đó có trại tạm giam của quận, được xây dựng ngay sau khi chỉ thị 31 CP của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt ra đời.

Dẫn giải loanh quanh một hồi, hết phòng nọ tới phòng kia, cuối cùng chúng tách hai vợ chồng tôi ra mỗi người một nơi, tôi bị đưa vào buồng đầu tiên của phòng giam nữ, chồng tôi ở buồng cuối cùng của phòng nam.
Chán nản, mệt mỏi, tôi chỉ muốn ngồi bệt xuống sàn trại, nhưng nhìn những cặp mắt nửa tò mò, háo hức, nửa ghẻ lạnh, nghi kỵ và không mấy thân thiện của đám bạn tù, tôi vội vàng thay đổi ý định. Biết đâu chúng giở luật rừng ra với mình mà vết thương trên đầu còn chưa kịp khô máu???

Nghĩ sao làm vậy, tôi vội lao đến chỗ một người lớn tuổi nhất đang nằm dài vì bị vật thuốc, ra sức nắn tay, bóp chân cho chị ta, vừa để giúp chị ta qua cơn vật, cũng là tỏ thiện ý của mình, tránh không cho lũ đầu gấu dằn mặt.
Trong gian phòng hẹp, tổng diện tích khoảng 20 m2, đám bạn tù đang bàn tán về chủ đề nhà cửa gì đó, một người hõm má rít sâu một hơi thuốc lào, bảo:
- Ê, tao có con bạn có một cái nhà ở ngay khu hồ Ðống Ða giáp phía đằng Thái Hà muốn bán. Tao định mua nhưng thấy cả khu này đều chưa có sổ đỏ nên ngại, bây giờ thử hỏi chúng mày xem có đứa nào biết thông tin gì không? Liệu có bị dính quy hoạch hay không? Ðể tao còn mua chỗ khác.

Người trẻ hơn, tóc nhuộm vàng chóe, bĩu môi bảo, ra vẻ từng trải:
- Tao cũng mua một căn hộ ở ngay gần đây, nói chung là đất quy hoạch treo của thành phố, nhưng chắc chắn phải ở vài chục năm nữa. Cứ ok đi. Tiền nào thì của đó, nếu đất đã có sổ đỏ thì trên dưới 100 triệu một m2, còn muốn ngõ cho ô tô đi vào cũng trên dưới 200 triệu một m2. Mày có dám chơi không?

Một vài tiếng xen ngang:
- Ai bảo với mày là chắc chắn phải ở vài chục năm nữa, mày định xui dại nó à? Theo tao biết, Hồ Ðống Ða thì xây rồi, đường Hoàng Cầu và đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Ðông cũng triển khai rồi, phía sau và phía trước chỗ mương Thái Hà cũng cho công ty taxi thuê 50 năm rồi, làm gì có chuyện “nằm bệt ăn vạ” cả mấy chục năm được.

Lại là tiếng trả lời của cô bé tóc vàng:
- Ê tin tao đi, xây thì cứ xây nhưng biết bao giờ xong? Mày có biết khi dẹp bãi rác này đi, họ định làm công viên Ðống Ða không? Vậy mà gần ba chục năm rồi có làm đâu? Tóm lại ít tiền thì cứ mua, cứ ở, chẳng sao cả, gần 1000 hộ dân vẫn sinh sống hàng mấy chục năm nay, có sao đâu? Kể cả cái trại tạm giam này nữa, cứ bảo tạm, nhưng vẫn giam đấy thôi. Mấy lại , khi lấy đất, biết đâu nhà nước sẽ đền bù.

- Ð.M mày, cứ chờ đấy rồi nhà nước đền cho cả tấn rác. Tiền chứ có phải rác đâu mà sẵn thế?... Mỡ lắm đấy mà húp, tiền đâu ra mà đền? Ả má hóp, răng vàng bốp chát.

Vẫn trong trạng thái đau ê ẩm vì cạnh sắc của viên gạch cứa vào đầu, tôi nghe loáng thoáng có người gọi mình:
- Trần Khải Thanh Thủy đâu? Ra đi cung.
Thất thểu bước ra ngoài, tôi cố tìm bóng dáng chồng trong ngăn tù chật chội, chen chúc các phạm nhân nam. Thấy tôi, anh bảo, giọng mệt mỏi, hơi xẵng:
- Ðừng để chúng nó lừa lần nữa đấy!

Nghe anh nói, nhìn gương mặt khắc khổ, mệt phờ của anh, lòng tôi đau nhói, chỉ vì tôi mà anh bị liên lụy, bị chúng biến thành con mồi để bẫy tôi vào tròng. Thực tình, khi chúng đã cố tình giăng bẫy rồi thì có co kéo mấy cũng không thoát. Cứ cho rằng tối hôm trước tôi đã bị lừa, nhưng nếu không mở cửa, liệu chúng nó có chịu ra về tay không không? Hay còn tiếp tục trấn áp, hăm dọa, thậm chí phá cửa vào nhà để bắt tôi ra? Như trường hợp của bà Bùi Kim Thành đấy... Thấy chúng đến, đã cố thủ trong buồng tắm tận tầng bốn rồi mà chúng vẫn dùng búa phá tan bức tường gắn với cổng sắt phía ngoài để vào nhà bằng được, rồi trèo lên tầng bốn bắt đi. Ðịnh cố thủ trong buồng tắm ư? Chúng đạp mạnh một phát là cửa bung ra ngay, còn bộ cánh ÊVa thì chúng sai hai nữ quái công an về đồn, cầm theo mảnh vải choàng lên người, rồi xông vào tóm gọn. Khi bà ta la hét, giãy giụa thì điểm huyệt cho hết kêu, để khiêng đi, như khiêng một con vật vậy. Thương tâm đến mức ông chồng cộng sản vốn vô cảm phải kêu lên:
- Ấy chết, đề nghị các anh khiêng nhà tôi cẩn thận một chút, đừng để đầu bà ấy đập vào bậc cầu thang như vậy, nguy hiểm quá.

(Còn tiếp)

.
.
.

No comments: