Tuesday, October 18, 2011

TỪ ĐỊA NGỤC TỚI THIÊN ĐƯỜNG . . . [kỳ 11] (Trần Khải Thanh Thủy)



Trần Khải Thanh Thủy
Monday, October 17, 2011 2:52:09 PM

LTS: Bà Trần Khải Thanh Thủy, 51 tuổi, bị nhà cầm quyền Hà Nội dàn dựng một vụ “hành hung” (ngày 8 tháng 10, 2009) biến nạn nhân thành tội phạm để kết án án tù 3 năm rưỡi. Mục đích là để trả thù những loạt bài viết, ký sự xã hội, thời sự Việt Nam mà bà gửi đăng hay xuất bản ở nước ngoài.
Nhờ sự can thiệp ráo riết của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà đã được trả tự do sau 21 tháng ở tù, và được đưa thẳng từ nhà tù Thanh Hóa ra phi trường sang định cư tị nạn tại Mỹ ngày 23 tháng 6, 2011.
Dưới đây là hồi ký của bà TKTT chung quanh chuyện bà bị bắt bỏ tù.
-------------------------------

TỪ ĐỊA NGỤC TỚI THIÊN ĐƯỜNG . . .


Kỳ 11

Một liên tưởng làm tôi bật cười, ấy là cả Hà Nội, nơi tập trung hơn 6 triệu người, mà số công viên đếm được trên đầu ngón tay...

Quanh đi quẩn lại chỉ có công viên Lê Nin, công viên Thủ Lệ, công viên Nước... Chấm hết (!).Còn phần Hà Nội mở rộng là Hà Tây, sau khi đã được sát nhập thì bao nhiêu sân bóng, sân chơi của người lớn, trẻ con trong xã đã được chia lô bán đất xây nhà hết. Trẻ em trong thôn muốn giải trí chỉ biết chúi đầu vào vô tuyến, hoặc lấm lưỡi kiếm ăn, khác hẳn trẻ con ở Mỹ vốn được ưu tiên tôn trọng nhất trong mọi thành phần xã hội

Vui miệng tôi kể lại nhận xét của các cán bộ quản giáo trong tù, cụ thể họ bảo:
-Ôi giời nước Mỹ chỉ có vũ khí, nếu không bán được vũ khí thì nước Mỹ cũng “toi” luôn vì làm gì có gì để sống! Chính vì thế Mỹ mới luôn gây chiến với các nước để sử dụng bớt vũ khí hoặc khích nước nọ đánh nhau với nước kia để bán vũ khí lấy tiền nuôi nhau.
Thật là luận điệu tuyên truyền một chiều của cộng sản.
Chưa đủ các quan đồng chí còn dài mồm bảo:
-Nước Mỹ chuyên đi cướp bóc tài nguyên của các nước khác như dầu mỏ của các nước Trung Ðông chẳng hạn.

Nghe thủng câu chuyện anh Chính góp lời:
-Tôi chẳng bênh gì nước Mỹ, nhưng theo tôi biết, rất nhiều sản phẩm “Made in USA” khác như máy tính và Internet. Máy bay (Boeing) thiết bị y tế (từ mổ mắt Laser đến hỗ trợ tim, thuốc chữa ung thư, chất bán dẫn, transitor,... Thử hỏi một ngày không có nước Mỹ thì thế giới này khủng hoảng đến mức nào?
Còn vấn đề dầu mỏ thì thực tế quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Ðông là quan hệ hai chiều, phụ thuộc lẫn nhau, buôn bán hoàn toàn bình đẳng. Chính Mỹ giúp họ tìm ra nguồn dầu mỏ và tiêu thụ cho họ giúp họ trở nên giàu có. Trung Ðông không thể sống với cát và sa mạc, khi thiếu nước và đất trồng trọt được... Nếu vì lý do nào đó mà mất thị trường tiêu thụ dầu mỏ tại Mỹ thì văn minh Trung Ðông coi như cáo chung và biết đâu họ sẽ trở về với thời “Nghìn lẻ một đêm.”

Sợ câu chuyện đi quá xa trong đề tài nước Mỹ, anh gạt đi:
-Ôi, nếu nói về nước Mỹ thì có cả một trăm điều vĩ đại cơ, nào Internet, nào Hiến pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền, rồi bóng chày, đồ ăn, nhạc Rock, nhạc Roll đủ cả, nhưng thôi cứ ở Mỹ lâu rồi hai mẹ con sẽ biết. Chị nên tới đảo Hawaii để tận hưởng kỳ thú nơi đó, hoặc Công viên Quốc gia, hệ thống 39 nhà hát chuyên nghiệp tại New York... thăm Cầu Cổng Vàng, các bãi biển nổi tiếng, Tượng Ðài Nữ Thần Tự Do... Riêng cháu thì nên vào rạp xiếc Big Apple, mua sôcôla, kem, xem phim hoạt hình Disney...

Xe dừng lại ở một góc đường. Cả 4 chúng tôi cùng vào “củng cố dạ dày” trước khi về khách sạn nghỉ.
...Lần đầu tiên bước chân vào tiệm ăn của người Tàu, tôi ngạc nhiên khi bát phở bò to gần bằng cái chậu, gấp 3 bát phở ở Hà Nội... đủ cả gân, gàu, tái, nạm... quả là mơ ước của những kẻ triền miên bị đói chất trong tù trong những đêm rét mướt, buốt lạnh, nhớ nhà như tôi... Vừa thưởng thức từng sợi phở trắng muốt, thơm lừng, ngọt đậm mùi thảo quả, xương bò, tôi vừa miên man nghĩ về ngày tháng cũ, bên lũ bạn tù với những bữa cơm đạm bạc chỉ có rau ôi và nước mắm... mà không khỏi rùng mình gai lạnh vì không hiểu nổi tại sao mình lại có thể sống qua được những tháng ngày đó? Phải chăng con người là loài vật có ý chí, rất uyển chuyển nên có thể tồn tại trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất, như một triết gia nào đã nói?

Trò chuyện ăn uống vui vẻ xong, cả hai đưa mẹ con tôi về khách sạn Hillton Garden Inn, kèm theo hoa quả, thức ăn và tiền tiêu vặt trong những ngày ở lại khách sạn, cùng một chiếc điện thoại miễn phí.

630 ngày trong ngục tối, điều đầu tiên tôi tìm sau khi được tự do là phòng đặt máy vi tính của khách sạn, và cứ thế chìm sâu từ 12 giờ trưa đến 3, 4 giờ sáng hôm sau. Mệt phờ, nhợt nhạt về thể xác nhưng trí tuệ thì no đủ.
10 giờ sáng hôm sau, hai mẹ con tôi mới giật mình choàng dạy, trông ra cửa sổ phía sau căn phòng mình ở và cùng ngẩn ra trước bức tranh thiên nhiên lộng lẫy đến phi thực. Một vùng cây cối rậm rà trên triền đất nửa đồi núi, nửa đồng bằng. Hàng nghìn ngọn gió la đà, đùa nghịch cùng đám chim đủ loại với các gam màu sặc sỡ thiên thần. Những túm cây cảnh màu xanh mỡ nối đuôi nhau như những chùm đuôi sóc dựng ngược trông thật lạ lùng và bắt mắt... Ðây chính là cái tôi đang tìm, một khung cảnh hiền hòa êm ả, giàu sang, thơ mộng, khác hẳn cuộc đời ngột ngạt tù túng trước đó. Trong bối cảnh êm đẹp đó, tôi bỗng nổi hứng phác họa mấy câu thơ nói rõ tâm trạng mình:

Thoắt đó, thoắt đây, vui như Tết
Ở tù Việt Nam đã mấy lần
Hôm nay đã ở bên nước Mỹ
Cuộc đời không thể ngờ... thịnh, suy

(Còn tiếp)

.
.
.

No comments: