Trần Khải Thanh Thủy
Saturday, October 15, 2011 6:13:28 PM
Saturday, October 15, 2011 6:13:28 PM
LTS: Bà Trần Khải Thanh Thủy, 51 tuổi, bị nhà cầm quyền Hà Nội dàn dựng một vụ “hành hung” (ngày 8 tháng 10, 2009) biến nạn nhân thành tội phạm để kết án án tù 3 năm rưỡi. Mục đích là để trả thù những loạt bài viết, ký sự xã hội, thời sự Việt nam mà bà gửi đăng hay xuất bản ở nước ngoài.
Nhờ sự can thiệp ráo riết của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà đã được trả tự do sau 21 tháng ở tù, và được đưa thẳng từ nhà tù Thanh Hóa ra phi trường sang định cư tị nạn tại Mỹ ngày 23 tháng 6, 2011.
Dưới đây là hồi ký của bà TKTT chung quanh chuyện bà bị bắt bỏ tù.
---------------------
(Kỳ 9)
15 phút ngắn ngủi trôi qua, tôi chỉ kịp đỡ mẹ già ngồi xuống bên cạnh mình, ôm đứa cháu gái 6 tuổi đã xa 21 tháng, trả lời mấy phút điện thoại với ông anh chồng... cả nhà đã bị lực lượng công an mời ra ngoài. Bực mình, cả gia đình tôi thay nhau chất vấn:
-Ðã hết giờ đâu, sao không để mẹ con, anh em chúng tôi được gặp nhau, còn hơn 2 tiếng đồng hồ nữa cơ mà.
-Anh chị thông cảm,
Tên Khải giở giọng mồi chài:
-Phía nhà nước Mỹ cũng không muốn làm ồn ào vụ này nên họ không muốn ai chứng kiến cảnh này. Giờ cả nhà nên đi về, hoặc ra phía ngoài chờ. Giờ này bên Ðại Sứ Quán Mỹ đã cử người tới gặp chị ấy rồi. Họ đang đợi trước cửa...
Thì ra chúng sợ thông tin tôi được chính quyền Mỹ bảo trợ lọt ra ngoài, bất lợi cho sự “nhân đạo” của chính quyền cộng sản nên tìm mọi cách bưng bít. Thể nào vừa lò dò ra khỏi ô tô, sau 4 tiếng rưỡi đồng hồ, chúng đã kéo tọt tôi và bầy đàn vào phòng VIP, canh chật cửa.
Biết phải xa mẹ lần nữa mà không biết khi nào gặp lại, con gái lớn ôm tôi khóc ròng, nước mắt đẫm cả vai áo
Khẽ vỗ vai con, tôi an ủi:
-Nín đi con, nước mắt có phải là nước lã đâu, sao lại khóc trước mặt bọn công an như vậy, phải mừng vì mẹ đã thoát khỏi ngục tù cộng sản chứ?
Phiên dịch viên Công Hùng cùng nhân viên của Ðại Sứ Quán Mỹ bước vào, theo sau là hàng chục cán bộ an ninh Việt Nam. Thái độ khệnh khạng, trâng tráo, trơ lì, như thể họ chứ không phải nhà nước Mỹ ban ơn cho tôi vậy.
Vừa đặt mình xuống ghế, nhân vật chủ chốt - đại diện cho chính quyền Việt Nam đã ra sức kể lể công trạng trong việc phóng thích tôi ra khỏi tù. Nào là: “Nhờ chính sách nhân đạo của nhà nước Việt Nam, bắt nguồn từ sự hợp tác tốt đẹp giữa hai chính quyền Việt-Mỹ, nên không những chấp nhận cho tôi ra khỏi tù trước thời hạn mà còn lo xong giấy tờ thủ tục trong thời gian sớm nhất.” Nào là: “Nhà nước Việt Nam từ xưa đến nay vốn coi trọng nhân quyền và dân chủ nên quyết định cho tôi đi chữa bệnh và chăm lo cho tương lai con gái tôi, chứ không có nước nào ép được, kể cả nước mạnh như nước Mỹ.”
Ngồi bên bàn đối diện, nhân viên đại sứ quán cũng đánh giá cao sự hợp tác giữa hai chính phủ để có được kết cục tốt đẹp ngày hôm nay. Ông mừng vì cuối cùng tôi đã được đoàn tụ cùng gia đình và sang Mỹ định cư... đúng như lời đồng nghiệp ông đã từng nói khi vào thăm tôi tại trại tù: “Nước Mỹ sẽ nồng nhiệt đón tiếp bà.”
Hàng chục máy ảnh, camera cùng hướng vào tôi và đại diện hai chính phủ, đến mức con gái tôi (đang đứng nghiêng ngó phía ngoài) phải gắt xẵng, giọng đầy ác cảm:
-Quay gì mà quay lắm thế, định đưa lên ti vi à? Ðừng có tuyên truyền láo như lần trước đấy nhé!
Bẽ mặt, thị Tuyết (trùng tên với nữ cán bộ quản giáo đưa tôi đi), nói tránh:
-Chỉ để giữ lại sau này làm tư liệu thôi!
Câu hỏi của con gái khiến tôi bật cười, nhớ lại lần bị bắt tại nhà và hai lần xử tại tòa án quận và thành phố, chúng cũng quay hình ảnh vợ chồng tôi để “giữ lại làm tư liệu” như thế này. Ðến mức vừa bước chân vào cổng trại, lũ bạn tù đã nhao nhao khoe nhìn thấy tôi trên ti vi. Chúng bảo:
-Cứ tưởng cô “gấu” lắm, dám đánh lại cả hai thằng to khỏe, vật vã, chứ đâu có nghĩ cô chậm chạp và hiền khô như thế này.”
Quả là trò đểu giả, độc ác có một không hai trên thế giới của đảng cộng sản Việt Nam, một đảng ngu si đến mức kỳ diệu. Thoạt tiên chúng đổ cho tôi cố ý gây thương tích cho thằng Nguyễn Mạnh Ðiệp 29 phần trăm (%).Khi tôi yêu cầu chúng phải đưa ra các bằng chứng như giấy nhập viện, bản chụp cắt lớp, X quang, giấy trả tiền viện phí v.v... Chúng trâng tráo làm lại bản cáo trạng, giảm tỷ lệ thương tật từ 29 phần trăm xuống còn 13 phần trăm, vừa đủ mức khởi tố, với lời buộc tội “hung khí nguy hiểm và hành động côn đồ.”
Uất ức, tôi gào lên trước mặt chúng, có sự chứng kiến của luật sư:
-Tôi chỉ có ngòi bút thôi, các người sợ sự thật nên gọi đó là “hung khí nguy hiểm,” còn “hành động côn đồ” là của chính những kẻ các người sai đến “áp đáo tại gia” trước cửa nhà tôi.
Chúng trơ trẽn bảo:
-Chị cầm gạch ném anh Ðiệp chảy máu.
Tôi cãi:
-Nếu viên gạch do tôi ném gây chảy máu, sao trong cáo trạng lại đề là “Viên gạch qua khám nghiệm không có vết máu và vân tay?” Có phải các người cố tình đánh lận con đen không?
Trước ngày ra tòa, luật sư của tôi cũng nhận định: Ðây là kết quả của việc “gậy ông lại đập lưng ông.” Ðầu tiên chúng định đổ vấy cho tôi tội đả thương tên Nguyễn Mạnh Ðiệp, nhưng không ngờ gia đình tôi nhanh tay hơn đã tung tấm ảnh tôi bị thương lên mạng, lại thêm bức ảnh giả chúng cung cấp cho báo chí trong nước, sớm bị giới truyền thông hải ngoại lật tẩy cả về “ngày tháng năm sinh” đến các thông số kỹ thuật, nên chúng đành biến viên gạch thấm đẫm máu tôi và dấu vân tay của tên Thịnh (kẻ côn đồ thứ 2 với danh nghĩa đến can ngăn cuộc ẩu đả giữa chồng tôi và tên Nguyễn Mạnh Ðiệp) thành gạch “không có dấu máu và vân tay,” để dễ bề chạy tội cho tên Thịnh, kẻ đã đập gạch vào đầu tôi... Thật là lưỡi không xương lắm đường lắt léo, miệng công an lại vả vào răng công an.
“Ðường đi hay tối, nói dối hay cùng.” Giữa tòa, trước những lý lẽ sắc bén của luật sư, chúng đã lòi ra mặt chuột, nên cuối cùng, sau bao nhiêu ngày chối tội dai dẳng mà không được, chúng đành để tôi ra đi với lý do “nhân đạo.”
Kim đồng hồ chỉ vào con số 11, hai mẹ con tôi nhấp nhổm đứng ngồi không yên... Trong lúc đoàn người lũ lượt tiến vào cửa lên máy bay, mẹ con tôi vẫn bị người của cơ quan an ninh giám sát.
Như hiểu được tâm trạng lo lắng sốt ruột của tôi, tên Khải động viên:
-Chị không phải lo, chúng tôi sẽ đưa chị và cháu đi bằng cửa riêng, không phải xếp hàng, chen lấn.
Người của cơ quan an ninh vừa kịp quay mặt bỏ đi, phiên dịch viên tên Công nói nhỏ vào tai tôi:
-Chốc nữa khi chị lên máy bay sẽ có Christian Marchant* đón sẵn ở cửa và đưa chị sang Mỹ. Riêng ngài đại sứ cũng muốn nói với chị một điều là vừa nãy, trước ống kính camera và đại diện của cơ quan an ninh Việt Nam, ngài buộc phải nói như thế vì góc độ ngoại giao, chứ thực tình vụ việc của chị bị phía nhà nước Việt Nam gây nhiều khó khăn lắm. Nhưng quan trọng hơn cả là họ muốn để chị đi trót lọt, sau đó chính phủ Mỹ sẽ can thiệp thêm một số trường hợp khác ra khỏi tù như chị.
Sân bay về khuya trở nên vắng lặng, các khoang ghế quanh tôi không còn một bóng người, lúc đó các nhân viên an ninh mới tiến lại, đưa mẹ con tôi vào máy bay bằng lối đi riêng.
Ngắm các tiếp viên trẻ, đẹp của hãng hàng không Nhật Bản đang tươi cười, gật đầu chào mừng quý khách, tôi mới tin là mình đã thoát khỏi địa ngục trần gian.
Bên ngoài những chiếc camera vẫn còn quay thêm thước phim cuối cùng, máy ảnh vẫn còn bấm cho đến khi bóng hai mẹ con tôi khuất hẳn vào trong lòng máy bay.
(Còn tiếp)
.
.
.
No comments:
Post a Comment