Monday, October 31, 2011

CHỦ NGHĨA DÂN TỘC CỦA NGƯỜI TRUNG HOA & NHỮNG MẶT TRÁI CỦA NÓ (Robert S. Ross, The National Interest)



Robert S. Ross
The National Interest, số tháng 10-11/2011   -  Ngày 25-10-2011

Thủy Trúc dịch
Posted by basamnews on 31/10/2011

Kể từ chiến tranh lạnh đến nay, chưa bao giờ quan hệ Mỹ-Trung tồi tệ hơn lúc này. Vâng, trong quá khứ đã từng có những xung đột lẻ tẻ về vấn đề Đài Loan, căng thẳng quanh vụ Mỹ ném bom trúng Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade (Nam Tư), hay vụ máy bay phản lực chiến đấu Trung Quốc va chạm với máy bay trinh sát của Mỹ trên vùng trời Biển Đông (nguyên văn: biển Hoa Nam). Nhưng sự xuống cấp gần đây trong quan hệ hai nước phản ánh một khuynh hướng dài hạn tiềm tàng, với nguy cơ xung đột mở rộng và kéo dài là rất cao. Cũng phức tạp không kém là việc căng thẳng gia tăng như thế không chỉ không cần thiết mà sẽ còn rất tốn kém cho Mỹ.

Từ đầu năm 2009, Trung Quốc đã phạm một loạt sai lầm về ngoại giao, gây ra một sự chỉ trích gần như toàn cầu nhằm vào chính sách ngoại giao của họ. Danh sách các sai lầm rất dài:
- Tháng 3-2009, hải quân Trung Quốc va chạm với tàu trinh sát Impeccable của Mỹ đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc trên Biển Đông;
- Tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu ở Copenhagen, tháng 12-2009, Bắc Kinh phản đối quyết liệt việc đàm phán, gây ra những xích mích về ngoại giao giữa họ với châu Âu và với Mỹ;
- Tháng 1-2010, với thái độ cứng rắn, Bắc Kinh phản đối quyết định bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ. Họ đe dọa sẽ thiết lập lệnh trừng phạt lên các công ty Mỹ có hợp tác về quốc phòng với Đài Bắc;
- Tháng 3-2010, Bắc Kinh xử lý không tốt vụ Bắc Triều Tiên đánh chìm tàu hải quân Hàn Quốc Cheonan, gây ra một làn sóng phẫn nộ ở Hàn Quốc đối với Trung Quốc;
- Những lời lẽ phản đối đinh tai nhức óc của Trung Quốc đối với các cuộc tập trận chung của hải quân Mỹ và Hàn Quốc trong vùng biển quốc tế ở Hoàng Hải;
- Sự thù địch thái quá của Trung Quốc đối với việc Nhật Bản, vào tháng 9-2010, bắt giữ thuyền trưởng một tàu cá Trung Quốc hoạt động trong vùng biển mà Nhật Bản đã tuyên bố chủ quyền rồi lại bẻ lái cho tàu đâm vào một tài tuần duyên của Nhật;
- Chiến dịch vụng về của chính phủ Trung Quốc nhằm buộc Google phải ngừng cung cấp dịch vụ tìm kiếm tại Trung Hoa lục địa;
- Tháng 12-2010, phản đối gay gắt và dai dẳng việc Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình;
- Ngày càng khẳng định một cách dữ dội những yêu sách về chủ quyền và kinh tế gây tranh cãi trên Biển Đông, gây khiếp sợ trên toàn Đông Nam Á.

Trái ngược với ba thập kỷ thực hiện thành công chiến lược “trỗi dậy hòa bình” – từng giúp cho Bắc Kinh phát triển quan hệ hợp tác với gần như tất cả các quốc gia trên thế giới – chỉ trong vòng hai năm qua, Trung Quốc đã làm hỏng mối bang giao với gần như tất cả các nước châu Á và các quốc gia công nghiệp phát triển.
Khởi nguồn của chính sách ngoại giao to mồm này của Trung Quốc không phải là việc họ nổi lên như một siêu cường khu vực với sự tự tin chừng mực vào những năng lực mới của mình. Thực chất, chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc phản ánh sự tự tin đi theo hình xoắn ốc ở trong nước họ và tính phụ thuộc ngày càng nhiều vào chủ nghĩa dân tộc, nhằm có được ổn định bên trong. Washington đã hiểu sai tình hình chung (nguyên văn: state of affairs), phóng đại khả năng của Trung Quốc và về căn bản đã hiểu sai nguồn gốc của tất cả những chính sách ngoại giao hung hăng của Bắc Kinh.

SỰ THẬT là Trung Quốc không đặc biệt mạnh về quân sự mà cũng chẳng đặc biệt ổn định về quốc nội. Chính sách ngoại giao hiếu chiến của Trung Quốc ra đời không phải do Mỹ gặp khó khăn về kinh tế trong hình hình suy thoái, cũng chẳng phải là một chỉ dấu cho sự tự tin ngày càng dâng cao của Bắc Kinh. Ngược lại, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã không triển khai quân và không sử dụng năng lực hải quân tân tiến của mình, còn môi trường kinh tế trong nước họ thì hiện giờ đang tồi tệ hơn bất cứ lúc nào kể từ khi năm 1978 khi công cuộc cải cách kinh tế thời hậu Mao bắt đầu.

Nếu ra khỏi các vùng biển gần thì năng lực hải quân của Trung Quốc vẫn tiếp tục phải phụ thuộc vào tàu ngầm diesel tiên tiến, được vận hành lần đầu vào giữa thập niên 1990. Tính đến năm 2000, lực lượng tàu ngầm Trung Quốc đã bắt đầu là một thách thức đáng sợ đối với các hoạt động của hải quân Mỹ trên vùng biển Tây Thái Bình Dương. Nhưng kể từ năm 2000 đến nay, họ không triển khai thêm được sức mạnh hải quân nào có thể tạo một thách thức đáng kể đối với hải quân Mỹ hay là hệ thống bảo vệ về mặt quân sự mà Mỹ dành cho các nước đối tác về an ninh với họ. Trung Quốc vẫn chưa thể tự sản xuất máy bay quân sự tiên tiến, và cho đến nay cũng chưa cho ra được chiếc máy bay tiên tiến nào do họ tự thiết kế. Hai phi cơ chiến đấu J-15 và J-20 vẫn còn đang trong quá trình sản xuất. Cuối cùng họ đã cho cất cánh chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên, nhưng lại không có máy bay nào để hàng không mẫu hạm này chuyên chở. Hoạt động chống cướp biển của hải quân ở ngoài khơi Somalia chỉ ở mức căn bản. Việc bảo vệ những khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông thì phụ thuộc vào tàu tuần duyên. Trung Quốc đang phát triển năng lực ngăn chặn thâm nhập (access-denial) trong hàng hải công nghệ cao, bao gồm cả khả năng sử dụng tên lửa cao cấp; thế nhưng chưa có cái gì được thử nghiệm một cách phù hợp, lại càng ít cái được sử dụng thực tế. Chương trình tên lửa đạn đạo chống tàu không chạy được. Chương trình không gian của Trung Quốc đạt tiến bộ lớn, nhưng lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) chưa phát triển được năng lực đủ để có thể gây thách thức đáng kể với khả năng viễn thông trong không gian của Mỹ, cũng chưa xây dựng được năng lực chiến đấu trong không gian. PLA đang phát triển các máy bay không người lái và hệ thống radar, nhưng những thứ này cùng các dự án quốc phòng khác lại cũng đang ở trạng thái rất sơ khai hoặc đang được thử nghiệm. Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hóa năng lực quân sự, và cuối cùng sẽ triển khai các hệ thống cao cấp có thể chống phá an ninh Mỹ và ổn định khu vực, nhưng chính sách ngoại giao mới của Bắc Kinh không thể được lý giải chỉ nhờ 30 năm chi tiền vào quốc phòng và hiện đại hóa quân đội.

Chính sách ngoại giao to mồm đó cũng không phản ánh sự tự tin của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng xấp xỉ 10% một năm. Nhưng dưới cái mẽ ngoài thịnh vượng này, nền kinh tế Trung Quốc yếu đi một cách đáng kể. Tháng 10-2008, khi toàn thế giới suy thoái sâu sắc, lãnh đạo Trung Quốc tung ra một chương trình kích thích kinh tế đồ sộ nhưng rối loạn. Chương trình ấy không những không giải quyết nổi phần lớn những vấn đề có gốc rễ sâu xa từ trong hệ thống, mà còn sản sinh và nuôi dưỡng thêm nhiều vấn đề mới. Bất chấp gói kích thích, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc vẫn rất cao tại các vùng nông thôn và trong lực lượng sinh viên vừa tốt nghiệp ở thành thị. Năm 2010, Thủ tướng Ôn Gia Bảo ước tính có khoảng 200 triệu người Trung Quốc thất nghiệp. Hơn thế nữa, trong suốt hai năm qua, bất bình đẳng xã hội – theo tiêu chuẩn quốc tế – đã trở nên cực kỳ cao. Hậu quả của gói kích thích là lạm phát tăng vọt, tác động tới giá lương thực thực phẩm, nhà ở và giao thông vận tải. Cho tới cuối năm ngoái, bong bóng bất động sản Trung Quốc đã xấu đi rõ rệt, các ngân hàng quốc doanh sa sút với một tốc độ ghê gớm hơn bất kỳ lúc nào khác trong 10 năm qua, và nợ công của các chính quyền địa phương thì lên cao ngất trời. Tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc hơn vào những khoản đầu tư do chính phủ kích thích, chứ không dựa vào tiêu dùng – càng đổ thêm dầu vào lạm phát. Còn đáng lo ngại hơn thế, khu vực kinh tế quốc doanh đang mở rộng và khu vực tư nhân phải trả giá thay, do đó phá hoại mọi sự sáng tạo, đổi mới, trong khi lại chính trị hóa việc ra các quyết sách kinh tế. Đây đều là những vấn đề sâu rộng, đều cho thấy bất ổn định xã hội ở Trung Quốc sẽ gia tăng và tính chính đáng dựa trên cơ sở kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bị bào mòn đáng kể.

Những vấn đề của Bắc Kinh chỉ bị trầm trọng hóa bởi một thực tế là các công cụ đàn áp của chính quyền đang kém đi. Trong 5 năm qua, số lượng các cuộc biểu tình tự phát quy mô nhỏ và lớn đã tăng lên nhiều như nấm. Gần đây, Internet làm chính phủ yếu hẳn đi trong việc kiểm soát thông tin và giảm thiểu sự bất mãn trên toàn quốc đối với đảng. Internet đã trở thành một thiết bị hiệu quả để người dân truyền tải sự phẫn nộ của họ về tình trạng thất nghiệp, lạm phát, cũng như tham nhũng về kinh tế và chính trị, sự bạo hành của công an, nạn che giấu tội phạm, suy thoái môi trường và cưỡng chiếm tài sản. Thêm vào đó, mạng xã hội đồng đẳng (Twitter và các biến thể tương tự ở Trung Quốc) có khả năng trợ lực cho những cuộc biểu tình rầm rộ, độc lập và tự phát của quần chúng. Trung Quốc. Vụ bắt người đầu tiên vì tội viết blog ở Trung Quốc xảy ra vào tháng 9-2010 trong những cuộc tuần hành phản đối Nhật Bản bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Bất ổn định về kinh tế diễn ra đồng thời với việc Đảng Cộng sản mất dần tầm kiểm soát xã hội. Sự yếu kém từ bên trong nước này đã buộc chính phủ phải dựa ngày càng nhiều hơn vào chủ nghĩa dân tộc để có được tính chính đáng cho chế độ – và điều đó giải thích tại sao Bắc Kinh lại mắc nhiều sai lầm về ngoại giao.

Khi người dân Trung Quốc chứng kiến vị thế tương đối của họ trên thế giới được nâng cao dần lên (đặc biệt trong khi Nhật Bản đang đi xuống), Mỹ bị coi như vật cản cho việc Trung Hoa được quốc tế công nhận là siêu cường, vì thế cho nên Washington đang dần dần thế chỗ Tokyo để trở thành trung tâm của sự thù hận mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc. Giờ đây khi ảnh hưởng của đảng cộng sản bị suy thoái, đảng trở nên nhạy cảm hơn với sự đối kháng có tính chất dân tộc chủ nghĩa – cũng đang ngày càng dâng lên. Kể từ tháng 1-2010, trên mạng và trên báo chí, các tiếng nói dân tộc chủ nghĩa đã đòi Bắc Kinh phải quyết liệt hơn trên sân khấu quốc tế – trước cả khi chính quyền kịp tính đến một chính sách nào đó – đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào thế phải tự vệ. Quả thật là trong vài năm gần đây, chủ nghĩa dân tộc đã lan rộng ra các khu vực thành thị, tác động đến không chỉ quân đội và những thanh niên bất mãn, mà còn tới cả công nhân, trí thức, cán bộ công chức, doanh nhân. Hơn nữa, công nghệ truyền thông trên nền Internet giúp cho các phần tử dân tộc chủ nghĩa ở Trung Hoa tương tác với nhau, và có thể tiếp sức cho những cuộc biểu tình rộng rãi chống lại chính sách ngoại giao của nhà nước, do vậy càng khuếch đại tầm quan trọng của chủ nghĩa dân tộc cũng như mối đe dọa của nó đối với sự ổn định của chế độ. Vì thế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, cảm thấy bất an và lo lắng cho ổn định quốc nội, buộc phải chú ý nhiều hơn bao giờ hết đến sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc mỗi khi họ định hình chính sách đối ngoại.

Lần đầu tiên kể từ khi Mao Trạch Đông mất, giới lãnh đạo Trung Quốc phải chọn lựa giữa tận dụng chủ nghĩa dân tộc kết hợp chính sách ngoại giao to mồm cho vừa lòng đám khán giả trong nước, hay là sử dụng chiến lược trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc cho phù hợp với cộng đồng quốc tế. Tới gần đây thì Trung Quốc vẫn chọn phương án sau. Nhưng kể từ năm 2009, nỗ lực của đảng nhằm vỗ về các phần tử dân tộc chủ nghĩa trong nước đã sinh ra một chính sách ngoại giao vụng về, khuấy động sự thù ghét trên toàn cầu đối với Trung Quốc và làm chính họ mất an toàn.

Chính sách ngoại giao dân tộc chủ nghĩa này gây ra mối lo ngại đáng kể trong các nước đồng minh của Mỹ ở Đông Á. Washington có ý định duy trì sự hiện diện chiến lược của họ ở đây để cân bằng với sự trỗi dậy của Trung Quốc không? Mỹ đã có phản ứng ngoại giao thẳng thắn đúng lúc. Nhưng họ đi quá xa, họ đối đầu với an ninh của Trung Quốc trong khu vực ngoại vi của Hoa lục, tạo ra nguy cơ về một cuộc xung đột an ninh mở rộng giữa các siêu cường và làm cho bất ổn trong khu vực càng gia tăng.

Tiếp sau vụ Bắc Triều Tiên đánh chìm tàu hải quân Hàn Quốc Cheonan hồi tháng 3-2010 và Trung Quốc không công khai lên án Bình Nhưỡng về hành động tấn công này, Mỹ đã triển khai một loạt sáng kiến hiệu quả trên vùng biển Đông Á, nhằm tái khẳng định quyết tâm của họ là đương đầu với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Rất nhiều sáng kiến trong đó là cần thiết và mang tính xây dựng. Cuối tháng 6, lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, ba tàu ngầm hạt nhân Mỹ đồng thời nổi lên ở các cảng châu Á. Tháng 7-2010, trong chuyến thăm của cựu bộ trưởng quốc phòng Robert Gates đến Jakarta, Mỹ nhất trí mở rộng hợp tác quân sự với Indonesia. Tháng 11, trong chuyến công du của Ngoại trưởng Hillary Clinton tới New Zealand, Mỹ đồng ý tái thiết hợp tác đầy đủ về quân sự với các cảng biển ở đây. Mỹ còn mở rộng quan hệ quân sự với Philippines, khẳng định cam kết sẽ bảo vệ Nhật Bản. Giữa lúc Trung-Nhật căng thẳng vì vụ việc bắt giữ thuyền trưởng tàu cá, bà Hillary Clinton tuyên bố hiệp ước quốc phòng Mỹ-Nhật sẽ xử lý cả những sự cố bất ngờ liên quan đến quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang quản lý nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền (gọi là Điếu Ngư – ND). Sau khi Nhật Bản thả thuyền trưởng tàu cá, Washington và Tokyo đã tiến hành cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước tới nay giữa hải quân hai nước. Đây đó là một sự tái cam kết mạnh mẽ của Mỹ với đồng minh – điều này có thể phạm vào tham vọng to lớn của Trung Quốc, nhưng là phản ứng thích hợp và được trông đợi.

Nhưng sau đó, Washington đã tung ra một chính sách ngoại giao mạnh bạo thái quá, theo công thức của bà Hillary Clinton, là “ngoại giao tiến công” (nguyên văn: forward-deployed diplomacy, có người dịch là “ngoại giao triển khai phía trước” – ND). Đó là một sự quay trở lại với chính sách ngoại giao từng kéo dài nhiều năm của Mỹ, và bị Bắc Kinh xem như một thách thức ngày càng lớn dần lên, và rất khác.

Dưới thời George W. Bush, Mỹ đã giảm 40% quân số ở Hàn Quốc, chấm dứt triển khai quân tại khu vực nằm giữa vùng phi quân sự với Seoul, giảm mạnh mẽ quy mô tập trận chung hàng năm Mỹ-Hàn, và tuyên bố trong báo cáo quốc phòng của Bộ Quốc phòng (ra bốn năm một lần) rằng vào năm 2012, Mỹ sẽ chuyển giao bộ tư lệnh hành quân các lực lượng quân đội Hàn Quốc (operational command, OPCOM) cho Seoul. Cho dù ý định của chính quyền Mỹ là gì đi nữa, những việc làm này vẫn khiến cho Trung Quốc cảm thấy an toàn hơn trong khu vực lân cận của họ.
Giờ đây, chính quyền Obama đã thay đổi tình hình theo hướng ngược hẳn lại. Việc chuyển giao OPCOM cho Hàn Quốc đã bị hoãn ít nhất ba năm. Suốt năm 2010, Mỹ tiến hành một loạt cuộc tập trận đình đám, quy mô lớn với Seoul, trong đó có cả hoạt động tập trận hàng hải trên vùng biển phía tây Hàn Quốc. Cuối năm 2010, Mỹ và Hàn Quốc ký mới “Các nguyên tắc hợp tác quốc phòng Mỹ-Hàn”, theo đó lực lượng vũ trang hai bên sẽ đẩy mạnh tập trận chung và tương tác. Tất cả các diễn biến này đều cho thấy Mỹ kiên quyết giữ lợi ích của họ trong việc tái thiết lập sự hiện diện quân sự đáng kể, theo thông lệ, trên bán đảo Triều Tiên.

Sáng kiến an ninh của Mỹ với Hàn Quốc làm Bắc Kinh bớt tự tin về quan hệ chiến lược của họ với Seoul; Trung Quốc bây giờ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Triều Tiên như thể đó là đồng minh đáng tin cậy duy nhất của họ trên bán đảo, và họ cũng ngày càng đối kháng hơn với việc hợp nhất hai miền Triều Tiên vì sợ điều đó sẽ dẫn đến việc Mỹ mở rộng hiện diện quân sự hơn nữa, ra sát biên giới với Trung Quốc. Các lãnh đạo Trung Quốc bây giờ đánh giá cao hơn bao giờ hết sự ổn định ở Bắc Triều Tiên. Thay vì sử dụng đòn bẩy kinh tế để tác động khiến Bình Nhưỡng phải hợp tác với Mỹ về mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân, Bắc Kinh tăng cường ủng hộ ổn định chính trị và kinh tế ở Bắc Triều Tiên.

Và vào tháng 7-2010, khi tập trận Mỹ-Hàn diễn ra ở Hoàng Hải, bà Hillary Clinton đưa ra một sáng kiến chiến lược mới của Mỹ dành cho Đông Nam Á, tại một hội nghị an ninh khu vực châu Á tổ chức ở Hà Nội. Sau khi Washington tiến hành tham vấn đáng kể và có kế hoạch riêng với tất cả các quốc gia có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (chỉ trừ Trung Quốc), Ngoại trưởng Clinton tuyên bố Mỹ ủng hộ một “tiến trình ngoại giao hợp tác” để giải quyết tranh chấp. Động thái này có ý nghĩa như một lời chỉ trích gay gắt nhằm vào Bắc Kinh – kẻ mà từ lâu đã ra yêu sách đòi chủ quyền ở khu vực tranh chấp – và hàm ý rằng Mỹ can thiệp ủng hộ các nước khác, tất cả những nước ủng hộ đàm phán đa phương. Đó là chưa kể, trước đây Mỹ đã từng tỏ thái độ ủng hộ một Biển Đông ổn định, nhưng họ chỉ tuyên bố như thế ở Washington DC, ở cấp trợ lý ngoại trưởng, chứ chưa bao giờ thông qua một cuộc thảo luận trước nào với bất kỳ quốc gia nào có liên quan đến tranh chấp.

Chính sách ngoại giao tiến công của chính quyền Mỹ cũng có nội dung hợp tác chiến lược với Việt Nam. Suốt hơn 20 năm Washington né tránh đàm phán với Việt Nam, với ý thức rằng Đông Dương không phải là lợi ích sống còn. Tuy nhiên, đến tháng 8, sau phát biểu của bà Clinton tại Hà Nội ủng hộ Việt Nam chống lại những yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền hàng hải, thì hải quân Mỹ, trong đó có hàng không mẫu hạm George Washington, đã tổ chức tập trận chung với hải quân Việt Nam lần đầu tiên. Tháng 10, Bộ trưởng Gates thăm Hà Nội, tại đây ông tuyên bố khả năng mở rộng hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt và bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tập trận quân sự với Mỹ. Cuối tháng 10, bà Clinton trở lại Hà Nội và tuyên bố Mỹ có lợi ích trong việc phát triển “quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam và hợp tác về “an ninh hàng hải”. Sau đó bà thăm Phnom Penh và đề nghị Campuchia xây dựng chính sách ngoại giao độc lập hơn với Trung Quốc. Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ thể hiện thái độ ủng hộ nỗ lực của các nước Đông Dương nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc sử dụng nguồn nước thượng nguồn sông Mekong.

Bắc Kinh hiện đang tìm cách trừng phạt Việt Nam vì đã ngạo mạn mà hợp tác với Mỹ. Bắc Kinh muốn buộc Hà Nội phải chấp nhận siêu cường Trung Quốc. Năm 2011, họ leo thang cả về tần suất lẫn quy mô của những vụ quấy nhiễu bằng quân sự vào tàu cá Việt Nam hoạt động trong vùng biển tranh chấp, làm căng thẳng giữa đôi bên càng gia tăng và đe dọa ngành hải sản Việt Nam. Trung Quốc còn đẩy mạnh hành động quấy nhiễu trên biển vào các hoạt động kinh tế của Philippines trong khu vực tranh chấp. Nhưng đổi lại, họ chỉ làm Mỹ thắt chặt thêm cam kết với các nước Đông Nam Á. Tháng 7-2011, Mỹ lại tập trận lần nữa với Việt Nam. Sau đó Mỹ gửi một hàng không mẫu hạm tới thăm Việt Nam, và Lầu Năm Góc đã đạt được thỏa thuận quân sự đầu tiên với quân đội Việt Nam. Lầu Năm Góc cũng hỗ trợ phát triển năng lực tình báo của Philippines trên Biển Đông. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân (Cui Tiankai) gần đây ra lời cảnh cáo rằng một số nước Đông Nam Á đang “đùa với lửa”, và bày tỏ “hy vọng rằng ngọn lửa sẽ không lan tới Mỹ”.

Do đó, Washington đã tham gia vào một cuộc xung đột đa cực ngày càng lớn ở Đông Nam Á. Nhưng quan trọng hơn, và độc lập với quá trình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, sự hợp tác của Mỹ với nỗ lực của Việt Nam trong việc sử dụng Mỹ để đối đầu với Trung Quốc không chỉ tốn kém mà còn ngu ngốc. Đường biên giới chung trên bộ của Việt Nam với Trung Quốc, tính chất dễ bị tổn thương của Việt Nam trên biển trước hải quân Trung Quốc, và sự phụ thuộc về mặt kinh tế của họ vào Bắc Kinh cho thấy chắc chắn rằng Mỹ sẽ không thể phát triển quan hệ quốc phòng đầy đủ với Việt Nam. Nhưng đã kéo Trung Quốc vào xung đột ngoại giao khu vực như thế này, thì mọi nỗ lực của Mỹ nhằm rút ra khỏi tranh chấp biển đảo bằng cách khích lệ các đối tác Đông Nam Á của mình cư xử ôn hòa, đều sẽ bị coi là hành động rút lui mang tính chiến lược.

Hợp tác an ninh ngày càng mở rộng của chính quyền Obama với các nước trong vùng ngoại vi của Trung Hoa lục địa là một phản ứng không tương xứng với chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc. Nó không tương xứng với bất kỳ tiến bộ nào gần đây trong năng lực hải quân Trung Quốc mà có thể chống lại sức mạnh bao trùm của Mỹ trên biển. Nó cũng không phản ánh tầm quan trọng chiến lược ngày một tăng của bán đảo Triều Tiên hay Đông Dương đối với an ninh Mỹ. Kể từ năm 1997, Mỹ đã triển khai ngày càng nhiều vũ khí cao cấp đến Đông Á và thắt chặt hợp tác an ninh với các đối tác an ninh hàng hải, đồng thời vẫn duy trì hợp tác đáng kể với Trung Quốc. Đó mới là một chính sách hiệu quả.

Nhưng bây giờ giới lãnh đạo Trung Quốc đang đánh giá lại các dự định của phía Mỹ. Họ đi đến kết luận rằng Mỹ đang triển khai một chính sách thiên về tiến công, với các hoạt động bao vây và kiềm chế đối phương. Bất kể dự định của Washington là gì đi nữa, các hành động gần đây của Mỹ đã là bằng chứng thừa đủ để chứng minh cho kết luận của Trung Quốc.

Chính sách ngoại giao dân tộc chủ nghĩa của Bắc Kinh thật nguy hiểm. Phản ứng một cách thiếu nhận thức của Mỹ làm cho chính sách ấy còn nguy hiểm hơn nữa. Trung Quốc, về mặt quân sự, rất nhạy cảm với Mỹ, và chế độ của họ rất nhạy cảm với khái niệm “ổn định trong nước”. Vào lúc này, Washington đang bị lôi kéo vào tranh chấp chủ quyền đối với những hòn đảo chẳng có giá trị gì trên Biển Đông, và đang mở rộng sự hiện diện quân sự của họ trên vùng ngoại vi của Trung Quốc. Và trong một thời kỳ mà hợp tác với Trung Quốc ngày càng quan trọng hơn, thì Washington không cần thiết phải thách thức nền an ninh của Trung Quốc làm gì.

Mỹ mong đợi Trung Quốc sẽ kiềm chế các đối tác an ninh của họ ở Trung Đông và châu Á để các đối tác đó không làm trầm trọng thêm mâu thuẫn với Washington. Tương tự, Mỹ cũng phải có trách nhiệm kiềm chế các đối tác an ninh của họ.

Thế cân bằng quyền lực ở Đông Á là một thứ lợi ích an ninh quốc gia sống còn, và Mỹ cần phải đảm bảo cho các đối tác chiến lược biết rằng họ sẽ hỗ trợ các nước này về an ninh, bất chấp sự trỗi dậy của Trung Quốc. Quân đội Hoa Kỳ phải tiếp tục tập trung vào việc tích lũy vũ khí và triển khai sử dụng để duy trì an ninh của Mỹ trong khu vực. Nhiệm vụ trước mắt cho các nhà làm chính sách của Mỹ là phải xác định được các mục tiêu này trong khi vẫn duy trì hợp tác Mỹ-Trung. Chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc sẽ tiếp tục thách thức chính sách ngoại giao của Mỹ trong một thời gian dài sắp tới. Điều này đòi hỏi chính quyền Obama phải thừa nhận cả ưu thế hàng hải của Mỹ lẫn những tổn thương trong nước và quốc tế của Trung Quốc, và vì thế phải thực hiện kiềm chế mạnh, chống những phản ứng thái quá đối với lãnh đạo Trung Quốc vốn đang trong tâm trạng bất an.

Ông Robert S. Ross là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Boston và trợ lý giáo sư tại Trung tâm John King Fairbank về Trung Quốc học, Đại học Harvard.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.

No comments: