Song Chi
Sat, 10/29/2011 - 22:46
Gọi điện thoại về VN cho người chị họ, có cô con gái năm nay đang học lớp 9, chuẩn bị năm tới thi chuyển cấp. Con bé đang bị ba mẹ ép học đến xanh cả người. Ngày nào cũng ra khỏi nhà từ 6:30 sáng đến 9:30 tối mới về tới nhà. Là vì con bé học bán trú, 5:30 chiều mới tan trường, mẹ đi đón, mua thức ăn cho ăn tại chỗ xong tức tốc chở qua Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Lý Tự Trọng cho học thêm. Tuần 6 ngày lịch y như nhau. Chủ Nhật cũng không được nghỉ, vì còn học Anh Văn, học bơi gì đó. Ngày nào cũng ngồi suốt từ sáng đến tối nên con bé hết bị đau khớp háng, lại đau..xương cụt, cứ phải ngồi nghiêng nghiêng hết mông này lại đến mông kia! Khốn khổ. Không có thời gian giải trí, tối về học bài ở trường xong là lăn ra ngủ. Ti-vi, phim ảnh, hay sách truyện đều bị mẹ cấm tiệt, bao giờ thi xong, đậu xong hẳn hay.
Tôi kêu lên học như thế không ích lợi gì đâu, lối học thụ động chỉ toàn đến lớp nghe thầy giảng rồi chép, không có thì giờ tự học, tự suy nghĩ, rồi mai mốt khi thi gặp trúng bài toán đã học rồi chẳng hạn, vẫn không biết giải như thường. Nhưng tôi biết, có nói thì bà chị họ vẫn cứ bỏ ngoài tai, vẫn thúc con bé học theo cái lịch như thế suốt năm. Mà ngay chính con nhỏ cũng đòi học thêm, vì các bạn ai cũng học, mình không học làm sao thi đậu nổi. Lại đang mơ đậu vào trường chuyên Lê Hồng Phong thì càng phải ráng. Đối với học sinh/phụ huynh ở Sài Gòn, những cái tên như trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa hay Trường Phổ thông Năng Khiếu là niềm mơ ước, hãnh diện, phải phấn đấu để vào cho được. Cũng như dân Hà Nội đối với trường THPT chuyên Amsterdam (bây giờ là Trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam) hay THPT Chu Văn An vậy.
Những ông bố bà mẹ ở VN điên rồ, kéo theo con cái họ cũng điên rồ, lao vào sự học bất kể ngày đêm. Học từ trước khi vào lớp Một. Từ lớp Một đã đi học thêm, và học thêm suốt 12 năm của bậc tiểu học cho tới trung học. Học thêm Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ…rồi còn học thể dục, bơi lội, aerobic, múa…, học đàn piano, violon, học vẽ, học chơi cờ…Nghĩa là học đủ thứ. Không có ngày nghỉ. Không có mùa hè. Nói cho ngay, đó chỉ là học sinh ở các thành phố lớn, chứ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, học chữ thôi đã không có tiền, tiền đâu mà cho con đi học những thứ xa xỉ khác!
Cũng chỉ tại cái nền giáo dục điên rồ, chạy theo thành tích, điểm số, chuộng cái hư danh-có sự phân biệt giữa trường chuyên, trường điểm, trường chọn…với trường thường, nên các ông bố bà mẹ mới phải thúc vào lưng con, ép con phải vào bằng được trường chuyên, không vào được thì…chạy tiền, nhờ cậy người quen. Rồi một xã hội điên rồ, chuộng bằng cấp hơn khả năng thực, nên mới có chuyện chạy điểm, chạy bằng, mua bằng, bằng giả bằng dỏm v.v…
Hồi còn ở VN, tôi thuộc loại không ép con học nhiều. Cũng may, con nhỏ học được, thi vào Lê Hồng Phong khá là nhẹ nhàng. Nhưng phải học trong cái môi trường rất căng xung quanh, con nhỏ cũng than chả có thì giờ đâu mà đọc sách, xem phim, mỗi ngày học xong về nhà làm cho xong bài tập, học bài ngày mai là đã nửa đêm.
Đến khi sang Na Uy là một môi trường giáo dục khác hẳn, không khí học tập khác hẳn. Chả có cái khái niệm trường chuyên trường chọn gì cả. Mọi trường đều như nhau. Điều kiện học tập ở thủ đô Oslo hay ở thành phố Kristiansand tuốt phía Nam hay mãi tận phía Bắc cũng đều như nhau. Học sinh ở đây đi học rất là thoải mái. Chả có chuyện phải đi học thêm. Cũng không bị sức ép về điểm số gì cả. Đối với học sinh bậc tiểu học, thầy cô ở đây không cho điểm. Lên đến lớp 7 mới có điểm. Nhưng điểm của ai người đó biết. Thầy cô không bao giờ công bố điểm của học sinh trước lớp để tránh cho những học sinh học kém bị mặc cảm. Trong lớp học, thầy cô cũng không bao giờ gọi học sinh lên trả bài mà để em nào tự nguyện muốn lên thì lên.
Thầy cô thoải mái, cha mẹ cũng thoải mái, chả thúc ép. Bài vở thường thanh toán tại lớp để về nhà còn thời gian nghì ngơi, giải trí. Mùa hè là tuyệt đối nghỉ ngơi, vui chơi. Nhà trường thu lại hết sách. (Sách vở từ bậc tiểu học, trung học là nhà trường phát cho mượn, khỏi phải mua. Học phí bậc trung học tất nhiên cũng miễn phí). Chương trình học so với bên VN là nhẹ hơn nhiều, nhất là các môn khoa học tự nhiên. Nhưng ở bậc trung học, nhất là những năm cuối, học sinh được rèn luyện nhiều về khả năng học nhóm, làm việc chung, khả năng tranh luận, thuyết trình những vấn đề dưới cái nhìn riêng của mình. Và không có đề tài, chủ đề gì là cấm kỵ, cũng không phải sợ hãi gì nếu nói ngược với ý kiến của thầy cô.
Nhưng cái gì thì cũng có mặt này mặt kia. Học hành nhẹ nhàng thoải mái không bị thúc ép như thế nên phải nói thật, nhìn chung học sinh ở Na Uy…lười hơn học sinh ở VN. Không thật cố gắng, nếu chương trình khó hoặc học thấy không vui là…nghỉ, đi học nghề hoặc đi làm. Nếu học sinh ở Na Uy mà sang VN hay Trung Quốc chẳng hạn, nhìn thấy sự học căng như thế nào chắc là lè lưỡi phát khiếp!
Con gái tôi học chương trình IB (International Baccalaureate), là chương trình tú tài quốc tế, so với chương trình của Na Uy có nặng hơn, nhưng nặng vì phải tự đọc thêm nhiều sách, viết các bài essay, phải thuyết trình…chứ cũng chẳng ai thúc ép gì. Khi còn ở VN, con bé rất ngại học các môn Văn, Sử-phải nói là chán. Mà thử hỏi chương trình môn Văn, môn Sử dạy như vậy học sinh nào chẳng ngán? Văn thì cứ học đi học lại thơ Bác Hồ, thơ Tố Hữu, thơ văn cách mạng…Sử thì hết hai phần ba là lịch sử đảng cộng sản, với những trận đánh, những con số ngày tháng năm…nhức cả đầu. Chưa kể, thời đại đã thay đổi mà quan điểm chính trị, cái nhìn trong những quyền sách giáo khoa vẫn là quan điểm, cái nhìn từ thời trước năm 1975, lịch sử thì bị bóp méo, sai sự thật…Chẳng trách vì sao ở bậc trung học, số lượng học sinh chọn ban C (Văn, Sử, Địa) luôn luôn rất thấp, khi thi đại học số lượng thí sinh chọn các ngành Văn Sử Địa cũng vậy. Hiện tượng hàng ngàn thí sinh bị điểm 0 môn Sử trong kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2011 vừa qua cho thấy học sinh không hứng thú với môn Sử nên học không vào, đó là do chương trình, cách dạy mà ra.
Còn nhớ khi trả lời phỏng vấn của báo chí về chuyện này, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận đã cho đó là “chuyện bình thường”, rằng “Các bạn hãy nhìn rộng ra nhiều nước trên thế giới này, không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng này. Vì tiếng nói của khoa học lịch sử trong cuộc sống hiện đại hôm nay ít, cơ hội tìm việc làm của những người giỏi sử ít. Nhìn kỹ một chút các bạn sẽ thấy môn lịch sử kém thu hút, điểm lịch sử thấp không phải chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động”. (Báo Pháp luật TP.HCM ngày 30.7.2011)
Xin thưa với ông Bộ trưởng, chả biết ông dựa vào đâu để nói “môn lịch sử kém thu hút, điểm lịch sử thấp không phải chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại,…” Riêng chương trình IB mà con gái tôi đang học, trái ngược với hồi còn ở VN, cháu cực kỷ thích môn Văn, môn Sử. Bởi môn Văn, cháu được học đủ các tác giả nổi tiếng trên thế giới, không có nhà văn nào là “cấm kỵ”, từ J. D. Salinger, Gabriel Garcia Marquez, George Orwell, Chinua Achebe, F. Scott Fitzgerald, Patrick Suskind, William Golding, Mark Twain, Mary Angelou, các nhà thơ Shakespeare, Robert Frost, Sylvia Plath…ngoài ra cỏn đọc thêm Franz Kafka, Albert Camus…
Môn Sử thế giới thì được học bắt đầu từ thế chiến thứ nhất tới nay, đặc điểm các chủ nghĩa (phát xít, tư bản, cộng sản), sự sụp đổ của các nước cộng sản, phần historiography (cách các nhà sử học nhìn 1 sự kiện qua các giai đoạn: orthodox, revisionist, post-revisionist)… Với một cái nhìn khách quan, trung thực, mọi chuyện trên thế giới xảy ra như thế nào thì tường thuật thế ấy, không chủ trọng những chi tiết như ngày/tháng trừ những sự kiện thật sự quan trọng, mà chú trọng cách hiểu và khái quát vấn để, trình bày lại dưới cái nhìn của riêng mình.
Chưa kể môn Theory of knowledge rèn luyện kỹ năng critical thinking, cách nhìn vấn đề từ nhiều hướng, đưa ra một quan điểm và lật ngược lại, chấp nhận mọi thứ trên đời không có gì thực sự chắc chắn, sự ảnh hưởng của văn hóa, kinh nghiệm, quốc gia… tới quan điểm, cách nhìn… của mỗi cá nhân v.v…
Khi học, học sinh tha hồ tranh luận với giáo viên, giáo viên cũng rất khuyến khích học sinh có quan điểm riêng, độc lập. Chính vì vậy học sinh rất thích các môn khoa học xã hội nhân văn, chương trình học ở bậc trung học cũng đặt nặng các môn này hơn các môn khoa học tự nhiên, vì chính kiến thức thu được từ những môn khoa học xã hội nhân văn mới là kiến thức đi theo chúng ta suốt cả cuộc đời, ảnh hưởng đến nhân cách của chúng ta.
Khi hỏi những người quen, bạn bè đang sống ở Mỹ, Úc, Canada, Pháp…tôi thấy tình hình giáo dục ở bậc phổ thông của những nước này cũng tương tự.
(Đó là mới nói đến giáo dục ở bậc phổ thông trung học, còn ở bậc đại học thì cách học, cách dạy cũng như khoảng cách giữa nền giáo dục của VN và các nước phát triển trên thế giới càng xa vời vợi.)
Vậy thì lỗi không phải ở riêng những bậc phụ huynh VN khi ngược xuôi chạy trường điểm cho con, khi thúc ép con phải học đến xanh cả người, lỗi cũng không phải ở riêng học sinh khi hiện tượng xài “phao”, quay cóp…diễn ra phổ biến tại các kỳ thi, kể cả việc hàng ngàn thí sinh bị điểm 0 môn Sử…Chính là nền giáo dục của VN có vấn đề.
Một nền giáo dục lạc hậu, nhồi nhét quá nhiều kiến thức chết, vô bổ trong khi lại thiếu hẳn phần xây dựng óc độc lập, biết tư duy, biết tranh luận…cho học sinh. Một nền giáo dục dạy và học thuộc lòng là chính, đào tạo học sinh chỉ biêt nghe, chép, không được phép tranh luận hay nghĩ khác, nói khác với thầy cô, sách giáo khoa. Một nền giáo dục chỉ nhằm lấy bằng để đi làm, có vị trí trong xã hội. Một nền giáo dục chỉ nặng lý thuyết mà ít thực hành, chỉ truyền đạt kiến thức sách vở mà không chú trọng đạo đức, nhân cách, triết lý sống, quan điểm sống cho học sinh…Nói tóm lại, thiếu vắng hẳn một triết lý giáo dục, không biết mục tiêu thật sự để đào tạo Con Người là gì và như thế nào.
Hậu quả ra sao cứ nhìn chất lượng "đầu ra" (trình độ kiến thức phổ thông, kiến thức chuyện môn của người có bằng cấp) ở VN, cho đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự tha hóa về mặt nhân tính trong con người VN nói chung lâu nay thì rõ.
Đã có hàng vạn ý kiến từ các nhà giáo, chuyên gia…, và từ chính lời “kêu cứu” của phụ huynh và học sinh, hàng ngàn biện pháp cải cách giáo dục được đưa ra, nhưng giáo dục VN cứ ngày càng nát bét. Bởi, một nguyên nhân đơn giản, giáo dục, cũng như các lĩnh vực khác của xã hội, phải dựa trên việc tôn trọng Con Người, nghĩa là tôn trọng nhân quyền, tôn trọng sự tự do, độc lập của mỗi cá nhân, và tôn trọng Sự thật. Mà những cái này thì không thể có trong một xã hội độc tài, nên mọi cải cách, sửa đổi cũng chỉ chạm đến phần ngọn của vấn đề mà thôi!
Và học sinh VN sẽ vẫn tiếp tục khổ sở, thiệt thòi như các thế hệ cha anh của họ!
------------------
Ý kiến :
Sun, 10/30/2011 - 17:36
Song Chi đã rất tử tế, quá lich sự nói về nền giáo dục nước ta hiện nay : ".......nền giáo dục VN có vấn đề. " Đúng ra phải nói sự thật đó là nền giáo dục bệnh hoạn và què quặt . Ngày nay cả thế giới đã vất bỏ chủ nghĩa Mác-lê vào thùng rác thì ở VN bộ Giáo Dục vẫn bắt các học sinh & Sinh viên học thuộc lòng như kim chỉ nam cuộc đời ! vẫn là 1 điểm quan trọng nhất trong hệ thống GD XHCN. Học tập " tư tưởng HCM " mà chính ngay HCM luôn luôn phủ nhận : " Tôi chẳng có tư tưởng gì cả !......" , .....tất cả toàn là học giả dối và lừa bịp ! Trẻ em phải học giả dối , tham nhũng, móc ngoặc từ thuở bé bằng cách học kiểu phải " bồi dưỡng thầy cô thì mới được điểm cao" , cha mẹ phải đóng đủ thứ tiền cho nhà trường , hệ thống GD trở thành 1 bọn cướp cạn .Than phiền với các thầy cô, nhà giáo dục thì họ nói : "ngành nào chả ăn ? không ăn thì chết đói ? cứ nhìn bọn bên " lương y như từ mẫu " thì biết chứ chả cần gì hay dám so với CA ,Hải quan, Nhà đất , cán bộ đảng !!!!!"
Nhìn trẻ em VN đi học mà tội cho chúng quá , Ban Giám hiệu các trường " vô tư' đưa ra mọi kiểu để hành hạ các em , các em quần quật tự sáng sớm đến tối đêm , không có ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa. Mục đích chính của các nhà giáo dục nước ta là " bày chuyện để kiếm thêm TIỀN ", ngay cả đồng phục , đồ thể thao cũng ăn chia với nhà cung cấp.Bày ra trường chuyên , trường giỏi thì mới thêm đút lót v.v.... họ đang cố chứng minh họ cũng bẩn thỉu như các ngành khác vây sao ?
Ra nước ngòai thấy các trẻ em sống ở các nước văn minh mà tủi hổ cho VN quá , họ học như đi chơi , đi chơi mà học thật .Nhẹ nhàng thế ,nhưng vào Đai học thì hơn hẳn sinh viên ta , nhất là cấp trên cử nhân, kỹ sư , các sinh viên Việt đa số hoàn toàn đuối , mất hẳn tư duy độc lập, suy nghĩ rất kém chứ không như báo đài VN phét lác về 1 vài trường hợp cá biệt đâu.
Hy vọng thay đổi ? không có trong chế độ này , vì nó không còn là hiện tượng mà đã trở thành bản chất chế độ . Ngành GD chỉ là 1 ngành trong mắc xích chính quyền chuyên chính, khi cả bộ máy băng hoại hư hỏng thì 1 bộ phận làm sao chạy tốt được ? Thí dụ điển hình , gần đây có người yêu cầu PTT Thiện Nhân xóa bỏ " hệ tại chức " vì chỉ đào tạo ra 1 lớp người " có bằng cấp mà không có kiến thức gì " Ông Nhân đã trả lời rõ ràng trên báo : " Không làm được đâu, vì đụng đến "nồi cơm " của các trường " . 1 nền giáo dục mà chỉ có " nồi cơm " chỉ đạo, chi phối thì còn thuốc nào chữa đây?
Nhìn trẻ em VN đi học mà tội cho chúng quá , Ban Giám hiệu các trường " vô tư' đưa ra mọi kiểu để hành hạ các em , các em quần quật tự sáng sớm đến tối đêm , không có ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa. Mục đích chính của các nhà giáo dục nước ta là " bày chuyện để kiếm thêm TIỀN ", ngay cả đồng phục , đồ thể thao cũng ăn chia với nhà cung cấp.Bày ra trường chuyên , trường giỏi thì mới thêm đút lót v.v.... họ đang cố chứng minh họ cũng bẩn thỉu như các ngành khác vây sao ?
Ra nước ngòai thấy các trẻ em sống ở các nước văn minh mà tủi hổ cho VN quá , họ học như đi chơi , đi chơi mà học thật .Nhẹ nhàng thế ,nhưng vào Đai học thì hơn hẳn sinh viên ta , nhất là cấp trên cử nhân, kỹ sư , các sinh viên Việt đa số hoàn toàn đuối , mất hẳn tư duy độc lập, suy nghĩ rất kém chứ không như báo đài VN phét lác về 1 vài trường hợp cá biệt đâu.
Hy vọng thay đổi ? không có trong chế độ này , vì nó không còn là hiện tượng mà đã trở thành bản chất chế độ . Ngành GD chỉ là 1 ngành trong mắc xích chính quyền chuyên chính, khi cả bộ máy băng hoại hư hỏng thì 1 bộ phận làm sao chạy tốt được ? Thí dụ điển hình , gần đây có người yêu cầu PTT Thiện Nhân xóa bỏ " hệ tại chức " vì chỉ đào tạo ra 1 lớp người " có bằng cấp mà không có kiến thức gì " Ông Nhân đã trả lời rõ ràng trên báo : " Không làm được đâu, vì đụng đến "nồi cơm " của các trường " . 1 nền giáo dục mà chỉ có " nồi cơm " chỉ đạo, chi phối thì còn thuốc nào chữa đây?
.
.
.
No comments:
Post a Comment