Thursday, October 13, 2011

TỪ ĐỊA NGỤC TỚI THIÊN ĐƯỜNG . . . [kỳ 6] (Trần Khải Thanh Thủy)


Trần Khải Thanh Thủy
Wednesday, October 12, 2011 6:50:29 PM

LTS: Bà Trần Khải Thanh Thủy, 51 tuổi, bị nhà cầm quyền Hà Nội dàn dựng một vụ “hành hung” (ngày 8 tháng 10, 2009) biến nạn nhân thành tội phạm để kết án án tù 3 năm rưỡi. Mục đích là để trả thù những loạt bài viết, ký sự xã hội, thời sự Việt Nam mà bà gửi đăng hay xuất bản ở nước ngoài.
Nhờ sự can thiệp ráo riết của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà đã được trả tự do sau 21 tháng ở tù, và được đưa thẳng từ nhà tù Thanh Hóa ra phi trường sang định cư tị nạn tại Mỹ ngày 23 tháng 6, 2011.
Dưới đây là hồi ký của bà TKTT chung quanh chuyện bà bị bắt bỏ tù.
--------------------------

TỪ ĐỊA NGỤC TỚI THIÊN ĐƯỜNG . . .

(Kỳ 6)
Thò tay ra ngoài cửa sắt, nhận năm gói sữa không đường, biết anh đã được thả, tôi thở phào một hơi nhẹ nhõm...

Thế là sau năm ngày tù tội, cả ở đồn công an phường, cả ở trại tạm giam, anh đã được về với con. Hai bố con nương tựa, săn sóc nhau những ngày tôi “đi vắng” cũng đỡ. Giờ chỉ còn tôi ở lại đối phó với lũ chó săn, chó ác của đảng... Lại là quãng thời gian trôi chậm rì, chậm rịt trong tù. Suốt ngày chỉ biết “khóc, cười, thủ thỉ, đếm thời gian trôi” - một sự im lặng rợn người, một sự tù mù quái đản vây bọc 24 trên 24 giờ, một cõi bất tri thăm thẳm khôn cùng, hệt như huyệt mộ, không bút nào tả nổi và cũng không biết bao giờ mới chấm dứt?...

Dúi chai nước lạnh vào tay tôi, thị Tuyết giả lả:
- Chị Thủy uống nước đi, có muốn “giải quyết nỗi buồn” thì cứ nói, tôi sẽ nói tài xế dừng lại, đưa chị đi.
Ðưa tay đỡ chai nước, tôi tu một ngụm dài, hơi nước lạnh làm tôi tỉnh táo, có lẽ 21 tháng rồi tôi mới lại được hưởng thụ “nền văn minh thế giới” như thế này... Tự do quả là tuyệt vời.
Trong tiếng bánh xe rào rạo miết lên mặt đường, trong sự lâng lâng thú vị vì được tự do, tôi tiếp tục những dòng hồi ức tươi rói của mình...

Chồng về rồi, sáu ngày còn lại, ngày nào tên Nguyễn Hùng Tuấn cũng giở trò ngon ngọt, dỗ dành tôi:
-Gớm, sao chị nóng tính thế, cánh đàn ông người ta va chạm là chuyện bình thường, sao không can ngăn còn chửi họ để đến nỗi bị thương như thế này... Thôi cứ làm bản kiểm điểm rồi cam kết không tái phạm, chúng tôi sẽ thả chị về sau chín ngày.
-Ðâu có.
Tôi gắng gượng trả lời, vì tình trạng sức khỏe xuống cấp trầm trọng của mình:
-Tôi can ngăn hô hoán, la lối để giải cứu cho chồng tôi mãi không được thì tôi cũng phải có trách nhiệm tiếp tay với chồng tôi chứ. Dù có là con chó trong nhà thì khi chủ bị tấn công nó cũng phải chạy ra bảo vệ chủ, huống hồ vợ chồng đầu gối má kề bao nhiêu năm... Hơn nữa từ bé tôi đã biết nói tục chửi bậy bao giờ đâu mà bảo tôi chửi họ. Chúng nó cố tình tấn công hai vợ chồng tôi thì có.

Không nản, hắn tiếp tục bài bản quen thuộc :
-Chiều nay công tố viên của Viện Kiểm Sát sẽ vào ký lệnh thả chị ra, chị tường trình lại sự việc đi, nhớ là cả hai bên đều va chạm nhau, chứ không phải chỉ mình chị bị thiệt hại.
-Sự việc chỉ đơn giản có thế. Còn bắt tôi phải tường trình, tường thuật đến bao giờ? Rõ ràng là chúng nó vô cớ đánh chồng tôi? Làm sao có thể đổi trắng thay đen được... viết đi viết lại một sự việc tôi mệt lắm rồi
-Thì người ta cũng làm đơn kiện vì bị chồng chị đánh kia kìa. Nếu chị ngại không viết nữa thì để chúng tôi cho chị về nghỉ, chiều hoặc mai làm tiếp, làm đến bao giờ chị nhớ lại sự việc và có ý hối cải về hành động nóng nảy của mình mới thôi
- Ôi, quả là công an... nhăn răng, cứ nhai đi nhai lại như chó nhai giẻ rách...
Giữa lúc tôi còn đang phân vân, do dự, nửa muốn phá đám, trây ì, nửa muốn buông xuôi, hắn lại bồi tiếp:
-Chị yên tâm, luật sư đang làm đơn bảo lãnh cho chị, khi nào luật sư vào chị sẽ được về.

Quả thật chưa bao giờ tôi thấy mình ngây ngô đến thế, bình thường sắc sảo, linh hoạt bao nhiêu thì trong suốt những ngày thiếu vắng ý thức do vết thương ở đầu, chấn thương ở tim, tôi chẳng hiểu ý đồ chúng muốn gì? Muốn thả tôi ra, bắt gia đình tên Nguyễn Mạnh Ðiệp phải bồi thường cho tôi, hay ngược lại: Tôi là kẻ nóng tính, cần phải nhận lỗi trước, sau đó sẽ hòa giải dân sự sau. Tuy nhiên số tiền mà gia đình tôi đền bù sẽ lớn hơn vì chồng tôi đả thương hai tên khá mạnh. “Chắc là buổi tối nên chị không nhìn rõ, chứ anh ấy là giáo viên thể dục, chắc cũng phải biết chút võ để phòng bị chứ, làm sao không tấn công lại được, chả lẽ chịu đứng nhìn chúng nó hành hung mình à? v.v và v.v...”

Chính sơ suất chết người này đã giúp chúng tự tung tự tác trên những trang hồ sơ trọng án của tôi. Ngay cả một điều đơn giản là thằng Nguyễn Mạnh Ðiệp có bị thương hay không, tôi cũng không dám quả quyết, bởi lời khai của tôi luôn luôn bị coi là không chính xác, không thành khẩn nhận tội. Dù chúng đã bắt tôi viết bản tường trình hết lần này lần khác, song chưa khi nào vừa ý chúng... mà một điều quan trọng là nếu tôi muốn được thả về để bồi thường dân sự thì phải viết theo ý chúng.

Ngày thứ 9, trong lúc mong được về nhất cũng là lúc ý thức le lói trở lại. Giữa ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn từ ngoài sân hắt vào, trong thăm thẳm mịt mù của ý thức bị bỏ quên, tôi chợt nhận ra gương mặt lạnh lùng khả ố cùng lời đe dọa độc địa của thằng Nguyễn Mạnh Ðiệp:
-Ð.M. mày, ngày mai tao sẽ cho mày một mũi siđa, cho mày nhiễm HIV chết con mẹ mày đi!
Thế có nghĩa là nó không làm sao cả, làm gì có chuyện hai vợ chồng tôi đánh nó bị thương như công an nói, dù là nhẹ? Trời ơi! Sao tôi có thể lầm lẫn đến thế được ? Cho dù có được về ngay trong ngày hôm nay, khi đã hết 3 lệnh tạm giam, tôi cũng phải làm sáng tỏ điều này. Không thể để lũ công an giở trò bịp bợp như đã từng bịp bợp tôi trong suốt 8 ngày trước đó, trong tình trạng choáng váng, kém minh mẫn nữa? Từ dưới rãnh, tôi ngồi bật dạy và cứ thế ôm đầu chờ trời sáng, trong khi lũ bạn tù đang ngủ ngon lành trên sàn, những giấc ngủ sâu, đằm, vô tư như không có chuyện gì xảy ra.

Vừa đặt mình xuống ghế trong phòng hỏi cung, trước mặt là tập hồ sơ dày cộp và gương mặt lì lợm, no đủ của điều tra viên Nguyễn Hùng Tuấn, tôi bật luôn:
-Thằng Ðiệp không làm sao cả, các người đừng có lừa tôi.
-Ðâu có.
Tên Tuấn làm ra bộ ngạc nhiên:
-Chắc chị nhớ nhầm đấy thôi, anh ấy cũng bị nặng như chị vậy.
-Tôi nhắc lại, không có ai bị thương cả, trừ tôi. Vết máu mà các người thấy trên nền nhà và cửa ra vào là của tôi dính vào. Chính các người phải chịu trách nhiệm về vết thương này.
Bị bật quá mạnh, quên hết vai trò của điều tra viên, tên Tuấn đỏ mặt tía tai, đập bàn quát tháo:
-Ăn nói cho cẩn thận, đây không phải là cái chợ.

Nhận rõ bộ mặt đểu giả của lũ công an, lợi dụng lúc tôi bị choáng, tê liệt mọi cảm xúc, không phân biệt được thật, giả, đúng, sai, ngoài ước muốn được về nhà bên chồng con, chúng đã gài bẫy để một lần nữa đưa tôi vào tròng...

Tuy tôi cương quyết không nhận tội, nhưng sự phân vân, lơ đãng, chán ngán, tuyệt vọng của tôi đã không ra ngoài cặp mắt cú vọ của chúng. Vì vậy ngay từ khi tôi yêu cầu chúng phải hủy bỏ toàn bộ lời khai trong 8 ngày làm việc trước đó, chỉ làm việc khi có luật sư của tôi, ngay lập tức chúng giở mặt. Một mặt niêm phong chặt hồ sơ, mặt khác tống tôi vào hỏa lò khi lệnh tạm giam vừa chấm dứt. Dù trên thực tế những trường hợp đi ngay như vậy là khá hiếm, chỉ có tù đặc biệt nguy hiểm hoặc không “xơ múi” được chúng mới tống đi cho khuất mắt, còn đa phần tù nhân ý thức được là ở trại dù sao cũng đỡ hơn Hỏa Lò về mọi mặt, từ tiếp tế, ăn uống, tắm giặt, vệ sinh, chỗ ở, v.v... nên tìm cách lo lót, dúi tiền để được ở lại. Người ít nhất cũng hai, ba tuần, nhiều là hai, ba tháng.

(Còn tiếp)

.
.
.

No comments: