Mai Hoàng/Viễn Đông (ghi lại)
(VienDongDaily.Com - 05/08/2011)
Công chúa Mỵ Nương đang đánh trống đồng Ngọc Lũ - ảnh: tài liệu của Trần Thị Lai Hồng.
http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/VanNghe/NgheThuatTaoHinh/Hinh-4-LaiHongTrungDu1.jpg
Mặc dù đã “nói chuyện” dăm ba lần qua e-mail, lần đầu tiên tôi được thấy mặt bà Trần thị Lai Hồng là vài tuần trước, khi bà “đăng đàn” nói chuyện về hành trình chiếc áo dài Việt Nam. Hãy hình dung một “bà cụ” trên 70 nhưng trông vẫn còn trẻ trong chiếc áo dài lụa tơ tằm màu trắng tinh khiết choàng trên tấm thân gầy gò, và mái tóc lấm tấm hoa râm. Hãy hình dung một dáng điệu nhanh nhẹn tự tin nhưng không kém phần dè dặt khi muốn nói về mình hay những công trình của mình. Đó là hình ảnh của nhà vẽ, nhà văn thơ, nhà giáo Trần Thị Lai Hồng.
Cuối tuần này, chính xác là ngày mai Thứ Bảy, 6 tháng 8, năm 2011, bà Lai Hồng cùng Viện Việt Học tổ chức một show trình diễn độc nhất vô nhị có chủ đề “Hành Trình về Đất Mẹ qua Y Phục Phụ Nữ” từ 7 giờ tới 10:30 tối tại rạp hát quen thuộc Saigon Performing Arts.
Các giai đoạn lịch sử của quê hương Việt Nam sẽ được diễn ra qua các hoạt cảnh do hằng trăm “diễn viên” mặc trang phục của những thời kỳ lịch sử ấy:
- Công chúa Mỵ Nương và trống đồng Ngọc Lũ
- Hai Bà Trưng và thời Áo Xống
- Phụ Nữ và Văn Học: từ Đoàn Thị Điểm đến Hồ Xuân Hương
- Phụ Nữ và Thời Thế: từ Sương Nguyệt Anh đến Phan Thị Bạch Vân
- Tái tạo áo dài Le Mur
- Và độc đáo nhất: lời kêu gọi xóa bỏ dấu vết nô lệ Tàu bằng cách may và mặc áo dài cài bên trái.
* Trần thị Lai Hồng là ai?
Cái tên Lai Hồng, được đặt bởi ông nội là một nhà nho, có nghĩa là con chim Hồng bay trở lại, theo bộ điểu cũng như tất cả tên của các chị em bà, chứ không phải là hoa hồng đã tới, như trước giờ tôi vẫn nghĩ.
Trần thị Lai Hồng bên khúc “Sắc Lụa” Art on Silk - ảnh: tài liệu của Trần Thị Lai Hồng.
Theo bản tiểu sử (đã tóm gọn) đăng trên web site “gio-o.com” thì:
“Dạy học, viết văn, làm thơ, Trần thị Lai Hồng cộng tác với nhiều báo hải ngoại trên giấy cũng như trên mạng lưới, đồng thời tiếp tục đi xa hơn trên đường nghệ thuật vẽ và nhuộm lụa đã bắt đầu từ hồi còn ở quê nhà. Lập phòng vẽ Sắc Lụa Art on Silk năm 1992, Trần thị Lai Hồng được mời trưng bày áo dài lụa vẽ tại viện bảo tàng Wing Luke Museum, Seattle, Washington. Bà là người đầu tiên vinh danh y phục phụ nữ Việt Nam tại bảo tàng viện hải ngoại. Cho đến nay, đã có trên ba mươi lần trình diễn riêng lụa vẽ tại Hoa Kỳ, Đức và Canada. Đặc biệt có chương trình Y Phục Phụ Nữ Việt Nam Xưa và Nay, từ thời Hùng Vương đến hiện đại, do chính bà vẽ và thực hiện trên lụa”.
Những điều ghi trong bản tiểu sử này chưa nói lên được hết niềm đam mê tha thiết của Lai Hồng đối với chiếc áo dài thân thương của phụ nữ Việt Nam. Phải nói chuyện với bà và xem gần hết những chiếc áo dài bà đã vẽ cũng như những bộ trang phục cổ mà bà đã nghiên cứu để chế tạo ra thì mới thấy được “nỗi niềm” của Trần thị Lai Hồng.
* Mỵ Nương và trống đồng Ngọc Lũ
* Mỵ Nương và trống đồng Ngọc Lũ
Để hiểu rõ màn hoạt cảnh này, phải đọc những gì Lai Hồng đã viết về trống đồng Đông Sơn mà trống Ngọc Lũ là chiếc trống đẹp và có hoa văn rõ ràng nhất:
“Thế giới phát hiện nền văn minh Đông Sơn, bao gồm ngót 300 trống đồng trải dài từ Vân Nam bên Tàu qua tận Cao nguyên miền Trung Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á, như Miên, Lào, Thái, qua tận Mã Lai, Indonesia.
Riêng Việt Nam chiếm ngót 200 trống đồng, hầu hết là những chiếc có hoa văn đẹp nhất, chi tiết nhất, ghi khắc rõ ràng tín ngưỡng thờ Mặt Trời, cùng những sinh hoạt nhân gian, múa hát với nhạc cụ, cảnh săn bắn hái lượm, giã gạo, súc vật như hươu nai gà chim, cảnh chiến thuyền đuổi giặc... với cách ăn mặc của người thời Hùng Vương. Đặc biệt phải kể cả chữ khoa đẩu nòng nọc, ghi trên trống đồng Bắc Sơn, mà cho đến nay trên thế giới chỉ có khoảng mươi người đọc được.
Mỗi trống đồng xưa sau khi đúc xong, đều do Mị Nương tức là con gái Vua Hùng, khai trương và đích thân đánh trống, làm lễ khánh thành, gọi sấm cầu mưa, cầu mùa, khai trương lễ hội… Về sau này, khi hết thời Hùng Vương, các Lạc hầu Lạc tướng đều dùng trống đồng, và quyền uy mỗi người căn cứ trên số trống đồng sở hữu. Hai Bà Trưng ra trận dùng trống đồng thúc quân. Bất cứ người ngoại quốc nào, nhìn thấy trống đồng, đều biết ngay về văn minh Đông Sơn. Trống đồng, tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn. Trống đồng, niềm kiêu hãnh của người Việt. Không có lý do nào để người Việt không hãnh diện về nền văn minh xưa của Việt Nam”.
Hoạt nhạc cảnh Trống Nhạc Lễ “Mỵ Nương và Trống Đồng” có Mỵ Nương khai trương và đánh trống đồng Ngọc Lũ, cùng các nam vũ công múa tàu cau, y hệt hoa văn quang cảnh khắc trên mặt trống đồng, và nữ vũ công cầm các mặt trống Đông Sơn vẽ trên lụa. Những bộ trang phục này do chính Sắc Lụa Art on Silk của Trần thị Lai Hồng thực hiện. Bản nhạc dùng trình diễn là Trống Nhạc lễ, do Trần Văn Khê, Trần Quang Hải và Trần thị Thúy Ngọc trình tấu.
* Hai Bà Trưng và thời Áo Xống
Ba bộ “Áo Xống” (áo và váy) do Trần thị Lai Hồng vẽ kiểu dựa trên hoa văn trống đồng và cán dao: từ trái sang phải, bộ áo xống của phụ nữ Mường, bộ áo xống của Hai Bà Trưng, bộ áo xống của công chúa Mỵ Nương có kèm theo khăm trùm đầu - ảnh: tài liệu của Trần Thị Lai Hồng.
Trích văn của Trần Thị Lai Hồng:
“Vấn đề nêu ra, là trang phục của Hai Bà Trưng. Tuy sử sách ta cũng như Tàu không hình ảnh để lại, nhưng đều ghi rõ cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc. Hai Bà khởi nghĩa vào năm 39 sau Tây lịch, đánh đuổi Thái thú Tô Định, giành lại độc lập cho quê hương. Cả hai cùng lên ngôi vua, lấy hiệu Trưng Nữ Vương, trị vì từ năm 40 đến năm 43, thì bị Nhà Hán bên Tàu cử lão tướng Mã Viện sang đánh bại.
Thời điểm này là vào thế kỷ thứ nhất. Tất cả thế giới, từ Tây sang Đông, đàn ông cũng như đàn bà đều mặc váy, vì chưa phát minh ra chiếc quần. Mãi đến thế kỷ thứ ba sau Thiên Chúa loài người mới sáng chế chiếc quần, và chỉ dân vùng đồng hoang cỏ dại cỡi ngựa chăn nuôi săn bắn mới dùng. Khi xuất hiện dưới thời Gaulois bên Pháp, quần chỉ phổ biến trong giới bình dân. Chiếc quần qua Cổ Ba Tư vào thế kỷ thứ VI, lan sang Hy Lạp, La Mã, qua Trung Á, lên Mông Cổ, Mãn Châu, xuống Tàu vào thế kỷ XVII rồi vào Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam vẫn mặc xống váy, đặc biệt ở Đàng Ngoài, cho đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh thế kỷ XVIII, đàn bà Đàng Trong mới bắt đầu bỏ chiếc váy để mặc quần cùng áo dài, dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, và cụm từ áo quần xuất phát vào thời điểm này.
Thế kỷ thứ nhất, y phục Hai Bà Trưng tất nhiên là y phục xưa còn rõ nét khắc trên cán dao, lưỡi rìu, tượng đồng, và hoa văn trống đồng, gồm yếm, áo bên trong tròng đầu hoặc xẻ phía trước, ngắn ngang hông hoặc có hai vạt dài, áo khoác ngắn bên ngoài, mặc váy quấn hoặc váy chui, buộc thắt lưng có bản thòng dài che cả phía trước và phía sau, đeo kiếm, đầu quấn khăn gắn lông chim, bông lau hoặc tàu cau, lá cây, chân quấn xà cạp, mang dép giản dị. Hai Bà Trưng mặc váy, vì vào thời điểm đó, thế kỷ thứ nhất, chiếc quần chưa ra đời”.
Trần thị Lai Hồng đã dựa vào những hình ảnh khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ và cổ vật cán dao Làng Vạc để vẽ kiểu bộ áo và xống váy của Hai Bà Trưng trong hoạt cảnh này, thay cho bộ áo quần chúng ta vẫn thấy các cô hoa hậu mặc trong những buổi lễ tưởng niệm Hai Bà Trưng tổ chức hằng năm.
* Áo dài cài bên trái
Bà Trần thị Lai Hồng trong buổi nói chuyện về áo dài phụ nữ Việt Nam. Trên tường là áo ngũ thân và áo dài tân thời cài bên trái - ảnh: Mai Hoàng/Viễn Đông
Trích văn Trần thị Lai Hồng:
“Nhìn quanh thế giới, từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc, như có một luật lệ ngầm không văn bản không ký kết, nhưng loài người cùng tôn trọng: đàn ông mặc áo cài bên phải, đàn bà cài qua trái. Duy chỉ có người Tàu, đàn ông đàn bà nhất loạt áo cài qua bên phải.
Những tài liệu tiền nhân để lại cho thấy người Việt luôn luôn cố gắng phấn đấu, không những bảo tồn từng tấc đất giang sơn, mà còn gìn giữ căn bản văn hóa dân tộc, trong số, phải kể đến chiếc áo dài phụ nữ. Sử sách ghi chép rằng người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo cài bên trái. Chỉ từ khi bị người Tàu xâm chiếm đô hộ, ta bị buộc đồng hóa, phải dùng kiểu Tàu: áo cài bên phải.
Đặc biệt sách Luận Ngữ ghi chép những nhận định của Đức Khổng Tử, bản dịch của Đoàn Trung Còn, và Sử Ký Tư Mã Thiên, Sử Trung Quốc, bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê, đều có nhắc lời Đức Khổng Tử khen Quản Trọng. Sách Luận Ngữ do Đoàn Trung Còn dịch, chương 14 về Hiến Văn, trang 222, ghi lời Đức Khổng Tử khi luận về các công thần tài trí hơn người, đã nói ‘Vi Quản Trọng ngô kỳ bị phát tả nhậm hỉ’. Nghĩa là nếu không có Quản Trọng thì ngày nay ta – tức là người Tàu phương Nam, trong số có Khổng Tử quê nước Lỗ ở phương Nam – phải cắt tóc, mặc áo cài bên trái vậy (tức là Khổng Tử nói rõ xưa kia, giống Bách Việt ở phương Nam - trong đó có người Việt Nam- cài áo bên trái. Chỉ sau khi bị người phương Bắc đô hộ, ta mới cài áo bên phải).
Nhưng, lại vẫn chữ nhưng quan trọng này, ta thoát ách đô hộ Tàu cả nghìn năm trước, và nay đã là một quốc gia hoàn toàn độc lập, không có lý do giữ lại dấu vết nô lệ lạc lõng giữa phụ nữ thế giới với quy luật y phục chung cho toàn cầu, là áo phụ nữ cài qua bên trái. Áo dài phụ nữ cài bên trái, lý tình đều thuận hợp”.
Trần thị Lai Hồng chắc chắn sẽ cho chúng ta xem những chiếc áo dài cài bên trái. Chẳng những vậy bà và các bạn đã công bố một cuộc thi may áo dài cài bên trái với giải thưởng 500 Mỹ kim. Một chị tên Kiều Nhi, chuyên may áo dài, đã may ngay một áo dài cài bên trái, cho biết: “Cài bên trái rất thuận tiện và dễ dàng cho đa số chúng ta là người thuận tay mặt, thành thử áo dài cài bên trái rất là có lý”.
* Những tiết mục khác
Không thể kể hết những tiết mục đặc sắc khác của buổi trình diễn “Hành Trình Về Đất Mẹ”. Ngoài những tiết mục kể trên còn có những bài ca hùng sử và dân ca được trình bày bởi ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, các nhóm ca, song ca, Lê Hồng Quang… minh họa bằng những điệu vũ và trang phục truyền thống của dân mình thật đẹp mắt. Và đặc biệt hơn cả, chiếc áo dài Le Mur vang danh của họa sĩ Cát Tường được tái tạo theo mẫu vẽ đăng trên báo Phong Hóa, cách đây gần cả trăm năm. Theo bà Lai Hồng, họa sĩ Cát Tường không những chỉ muốn vẽ kiểu áo làm đẹp cho phụ nữ mà ông còn viết bài đăng trên báo Ngày Nay, Đẹp, xuất bản tại Hà Nội đầu thập niên 1930, hướng dẫn các bà các cô cách ăn mặc, cách cư xử, thể dục, mở mang kiến thức... sao cho xứng danh người phụ nữ thời thế.
Chương trình còn có một số phụ nữ trong văn học như Đoàn thị Điểm, Nguyễn thị Lộ, Bà Huyện Thanh Quan, bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương… cũng như những nhà văn nhà báo nữ tân tiến của miền Nam gần trăm năm trước, đã đi trước thời đại với kiến thức và lòng dũng cảm muốn sống đẹp và thức thời: Nữ sử Đạm Phương, Sương Nguyệt Anh, Phan Thị Bạch Vân... được tượng hình trên sân khấu, nhắc lại một thời đã qua của nước nhà.
Nói tóm lại, “Hành Trình Về Đất Mẹ” là một buổi trình diễn công phu, đầy tâm huyết, rất đáng cho tất cả chúng ta đến xem và nghe. Để lòng còn được dấy lên niềm tự hào được làm con dân đất Việt.
Hành Trình Về Đất Mẹ
Thứ Bảy, 6-8-2011
Saigon Performing Arts Center
16149 Brookhurst St, Fountain Valley
Giá vé 100, 50, 30 Mỹ kim, có bán tại các địa điểm sau đây:
Viện Việt-Học (714) 270-8110 hay email: info@viethoc.com
Tự Lực (714) 531-5290, Tú Quỳnh (714) 531-4284, ZipPost (714) 894-9834, Deluxe Cargo II 9550 Bolsa Ave. #121 West, CA 92683 (714) 531-0599 / (714) 902-4864, XL Gift & DVD (310) 715-6899.
Mai Hoàng/Viễn Đông
.
.
.
No comments:
Post a Comment