Tuesday, October 18, 2011

TỪ ĐỊA NGỤC TỚI THIÊN ĐƯỜNG . . . [kỳ 10] (Trần Khải Thanh Thủy)



Trần Khải Thanh Thủy
Sunday, October 16, 2011 3:50:19 PM

LTS: Bà Trần Khải Thanh Thủy, 51 tuổi, bị nhà cầm quyền Hà Nội dàn dựng một vụ “hành hung” (ngày 8 tháng 10, 2009) biến nạn nhân thành tội phạm để kết án án tù 3 năm rưỡi. Mục đích là để trả thù những loạt bài viết, ký sự xã hội, thời sự Việt nam mà bà gửi đăng hay xuất bản ở nước ngoài.
Nhờ sự can thiệp ráo riết của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà đã được trả tự do sau 21 tháng ở tù, và được đưa thẳng từ nhà tù Thanh Hóa ra phi trường sang định cư tị nạn tại Mỹ ngày 23 tháng 6, 2011.
Dưới đây là hồi ký của bà TKTT chung quanh chuyện bà bị bắt bỏ tù.
--------------------------

TỪ ĐỊA NGỤC TỚI THIÊN ĐƯỜNG . . .



Kỳ 10

II. Thiên đường

Vừa đặt chân lên phi trường San Francisco, thành phố của tự do, nhân quyền, trong óc tôi đã vang lên những lời thơ vui mừng, náo nức:

“Cái dấu chấm cuối cùng tôi biết được
Là thân tôi đã thoát khỏi lao tù
Lại được viết những gì đã có
Bên bạn bè, giữa xứ sở tự do.”

Cuộc đời thật là kỳ diệu, trước đó 21 tháng tù giam, 630 ngày trong cảnh dị biệt, đủ để mình không còn là mình... Gần hai năm với âm thầm và lắng đến tận đáy sâu vực thẳm tâm hồn mình cùng thế tục, đủ để tạo nên nền tảng cho một sự chuyển đổi sâu xa, từ vui sang buồn, từ yêu sang ghét, từ lạc quan tin tưởng, thành âm thầm, chán nản, bao hy vọng thành tuyệt vọng... Ðã tưởng đời mình rơi xuống đáy rồi, chắc gì 630 ngày nữa nó sẽ mở ra? Như trường hợp bloger Ðiếu Cày, nhốt hết thời hạn 30 tháng rồi, phải được thả, nào ngờ cánh cửa tù lại âm thầm đóng lại và đóng mạnh hơn đến mức gần một năm sau gia đình không hề biết tin tức anh, ngoại trừ một cánh tay bị mất? Ðúng là tính chất trớ trêu, nực cười của đời người trong ngôi nhà xã hội chủ nghĩa. Dù bị thế giới bỉ bai, cả tỷ người trên trái đất coi thường, chúng vẫn coi số phận con người như một trò chơi, một trò đùa, một vở kịch, đầy ác ý, tùy thuộc vào quyền lực và tính chất thất thường của lũ chó ác.

May mắn thay, cái ác đã phải dừng lại, dẫu không phải là chịu thua cái thiện thì chí ít chúng đã phải nhượng bộ để tôi ra khỏi cổng nhà tù, khỏi mảnh đất, ít người lắm công an này, và bây giờ sau gần 30 giờ bay tôi đã có mặt tại nước Mỹ... Một nhân viên da đen trong phi trường, sau khi xem giấy tờ của tôi do Christian đưa, ngắm nhìn hai mẹ con đầy chăm chú rồi nhoẻn cười, nháy mắt hỏi:
- Ở Việt Nam mẹ mày làm thơ hả?
Con gái tôi vui vẻ trả lời:
- Ok, that is right!
Giơ ngón tay cái ra trước mặt, nhân viên này lộ vẻ hài hước:
- Tao biết, tao biết, tốt lắm, tao đã nhìn thấy mẹ mày một lần trên ti vi.

Bước ra khỏi phi trường đã có hai nhân viên của một tổ chức thiện nguyện của Mỹ chờ sẵn, Christian vui vẻ trao giấy tờ của tôi cho họ rồi dặn dò, trao đổi, bắt tay hai mẹ con tôi, và nhờ họ bấm một bức ảnh kỷ niệm sau một chuyến đi dài từ địa ngục cộng sản sang thiên đường nước Mỹ. Một chuyến đi đầy ấn tượng, không phải đơn thuần là sự di chuyển mà thực sự là một cuộc vật lộn giữa sống và chết, giữa ngục tù và tự do, giữa ánh sáng chân lý và bóng tối độc tài.

Bắt tay Christian, tôi lắp bắp lặp đi lặp lại câu nói:
- Cảm ơn Christian, cám ơn nước Mỹ! Nước Mỹ đã sinh ra tôi lần thứ hai lại còn giang rộng bàn tay ra cưu mang hai mẹ con tôi nữa, tôi chưa biết làm gì để trả ơn nước Mỹ, nhưng sẽ ghi sâu trong tim hình ảnh nước Mỹ suốt đời. Với tôi nước Mỹ chính là biểu tượng của lòng nhân ái, bao dung, cao thượng và chở che.

Xe nổ máy lao vụt đi, để lại bóng Christian cao to lồng lộng liên tục vẫy tay ở đằng sau:
- Ði nhé, đi nhé, tạm biệt, hẹn gặp lại sau... Christian nói bập bẹ bằng tiếng Việt.

Xe lao nhanh trên đường với tốc độ khoảng 60-70 dặm một giờ... hai bên đường những hàng cây xanh nối nhau chạy dài tít tắp... không một làn bụi hay khói xăng. Chút nắng, nóng nhờ có bóng cây xanh tỏa xuống cũng dịu mát chứ không gắt lên như ở Hà Nội mà tôi đã từng biết: “Phố không cây, mây lẫn khói xăng chiều”.

Hai đêm liền trên máy bay tôi không hề chợp mắt nhưng không có cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ, trái lại nước Mỹ đã choán hết mọi suy nghĩ trong tôi. Một nước Mỹ với diện tích rộng thứ 3 trên thế giới, với dân số hơn 300 triệu người, là cường quốc số một thế giới, có cuộc sống vật chất như nhiều người nhận xét: Vượt trội so với Việt Nam cả chục lần. Ðường phố rộng và sạch, 3, 4 làn đường, không hề có bóng dáng cảnh sát mà xe cộ luôn tuân thủ luật giao thông, nên không có cảnh va chạm, chen chúc nhau nhốn nháo như ở Việt Nam...

Biết tôi quan tâm đến vấn đề nước Mỹ, chị Mai nhân viên của tổ chức thiện nguyện nói vui:
- Nói về nước Mỹ thì cả ngày không hết, chỉ xét riêng trong lĩnh vực di dân thôi đã thấy thành công rồi. Bởi nước Mỹ dùng một phần ngân sách để đầu tư vào an sinh xã hội, quỹ trợ cấp cho người nghèo, thất nghiệp, rồi hỗ trợ tài chính cho học sinh nghèo, v.v. Chính những sự trợ cấp ấy đã đóng góp một phần đáng kể trong cuộc sống và tạo ra sự thành công của người di dân tại Mỹ.

- Còn thu nhập cho những người làm công ăn lương thì sao ạ? Tôi tò mò.
- Một ngày đi làm đã có đủ tiền để đi chợ ăn một tuần cho cả gia đình 4 người. Y tế tuy đắt đỏ, nhưng ai đi làm cũng có thể mua bảo hiểm được, thất nghiệp thì xin bảo hiểm của nhà nước. Học hành thì free. Chị trả lời và bổ sung thêm: Thư viện công cộng của nhà nước được trang bị đầy đủ sách vở, máy vi tính để hỗ trợ việc học. Nếu ở Việt Nam, cuộc sống của người dân đa phần là chật vật vì mức lương ít ỏi, ăn không đủ, nói gì đến chi tiêu mua sắm, dành dụm, tích lũy thì ở nước Mỹ là một sự hài lòng, thoải mái...

Xe đi qua một khu vực công viên rộng lớn, có bóng cây xanh, có cầu trượt, bàn ghế để nghỉ ngơi nơi thảm cỏ sạch sẽ... thấy tôi cứ dán mắt vào đó như thể chưa được thấy bao giờ, chị Mai giải thích:
- Ở Mỹ, mỗi khu dân cư đều có một khu vui chơi, thể thao rộng lớn như thế. Mọi người có thể chơi cầu trượt, đánh đu, tennis, bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá, bóng chày miễn phí. Ngoài ra còn có các sân chơi, khu thể thao của các trường phổ thông, đại học trên địa bàn. Tất cả đều mở cho mọi người. (Còn tiếp).
.
.
.

No comments: