Trần Khải Thanh Thủy
Friday, October 14, 2011 7:58:21 PM
LTS: Bà Trần Khải Thanh Thủy, 51 tuổi, bị nhà cầm quyền Hà Nội dàn dựng một vụ “hành hung” (ngày 8 tháng 10, 2009) biến nạn nhân thành tội phạm để kết án án tù 3 năm rưỡi. Mục đích là để trả thù những loạt bài viết, ký sự xã hội, thời sự Việt nam mà bà gửi đăng hay xuất bản ở nước ngoài.
Nhờ sự can thiệp ráo riết của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà đã được trả tự do sau 21 tháng ở tù, và được đưa thẳng từ nhà tù Thanh Hóa ra phi trường sang định cư tị nạn tại Mỹ ngày 23 tháng 6, 2011.
Dưới đây là hồi ký của bà TKTT chung quanh chuyện bà bị bắt bỏ tù.
-----------------------------------
(Kỳ 8)
Bao nhiêu lần nằm ngắm cái chết của mình để tả lại bằng thơ, nào “Lời người dưới mộ”, nào “Thay lời tiễn biệt” rồi “Ðêm định mệnh,” v.v...
Chỉ cần nhớ tới gương mặt của người mẹ hiền, nước mắt của người thân, trong đó có hai đứa con ngây thơ, bé bỏng, tội nghiệp của mình mà kìm lòng để sống, bằng mọi cách phải vượt lên, để còn có ngày Thúy Kiều báo ân, báo oán...
Sống giữa trại tù, nơi mạng người thì rẻ, còn mọi thứ đều đắt câm, đắt ngầm. Một con dao lam phải đổi bằng hai gói ruốc (50 ngàn đồng), một chiếc bút bi có giá bằng một nửa con gà (100 ngàn VND), còn một chiếc bát nhựa để ăn cơm là cả một cây giò kèm mấy bánh lương khô (40 nghìn đồng). Vậy mà, vì tình trạng cơ thể xuống cấp tồi tệ, không thể lê bước từ sàn ngủ xuống nhà mét được, tôi đành phải hy sinh chiếc bát ăn cơm của mình, đặt ngay đầu sàn để tiện cho việc tiểu tiện. Vì nước tiểu ra nhiều, suốt ngày ri rỉ... nên chỉ vừa kịp ngồi xuống, trút ra, mới đứng lên, đã có cảm giác buồn tiểu trở lại... Mặc cả phòng la ó, tôi không còn cách lựa chọn nào khác.
Cũng bởi lý trí đã bị dìm chết trong lượng đường quá mức được phép rồi, tôi chỉ còn là bản năng đơn thuần, ngồi đâu trút đấy, tiện đâu cũng trút, cả ở “đồng bành”, nơi ra gặp cán bộ y tế để chờ khám xét, cũng như “cổng phủ”, nơi ra gặp điều tra viên. Nước tiểu không còn độ mặn, độ khai, mà chỉ còn độ ngọt, đặc quánh, sóng sánh như mật, như đường.
Bao nhiêu lần chết đi sống lại, tôi đã nói lời trăn trối với cả buồng, nắm tay vĩnh biệt trưởng buồng... Cuối cùng lũ chó cũng phải nhượng bộ trước lời kêu gọi thống thiết của gia đình tôi, cũng là những tổ chức hội đoàn yêu nước tại hải ngoại. Tôi không những được nhận thuốc của gia đình gửi vào, còn có cả bác sĩ riêng chăm sóc. Thật đúng là trò bẩn của cộng sản, còn hành được chúng cứ hành, đến khi có sự can thiệp của nước ngoài rồi chúng mới chịu ban phát lòng tốt, sự quan tâm... Trước đó, mặc tôi kêu gào, giãy giụa, lăn lộn, nằm bệt ngay lối đi (phần vì quá mệt không nhấc nổi chân, phần vì phải phản đối để kịp thời có thuốc uống), chúng cứ như điếc, như câm, thậm chí trong những lần cấp cứu, chúng còn mắng sa sả, như thể tôi giả vờ hoặc cố tình ăn vạ chúng vậy...
Như con nghiện đói thuốc đang trong cơn vật vã, giằng co quyết liệt giữa sự sống và cái chết, lại được cung cấp thuốc trở lại, tôi tỉnh ra từng ngày. Kết hợp với đi bộ trong lòng rãnh của buồng giam, mỗi ngày cả chục km (2 tiếng) tôi dần khỏe lại và béo lên trông thấy. Sau hai tháng uống thuốc trở lại, gồm cả thuốc bệnh, thuốc bổ, căn bệnh đau đầu đã chấm dứt, đầu không còn bị ảo giác, tim không nhói đau nữa, cả đại tràng cũng đỡ trông thấy...
Tiếng lạch xạch của máy ảnh, camera ngay bên cạnh làm tôi bừng tỉnh, bỏ rơi dòng hồi ức đang cuộn chảy. Ngồi bên, thị Tuyết vui vẻ bảo:
- Tới Hà Nội rồi, chỉ còn 40 km nữa là tới sân bay, chị Thủy sắp thành người Mỹ rồi.
Ra thế, tôi lẩm bẩm nghĩ, nghĩa là tôi không còn là phản động dưới mắt bọn quản giáo nữa, mà là người tự do, sắp tới xứ tự do nhất thế giới. Chả bù cho những ngày trong trại, cả ba chị em chúng tôi gồm Trần Ngọc Anh, Phạm Thanh Nghiên và tôi... luôn bị lũ cai ngục coi là kẻ thù. Giữa sân chung, trước mắt cả nghìn chị em tù đủ loại, tên cán bộ Hoàn, mặt búng ra sữa, khệnh khạng bảo:
- Các chị đừng tưởng chúng tôi không dám làm gì các chị, chẳng qua chúng tôi coi các chị là giặc nên theo lời bác dạy: “Ðối với địch phải cương quyết khôn khéo”, chúng tôi sẽ tìm biện pháp thích hợp để quản lý các chị.
Cũng chỉ vì câu nói mất dạy của chúng mà tôi nổi khùng. Giữa sân chung, tôi gọi với sang Nghiên hỏi: “Thằng Hoàn coi chị em mình là giặc, để xem nó có dám lập biên bản ‘ba mặt một lời’ để chị em mình ký, gửi ra ngoài, tới đại sứ quán Mỹ không? Thật chưa vỡ bọng chữ đã đòi lên giọng, cứ tưởng con ông kễnh là muốn làm gì cũng được à”?
Sự phản ứng gay gay gắt của tôi, lập tức lọt vao tai con Nguyễn Thị Lưu, một kẻ bị tù chung thân nhưng lại mắc bệnh ôm chân cán bộ. Ngay sau đó tôi bị thị Tuyết gọi lên phòng thi đua lập biên bản về tội “thiếu lễ phép với cán bộ”.
Trước đôi mắt ti hí cú vọ của con Nguyễn Thị Lưu cùng hàng chục chị em tù thường phạm khác - bị cán bộ gọi lên để làm nhân chứng, tôi cãi văng tê, kiên quyết không nhận mình là sai. Tôi bảo:
- “Ðòi dạy người trước tiên phải dạy mình, ăn nói hàm hồ, vô lễ, thiếu hiểu biết như vậy, lẽ ra phải đuổi khỏi ngành, sao còn dung túng thói khốn nạn. Ở đây ai là giặc? Chính những kẻ dâng đất, bán biển cho Tàu cộng, những kẻ ăn trên xương máu người dân, nuốt chửng tương lai dân tộc Việt Nam mới là tội đồ dân tộc, là giặc. Còn những người hiểu biết như ba chị em chúng tôi là người tử tế theo đúng nghĩa của nó.
Bị dồn đến tận chân tường, lúc đầu thị Tuyết ra sức thanh minh: “Anh ấy không nói tên các chị, nên chị không thể nói xấu cán bộ như thế được”, sau giục chán, tôi chẳng buồn ký, thị đành phải nhờ những kẻ ôm chân ký vào, để mặc tôi ra về với cái dáng đẹp nhất là nhìn từ phía... sau lưng của mình (!)
Kim đồng hồ trên xe chỉ vào số 8, sân bay Nội Bài đã hiện ra trước mặt. Vừa ngắm quang cảnh nhộn nhịp quanh khu vực sân bay, tôi vừa chợt nghĩ : “Còi ủ của công an quả là có tác dụng, giữa đường phố đông nghẹt người qua lại, xe bò lổm ngổm như cua như cáy, cái nọ chạm đít vào cái kia, mà chỉ cần còi ủ và hiệu lệnh vang lên là tất cả như những con chiên ngoan đạo lùi sát vào mép đường, nhường chỗ cho xe chở tôi và ‘bầu đàn’ tha hồ phóng.
Trong khi các xe khác sợ bị bắn tốc độ, chỉ dám đi 30, 35 km/h thì xe công an tăng tốc 75 km/h. Nếu không, chặng đường dài hơn 250 km với điều kiện của Việt Nam, đi như bò ra đường, khéo phải 7, 8 tiếng đồng hồ mới tới nơi”.
Bước xuống sân bay, không nhìn thấy gia đình đâu, tôi vội hỏi:
- Sao giờ này nhà tôi chưa tới?
Tên Khải với cái trán bóng nhãy, nhanh miệng trả lời:
- Anh nhà chị hẹn 9 giờ sẽ đưa gia đình lên!
- Trời đất, tôi kêu lên, thiếu mức giãy lên đành đạch: 11 giờ máy bay cất cánh mà 9 giờ mới lên thì còn kịp gặp vào lúc nào? Còn biết bao nhiêu là thủ tục, thời gian? Lẽ ra phải biết đến trước 8 giờ để chờ tôi chứ.
... Không để ý đến thái độ nôn nóng, sốt ruột của tôi, chúng lũ lượt kéo nhau vào phòng chờ của sân bay. Ngoài số công an của bộ, còn xuất hiện thêm cả đám lúc nhúc khác, đứa nào cũng trang bị máy ảnh, camera, chụp liên hồi kỳ trận.
Ðể mặc lũ công an của đảng dòm ngó, soi mói bằng mắt thường, mắt kính, tôi đưa mắt ra ngoài cửa phòng VIP, chờ bóng dáng người thân xuất hiện.
Như có phép lạ, chưa đầy 5 phút sau, cả nhà tôi kéo tới, chồng tôi nói trong hơi thở vội vàng, gấp gáp:
- Họ khống chế 9 giờ mới cho ra khỏi nhà, may quá nhờ Christian Marchant mà anh biết 11 giờ máy bay cất cánh nên quyết định đưa cả nhà đi từ 7 giờ.
Thật hú vía. Nếu không được đại sứ quán Mỹ thông báo thì cả nhà tôi chỉ còn nước đứng nhìn máy bay bay, con tôi chắc chắn chỉ kịp lên máy bay cùng mẹ vào phút chót.
(Còn nữa)
.
.
.
No comments:
Post a Comment