Trần Khải Thanh Thủy
Tuesday, October 11, 2011 6:54:01 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=138366&z=2
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=138366&z=2
LTS: Bà Trần Khải Thanh Thủy, 51 tuổi, bị nhà cầm quyền Hà Nội dàn dựng một vụ “hành hung” (ngày 8 tháng 10, 2009) biến nạn nhân thành tội phạm để kết án án tù 3 năm rưỡi. Mục đích là để trả thù những loạt bài viết, ký sự xã hội, thời sự Việt Nam mà bà gửi đăng hay xuất bản ở nước ngoài.
Nhờ sự can thiệp ráo riết của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà đã được trả tự do sau 21 tháng ở tù, và được đưa thẳng từ nhà tù Thanh Hóa ra phi trường sang định cư tị nạn tại Mỹ ngày 23 tháng 6, 2011.
Dưới đây là hồi ký của bà TKTT chung quanh chuyện bà bị bắt bỏ tù.
-----------------------------
--------------------------
Kỳ 5
Sống trong xã hội cộng sản, nơi đảng trị, công an hành, anh thừa biết điều ấy rồi. Một khi chúng đã xác định trở thành công cụ trong tay đảng thì đảng chỉ thị ra sao chúng chẳng phải nghe, để còn dễ bề tăng lương, lĩnh thưởng.
Ngay đến việc đảng bảo bỏ nghị quyết CP thối hoắc vào nhà tôi, chúng cũng dám làm hết lần này đến lần khác, tổng cộng 14 lần cơ mà? Nếu không có thư của ông Brian Aggeler, tham tán chính trị Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ, Hà Nội (ngày 21 tháng 4 năm 2009) gửi Nguyễn Thanh Sơn, chánh Văn Phòng Nhân Quyền của Bộ Công An, để can thiệp về vấn đề này thì nhà tôi có thoát khỏi cảnh tượng ô nhiễm trầm trọng suốt một thời gian dài mấy tháng trời như vậy không?
Ðứng chờ tôi trước cửa phòng cung, vừa thấy tôi lò dò ra, tên Nguyễn Hùng Tuấn, điều tra viên của quận Ðống Ða, bảo:
-Tạm thời chúng tôi sẽ giữ chị lại để lấy lời khai, còn anh Tân, chúng tôi sẽ thả vào chiều Thứ Hai, sau ba ngày tạm giữ.
Ngay lập tức, tôi bừng tỉnh, dù đầu đang còn đau như búa bổ: Ðây chính là chuyên án lớn nhất chúng dành cho tôi đây. Hôm 7 tháng 10, xử thầy giáo Vũ Hùng, tôi đã kiên quyết đến Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội để theo dõi, ghi chép và chụp hàng chục tấm hình đưa lên mạng toàn cầu, chính thằng Nguyễn Văn Việt ra sức ngăn cản tôi không được, liền bảo:
-Chị thích vào tù à? Ðược thôi, không phải chờ lâu đâu, đừng bảo chúng tôi thấy sai mà không nhắc.
Tưởng chúng chỉ hù dọa cho oai, ai ngờ chúng làm thật. Rõ là bọn chó đẻ, lũ con ngoan trò giỏi của đảng cộng sản Việt Nam khốn nạn và lão Hồ Chí Minh đểu giả.
...Xe đã đi hết đoạn đường xóc tung người, đoạn đường mà hôm bị bắt vào, hai tay bị khóa, tôi chới với ngã từ trên ghế xuống sàn 4,5 lần... tiếng thị Tuyết bên tai cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:
-Ðến đường Hồ Chí Minh rồi, còn khoảng 200 cây số nữa thôi là sẽ tới sân bay Nội Bài.
Mặc những kẻ ăn hiếp dân, mặc áo đảng trò chuyện, tôi tiếp tục dòng hồi ức của mình.
...Chụp ảnh, lăn tay, lấy lời khai xong, chúng cho tù tự giác đưa tôi trở lại buồng. Bữa cơm cũng vừa kịp dọn ra, một bát cơm, một bát rau và hai miếng thịt bèo nhèo, mỏng quẹt. Mệt mỏi chán chường vì đã quá sức chịu đựng, tôi chẳng muốn ăn chút nào, nhưng không ăn thì mẻ cũng chết, huống hồ tôi đã bị bỏ đói hai ngày liền. Cho dù lúc còn ở đồn công an phường, mẹ và em trai tôi mua bánh giò và ngô luộc vào nhưng chúng nhất quyết xô ra, mặc mẹ tôi la hét đến khản cổ, chúng cũng kệ. Chúng nhắc đi nhắc lại như một con vẹt vô cảm, biết nói tiếng người nhưng không có trí óc, trái tim: “Không được vào là không được vào, đồn công an đâu phải là cái chợ.”
Ngồi thụp xuống đất, bên những người bạn tù, bê bát cơm lên, tôi đành chan canh suông, nhắm mắt nuốt. Thịt không dám động đũa vì căn bệnh viêm đại tràng kinh niên, dính tí mỡ là... đi đứt. Cũng may mấy đứa trẻ vừa kịp qua cơn vật đang cần ăn lại bữa để sản sinh hồng cầu, nên gắp tuốt.
Vừa ăn chúng tôi vừa chuyện trò rôm rả. Ngoài chị lớn tuổi nhất sinh 1953, còn lại đều xấp xỉ, hoặc nhỏ hơn tôi cả một thế hệ. Mấy đứa trẻ con ngạc nhiên vì một người trông hiền lành, trí thức như tôi lại vào tù lần thứ hai? Khi biết tôi bị bắt vì lý do hoàn toàn khác, không dính líu gì đến tội “cố ý gây thương tích,” chúng bĩu môi vẻ từng trải: “Ôi chính trị, chính em làm gì? Bọn công an bây giờ “bựa” lắm, không dây được. Công an phường Trung Phụng còn nhầy nhụa, tanh tưởi hơn, chúng nó làm tiền đủ mọi kiểu, hiếp đáp dân bằng mọi cách, miễn sao ra tiền... Như để minh họa, con bé ngửa cổ đọc thơ, giọng cợt nhả:
“Lời nói không mất tiền mua.
Liệu lời mà nói cho... lòi tiền ra,”
Rồi nó kết luận, giọng bà cụ:
-Nói chung phải tránh lũ công an càng xa càng tốt, chúng là người của đảng mà, cô đối đầu với chúng nó làm gì? Dại mặt.
Trò chuyện, chè, thuốc đến khuya, tất cả mới rời khung cửa sắt - khoảng trống duy nhất có ánh sáng, trông ra ngoài sân trại tạm giam - để đi ngủ. Tất cả nằm sàn, cứ ba người được hai vuông chiếu, khoảng hai mét dọc, nửa mét ngang. Một mình tôi được “ưu tiên” nằm rãnh, trên trải một manh chiếu rách, vì vết thương ở đầu do chưa được sơ cứu vẫn rỉ máu, làm bết cả một mảng tóc, gây mùi tanh xóc óc, không ai dám nằm gần.
Vừa mệt, vừa khó chịu vì vết thương ở giữa đỉnh đầu khiến tôi không tài nào nằm ngửa được, cho dù vừa đến trại, tôi đã đề cập với điều tra viên và trưởng trại:
- Cho tôi xin nước ô xy già để rửa và một ít clorôxit dạng bột để bôi lên vết thương...
Chúng ờ, à, rồi vì nghe theo lệnh cấp trên hay lũ chó ác vốn vô cảm, lạnh lùng, cứ lờ đi. Trong suốt cả chín ngày trời tôi ở trại, chúng không thèm đả động gì đến, mặc vết thương tự lành, tự khỏi.
Ở nhà, trên chăn dưới nệm, giờ vào tù chỉ có manh chiếu rách trên sàn xi măng lạnh lẽo, bẩn thỉu... Mệt lử lả, tôi vẫn không sao ngủ được. Hình ảnh mẹ già, con dại, cứ choán kín một góc trong đầu. Cả hai lần vào tù thì hai lần con gái tôi đều phải chứng kiến. Lần thứ nhất cháu mới lên mười, nhìn thấy mẹ bị cả tiểu đoàn công an còng tay đưa về nhà khám xét, lập biên bản, lấy đồ đạc, dẫn ra xe tù, cháu đã khóc hết nước mắt. Dù được bà, được bố chăm sóc, dỗ dành, nhưng đêm nào ngủ cũng phải có chiếc áo của mẹ bên cạnh cho có hơi mẹ mới ngủ được. Còn trong cặp sách lúc nào cũng có ảnh mẹ cho đỡ nhớ. Hễ đứa nào rảu mỏ chê bôi:
-Eo ôi, mẹ mày làm gì mà bị bắt đi tù.
Là sẵn sàng bùng lên như một quả cầu lửa chứa đầy năng lượng:
-Mẹ tao đi tù thật, nhưng còn tử tế hơn mẹ mày.
Bao nhiêu lần bị lũ con trai đánh cho trầy vi, xước vẩy, vẫn giữ nguyên câu trả lời, mách cô chủ nhiệm thì cô cũng ngại dây vào chuyện chính trị, chẳng chịu can thiệp gì. Còn lần này, nhìn cảnh bố bị đánh, mẹ chảy máu đầu, được mời ra đồn công an đến tận sáng chưa về, chắc lại khóc hết nước mắt, khóc đến sáng luôn. Bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ cả học, cho đến khi nào bố về... Tuổi thần tiên mà thành thần sầu, ngán ngẩm thật.
Suốt 9 ngày trời, ngày nào tôi cũng bị hỏi cung hai lần. Trừ buổi chiều đầu tiên được ăn cơm đúng bữa, còn 8 ngày sau, cứ gần đến giờ ăn là chúng xách ra lấy lời khai, trong khi theo quy định của trại một ngày chỉ được ăn hai bữa vào 9 giờ sáng và 3 giờ chiều. Sáng nhịn đói, cứ 8 giờ 30 chúng gọi, 12 giờ thả về, chiều hai rưỡi lại gọi tiếp, 6 giờ cho về... Ðang yên ổn, giờ rơi vào cảnh: “Cơm quá bữa, chợ quá chiều,” tôi không sao nuốt nổi, miếng cơm nguội tanh nguội ngắt cứ chẹn ngang cổ họng. Càng ngày tôi càng rơi vào trạng thái choáng váng, vắng ý thức nhiều hơn...
Chiều Thứ Hai, chồng tôi được thả, sau ba ngày giam giữ vô cớ. Trước đó tôi tranh thủ lúc đi cung về, ngó nghiêng qua chấn song cửa nói vọng vào cho anh biết... thương tôi anh bảo:
-Anh không về đâu, phải có em cùng về, anh mới về. Nếu không anh ở lại đây, để ép chúng nó phải thả cả em ra.
Biết rõ trò bẩn của lũ công an đảng, không bao giờ nhượng bộ một người dân thấp cổ bé họng như anh, tôi gạt đi:
-Anh phải về để còn kịp thời thông báo tình hình cứu em ra khỏi đây, chúng cố tình bắt em để bịt miệng dư luận, nên sẽ không chịu thả em ra đâu...
Cánh tay thô bạo của người tù tự giác lập tức kéo tôi ra khỏi khu vực “cấm” đưa về buồng, bỏ lại cái nhìn thương cảm, xót xa của anh.
Chưa đầy một giờ sau, từ trong buồng giam, tôi nghe mấy tên “vẹm đực” gọi:
-Ai là Trần Khải Thanh Thủy, có quà của gia đình gửi.
(Còn tiếp)
.
.
.
No comments:
Post a Comment